Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Chín mâu thuẫn nội tại của Trump: Dân bầu cho Trump và nước Mỹ có được hưởng lợi?

Chín mâu thuẫn nội tại của Trump: Dân bầu cho Trump và nước Mỹ có được hưởng lợi?

bauxitevnThu 7:05 AM


Trần Đán
Câu hỏi được đặt ra cho năm mới là chế độ Trump sẽ làm được gì cho những người đã tin tưởng ông và bầu cho ông. Câu trả lời nằm ở chỗ: Trump có hóa giải được những mâu thuẫn nội tại sau đây mà chính ông tự trói mình vào, vô tình hay cố ý. Người viết bài vốn không phải là một pundit (chuyên gia) nên đang chờ xem những hành động cụ thể của ông. Hoặc là ông là người mềm dẻo, học hỏi rất nhanh, thì sẽ thành công. Hoặc ông là kẻ ươn ngạnh, khiếm thị, thì sẽ thất bại. 
1) Về thương mại, tiếp tục toàn cầu hóa hay đặt quyền lợi nước Mỹ trên hết? 
Toàn cầu hóa, theo Trump và những kẻ ủng hộ ông, đã mang nhiều thiệt thòi cho dân Mỹ. Cụ thể các công ty Mỹ chuyển công ăn việc làm sản xuất có lương cao sang các nước khác, đa phần là Trung Quốc và Mehico. Vậy cứ việc thay đổi chế độ thuế là sẽ lôi kéo các công ty mang công ăn việc làm về Mỹ? Chưa hẳn. Trào lưu đưa công ăn việc làm sang nước khác có nhiều lý do trong tính toán làm ăn của giới tài phiệt: a) giảm chi phí lao động, b) giảm chi phí vận chuyển khi bán cho các nước nơi sản xuất, c) giảm giá khi bán tại Mỹ (như Walmart) tức kiềm chế lạm phát, và quan trọng không kém mà ít các nhà chính trị muốn công khai đề cập, d) tuân thủ điều kiện của nước sở tại yêu cầu hàng bán tại nước họ phải được đa phần sản xuất tại chỗ. Toàn cầu hóa không phải là bước đi do các nước phương Tây phát triển chủ động riêng mình – một hình thức đế quốc kiểu mới như các nhóm tả khuynh lên án – mà là một sự đổi chác mà các nước chậm phát triển cũng có lợi. Các nước chậm phát triển đem thị trường tiêu thụ của mình để đòi hỏi các nước phát triển phải sản xuất tại chỗ. Trong sự cạnh tranh kinh tế khốc liệt, nước nào là nước dám từ khước một thị trường béo bổ một tỉ dân như Trung Quốc? Nếu Mỹ chỉ muốn sản xuất tại Mỹ thì Trung Quốc hay Mehico có thể trả đũa bằng cách đóng cửa thị trường tiêu thụ của họ. Nền kinh tế thế giới ngày nay đối đầu với vấn đề lớn nhất là tìm nơi tiêu thụ các mặt hàng do họ sản xuất dư thừa, không còn là vấn đề sản xuất khan hiếm. Trong đầu của Trump có vẻ như bài toán chỉ đơn thuần là sản xuất mà không hề tính đến mặt tiêu thụ. Dân chúng bầu cho Trump có sẵng sàn mua hàng với giá cao hơn với đồng lương ít ỏi của họ? 

2) Về quân sự, duy trì vị thế lãnh đạo thế giới hay lui về cố thủ? 
Một mặt, ông tuyên bố Mỹ sẽ không muốn can thiệp vào nội bộ các nước khác, không muốn làm công việc dựng nước (state-building) quá tốn kém, đáng lẽ cứ để Saddam Hussein tại Iraq và Gaddafi tại Libya tồn tại, nhưng mặt khác, ông lại đánh tiếng, nếu Nga muốn đe dọa vị trí nguyên tử độc tôn của Mỹ thì ông sẽ sẵng sàng “chạy đua”. Câu tuyên bố hùng hồn của ông “Nước Mỹ trước hết!” hình như chỉ liên quan đến kinh tế, giảm chi phí quân sự, nhưng rõ ràng ông không nắm được bài học lịch sử là kinh tế và quân sự đi đôi với nhau. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Reagan vận dụng cả sức mạnh kinh tế và quân sự để làm liên bang Xô Viết tan rã. Đối với Trung Quốc là nước mà cơ quan CIA nhận diện là đối thủ đáng gờm nhất của Mỹ trong tương lai, hơn cả ISIS, ở bước đầu Trump đã có những hành động khá mâu thuẫn: Trump hứa khi lên chức sẽ hủy bỏ ngay Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (HĐ) mà chính phủ Obama đã dày công xây đắp trong hơn 10 năm trong chiến lược “xoay trục sang châu Á.”. Tuy Tổng thống Obama không nói ra công khai nhưng HĐ đó là một vũ khí sắc bén nằm trong chiến lược lâu dài và không dùng vũ lực để kiềm chế Trung Quốc. Với HĐ, Obama tìm cách lôi kéo các nước cận Á sát nách Trung Quốc lẫn các nước châu Mỹ La Tinh, nơi Trung Quốc đang dùng vũ khí tài chính lấn sân sau của Mỹ, thành một khối loại trừ Trung Quốc. Điều kiện đáng ngại nhất đối với Trung Quốc là nó bắt buộc các nước thành viên phải ưu tiên mua hàng của nhau. Một nước lệ thuộc kinh tế Trung Quốc như Việt Nam sẽ được dịp thoát khỏi gọng kìm kinh tế Trung Quốc. Hủy bỏ HĐ tức bỏ sân chơi kinh tế cho Trung Quốc tung hoành, như họ làm gần đây với Philippines và Thái Lan bằng cách tăng viện trợ (nhưng với điều kiện mua hàng của Trung Quốc). Trump có nhận ra điều nay hay không, khi ông ta chưa gì đã thách thức Trung Quốc về vụ Đài Loan? Những người bầu cho Trump đòi ông phải lo cho nước Mỹ trước tiên, rút khỏi sân chơi thế giới nhưng đồng thời muốn được thế giới nể phục, thế là có quá viển vông? 
3) Chống di dân hay đón nhận họ? 
Bài toán này có ba vế. Vế thứ nhất là về chống khủng bố. Trump thay đổi chóng mặt về mặt này. Lúc đầu ông muốn lập ra danh sách tất cả người theo đạo Hồi (di dân hay công dân). Bị phản đối quá, ông quay sang hô hào sự ngăn cấm không cho nhập cư dân từ những nước liên quan đến khủng bố. Điều này cũng gặp mâu thuẫn bởi vì đa số được cho nhập là vì từng hợp tác với nước Mỹ. Ta từng nhớ là Mỹ đón nhận hơn hai triệu người Việt Nam là vì họ thuộc phe thân Mỹ. Hơn nữa rất nhiều người đạo Hồi có thân nhân phục vụ trong quân đội Mỹ và hy sinh cho nước Mỹ như cha mẹ của Đại úy Humayun Khan. Họ có cảm thấy bị phản bội? 
Vế thứ hai là về thu hút nhân tài. Sở dĩ Trump muốn giảm di dân, kể cả những người được mời ở lại làm việc tại các công ty kỹ thuật cao qua chương trình H-1B1 visa là vì ông muốn dành các công việc đó cho người Mỹ – đúng ra cho người Mỹ trắng mà đa phần đã bầu cho ông. Nhưng ông đã vấp phải sự kháng cự của các chủ công ty kỹ thuật cao vì di dân đóng góp một phần không nhỏ vào tính cạnh tranh cao của các công ty đó. Còn đối với số di dân cao trong các ngành kỹ thuật thấp như canh nông, y tá, … không biết Trump có biết lý do là người Mỹ trắng không chịu làm những việc đó vì nặng nhọc và trả lương ít? 
Vế thứ ba là về nước Mỹ sẽ đánh mất “bản tính dân tộc”. Nếu nói đến một số báo cáo về dân số cảnh báo là trong vòng 40 năm nữa, dân gốc La Tinh sẽ tăng từ 16% lên 30% dân, có khả năng thay đổi toàn diện đặc tính của nước Mỹ này vốn do người WASP (White Anglo-Saxon Protestant) lập ra, thì quả thật đáng ngại cho các nhóm Da Trắng Trên Hết (White Supremacist). Nhưng Trump có hiểu rằng từ đây dù chính phủ có giới hạn số nhập cư từ các nước Châu Mỹ La Tinh thì chỉ cần số đông gốc La Tinh hiện đã là công dân Mỹ sinh sôi nảy nở với tốc độ cao hơn dân da trắng cũng đủ biến lời cảnh báo thành hiện thực. Có phải dân bầu cho Trump muốn một nước Mỹ thuần chủng nhưng thiếu sức cạnh tranh, ngại làm công việc lao động nặng nhọc? 
4) Giải quyết nạn thất nghiệp trong một xã hội kỹ thuật cao và tự động hóa? 
Với thống kê cho thấy nạn thất nghiệp dưới thời Obama giảm từ 9.0% xuống 4.6% thì đúng hơn, nên nói về nạn “thất nghiệp bán phần” (underemployment). Nhiều dân Mỹ hiện nay có việc làm nhưng là những việc làm dịch vụ lương thấp, phải làm cùng lúc hai, ba việc mới đủ sống. Không biết Trump có hiểu rằng ngoài việc các công ty xuất công ăn việc làm sang những nơi giá lao động rẻ, một nguyên nhân khác của nạn thất nghiệp là sự tự động hóa. Công ty Amazon bắt đầu sử dụng drone để giao hàng, các hãng xe hơi đang tranh nhau chế tạo xe không người lái, v.v. Từ lâu các nhà tương lai học đã cảnh báo về nguy cơ này. Vậy Trump có thể giữ lời hứa tạo công ăn việc làm lương cao cho những người ủng hộ ông mà đa phần là người trình độ học vấn thấp? Giải đáp của bên Dân chủ là miễn học phí đại học cho đa số dân đi học trường công, khuyến khích các trường dạy nghề. Nhưng dân Mỹ đã chọn Trump thay vì Clinton. Đó có phải là một lựa chọn tốt cho chính họ? Hơn nữa, Trump chọn Andrew Puzder, cựu CEO dây chuyền tiệm ăn CKE, làm Bộ trưởng Bộ Lao Động. Ông này nổi tiếng chống lại tăng lương tối thiểu, và cổ vũ thay người bằng robot, hai điểm chẳng có gì lợi cho dân bầu cho Trump. 
5) Làm sao giải quyết hố sâu giữa giàu nghèo? 
Giúp giai tầng nào trước, giai tầng giàu trước với chủ ý gây “nhỏ thông” (trickle-down) xuống các giai tầng khác? Nội các của Trump, trái với lời hô hào “tát đầm, vét ao” của ông khi tranh cử, đa phần là những tỉ phú da trắng mà ra. Liệu họ có khả năng, nếu không nói đến động lực bản năng, chăm lo giới trung lưu và nghèo không? Trump viện cớ vì giàu có, họ sẽ không dễ bị các nhóm đặc lợi thao túng. Nhưng có phải chung nhau lại, nội các của Trump chính nó là một nhóm đặc lợi? Khi còn tranh cử, Trump tố cáo ngân hàng Goldman Sachs là trung tâm của bọn tài phiệt chuyên bóc lột dân lao động. Thắng cử xong, ông đề cử hai nhân viên cao cấp của Goldman Sachs vào hai chức vị trụ cột: Mnuchin làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, và Cohn chủ trì Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Thân cận nhất với Trump là Chiến lược gia Tối cao Brannon đã từng làm việc tại Goldman Sachs trong thập kỉ 80. Dân bầu cho Trump có nghi ngờ điều gì không ổn không? Chưa gì cái mà Trump tự hào là từ khi thắng cử thị trường chứng khoán tăng vọt gần 10% thật ra đã chẳng lợi gì cho đa phần những kẻ bầu cho Trump. Với lương vừa đủ sống thì tiền đâu họ mua cổ phần? 
6) Nới lỏng các luật lệ ràng buộc các công ty, hay bảo vệ môi trường? 
Thông thường các luật lề ràng buộc trong thương mại được các nhà lập pháp thông qua sau khi đã xảy ra biến cố. Luật Sherman chống độc quyền thương mại được thông qua năm 1890 để chống các tập đoàn lớn về vận chuyển, dầu hỏa ăn thông với nhau nâng giá. Luật Dodd-Frank được thông qua sau khi các ngân hàng cho vay vô tội vạ, kéo theo sự suy sụp của thị trường bất động sản. Chính một tổng thống Đảng Cộng hòa là Nixon lập ra Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA để chống nạn các công ty gây ô nhiễm môi trường. Qua thành phần nội các của mình, Trump có vẻ muốn nới lỏng luật ràng buộc các công ty dầu hỏa và ngân hàng – hai loại công ty có lịch sử làm ô nhiễm môi trường nhiều nhất. Người đứng đầu cơ quan EPA do Trump chỉ định Scott Pruitt lại là người không tin vào hiện tượng biến đổi khí hậu. Thay vì qua chính sách thuế và đào tạo nhằm khuyến khích kỹ nghệ xanh như Obama làm, Trump lại muốn quay lùi về kỹ nghệ than đá đã lỗi thời và đầy ô nhiễm. Liệu người dân làm việc trong kỹ nghệ than đá, đa phần bầu cho Trump, có được bảo vệ sức khỏe không? Hay chỉ là các chủ công ty được hưởng lợi? Liệu sẽ xảy ra nhiều hơn các tai nạn như vụ sập hầm mỏ tại Montcoal, West Virginia năm 2010 giết chết 29 thợ mỏ, hay vụ nước uống dính chất chì năm 2014 tại thành phố Flint, Michigan? 
7) Hủy bỏ chương trình y tế Obamare
Có ba vế quan trọng trong Obamacare mà Trump phải thay thế nếu bỏ nó đi. Một là điều luật cấm các hãng bảo hiểm không được từ khước những người vốn bệnh tật trước khi xin gia nhập. Có vẻ như quyền lợi này hấp dẫn đến nỗi một số người kỉ lục xin vào Obamacare trước khi Trump nhậm chức, trong đó chắc hẳn có nhiều người ủng hộ Trump. Vế thứ hai của Obamacare cũng sẽ làm Trump gặp khó khăn là chính phủ có bắt buộc hay không mọi người dân phải có bảo hiểm y tế? Nếu không bắt buộc, thì khi họ bệnh, chính phủ phải lo cho họ như trước đây, và họ sẽ là gánh nặng cho ngân sách. Vế thứ ba của Obamacare là làm tăng cạnh tranh giữa các công ty bảo hiểm, và do đó khiến giá giảm. Điều này chưa thành hiện thực, khiến nhiều người bất mãn. Nhưng không lẽ vì vậy mà loại bỏ hoàn toàn Obamacare? Chưa gì Trump đã phải lùi bước và phải tuyên bố chắc sẽ phải giữ lại một số quyền lợi trụ cột trong Obamacare. Rất trớ trêu khi những người bầu cho Trump một ngày sẽ bị các công ty bảo hiểm từ khước vì mang sẵn bệnh tật. 
8) Áp dụng quan điểm bảo thủ kinh điển trong mọi mặt đời sống, tức chính phủ càng ít can thiệp, càng nhiều tự do cá nhân càng tốt, hay sáng suốt điều hòa? 
Ta cũng biết chung chung thì Đảng Cộng hòa luôn đề cao tự do cá nhân và Đảng Dân Chủ xem vai trò của nhà nước là sáng suốt điều hòa. Trump tự cho mình có lập trường bảo thủ. Vậy thì trước mắt Trump phải đối diện với nhiều vấn đề thách đố lập trường đó. Để các ngân hàng tự do cạnh tranh đưa đến cho vay bất động sản hổn loạn và gây ra Cuộc Suy thoái Kinh tế năm 2008? Đảng Cộng hòa hô hào để cho chúng phá sản và “thị trường” tự điều chỉnh. Tổng thống Obama đã chọn can thiệp và bơm tiền giải cứu (bail out) các ngân hàng, với điều kiện họ phải tuân thủ luật kiểm tra Dodd-Frank. Để các công ty xe hơi lớn nhất của Mỹ như GM, Chrysler phá sản năm 2008? Một lần nữa Đảng Cộng hòa hô hào để chúng phá sản, nhưng chính phủ Obama đã mua lại và làm chủ đến khi phục hồi, cứu 1,5 triệu việc làm. Để phụ nữ tự do định đoạt về phá thai, hay ra luật ngăn cấm? Cho phép các công ty tự do chọn nhân viên từ toàn cầu hay ngăn cấm nhập cư? Cái gì nới lỏng và cái gì siết chặt? Một trong những điều luật mà Trump cũng muốn nới lỏng là điều luật kiểm tra dịch vụ buôn súng. Hiện nay tất cả các tiệm buôn súng đều phải kiểm tra cặn kẽ nhân thân của người mua. Một lỗ hổng lớn của điều luật này là mua bán trên mạng, hoặc ngay tại các hội chợ thì được miễn tuân. Trump hoàn toàn chống lại đề án siết chặt việc buôn bán súng trên mạng hoặc tại hội chợ. Thử hỏi bao nhiêu người bầu cho Trump sẽ trở thành nạn nhân của giết chóc bằng súng đạn do những kẻ loạn trí hay khủng bố? Bao nhiêu người bầu cho Trump sẽ bị mất việc khi công ty phá sản, chẳng khác gì khi Trump không ngần ngại tuyên bố phá sản bốn lần trong cuộc đời làm ăn của ông ta? 
9) Dựa vào khoa học hay tôn giáo? 
Trong khi các nước tiên tiến châu Âu ngày càng xa rời tôn giáo, thì Trump muốn đi ngược lại. Là một nước tiên tiên nhất về khoa học kỹ thuật, theo số giải Nobel đem về được, nhưng nước Mỹ vẫn có một bộ phận không nhỏ lấy tôn giáo để phủ nhận tất cả các tiến bộ khoa học. Trump tuyên bố nghi ngờ biến đổi khí hậu chỉ là một nghi binh của Trung Quốc để làm các nước Tây phương phải tốn kinh phí, mặc dù 194 nước đã ký Thỏa ước Paris năm 2016, và mặc dù NASA và 18 hiệp hội khoa học hàng đầu của Mỹ trưng đầy đủ chứng cứ về tốc độ vô tiền khoáng hậu của độ ấm trái đất và mức biển dâng do khí thải carbon. Ông còn chỉ định bác sĩ Ben Carlson làm Bộ trưởng Bộ Gia cư, một bác sĩ giải phẫu óc từng tuyên bố không tin vào định lý vạn vật biến hóa. Chưa gì các nhà khoa học đang rất ưu tư về ngân sách liên bang dành cho khoa học. Một số khoa học gia theo dõi biến đổi khí hậu đã hô hào cùng nhau “cất giấu” kho tư liệu khổng lồ họ đã dày công thu thập để tránh bị chính phủ Trump xóa bỏ. Về tôn giáo, trong một nước nhiều tôn giáo như nước Mỹ, thì ông cũng vấp phải những xung khắc không nhỏ, từ với Đức Giáo hoàng khi Ngài khuyên “chúng ta nên hạ những bức tường và xây những chiếc cầu…” đến với môn phái Mormon, xem ông là người thiếu đạo đức nên khiến Trump chỉ chiếm được 14% lá phiếu từ bang Utah. Liệu những người bầu cho Trump sẽ làm gì trước biến đổi khí hậu: cầu nguyện cho mùa hè bớt nóng, mực nước biển thôi dâng? 
Nói tóm lại, tôi thông cảm cho nhóm dân đã bầu chọn Trump, mặc dù họ ít hơn nhóm bầu cho Clinton gần ba triệu lá phiếu. Tôi chỉ biết là Trump, qua lời nói và việc làm – mặc dù mới bắt tay vào việc – gặp rất nhiều mâu thuẫn nội tại. Cách ông ta nghĩ rất đơn giản, và đó cũng là lý do nhiều dân chúng thích ông. Những người đơn giản như họ không muốn nghe những lời giải thích cầu kỳ. Chúng ta chắc còn nhớ đến kỹ sư nguyên tử Jimmy Carter thua Ronald Reagan vì Reagan đơn giản hóa vấn đề cho họ. Reagan là một tổng thống thành công, một phần cũng vì ông có kinh nghiệm làm việc với hai đảng tại Quốc hội từ khi còn làm Thống đốc bang California. Nhưng Trump thì không hề có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ, thì liệu ông có biết dung hòa? Liệu Trump có tiếp gót được không, hay sẽ làm cho những người bầu cho ông thất vọng? Liệu Trump có giúp nước Mỹ “trở về thời vàng son” hay ưu tiên cao nhất của ông là “giữ cho nước Mỹ thuần chủng”, cùng với các đồng môn của ông đang nổi lên khắp châu Âu? 
T. Đ.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.