Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

Năm 2017 nền dân chủ phương Tây sẽ bị “điều chỉnh”

Năm 2017 nền dân chủ phương Tây sẽ bị “điều chỉnh”

bauxitevnTue 8:27 AM


Nguyễn Đình Ấm
Trên góc độ dân chủ, nhân văn thì đảng Dân chủ cũng như hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama cũng như các lãnh đạo châu Âu là đáng tôn trọng, ngưỡng mộ. Tuy nhiên, mức dân chủ và nhân văn ở tầm cao đó đã có vẻ chưa “tương thích” với một thế giới phẳng nhưng vẫn tồn tại nhiều khu vực nghèo đói, lạc hậu, đặc biệt là những chế độ độc tài mọi rợ trên thế giới.
clip_image001
Trump sẽ làm gì?
Sự nghèo nàn, lạc hậu và những thế lực độc tài, phản dân chủ đã lợi dụng quá mức nền dân chủ phương Tây để trục lợi bất chính làm cho đa số người dân phương Tây cảm thấy bất an, bất bình đẳng rồi ngả theo hướng “tiêu cực” dân túy, dân tộc chủ nghĩa để có sự “công bằng” hơn. 
Hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama và nền dân chủ phương Tây đã tạo ra một cuộc đại di cư hỗn loạn từ châu Phi nghèo đói, chiến tranh sang châu Âu, Mỹ, Canada… vốn cũng đang khó khăn nhiều bề. Thời kỳ “Mùa Xuân Ả Rập” bắt đầu ở Tunizi đến Libya, Ai Cập nhưng đến Sirya thì chững lại thành lò lửa chiến tranh âm ỉ giữa những phe đối nghịch: Phía Mỹ ủng hộ các lực lượng đối lập với chế độ độc tài Assad. Đối địch với cả hai thế lực trên là nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Khi nhân dân và lực lượng đối lập đang bao vây dồn chế độ độc tài Assad vào thế khốn đốn, đáng lẽ Mỹ và phương Tây phải lập tức lập vùng cấm bay hạ bệ Assad (đại diện duy nhất lợi ích của Nga, Iran còn lại ở Trung Đông) để chấm dứt chiến tranh, thì Obama và châu Âu lại quá thận trọng, “lừng khừng” để Nga “nắm thóp” dân chủ phương Tây nhảy vào Syria tạo thế lực quân bình kéo dài chiến tranh đã tạo ra dòng người di cư khổng lồ từ Syria, Apganistan, Tuynizi... tràn vào các nước phương Tây. Đây là hệ quả “vàng” dành cho Nga, Iran, chế độ độc tài Assad mà họ không ngờ tới. 
Với nền kinh tế phát triển, đời sống cao, yên bình, dân phương Tây không thể chịu cảnh những đoàn người tay không đến phá vỡ cuộc sống yên bình, đụng đến tinh thần dân tộc, phúc lợi có hạn của họ. Đặc biệt, trong đám người tràn vào châu Âu mang theo hàng nghìn tên khủng bố gây ra những vụ tàn sát kinh hoàng làm cho cuộc sống của dân châu Âu bất an, sợ hãi… Đó là nguyên nhân chính dân nước Anh bỏ phiếu rời khỏi liên minh châu Âu dân chủ (Brexit) để độc lập hơn vấn đề nhập cư cũng như một số chính sách kinh tế tự do. 
Vừa qua Thủ tướng Đức Meckel cũng bị phần nhiều dân Đức rời bỏ cũng từ lòng nhân văn, dân chủ chưa “tương thích” với tình hình châu Âu và nước Đức. Trước đó, việc Nga xâm phạm lãnh thổ Gruzia, chiếm Crime của Ucraina, gây sự ở Donbat… cũng không được Mỹ châu Âu hành xử thích đáng. Đặc biệt, tại Đông Nam Á, Trung Quốc ngang tàng quấy nhiễu biển đảo của Philippinnes, Nhật Bản, xâm chiếm biển đảo xây căn cứ quân sự trên biển, đảo Việt Nam gây uy hiếp tuyến đường hàng hải quan trọng của nhiều nước phương Tây, Nhật…, nhưng Mỹ, phương Tây không có phản ứng cần thiết… đã làm các nước Đông Nam Á không còn tin tưởng Mỹ, buộc họ phải quay ra ve vãn “van lạy” Trung Quốc để tồn tại. 
Philippinnes là kẻ đi xa nhất, công khai dựa hẳn vào Bắc Kinh, từ bỏ, phỉ báng Mỹ – một đồng minh bảo vệ họ gần 60 năm qua. Ngay cả Lào, Campuchia cũng ra mặt không mặn mà với Mỹ, công khai ngả theo Trung Quốc. Chưa có thời nào những lãnh đạo như cỡ Duterte, Hunsen lại dám ngang nhiên coi thường Mỹ như thời Obama. Chưa bao giờ một Tổng thống Mỹ mời khách đến gặp mặt nhưng bị an ninh chủ nhà ngang nhiên “cản phá” như hồi ông Obama thăm Việt Nam mà phía Mỹ không có phản ứng gì. 
Nghiêm trọng nhất là phương Tây để các quốc gia, nhất là các nước độc tài cộng sản cạnh tranh bất bình đẳng về kinh tế. Trung Quốc với đội quân lao động khổng lồ, giá rẻ mạt (trong đó có thành phần quan trọng tù nhân lao động khổ sai, không công), chuyên ăn cắp bản quyền, sao chép công nghệ, làm hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng của phương Tây mà bao nhiêu năm mới gây dựng được, chủ động điều chỉnh giá đồng Mao tệ… để cạnh tranh bất bình đẳng với hàng hóa của phương Tây. 40 năm qua Trung Quốc đã làm giàu bất chính trên lưng lao động phương Tây cũng như nhiều nước khác, đúng như bộ trưởng thương mại được tổng thống Mỹ đắc cử Donal Trump mới lựa chọn nói trong cuốn sách “Chết dưới tay Trung Quốc”. Điều này dẫn đến người Mỹ, phương Tây bất bình với chính sách quá “dân chủ, nhân văn” của chính quyền Obama và bầu cho Trump, tuy Trump hứa hẹn có những chính sách phản dân chủ, nhân văn như đuổi người nhập cư, tẩy chay người Hồi giáo, bãi bỏ TPP... 
Sang năm 2017 rất có khả năng nhiều chính phủ theo trào lưu cực hữu, dân túy sẽ lên nắm quyền và nền dân chủ, nhân văn châu Âu sẽ bị điều chỉnh theo hướng dân tộc, dân túy, hạn chế toàn cầu hóa. Đó là bước đi thụt lùi của lịch sử văn minh nhân loại. 
Tuy nhiên dù đổi thay như thế nào thì sự thụt lùi của dân chủ, nhân quyền cũng chỉ là sự “điều chỉnh”, phương Tây không thể thủ tiêu nền dân chủ, nhân quyền đến quá mức do nhân quyền, dân chủ là giá trị cao nhất của Mỹ, phương Tây để họ có sự thịnh vượng mọi mặt như ngày nay và tương lại. Nếu họ xao nhãng dân chủ, dân quyền thì ai còn hy vọng, tôn trọng họ nữa. 
N. Đ. A.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.