Làm Xong Thì Dân Mới Biết
Một buổi chiều mùa hè ở Yangon cách đây mấy năm, tôi bước vào tòa soạn của một trong những tờ báo lớn nhất Myanmar.
Không hẹn trước, cũng chẳng có tư cách công tác gì, tôi và anh bạn chỉ là hai khách du lịch bình thường. Nhưng tôi rất muốn tìm hiểu về đất nước đang chuyển mình này, mà chẳng có nơi nào tốt hơn, ngoài việc tìm đến các nhà báo. Tôi gặp lễ tân, trình bày ý nguyện, rồi bày tỏ mong muốn được gặp ai đó, bất kỳ ai cũng được.
Kết quả không ngờ. Phó tổng biên tập tờ này ra tiếp chúng tôi. Ông bảo, các anh muốn biết điều gì, về tờ báo, về đất nước, cứ hỏi. Chúng tôi trò chuyện khá cởi mở.
Thời ấy, Myanmar vẫn nằm dưới quyền chính phủ quân sự cũ, chưa chuyển giao hết quyền lực như bây giờ. Tôi hỏi ông về một đại dự án của chính phủ, lớn nhất Myanmar thời kỳ đó, một dự án khiến nhiều nhà quan sát quốc tế ngạc nhiên. “Tại sao họ làm thế?” - “Điều đó phải đi hỏi họ” - ông nhún vai. “Thế người dân không biết gì về dự án đó hay sao?” - “Biết chứ, họ làm xong thì dân biết”.
Mỗi lần nhớ về cuộc trò chuyện ấy, tôi lại thấy câu nói ấy buồn cười. Ông phó tổng tỏ ra là một người nghiêm túc. Và dù cởi mở, vẫn giữ chút ít sự thận trọng - vì cuối cùng ông vẫn là lãnh đạo một tờ báo, cũng chẳng biết tôi là ai, không một mẩu giấy tờ. Nhưng đến cuối buổi nói chuyện, nhà báo ấy vẫn không tránh được việc thốt lên một câu mỉa mai.
Mệnh đề “dân biết chứ, họ làm xong thì dân biết” ấy thật ra là kinh điển không chỉ ở Myanmar.
Báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, bội chi ngân sách Nhà nước năm 2016 là 192 nghìn tỷ đồng. Tất nhiên nếu nhìn kỹ vào báo cáo, thì một trong những nguyên nhân chủ yếu là do thu ngân sách không đạt dự toán. Nhưng dù là lý do gì, bội chi tất nhiên là không tốt. Nó khiến nợ công gia tăng. Ngân sách eo hẹp thì không thể tạo động lực cho các dự án phát triển.
Và tôi tự hỏi rằng trong bức tranh ảm đạm này, thì có bao nhiêu dự án, bao nhiêu khoản chi nằm trong tình trạng “họ làm xong thì dân biết”?
Những gang thép Thái Nguyên hay xơ sợi Đình Vũ, nghìn tỷ vốn nhà nước “đắp chiếu” đã khiến người dân kinh hãi. Nhưng đến đầu tuần trước, Văn phòng chính phủ lại công bố danh sách 7 dự án nghìn tỷ “cần xử lý” nữa, như Đạm Hà Bắc, đóng tàu Dung Quất hay gang thép Lào Cai.
Tất nhiên làm ăn có lỗ lãi là chuyện rủi ro có thể gặp, nhưng những con số kinh hoàng về vốn ngân sách này luôn khiến tôi nhớ đến sự minh bạch của các doanh nghiệp nhà nước. Quy định về việc họ cũng phải công bố thông tin hoạt động lên website vốn đã có từ lâu, nhưng số doanh nghiệp tuân thủ rất ít. Về cơ bản, dân sẽ biết khi đã có kết cục.
Rồi những chuyện ngang trái như tiếp khách hết 3,2 tỷ ở ủy ban tỉnh Gia Lai; cán bộ ủy ban xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) nợ đến 3,5 tỷ tiền ăn uống, hát hò và khiến chủ nợ kéo đến tận ủy ban đòi; hay là thành ủy Bạc Liêu hết tiền không có cả tiền đóng điện nước... đều khiến tôi tự hỏi rằng tại sao “họ làm xong dân mới biết”?
Việc công khai hoạt động của các cơ quan chi tiêu hay đầu tư ngân sách là chuyện hiển nhiên. Đằng nào, Luật tiếp cận thông tin (có hiệu lực vào năm 2018) cũng sẽ cho phép người dân được quyền hỏi mọi vấn đề như vậy. Nhưng tôi tự hỏi rằng tại sao phải đến khi báo chí chất vấn, người dân chất vấn thì chúng ta mới có quyền “biết”. Thời đại này không thiếu gì kênh để chủ động bạch hóa. Huyện nào cũng có cổng thông tin riêng. Doanh nghiệp thì khỏi bàn.
Nhưng không. Việc chủ động minh bạch vẫn là một thứ gì rất xa xỉ. Họ cứ làm xong thì dân biết.
Họ làm xong thì dân biết, câu mỉa mai của ông phó tổng tờ báo kia rất đắt giá. Cũng là cái sự “biết”, nhưng “biết trước” và “biết sau” vô cùng khác biệt.
Họ làm xong thì dân biết, cũng là “biết” nhưng không thể gọi là có sự giám sát, không có sự điều chỉnh, ngăn chặn và dân biết nhưng dân... không thể bàn.
Người dân biết rất nhiều thứ. Nhưng đều là sau khi nó đã trở thành đống bê tông đắp chiếu hay một lỗ rỗng toác không thể quyết toán trên sổ sách. Và nếu không có một sự thay đổi quyết liệt nào đó, thì trong năm 2017 tới, người dân sẽ còn được biết rất nhiều thứ nữa. Có điều, "họ làm xong thì dân biết".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.