TRÙNG BIẾN HÌNH
Truyện
Hải Hạc
Đó là loài có khả năng biến hình siêu hạng. Chúng đang hiện diện khắp nơi ở đất nước tôi. Chúng có hàng ngàn chủng loài khác nhau với muôn hình vạn trạng, từ màu sắc đến những hình thù quái gở.
Các nhà khoa học đã sử dụng một máy quay đặc biệt để quan sát loài trùng biến hình này. Chúng có thể ở độ sâu nhất của những hồ nước lặng, ao, giếng hoặc ở những vũng bùn lầy, ổ voi, ổ gà trên những con đường. Chúng cư ngụ nhiều trên những cánh đồng lúa của bà con nông dân.
Các nhà khoa học đã cho rằng, để mưu sinh, loài này không chỉ có khả năng biến hình mà chúng còn có thể thay đổi bản chất để tồn tại. Chúng thay đổi từ cấu trúc cơ thể, tự biến đổi gene, ngụy trang trong môi trường tự nhiên là phương pháp giúp côn trùng này thoát khỏi động vật ăn thịt và để ẩn nấp khi săn mồi.
Hầu hết loài này đều di chuyển bằng chân giả. Chân giả ở đây là “chân giả thật”chứ không phải chân giả nghĩa là khác chân thật bạn nhé. Trùng biến hình trần được coi như một cơ thể đơn bào đơn giản nhất, kém tiến hóa nhất trong tất cả các động vật nguyên sinh. Cơ thể trùng biến hình trần gồm một khối chất lỏng nguyên sinh và nhân. Chúng di chuyển nhờ dòng chất nguyên sinh dồn về một phía tạo thành chân giả. Vì thế cơ thể trùng biến hình luôn biến đổi hình dạng nên chúng có thể nhập tất cả các vai trên sân khấu tuồng hài. Từ một phép màu nào đó mà chúng đã phát triển thành nhiều loài côn trùng kỳ dị. Chúng đang lấn chiếm mọi sinh vật trên mảnh đất màu mỡ này. Chúng đang hút dần hút mòn mọi thứ nên giờ thì nơi này đã gần như cạn khô.
“Không cần tốn chi phí cho phần cải trang”- vị đạo diễn ruồi thích thú nói.
Chúng gật gù thú vị. Chúng đang được mời để làm một bộ phim thật hoành tráng về lịch sử của loài.
Loài bọ gai phát triển trông giống cái gai trên cành. Bọ sát thủ biết cách sắp xếp các xác chết con mồi trên lưng để ẩn mình khỏi kẻ săn mồi. Có loại giả chết, hơi thở của chúng nín lặng bên trong như những xác chết thật sự. Chúng tự chiết ra cả mùi hôi đặc trưng của xác chết. Chúng thường giấu sự sợ hãi qua mí mắt. Lặng yên. Không hề có một chút động đậy, mặc gió lùa, bão tố đang kề bên.
Có loại, điển hình cho sự chọn lọc tự nhiên, chúng tiến hóa để hòa trộn màu sắc cơ thể với địa y, với bồ hóng, với bụi đường hoặc những nơi có màu sáng. Chúng có thể tạo ra những thứ mùi khác nhau để hòa chung với môi trường mới, như loài bọ hung khổng lồ. Đôi cánh của loài này tạo ra những chiếc lá màu xanh to kỳ dị để ẩn núp trong các tán cây, bờ bụi dọc đường. Chúng thường kiếm ăn bằng những ngón nghề rất tinh xảo mà con mồi không thể đoán trước được để tìm cách né tránh. Người ta bảo những loài này có một sự ngụy trang đặc biệt cao cấp.
Trên cánh đồng, lũ châu chấu xanh rờn đang đeo bám trên những cánh lá. Những người nông dân gọi chúng là bọn giặc cỏ chuyên phá hoại mùa màng. Chúng cứ nhảy múa liên hồi, cứa đứt biết bao ngọn lúa đang còn xanh mởn. Người ta đã dùng thuốc đặc trị nhưng bọn chúng đã bị lờn thuốc, khó mà tiêu diệt được. Ở trên sa mạc thì loài này lại biến thành màu cát, chúng sống rất dai trên những vùng đất cát khô cằn. Chúng bay vi vu tối ngày, không quên đánh dấu bản quyền mà chúng đã cắt trên từng ngọn lúa.
“Thật khâm phục những tài năng”- vị đạo diễn ruồi buột miệng khen.
“Thật khâm phục những tài năng”- vị đạo diễn ruồi buột miệng khen.
Ở phía Bắc dãy núi có loài bọ ngựa luôn hãnh diện về ngón võ hai càng sắc mảnh của mình. Đó là “đường lang quyền”, một ngón võ siêu đẳng. Chúng thường im lặng, nín thở, núp, đợi chờ bên dưới và xén rất nhanh đầu của con mồi. Những con mồi ngu ngơ và mãi hát ca như loài ve sầu tháng sáu, thường hát ca những bài hát màu đỏ ươm như hoa phượng, ngâm rỉ rả những bài thơ sóng sánh các lớp men còn nhầy nhụa từ những cuộc ngoại tình chớp nhoáng cho đến khi chúng bị cắt cụt đầu mà không kịp biết cảm giác đau đớn. Chúng vẫn còn cảm giác lâng lâng hạnh phúc khi đã nằm gọn lỏn trong dạ dày của lũ bọ ngựa.
Tất cả các loài côn trùng đều sợ gã này. Gã này có một quyền uy tối thượng mà tất cả phải tránh xa. Chúng biết, hai cánh càng của loài bọ ngựa thật sắc lạnh, thường dùng để xén thịt đồng loại. Nhưng tất cả đều không dám công khai thứ bí mật cùng song hành với nỗi sợ hãi ấy.
“Im lặng, tất cả, diễn!”- vị đạo diễn hô to trong chiếc loa- vovovo… thứ âm thanh nghe thật ù tai
Chúng bò ra lúc nhúc, vít vai nhau, xoắn vào nhau. Thân mật. Chém. Chửi. Nịnh nọt. Mơn trớn. Cười đùa. Ngấu nghiến. Ánh mắt tỏ tình. Vỗ tay tán thưởng. Chia buồn…
Chúng diễn từng cảnh. Có con đường bỗng cong thật sinh động, có con đường bị chúng liếm mất mấy mét xuống lòng đất và những ngôi nhà tự dưng vọt lên đứng trên cao chót vót. Có con đường tự dưng biến thành sườn núi cao và những ngôi nhà đang bình yên trên mặt đất yên lành bỗng rơi tọt xuống những rãnh nước ngập ứ.
Có những dòng sông bị lấp. Có những dòng sông bị cắt đi từng miếng thịt, bị rút từng khúc xương. Có những hàng cây cổ thụ sum suê bị chúng xén hàng loạt ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Chúng đang giành nhau cả mớ thức ăn dành cho người nghèo. Chúng đang khống chế tất cả…
Và tất cả đều lặng im, đều bước đi thật rón rén.
“Tốt, các bạn đã nhập vai quá tốt”- Vị đạo diễn ruồi xoa xoa hai cánh tay dài ngoẵng, thỉnh thoảng lại thè lưỡi liếm liếm.
***
Tiếng lách tách rộn ràng về đêm.
Lúc bóng đêm ụp xuống là thời gian chúng sinh sản. Chúng sinh sản kiểu phân bào với cấp số nhân dữ dội. Chúng tách làm đôi cơ thể, tách đôi giấc ngủ, tách đôi cái miệng… Cứ thế, chúng tách ra và lớn lên rất nhanh.
Những cơ thể mới ấy ngay lập tức trở thành một cá thể và tiếp tục tự sinh sản đám con cháu của mình.
Có một điều hết sức đặc biệt mà các nhà khoa học đã phát hiện: chúng không có não bộ, không có hệ thần kinh. Tất cả hoạt động của chúng đều diễn ra chỉ nhờ lớp cấu trúc đặc biệt có khả năng biến đổi không ngừng.
“Một sự biến đổi quái dị, quá nhanh”- các nhà khoa học phát biểu. “Chúng đang há những cái mõm quá to cùng với những nang nấm độc mới, có những cái chân rễ quá dài, quá sâu”. Những loài nhỏ thường ăn các mảnh vụn, còn những loài to thường nuốt chửng từng cơ thể dù sống hay chết. Chúng đã chia ra thành rất nhiều nhánh, nhiều chi rất nhỏ…
Tiếng lách tách không ngừng.
Chúng đang chia đôi. Nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa…
Tất cả đang bò lúc nhúc, nhai rào rạo và lớn nhanh như thổi.
Chúng rất siêng săn mồi. Chúng thường im lặng rồi bất chợt thè ra những nang nấm sát thủ. Ngay lập tức, những con mồi bị làm tê liệt. Các con mồi chỉ còn bất động nằm chờ để lần lượt vào tiêu hóa trong các khoang dạ dày của chúng.
Tiếng lách tách…. Tiếng rào rạo… Mỗi lúc càng ầm ào, càng to hơn.
Tháng 4/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.