Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Vụ án đường ống nước Sông Đà: Thấy gì trong văn bản của Cơ quan điều tra và Liên ngành tư pháp trung ương?

Vụ án đường ống nước Sông Đà: Thấy gì trong văn bản của Cơ quan điều tra và Liên ngành tư pháp trung ương?

bauxitevnSat 9:22 AM


Thành Khương
Lời lẽ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (CQCSĐT BCA) và Liên ngành tư pháp trung ương (LNTPTU) về lãnh đạo Vinaconex cho thấy có vẻ như đã xuất hiện nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Thực chất đó là sự ngụy biện, dối trá và lộng quyền nên không hề có giá trị pháp lý. Nếu không xử lý hình sự đối với lãnh đạo Vinaconex thì người ta cố ý gây thêm tội ác.
Ngụy biện và dối trá
Theo Kết luận điều tra của CQCSĐT BCA thì vụ án Vi phạm quy định về xây dựng… ở Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex là một vụ án đã gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng đối với một số người lãnh đạo Công ty này như Phí Thái Bình (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị), Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chấm (nguyên thành viên Hội đồng Quản trị) thì được cho là “các bị can khai báo thành khẩn, hợp tác làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng “Mặt khác, CQĐT không xác định được động cơ vụ lợi, người chịu trách nhiệm chính trong các quyết định trái pháp luật của Hội đồng quản trị nêu trên là ông Nguyễn Văn Tuân – nguyên Tổng Giám đốc, Uỷ viên Hội đồng quản trị đã mắc bệnh hiểm nghèo, sức khỏe yếu”, nên CQĐT BCA không xem xét trách nhiệm hình sự.
Và văn bản của Liên ngành tư pháp trung ương thì viết: Tuy nhiên, Liên ngành TW thấy không nhất thiết phải xử lý hình sự đối với những người này vì họ có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu.
Có thể thấy gì trong văn bản của CQCSĐT BCAvà LNTPTU?
- Thứ nhất, cả CQCSĐT BCA và LNTPTU đều dùng những lý lẽ bề ngoài, vòng vo, loanh quanh như: nhân thân tốt, các bị can khai báo thành khẩn, hợp tác với CQĐT làm rõ bản chất vụ án, có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu, sức khỏe yếu…, tưởng như có vẻ đúng nhưng thực ra là sai, để rút ra những kết luận sai sự thật. 
- Thứ hai, ở cả hai cách lập luận nêu trên, các khái niệm tội phạm nghiêm trọng, bị can, hậu quả nghiêm trọng, bản chất vụ án, có công lớn bị đánh tráo, lẫn lộnvới các khái niệm nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn, có nhiều đóng góp… Bởi vì: Hành vi “khai báo thành khẩn”; “hợp tác làm rõ bản chất vụ án” và cái trích ngang lý lịch “có nhân thân tốt”; “có nhiều đóng góp cho ngành xây dựng”; “vi phạm lần đầu”; “sức khỏe yếu” không mày may phản ánh tính chất, mức độ hành vi tội phạm, không phải là những chứng cứ chứng minh tội phạm, không hề phản ánh bản chất vụ án. Riêng lời phán của LNTPTU còn mang tính chất tùy tiện, nói theo kiểu nước đôi và thực chất vẫn là nối điêu từ CQCSĐT.
Nếu mô hình hóa lập luận của CQĐT và LNTPTU thì thấy rõ hơn sự ngụy biện dối trá:
+ “Bị can ốm yếu nên không điều tra được”(?!)=> (nên) không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bị can ốm yếu, không có khả năng lẩn trốn thì đỡ mất công truy tìm, đỡ phải ra lệnh truy nã, có thể thường xuyên tiếp xúc dễ dàng trong điều tra chứ sao lại “không điều tra được”?
+ “Phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn, hợp tác với CQĐT làm rõ bản chất vụ án, có nhiều đóng góp cho ngành Xây dựng” => (nên) không nhất thiết phải xử lý hình sự. Như vậy CQĐT đã xem các bị can lãnh đạo Vinaconex như nhân tố bên ngoàicó công giúp đỡ CQĐT chứ bị can không phải là đối tượng của hoạt động điều tra (?!)Hóa ra là CQĐT, trong trường hợp này, yếu kém đến mức phải có sự hợp tác của mấy bị can nguyên lãnh đạo Vinaconex “hợp tác” mới làm rõ bản chất vụ án này sao? Tóm lại, ở đây là người ta đã coi việc “hợp tác làm rõ bản chất vụ án” là một trong những căn cứ để không xem xét trách nhiệm hình sự. Kiểu lập luận ngụy biện này vô hình trung còn gián tiếp phản ánh sự yếu kém của CQĐT và điều này cũng không đúng với sự thật.
Thứ ba, ở giác độ khác có thể nhận thấy CQCSĐT lợi dụng tiết b) và tiết c) Khoản 2 của điều luật khi coi sự “khai báo thành khẩn….”, sự “hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án”, “có nhiều đóng góp cho ngành Xây dựng” của các bị can như một thứ công trạng. Đó là một sự ngụy biện và dối trá vì nội hàm của khái niệm “có công lớn” trong Điều 29 Bộ luật hình sự về chế định Miễn trách nhiệm hình sự không hề có ý nghĩa như vậy (*). 
Còn nhớ, dạo tháng 5/ 2016, Tòa án Hà Nội đã từng trả hồ sơ vụ án này, yêu cầu làm rõ trách nhiệm một số cá nhân trong HĐQT Vinaconex. Sau đó, chính CQCSĐT BCA cũng đã xác định một số thành viên HĐQT đã “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và cũng đã nhận định như sau:
Tuy nhiên, hiện ông Nguyễn Văn Tuân, nguyên TGĐ, UVHĐQT Vinaconex – người chịu trách nhiệm chính trong vụ án đang cấp cứu, mổ điều trị ung thư tại nước ngoài, sức khỏe yếu nên chưa có điều kiện điều tra làm rõ. Còn những người khác có liên quan như ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tô Ngọc Thành, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chấm, nguyên UVHĐQT đều có hành vi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình khi quyết định cho thay đổi vật liệu và lựa chọn nhà thầu, và hứa hẹn: “Nhưng do thời hạn điều tra đã hết nên CQCSĐT BCA sẽ tiếp tục phối hợp với VKSTTC điều tra làm rõ và đề nghị xử lý sau .
Vậy mà giờ đây, CQCSĐT không những không công bố “kết quả điều tra làm rõ như thế nào, ngược lại, cố tình ngụy biện như trên và kết luạn rằng không xử lý hình sự đối với lãnh đạo Vinaconex
Thứ tư, phán xét của LNTPTU thực chất cũng là một sự ngụy biện và dối trá. Tại sao có thể nói rằng “không nhất thiết phải xử lý hình sự đối với những người này vì họ có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu”? Đây là lời phán có tính chất nói nước đôi: “không nhất thiết phải xử lý hình sự” cũng có nghĩa là “cũng có thể xử lý hình sự”, thực chất chỉ là sự nối điêu (bắt chước) mà tiếp lời của CQCSĐT mà thôi. Nên nhớ rằng hệ thống cơ quan tư pháp ở nước ta không hề có tổ chức, cơ quan nào có tên là Liên ngành tư pháp trung ương, do đó văn bản này không có giá trị pháp lý.
Tóm lại, cả hai văn bản trên không đưa ra những chứng cứ chứng minh các bị can là lãnh đạo Vinaconex đã phạm tội như thế nào, phạm tội ít nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng, có công lớn như thế nào và căn cứ vào điều luật nào để miễn trách nhiệm hình sự đối với họ – vấn đề cốt lõi nhất – mà chỉ dùng ngôn ngữ chủ quan với lối lập luận ngụy biện và dối trá. 
Lộng quyền 
Làm rõ bản chất vụ án là trách nhiệm của CQĐT chứ không phải của bị can, không phụ thuộc và “sự hợp tác của bị can”. Tất cả các yếu tố “Không xác định được động cơ vụ lợi” (khác với “không có động cơ vụ lợi”); “khai báo thành khẩn”, “có đóng góp cho ngành xây dựng”, “có nhân thân tốt”, “hợp tác với CQĐT làm rõ bản chất vụ án”, “sức khỏe yếu” đều không phải là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Mặt khác, dù CQCSĐT với tư cách là một trong những cơ quan tư pháp quốc gia, có vị trí và vai trò quan trọng trong điều tra tội phạm thì toàn bộ hoạt động ấy của CQĐT cũng chỉ là giai đoạn điều tra sơ bộ, điều tra ban đầu, còn hoạt động xét xử công khai của Tòa án mới là hoạt động điều tra chính thức và quyết định xử lý tội phạm bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Như vậy, dù xem xét ở giác độ nào thì CQĐT cũng không có thẩm quyền đánh giá bị can tốt hay không tốt, có công hay không có công và do đó lại càng không có quyền miễn trách hình sự đối với bị can trong vụ án. 
Liên ngành tư pháp trung ương thực chất là các cuộc họp có tính chất “nội bộ”, “lâm thời” của giới lãnh đạo các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án, một kiểu hình trong cơ chế giải quyết những bất đồng, vướng mắc trong đánh giá và xử lý tội phạm (của các ngành Công an, Kiểm sát và Tòa án), không rõ có từ bao giờ và do ai “sáng tạo” ra chứ nó không hề được coi là một tổ chức trong hệ thống cơ quan tư pháp quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế lâu nay ở nước ta LNTPTU lại mặc nhiên có quyền thẩm định kết quả điều tra xử lý tội phạm, chỉ đạo các cơ quan tư pháp quốc gia, thậm chí quyết định hình thức xử lý tội phạm. Đó là sự bi hài trong nền tư pháp xứ ta. Đã không phải là một tổ chức trong hệ thống cơ quan tư pháp quốc gia thì những nhận định và kết luận đó chỉ là biểu hiện của sự lộng quyền và tuyệt nhiên không có giá trị pháp lý. 
Không xử lý hình sự – một tội ác
Rất có thể trong vụ án đặc biệt này có sự thỏa thuận ngầm giữa một số bị can được xem là “có nhân thân tốt” kể trên với một số nhân viên tư pháp (và cơ quan tư pháp) thụ lý vụ án này nên người ta mới ngụy biện dối trá và lộng quyền như vậy. Nếu phán đoán này của chúng tôi là đúng thì ở đây còn xuất hiện hành vi vi phạm Điều 294 Bộ luật hình sự về Tội Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội và vi phạm Điều 300 Bộ luật hình sự về Tội cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án. Nhưng rất có thể còn có sự chỉ đạo của một thứ siêu quyền lực nào đó khiến các nhân viên tư pháp thụ lý vụ án này phải nể sợ và nếu đúng như vậy thì ở đây còn xuất hiện hành vi vi phạm Điều 297 Bộ luật hình sự về Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật.
Pháp luật phải được chứng tỏ là nó có ý nghĩa cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, có ý nghĩa đối với đời sống xã hội.Tội phạm phải bị trừng phạt và việc trừng phạt tội phạm là chức năng, quyền hạn của Tòa án chứ không phải trách nhiệm, quyền hạn của CQCSĐT BCA hay LNTPTU. 
Được biết, hiện nay Viện Kiểm sát Tối cao đang thực thi chức năng giám sát quá trình điều tra xử lý vụ án này. Đó là một tín hiệu tốt. Sự phức tạp của vụ án này đòi hỏi việc kiểm sát phải hết sức nghiêm túc, đòi hỏi phải xem xét, làm rõ có hay không sự thỏa thuận ngầm hoặc sự chống lưng nào đó và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, trước hết buộc CQCSĐT phải thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của mình. 
Vụ án ống nước Sông Đà là một vụ án hết sức nghiêm trọng chứ không phải là vụ án nghiệm trọng (nói như Luật gia Đinh Văn Quế là đúng) vì ở đây có dấu hiệu của tội phạm có tổ chức (có sự câu kết giữa Vinaconex và nhà thầu Trung Quốc, có sự câu kết giữa tội phạm và những nhân vật có chức quyền ở cơ quan công quyền TP. Hà Nội và một số cơ quan chức năng trung ương) đã liên tục đẩy hàng trăm ngàn hộ gia đình vào tình trạng sống vất vưởng, lao đao, khốn đốn do thường xuyên thiếu nước sạch, khiến hàng nhiều trăm ngàn người luôn luôn bất an, nó đe dọa và làm tổn hại sức khỏe, mạng sống con người. Như vậy, nếu không xử lý hình sự đối với các bị can là lãnh đạo Vinaconex thì đó không chỉ là hành vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn là một tội ác!
11/8/2016
T. K.
----
(*) Nội dung Điều 29 Bộ luật hình sự:
“1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đặc xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tộiphạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”./.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.