Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Bauxite Tây Nguyên đổi công nghệ thải – Được hay không? Quyền của ai?(*)

Bauxite Tây Nguyên đổi công nghệ thải – Được hay không? Quyền của ai?(*)

bauxitevnTue 11:34 AM


Gần đây trên báo Đất Việtcó một số bài bàn về công nghệ thải bùn đỏ của Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắc Nông), trao đổi phương án làm sao ngăn trước tai nạn bùn đỏ mà dấu hiệu chảy tràn đã thấp thoáng ẩn hiện, cho thấy sự cố Formosa Hà Tĩnh thải chất độc xuống biển miền Trung gây tình trạng một dải biển kéo dài trên 200 km cá chết hàng loạt và biển chết chưa có biện pháp nào khắc phục, cùng với hàng triệu dân chúng thất nghiệp, cả nước bất an, đang tạo nên một “cơn áp thấp” ghê gớm trong tâm lý những kẻ hiện giữ chiếc ghế tạm gọi là lãnh đạo ở Bộ Tài nguyên Môi trường, ở Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cũng như ở một số tỉnh Tây Nguyên, bởi sau những năm quyết tiến hành lấy được cái việc khai thác quặng nhôm theo lời “dỗ ngọt” của “ông anh cá sấu”, bất chấp sự phản đối của rất nhiều nhà khoa học và của dân chúng, giờ đây là lúc họ đang chuẩn bị đương đầu với hậu quả: chưa nói việc sản xuất chỉ có thua lỗ và thua lỗ, một khi hàng núi chất độc chứa trong bùn đỏ alumin trào ra khắp vùng đất cao nguyên của Tổ quốc và chảy cả xuống đồng bằng sông Cửu Long, thì cái gánh trách nhiệm sẽ đổ ụp lên đầu họ, bao nhiêu tiền của họ tích lũy được chắc chắn sẽ trôi xuống sông xuống biển cùng với chiếc ghế mà họ nắm giữ lâu nay. Đến kẻ đã nghênh ngang trở về “làm người tử tế” sau những năm ngang nhiên đe dọa hoặc bỏ tù người này người khác chống khai thác bauxite, cũng chắc gì đã yên thân. 
Nhiều ý kiến muốn chuyển đổi công nghệ ướt của Chalieco (công ty Tàu Cộng sang đầu tư xây dựng nhà máy theo hiệp định do ngài đảng trưởng họ Nông ký với các Hoàng đế họ Giang và họ Đào Bắc quốc) thành công nghệ khô để may ra có thể yên tâm một phần nào. TS Tô Văn Trường đã đọc các bài này và có ý kiến trao đổi lại, sau đó gửi các bài viết cùng những chỗ trao đổi cho BVN.
Xin trân trọng đăng lên để bạn đọc xa gần tham khảo. Hình thức trình bày: những chỗ in đứng là nguyên văn bản gốc. Những chỗ in nghiêng là ý kiến của ông Tô Văn Trường, có kèm theo phía trước mấy chữ TVT.
Bauxite Việt Nam
Chào Thanh Huyền,
Báo Đất Việtthuộc Liên hiệp hội khoa học VN (VUSTA) càng cần có tiếng nói của giới trí thức khi phản biện xã hội nhưng phải chính xác về mặt khoa học cả về lập luận và dẫn chứng. 
Tôi đang đi công tác nhưng đọc lướt nhanh số bài báo đăng trên Đất Việt  như "Bauxit Tây Nguyên đổi công nghệ thải được hay không" thấy nhiều chỗ không được chuẩn xác nên đã Edit bằng chữ màu đỏ. Xin chuyển lại để Ban biên tập và những người quan tâm tham khảo (File kèm theo).
Từ dự án bất cập, mất lòng dân như bôxit Tây Nguyên nhìn rộng ra cả nước, nếu ngay từ đầu, những người có thẩm quyền biết lắng nghe những lời nói phải, thì đất nước đâu đến nỗi lạm chi quá đáng đến hơn 30% GDP như ngày nay.
Tô Văn Trường

1. Bauxite Tây Nguyên đổi công nghệ thải: Quyền Bộ Tài nguyên
(Tin tức thời sự) - Địa phương chỉ mang tính chất quản lý trên địa bàn, còn thay đổi công nghệ sản xuất thì thuộc thẩm quyền, chức năng của Bộ TN-MT.
Bài toán lớn, đầy khó khăn
Vừa qua, sự cố vỡ đường ống dẫn xút tại Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) đã ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như đời sống của nhiều người dân sống khu vực xung quanh. 
Sau đó, các chuyên gia đã chỉ rõ, chúng ta đều biết rằng toàn bộ công nghệ mà Việt Nam đang sử dụng tại nhà máy Alumin Nhân Cơ và nhà máy Tân Rai đều do nhà thầu Trung Quốc Chalieco cung cấp. Ngoài ra, không loại trừ giả thiết có hay không việc sử dụng công nghệ, thiết bị đã cũ và lạc hậu bị thải loại từ Trung Quốc được mang sang Việt Nam sử dụng.
TVT: Nhưng theo các chuyên gia thì đây là công nghệ alumina lần đầu tiên do Trung Quốc phát triển dựa trên công nghệ của Phương Tây được đem thử nghiệm ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là đối với Trung Quốc cũng chưa có kinh nghiệm về công nghệ này.
Trong khi, với đặc thù của những nhà máy đặt ở Tây Nguyên là phải chống chịu với mùa mưa kéo dài 4 tháng, nên đây cũng là thời điểm mà chúng ta nên kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư, ở đây là TKV, và nhà thầu Chalieco Trung Quốc nghiêm túc thực hiện cam kết sử dụng công nghệ thải khô đối với các nhà máy sản xuất Alumin ở Tây Nguyên.
TVT: Thực ra, lúc đó người ta hiểu thải ‘khô’ rất đơn giản, chỉ cần lọc ép bùn đỏ là xong. Trong dây chuyền công nghệ đã có máy này rồi, nên họ nói là ‘thải khô’, nhưng thực ra sau khi ép, bùn đỏ này chưa đạt độ ẩm yêu cầu và được thải ướt ra hồ chứa.
Theo tôi biết, cũng có nhiều công nghệ thải khô, tùy theo túi tiền và yêu cầu của cộng đồng. Phổ biến nhất hiện nay là công nghệ thải khô ‘Dry Stacking’. Nhưng vấn đề là sau khi thải khô thì bùn đỏ khô này sẽ để làm gì, canh tác cũng không được, sử dụng cho các mục đích khác phải đầu tư; trên thế giới tỷ lệ sử dụng bùn đỏ khô rất thấp. Đương nhiên là phải có tiền đầu tư.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 15/8, ông Lương Văn Ngự – Phó giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng, nói: "Công nghệ thải ướt đã được sử dụng từ năm 2007, bây giờ nếu muốn thay đổi cũng nhiều vấn đề, vì đó là thẩm quyền của Bộ KH-CN và Bộ TN-MT. 
TVT: Nói thế này là không đúng, nó thuộc quyền của nhà đầu tư miễn là đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường. Bộ Tài nguyên & Môi trường và các bộ khác đã phê duyệt, không phải là muốn thế nào được thế ấy.

clip_image001
Lắp đặt các bồn kết tinh tại Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ
Nếu nghiên cứu về sản xuất Alumin thì ai cũng biết, công nghệ thải khô tốt và an toàn hơn thải ướt, đặc biệt với vùng Tây Nguyên mưa nhiều, 1 năm trung bình 2800 - 2900 m3 nước, tập trung cho mấy tháng mùa mưa lên đến 90%.
Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ thải ướt hay thải khô, trong quá trình vận hành phải xem xét từng năm, điều chỉnh từng bước, chứ không thể thay đổi ngay lập tức". 
TVT: Ý này là chính xác, sau vài năm phải xem xét lại, chứ không phải ‘duyệt rồi’ là mãi mãi. Nếu nhà đầu tư thấy công nghệ nào tân tiến hơn và xét thấy giá thành có thể ‘kham được’ thì xin chuyển đổi.
Bên cạnh đó, ông Ngự nhấn mạnh: "Việc đề xuất chuyển đổi công nghệ từ thải ướt sang thải khô thì chúng tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng việc thực thi rất khó, đó là cả một quá trình rất dài, thậm chí rất khó khăn.
Đây là bài toán rất lớn, vì đối với sản xuất Alumin, một công nghệ hoàn toàn mới trên đất nước ta, áp dụng đối với loại hình công nghiệp nặng mà nhiệt độ cao, áp suất cao, sử dụng rất nhiều hóa chất, không thể một sớm, một chiều có thể thay đổi".
Mặt khác, theo ông Ngự tiết lộ, thì quy trình công nghệ sản xuất Alumin, Chalieco đã học từ các Tập đoàn khác như ALCOA Mỹ; Nhà máy alumina Alunorte, TP Barcarena, Hungary của châu Âu, chứ không phải công nghệ của Trung Quốc, nên khó có thể chủ động. 
TVT: Như tôi đã nói ở trên.
Nói rộng hơn, công nghệ sản xuất Alumin được áp dụng là công nghệ Bayer Châu Mỹ, thế giới hiện đang sử dụng để xử lý quặng bauxit loại gipxit (tương tự như quặng Tây Nguyên), nhiệt độ hòa tách 145o C, áp suất khoảng 3-5 at. Về bùn đỏ và bùn oxalate, theo sơ đồ công nghệ, chúng được khống chế trong các hồ lắng gần nhà máy chế biến alumin. Trên thế giới, người ta thường gia cố đáy hồ lắng bằng vật liệu chống thấm (đất sét, vải địa kỹ thuật, nilon nhựa hoặc cao su, ximăng bitum) để ngăn không cho nước mang theo các chất độc hại có trong bùn đỏ và bùn oxalate thẩm thấu ra ngoài, làm ô nhiễm môi trưòng đất và nước ngầm khu vực.
Bộ TN-MT nắm quyền quyết định
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khác, Phó Giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng nhận định: "Đây là bài toán kinh tế liên quan đến lợi ích của nhà sản xuất, là bài toán về việc nghiên cứu vận hành.
Trong khi, việc vận hành phụ thuộc nhiều yếu tố như nhiệt độ, áp suất, hóa chất... và bài toán nghiên cứu vận hành không ai thay đổi được trừ người vận hành. Cho nên bài toán nghiên cứu vận hành là bài toán rất quan trọng trong thực tiễn, để thấy lý thuyết là như vậy, nhưng khi thực tiễn có nhiều cái không lường hết được.
Thậm chí ngay yếu tố thời tiết, cũng không phải năm nào cũng như năm nào, vì mưa năm nay khác mưa năm sau, nên phải thích ứng với từng trường hợp".
Trước việc, công nghệ sản xuất thép của Formosa cũng đã được chuyển đổi từ luyện coke ướt sang coke khô, sau khi có sự vào cuộc giám sát của Bộ TN-MT, theo ông Ngự, công nghệ sản xuất của Alumin hoàn toàn khác, nguy hại lớn nhất là bùn đỏ.
Vì với công nghệ sản xuất, không chỉ hóa chất mà còn nhiệt độ, nhà máy nhiệt điện làm trong khu sản xuất, khu công nghiệp, chính vì thế, nó là bài toán vô cùng khó khăn, nan giải.
Chính vì thế, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam - TKV cần có những hội thảo để cho các chuyên gia, các nhà quản lý trên từng địa bàn có nhà máy Alumin hoạt động bàn về vấn đề bảo đảm an toàn môi trường, đưa ra các đề xuất cụ thể.
Cũng là địa phương vừa xảy ra sự cố rò đường ống chứa xút, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Hiệp - Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông cho biết: "Về vấn đề chuyển đổi công nghệ sản xuất với các nhà máy Alumin, địa phương chỉ mang tính chất quản lý trên địa bàn, còn thay đổi thì thuộc thẩm quyền, chức năng của Bộ TN-MT, cơ quan trung ương quyết định".
Châu An
2. Bauxite Tây Nguyên đổi công nghệ thải: Trách nhiệm của TKV
(Quan điểm) - Tổng cục môi trường chỉ đảm nhận việc giám sát đảm bảo an toàn môi trường, chuyển đổi công nghệ sản xuất là trách nhiệm của TKV.
TKV là đơn vị nắm quyền khai thác bauxite
Trong thời gian qua, sau sự cố vỡ bục đường ống chứa xút nhà máy sản xuất Alumin Tân Rai (Lâm Đồng) thì đường ống dẫn xút tại Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) cũng bị rò rỉ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Các chuyên gia, các lãnh đạo Sở TN-MT của 2 tỉnh, sau đó đã chỉ rõ, nhà thầu Trung Quốc Chalieco hiện nay vẫn đang sử dụng công nghệ thải ướt. Đây là công nghệ không phù hợp với đặc thù của những nhà máy đặt tại Tây Nguyên vì phải chống chịu với mùa mưa kéo dài, khí hậu ẩm ướt. 
TVT: Ý trên không hoàn toàn đúng.
Đặc biệt, lãnh đạo các Sở TN-MT đều khẳng định, đây là thời điểm nên yêu cầu nhà thầu Chalieco thay đổi công nghệ sang thải khô để đảm bảo an toàn, nhưng đó là trách nhiệm của Bộ TN-MT, của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV). 
TVT: Không thể nói yêu cầu Chalieco được, nếu TKV có tiền thì lại thuê họ làm. Yêu cầu thay đổi công nghệ thì TKV phải làm nhưng cần có tiền, giá thành alumina sẽ cao lên khó mà cạnh tranh. Tôi nghĩ ‘thải ướt’ chỉ có thể chấp nhận được, với điều kiện là phải rà soát lại thiết kế hồ thải, thi công hồ thải, vật liệu xây dựng, giám sát thường xuyên hồ thải và mạch nước ngầm. Tây Nguyên mưa kéo dài, nên phải chú trọng phòng chống chảy tràn hồ thải.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 16/8, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Việt Nam, Bộ TN-MT cho biết: "Vấn đề chuyển đổi công nghệ sản xuất ra sản phẩm là do bên Tập đoàn TKV chủ quản, vì họ đảm nhận việc khai thác bauxite.
clip_image002
Ống dẫn chất thải bùn đỏ từ việc rửa quặng bô-xít tại công trường khai thác ra hồ chứa.
Cho nên việc chuyển đổi công nghệ thải bùn đỏ phải do TKV xem xét và yêu cầu nhà thầu Chalieco, TKV cũng là đơn vị nắm rõ về quy trình hoạt động, xả thải của các nhà máy trên".
Bên cạnh đó, theo ông Tùng, theo báo cáo của TKV thì phương pháp thải bùn đỏ đang áp dụng ở Nhà máy Alumin Tân Rai và Nhân Cơ không phải là phương pháp thải ướt như mọi người vẫn khẳng định mà là phương pháp thải chồng lớp khô (Dry Stacking). 
TVT: Thông tin này hoàn toàn không đúng, đang thải ướt; thậm chí chưa có ai ở TKV nhìn thấy Dry Stacking ở nước ngoài.
Khi có vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary, nhiều người cho rằng, dự án bauxite ở Tây Nguyên cũng thải bùn đỏ tương tự như thế, những thông tin trên phải xem xét lại. Vì công nghệ thải bùn đỏ của nhà máy Tân Rai, Nhân Cơ, theo thiết kế ban đầu, là công nghệ thải chồng lớp khô.
TVT: chưa xem thiết kế mà khẳng định thế này?
Theo thiết kế, trong quá trình trao đổi ngược, bùn đỏ được xử lý, có các thiết bị cô đặc, lắng lọc thu hồi xút, làm đặc đạt 46,5% và thải ra khu chứa bùn đỏ, khoảng 10-15 ngày sau thì bùn khô tự nhiên, có thể đi trên mặt hồ như bình thường.
TVT: Hồ bùn đỏ của bô xít Tây Nguyên là một chuỗi liên hồ hiện nay đã xây dựng được chuỗi 4 hồ liên hoàn và còn tiếp tục xây thêm. Thực ra, đây là một hồ cạn xây dựng trong thung lũng mà các nước thường tận dụng, được chia thành các blocks. Khi hồ thứ nhất đầy thì sẽ tràn sang hồ thứ hai. Bởi vậy, việc xảy ra sự cố tràn bùn đỏ trong giai đoạn trước mắt là vô cùng thấp, vì hồ được xây dựng trong thung lũng, cấu trúc địa chất phía dưới đã ổn định, nếu đê bao hồ cạn bị đổ thì bùn đỏ cũng chỉ chảy ra thung lũng. Đương nhiên, nước nhiễm kiềm có thể ngấm vào nước ngầm, ảnh hưởng đến môi trường. Những sự cố xảy ra trong thời gian qua, chủ yếu ở hồ thải quặng đuôi chứ không phải là hồ bùn đỏ. Mặt khác, trong quá trình vận hành thử nghiệm việc không đấu nối riêng biệt hệ thống thoát nước mưa chảy tràn để chảy vào hồ bùn đỏ cũng là một nguyên nhân làm tăng pH trong nước thải.
Thông thường nước mưa chảy tràn được thu gom để bơm quay trở lại nhà máy alumina, chỉ có điều là trong mùa mưa thì nước mưa này quá nhiều nên nhà máy không sử dụng hết được. Nếu có nước mưa nhiều trên bề mặt hồ bùn đỏ thì sẽ bơm nước này trở lại nhà máy để tận dụng và tránh kiềm theo ra ngoài. Còn nước lắng dưới đáy hồ cũng được bơm trở lại nhà máy. Vì trong bùn đỏ có oxalate từ quá trinh phân hủy cây cỏ, nên bốc mùi rất khó chịu, người ta thường phải tưới phun. Bùn đỏ là chất lỏng có dung trọng lớn hơn nước nên áp lực lên đập lớn hơn áp lực nước, gần bằng áp lực đất, cho nên không thể tính ổn định như đập chứa nước. 
Quay trở lại vấn đề thải khô. Bùn đỏ – sau khi được ép lọc, đạt độ rắn trên 60 % mới gọi là bùn đỏ khô. Hiện nay, công nghệ phổ biến được áp dụng trong thập kỷ qua là “Dry Stacking”, bùn đỏ từ nhà máy alumina được ép rồi phun trải thành lớp trên mặt bằng nghiền, để khô tự nhiên, xong lại phun trải lớp khác… sau đó thu gom lại. Rồi qui trình lặp lại. Hiện đại hơn, bùn đỏ từ nhà máy được sục CO2 để trung hòa bớt xút.
Tuy nhiên, ngoài chi phí đầu tư cao, công nghệ này phù hợp với những nơi thiếu đất xây dựng bãi thải, không mưa nhiều. Ở VN, 6 tháng mưa thì không thể để khô tự nhiên được, mà phải có mái che.
Sự cố tràn xút do bục đường ống, cho thấy cần phải thiết kế bể quây để chống tràn. Đối với các dự án bô xít Tây Nguyên lo ngại nhất là chất lượng và tuổi thọ của hệ thống dây chuyền, thiết bị từ chế biến quặng, sản xuất alumina và hồ chứa bùn đỏ chứ công nghệ không phải là vấn đề chính của các dự án này, v.v...
Giám sát môi trường
Nói về vai trò của Tổng cục Môi trường, ông Tùng nhấn mạnh: "Chúng tôi chỉ tham gia với vai trò liên quan đến môi trường, không liên quan đến sản xuất, nên chỉ có TKV mới có khả năng xem xét cụ thể về công nghệ thải khô, hay thải ướt.
Riêng về các sự cố xảy ra thời gian qua, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thì phía Tổng cục đã có đoàn giám sát mức độ nguy hại đến môi trường, đã có đề xuất, có khắc phục, giám sát sự cố.
Đặc biệt, theo ông Tùng, Sở TN-MT ở các địa phương cũng phải tham gia với vai trò quản lý tại các địa bàn, đảm bảo yếu tố an toàn môi trường. 
Trước đó, trao đổi với Đất Việt, ngày 15/8, ông Lương Văn Ngự – Phó Giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng, nói: "Công nghệ thải ướt đã được sử dụng từ năm 2007, bây giờ nếu muốn thay đổi cũng nhiều vấn đề, vì đó là thẩm quyền của Bộ KH-CN và Bộ TN-MT".
Cùng với đó, việc phải chuyển đổi công nghệ từ thải ướt sang thải khô tỉnh hoàn toàn đồng ý, nhưng việc thực thi rất khó, đó là cả một quá trình rất dài, thậm chí rất khó khăn.
Đây là bài toán rất lớn, vì đối với sản xuất Alumin, một công nghệ hoàn toàn mới trên đất nước ta, áp dụng đối với loại hình công nghiệp nặng mà nhiệt độ cao, áp suất cao, sử dụng rất nhiều hóa chất, không thể một sớm, một chiều có thể thay đổi.
Chính vì thế, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam - TKV cần có những hội thảo để cho các chuyên gia, các nhà quản lý trên từng địa bàn có nhà máy Alumin hoạt động bàn về vấn đề bảo đảm an toàn môi trường, đưa ra các đề xuất cụ thể
Châu An
3. Bauxite Tây Nguyên đổi công nghệ thải: TKV hãy vì dân
(Quan điểm) - Bộ TN-MT cần vào cuộc ngay, lên tiếng yêu cầu TKV phải gấp rút giám sát, kiểm tra lại công nghệ và làm việc trực tiếp với nhà thầu.
TKV phải có nghĩa vụ yêu cầu nhà thầu thay đổi
Sau sự việc Formosa tự ý thay đổi công nghệ từ luyện coke khô sang luyện coke ướt, từ đó, người ta nói đến việc khai thác bauxite Tây Nguyên, lúc đầu trình dự án là thải khô, sau đó lại chuyển thành thải ướt. Với những sự cố mới xảy ra, nhiều chuyên gia đề xuất nên yêu cầu các nhà máy sản xuất Alumin phải đổi công nghệ thải để đảm bảo an toàn môi trường.
Trước vấn đề trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 17/8, bà Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng cho biết: "Câu chuyện Formosa ai cũng biết, vì nó đã gây ra rất nhiều hậu họa môi trường cho đời sống của người dân xung quanh khu vực.
Có lẽ đây là vấn đề cần phải nhìn nhận một cách tổng thể, chứ không thể chắp vá, xảy ra hết sự việc này lại đến sự việc khác. Nhân sự việc này cần phải xem xét lại chắc chắn công nghệ sản xuất của các nhà máy sản xuất Alumin đang có vấn đề.
Nên đặt ra bài toán quản lý công nghệ của các nhà thầu kể cả trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút nguồn vốn FDI, ngay từ khi bắt đầu cho chủ trương đầu tư, phải xem họ đưa công nghệ nào vào sử dụng".
clip_image003
Bãi thải quặng bauxite
Bên cạnh đó, theo bà An, đối với các dự án đã xảy ra hệ quả, việc yêu cầu sửa đổi công nghệ là đúng, nhưng với các dự án sau này nên kiểm định gắt gao ngay từ khi bắt đầu khâu đầu tiên, từ khâu thẩm định công nghệ, chấp nhận đầu tư, mới tránh được việc chắp vá, không thực hiện đúng cam kết.
Đành rằng, lúc áp dụng vào thực tế thì sẽ có điều chỉnh nhưng phải quan tâm ngay từ đầu, không nên để những chuyện đáng tiếc xảy ra, vì có giải quyết cũng không đến tận cùng được, vẫn để hậu quả ở lại.
"Vì thế, chuyển đổi công nghệ ở các nhà máy sản xuất Alumin, dứt khoát là nên yêu cầu, để không gây thảm họa đáng tiếc. Phải rút kinh nghiệm khi chấp nhận chủ trương đầu tư dự án cần thẩm định cẩn thận công nghệ, đặc biệt, khi hiện nay Việt Nam đã đủ các nhà khoa học có trình độ để lựa chọn công nghệ.
Với hàng loạt các nhà máy như Formosa Hà Tĩnh, Alumin Tây Nguyên, liên tiếp xảy ra sự cố, đó đã là bài học đắt giá, nên thời kỳ bảo rằng chọn công nghệ rẻ đã đi qua, nên chọn công nghệ hiện đại, với giá hợp lý.
Hơn nữa, trong cam kết của nhà thầu với TKV đó là thải theo phương pháp thải chồng lớp khô (Dry Stacking), mà thay đổi sang thải ướt thì hoàn toàn là sai quy định, nên việc thay đổi lại công nghệ là chuyện phải làm, đó là trách nhiệm của họ. 
TVT: Chẳng có cam kết nào thế cả, chỉ nói lấy được, từ đó suy diễn ra nhiều thứ ở dưới!
TKV cần phải làm việc với nhà thầu, yêu cầu nhà thầu phải thay đổi, làm đúng với cam kết trong hợp đồng. Đây là chuyện sinh mạng của dân", bà An khẳng định.
Bộ TN-MT cần phải vào cuộc
Về việc này, theo Bộ TN&MT trách nhiệm thuộc về Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV). Theo bà An, nếu đã quy định rõ trong hợp đồng là thải khô thì hoàn toàn có quyền yêu cầu thay đổi, thẩm định lại ngay công nghệ lúc đầu, yêu cầu làm đúng.
Đồng thời, yêu cầu TKV giải thích lý do vì sao để cho nhà thầu làm trái với công nghệ ban đầu, TKV phải chịu trách nhiệm. Và việc yêu cầu làm đúng theo công nghệ ban đầu cũng là việc TKV phải làm.
Bà An chỉ rõ: "Bộ TN-MT chính là đơn vị quản lý có quyền cao nhất, nên phải tham mưu cho Chính phủ, thay mặt quản lý nhà nước, thì phải vào cuộc, lập đoàn giám sát, kiểm tra lại toàn bộ thông tin, nếu nhà thầu Trung Quốc tự ý thay đổi công nghệ thì phải thay đổi, phân tích rõ tác hại đến đâu, trên cơ sở đó phân tích, có quyền đưa ra quyết định".
Khi nói về bài toán kinh tế so với mối nguy về môi trường, theo bà An, không được đánh đổi kinh tế với môi trường, bởi thực ra nếu không cẩn thận, thì được 1% GDP, lại mất vài % cải thiện môi trường, đây là bài toán Việt Nam chưa tính cụ thể.
TVT: Tôi chia sẻ với quan điểm về bài toán kinh tế dự án của bà An nhưng muốn nói rõ hơn, trong đánh giá dự án, có hai phân tích được xem xét: (1) Phân tích tài chính gồm đánh giá lợi ích của dự án đối với chủ đầu tư, trong trường hợp này là TKV, và (2) Phân tích kinh tếđánh giá lợi ích của dự án đối với quốc gia. Về cơ bản, hai phân tích này bao gồm trong phân tích dòng tiền một số hạng mục chi phí chung và riêng. Ví dụ, trong phân tích tài chính có xem xét các loại thuế như là một hạng mục chi phí, tuy nhiên trong phân tích kinh tế thì thuế không được xem xét, vì bản chất của thuế là một khoản chuyển giao (transfer payment) giữa các bên trong một quốc gia. Ngoài ra, các chi phí mà TKV không trả nhưng nhà nước vẫn phải đầu tư hay các chi phí ngoại ứng (môi trường và xã hội) cũng phải được bao gồm trong phân tích kinh tế. Trong dự án bô xít, rõ ràng phân tích kinh tế quan trọng hơn rất nhiều so với phân tích tài chính. Trong trường hợp điều chỉnh thuế chẳng hạn, có thể đem lại lợi nhuận cho TKV nhưng không có tác động gì đến kết quả phân tích kinh tế. Vì vậy, để xét đến hiệu quả kinh tế của dự án bô xit cần nói rõ là hiệu quả đối với chủ thể nào, TKV hay Quốc gia. Vì nếu nó chỉ làm lợi cho một đối tượng trong quốc gia (phân tích tài chính đạt hiệu quả cho TKV) nhưng phân tích kinh tế không hiệu quả (Quốc gia không có lợi) thì cũng cần phải dừng dự án.
Kết luận
TVT: Theo tôi hiểu tài nguyên được xem là nguồn vốn quý của quốc gia nhưng không phải là vô hạn. Tình trạng khai thác lãng phí, thiếu quy hoạch càng làm cho nguồn vốn này mau cạn kiệt. Ăn vào vốn tài nguyên là con đường kiếm tiền nhàn hạ nhất, nhanh nhất nhưng đó cũng là nguyên nhân gây nên những hậu quả không ai lường hết được. Phải chăng đó cũng là một trong các nguyên nhân mà dự án Bauxite Tây Nguyên bị công luận, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước phản ứng quyết liệt đến thế! Càng ngày, mọi người càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của khoa học công nghệ và vai trò tư vấn phản biện của các nhà khoa học trong việc hoạch định và thực thi các chiến lược, nhiệm vụ kinh tế xã hội nhất là những vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường.
Người dân mong muốn phải rà soát, điều chỉnh lại mục tiêu phát triển vì đất nước nói chung, vì chất lượng cuộc sống của thế hệ hôm nay và cũng phải vì tương lai cho con cháu chúng ta.
Châu An
Nguồn: 
TS Tô Văn Trường gửi BVN
(*) Tên bài và đề mục do BVN đặt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.