Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Đại học Fulbright Việt Nam – ‘Hãy bỏ cuộc chiến này sau lưng chúng ta’

Đại học Fulbright Việt Nam – ‘Hãy bỏ cuộc chiến này sau lưng chúng ta’

bauxitevnSat 9:18 AM


Mary Beth Marklein, 16 tháng 7 năm 2016, University World News, số 422
Nguyễn-Khoa Thái-Anhchuyển ngữ
Lời người dịch:
Trong khi không ai từ chối chuyện hữu ích và cần thiết trong việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam – nhất là giới sinh viên và tuổi trẻ Việt Nam đang mong mỏi được theo học một đại học, đào luyện theo đúng tiêu chuẩn Hoa Kỳ và quốc tế – thì gần đây đã có những khuynh hướng, những chỉ dấu của nhà nước thiên lệch với tiêu chí đã nêu ra trong đề xướng của FUV (Fulbright University Vietnam) như đòi hỏi phải theo pháp luật Việt Nam để giảng dạy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hy vọng đây sẽ không trở thành những rào cản làm chệch ý nguyện đầu tư của Hoa Kỳ cho nền giáo dục Việt Nam.
Không ai xa lạ gì với ông Bob Kerrey, cựu chiến binh trong cuộc chiến Việt Nam, một người đã từng là Thống đốc, Thượng nghị sĩ Mỹ và Chủ tịch một trường đại học tại Hoa Kỳ. Dưới mắt công chúng ông là một nhân vật gây nhiều tranh cãi.

Trong thập niên 60, ông được trao Huân chương Danh dự vì hành vi anh dũng trong nghĩa vụ quân sự của mình ở Việt Nam để rồi nhiều hàng chục năm sau đó tiếng thơm này bị hoen ố vì vai trò của mình trong một cuộc đột kích kết thúc với nhiều cái chết của những dân làng không vũ trang, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Trong những năm 1990, ông ủng hộ việc khôi phục quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt Nam, được nhiều phía tán thưởng trong khi một số các gia đình giận dữ vì xác của của những người lính Mỹ như cha, chồng, con, anh em họ chưa được mang về Mỹ.
Năm 2011, ông phải rời bỏ vai trò chủ tịch của mình tại The New School ở New York vì tai tiếng, kể cả sự bất tín nhiệm của ban giáo sư và nhiều cuộc biểu tình của sinh viên.
Hiện nay, một số người chống đối đang đòi ông từ chức trong chức vị chủ tịch của hội đồng quản trị và người gây quỹ chính yếu cho Đại học Fulbright Việt Nam, dự kiến sẽ ​​mở cửa vào mùa thu năm 2016 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thành tích chiến tranh của ông – cùng với cuộc điều tra của giới truyền thông khởi xướng vào năm 2001 tiết lộ các chi tiết bất ổn về các sự kiện đã xảy ra trong một đêm tối đen của nhiều mùa trăng trước ở một ngôi làng ở đồng bằng sông Cửu Long – khiến nhiều người chống ông, cho rằng vai trò Chủ tịch FUV như thế dù xét dưới khía cạnh khả quan nhất cũng không phù hợp.
Đại học FUV không bị chống đối
Xem như ý tưởng của một trường đại học được Mỹ ủng hộ ở Việt Nam không bị chống đối.
Là một trọng điểm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm của ông ở Việt Nam vào tháng Năm vừa qua, Đại học Fulbright Việt Nam hay là FUV mong muốn trở thành một trường đại học độc lập tư đầu tiên, phi lợi nhuận ở Việt Nam – và quan trọng hơn, một trường đại học kiểu Mỹ mà không nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đại học này là kết quả của nhiều năm dự hoạch và đàm phán.
Chính phủ Hoa Kỳ cho đến nay đã đầu tư khoảng $20 triệu trong đó, chủ yếu dưới hình thức các khoản tài trợ liên bang cho Quỹ Tín thác Đại học Sáng tạo ở Việt Nam, một tổ chức phi lợi nhuận Mỹ được thành lập vào năm 2012 để hỗ trợ cho việc thành lập Đại học Fulbright Việt Nam.
Như một điều kiện để nhận các khoản tài trợ, Quỹ Tín thác được luật pháp Hoa Kỳ đòi hỏi nhằm đảm bảo rằng FUV sẽ đáp ứng ba tiêu chí tương đương trên nguyên tắc với các kỳ vọng được đặt ra cho các trường đại học Mỹ.
Đại học FUV cần phải 1) đạt chuẩn mực “so với những tín chỉ cần thiết cho việc được công nhận như các đại học tại Hoa Kỳ”, 2) cung ứng chương trình giảng dạy các trình độ cao học và đại học 4 năm và chương trình nghiên cứu “trong một loạt các lĩnh vực, bao gồm cả chính sách công, quản trị và kỹ thuật”, và 3) thiết lập “một chính sách giảng dạy tự do” và cấm “kiểm duyệt các tư tưởng bất đồng hoặc quan điểm chỉ trích một cách xây dựng”.
Giảng dạy tự do và học bổng
Mục tiêu thứ ba trước giờ là một điểm khó xử tại Việt Nam, nơi mà chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh từ lâu đã là trụ cột trong chương trình giảng dạy bắt buộc của cấp đại học 4 năm, một tàn dư của những thập kỷ chạy theo mô hình điều khiển tập trung kiểu Xô-viết.
Từ năm 1986, Việt Nam đã được chuyển đổi đến cái họ gọi là mô hình kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nói nôm na, các quan chức Việt Nam “.... muốn kiểm soát các chương trình giảng dạy,” ông Kerrey nói. “Vấn đề là, giảng dạy sinh viên đại học để họ nhớ tất cả mọi thứ mà Hồ Chí Minh đã từng làm hay phát biểu, thì điều đó thị trường không có nhu cầu nhiều.”
Giáo dục là một nền tảng trọng yếu trong chiến lược quyền lực mềm của Hoa Kỳ tại Việt Nam trên 20 năm nay kể từ khi hai nước nối lại quan hệ ngoại giao.
Hai thành viên trong Bộ Chính trị Việt Nam nhận được tài trợ từ chương trình trao đổi học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Mỹ để lấy bằng cao học tại các trường đại học Mỹ.
Từ năm 2000, hơn 600 người Việt đã theo học tại các trường đại học Mỹ thông qua chương trình học bổng này, đây là đấu tranh của Kerrey khi ông còn ở Thượng viện. Ông là một trong số cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam nổi bật đã thúc đẩy luật pháp Mỹ cấp học bổng, với mục tiêu đảm bảo món nợ Hoa Kỳ dành cho miền Nam Việt Nam sẽ giúp giáo dục học sinh Việt.
Khi chương trình trao đổi sinh viên kết thúc, số tiền còn lại được chuyển hướng đến mục tiêu phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, chính nó là một kết quả của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, một dự án do Đại học Harvard chủ xướng đã mở cửa vào năm 1994 tại thành phố Hồ Chí Minh.
‘Hãy bỏ cuộc chiến này lại đằng sau chúng ta’
Nhìn lại, ông Kerrey cho biết là đã không có một kế hoạch quy mô để thành lập một trường đại học. Sự ra đời “của FUV chỉ là kết quả của một số người trong chúng tôi khi nói ‘Nên bỏ cuộc chiến này lại sau lưng ta’”, ông nói.
Tình cảm này cũng được các nhà lãnh đạo chủ chốt tại Việt Nam chia sẻ.
Trong một cột xã luận đăng trên báo Tuổi Trẻ của nhà nước, ông Đinh La Thăng, Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh coi FUV là “một biểu tượng cụ thể của quyết tâm chung của Việt Nam và Hoa Kỳ” nhằm “bỏ quá khứ sang một bên, vượt qua sự khác biệt, theo đuổi các lợi ích chung, và hướng tới tương lai một cách thiết thực và hiệu quả.”
Ông cho biết sự chỉ trích về ông Kerrey “là điều dễ hiểu,” nhưng chỉ “nếu chúng ta ... nhìn theo cảm tính của mình. ... Khi suy nghĩ về một sự kiện lịch sử, chúng ta phải nhìn nó qua mối tương quan với hiện tại. Vì vậy, phản ứng cảm xúc riêng nó là không đủ.”
Kerrey đã nhiều lần tạ lỗi cho hành động của mình trong cuộc chiến, gần đây nhất là tháng Năm, và đã hứa sẵn sàng rời bỏ chức chủ tịch nếu điều này trở thành một trở ngại cho trường đại học. Nhưng như Bí thư Đinh La Thăng, ông cũng có quan điểm: “Bạn cần phải mở rộng tầm tranh luận. Những tranh cãi về sự tham chiến của Mỹ ở Việt Nam đã không bắt đầu trong năm nay,” ông nói. “Nó đã diễn ra trong một thời gian dài.”
M. B. M.
Dịch giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.