Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Không dám lớn mạnh – Thực tế dở khóc dở cười ở các doanh nghiệp tư nhân(*)

Không dám lớn mạnh – Thực tế dở khóc dở cười ở các doanh nghiệp tư nhân(*)

bauxitevn7:41 AM


Đậu Anh Tuấn
Có một thực tế buồn: Doanh nghiệp càng lớn thì phiền nhiễu đến càng nhiều, doanh nghiệp càng hoành tráng thì đón tiếp các đoàn thanh tra càng thường xuyên, doanh nghiệp càng chuyên nghiệp thì càng nặng gánh chi phí thực hiện thủ tục hành chính. 
Điều gì đang xảy ra? Dường như cơ quan Nhà nước các cấp khi thanh tra, kiểm tra thường thích vào doanh nghiệp lớn. Họ muốn thành tích, họ cần có khoản thu từ phạt cao để báo cáo? Quy định của một số ngành đang dẫn đến tình trạng nếu đoàn kiểm tra vào không có khoản phạt đưa về thì bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Một tâm lý phổ biến là chả nhẽ đi mấy ngày về mà không có số thu nào báo cáo lãnh đạo? 
Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp đến 2020 đã tính tới những câu chuyện này, với nhiều quy định như “không kiểm tra quá một lần/năm” (đối với cấp tỉnh) trừ khi có dấu hiệu vi phạm; “tránh trùng lặp, chồng chéo” trong thanh tra… 
Nhưng trên thực tế tôi nắm bắt, thì sự chồng chéo giữa các đoàn thanh - kiểm tra là rất nhiều: các đoàn không sử dụng kết quả lẫn nhau, doanh nghiệp mỗi lần tiếp cứ thế trình bày từ đầu. Nó dẫn đến thực tế dở khóc dở cười là một số doanh nghiệp phải cố tình dành một phần nào đấy làm sai để khi cơ quan vào kiểm tra có khoản mà thu. Đó là chưa kể những “khoản thu nhập” không chính thức lớn hơn, có được dễ dàng hơn cho các công chức thực thi khi “viếng thăm” các doanh nghiệp lớn.

Cách đây ít lâu tôi gặp một người bạn lớn tuổi, chủ một doanh nghiệp một thời lừng lẫy, thời kỳ Việt Nam vừa ban hành Luật Doanh nghiệp mới 1999.
Khi hỏi về tình hình kinh doanh hiện ra sao, triển vọng như thế nào, anh im lặng một lúc rồi nói, anh giờ gần hết động lực kinh doanh rồi, chỉ duy trì doanh nghiệp tàm tạm như vậy thôi. Đủ ăn, đủ tiêu, đủ cho hai đứa con đi học nước ngoài. Một đứa đã đi làm và lập gia đình bên đó, anh không hướng con về. Là một người từng hồ hởi với bao dự định khởi nghiệp to lớn cách đây 15 năm, trong câu chuyện của anh, giờ chỉ còn sự chán ngán. “Cơ chế phiền hà”, “cản trở ngược đời” là những từ anh dùng nhiều nhất.
Thường khi ra kinh doanh, từ khởi đầu quy mô nhỏ, ai cũng muốn làm ăn bài bản, đàng hoàng và mơ ước một ngày lớn lên. Khi lớn hơn, với nhiều lợi thế về quy mô, doanh nghiệp sẽ có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đó là những nguyên lý của kinh tế. Nhưng ở Việt Nam, ngược đời lại không phải vậy. Doanh nghiệp không muốn lớn. Bởi cái sự “lớn” ở nước ta đi kèm với rất nhiều phiền phức.
Theo một cuộc điều tra 10.000 doanh nghiệp tư nhân năm 2015 của VCCI, một doanh nghiệp lớn điển hình sẽ đón 3 đoàn thanh tra, kiểm tra trong một năm, doanh nghiệp vừa và nhỏ là 2 đoàn. 50% số doanh nghiệp lớn bị thanh tra từ 3 lần trở lên trong năm gần nhất. Tỷ lệ này với doanh nghiệp nhỏ là 24%. Một doanh nghiệp lớn bình quân sẽ mất 40 giờ cho mỗi cuộc thanh tra thuế khi doanh nghiệp nhỏ là 7 giờ. 
Một cuộc điều tra 2.500 doanh nghiệp về thuế năm ngoái cũng cho kết quả tương tự, trên 62% doanh nghiệp có quy mô vốn trên 50 tỷ đồng phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra về thuế trong năm gần nhất trong khi chỉ là 37% nếu quy mô vốn từ một tỷ trở xuống.
Một cuộc điều tra hơn 3.100 doanh nghiệp về hải quan trong cùng năm cũng của VCCI thì 66% doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan, tỷ lệ này chỉ là 48% nếu quy mô vốn dưới 10 tỷ. 
Như vậy, có một thực tế buồn: Doanh nghiệp càng lớn thì phiền nhiễu đến càng nhiều, doanh nghiệp càng hoành tráng thì đón tiếp các đoàn thanh tra càng thường xuyên, doanh nghiệp càng chuyên nghiệp thì càng nặng gánh chi phí thực hiện thủ tục hành chính. 
Điều gì đang xảy ra? Dường như cơ quan Nhà nước các cấp khi thanh tra, kiểm tra thường thích vào doanh nghiệp lớn. Họ muốn thành tích, họ cần có khoản thu từ phạt cao để báo cáo? Quy định của một số ngành đang dẫn đến tình trạng nếu đoàn kiểm tra vào không có khoản phạt đưa về thì bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. Một tâm lý phổ biến là chả nhẽ đi mấy ngày về mà không có số thu nào báo cáo lãnh đạo? 
Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp đến 2020 đã tính tới những câu chuyện này, với nhiều quy định như “không kiểm tra quá một lần/năm” (đối với cấp tỉnh) trừ khi có dấu hiệu vi phạm; “tránh trùng lặp, chồng chéo” trong thanh tra… 
Nhưng trên thực tế tôi nắm bắt, thì sự chồng chéo giữa các đoàn thanh - kiểm tra là rất nhiều: các đoàn không sử dụng kết quả lẫn nhau, doanh nghiệp mỗi lần tiếp cứ thế trình bày từ đầu. Nó dẫn đến thực tế dở khóc dở cười là một số doanh nghiệp phải cố tình dành một phần nào đấy làm sai để khi cơ quan vào kiểm tra có khoản mà thu. Đó là chưa kể những “khoản thu nhập” không chính thức lớn hơn, có được dễ dàng hơn cho các công chức thực thi khi “viếng thăm” các doanh nghiệp lớn. 
Hệ thống chúng ta hiện nay đang tạo ra một thứ động lực ngược cho doanh nghiệp. Càng to rủi ro càng lớn. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không muốn lớn, việc tăng quy mô kinh doanh không giúp ích gì nhiều cho họ. Một số chủ doanh nghiệp kể với tôi rằng chỉ cần xây trụ sở có vẻ bề thế, dựng cái bảng hiệu lơn lớn thì ngay lập tức sẽ thấy hiệu ứng “ngược”, trước hết là sự “viếng thăm” bất đắc dĩ dày đặc, từ cấp tỉnh cho đến cấp phường, từ chính thức cho đến những chương trình vận động, quyên góp tự nguyện (mà thực ra là bắt buộc). 
“Khôn thì dựng trại, dại mới dựng nhà” là trải nghiệm thực tế, kinh nghiệm nằm lòng của nhiều người kinh doanh ở nước ta. Phần lớn chỉ muốn làm ăn nhì nhằng, trông chờ được yên ổn, thoát được khỏi tầm ngắm của hệ thống cơ quan công quyền. Tôi chắc rằng thực tế vận hành “chối bỏ thành công” này là một nguyên nhân quan trọng cho thực trạng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang li ti hoá, nhỏ dần đi theo thời gian. Quy mô kinh doanh quá nhỏ sẽ không khai thác được lợi thế nhờ quy mô, nhỏ nên không có nguồn lực đầu tư bài bản vào công nghệ nên năng suất thấp, tính cạnh tranh không cao. 
Báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra năng suất sử dụng vốn và lao động của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang giảm dần theo thời gian, sắp bằng… doanh nghiệp Nhà nước. 
Cái giá của “động lực ngược” là vô cùng đắt. Để Việt Nam tránh được được mô hình kỳ lạ “quốc gia không chịu phát triển” như ví von của bà Phạm Chi Lan, những chương trình phát triển doanh nghiệp có lẽ cần bắt đầu từ những điều giản dị: làm sao để cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam muốn lớn và lớn được. Làm sao, để cho anh bạn vong niên của tôi sau gần 20 năm kinh doanh không lắc đầu chán ngán về cơ chế và khuyến khích hai người con học hành bài bản về lập nghiệp ở quê nhà. 
Đ.A.T.
(*) Đầu đề của tác giả, BVN thêm một phần cuối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.