Tháng 8 và tháng 9: bài học từ hai sự kiện lịch sử
bauxitevnTue 9:17 AM
Trần Thạnh
Lịch sử Việt Nam có hai sự kiện, tuy xảy ra tại hai thời điểm cách xa nhau, nhưng có thể phản ảnh tầm vóc các nhân vật lịch sử có liên quan khi được đặt cạnh nhau. Đó là sự kiện xảy ra ngày 25 tháng 8 năm 1945 và hai ngày 3-4 tháng 9 năm 1990.
Tháng 8 năm 1945, tình hình chính trị tại Việt Nam sôi động, chịu ảnh hưởng của những ngày cuối cùng của cuộc Thế chiến thứ hai. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản đầu hàng phe đồng minh. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, trước lời kêu gọi của Uỷ ban Nhân dân Cứu quốc ở Hà Nội, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị.
Cuộc đời của vị vua cuối cùng của triều Nguyễn chắc chắn còn nhiều điều gây tranh cãi, nhưng hành động này của vua Bảo Đại đã điểm một dấu son cho tên tuổi của Ông trong lịch sử của dân tộc. Trong tuyên ngôn thoái vị vua Bảo Đại, vị vua mà chỉ ít phút sau khi đọc tuyên ngôn đó đã hãnh diện trở thành công dân Vĩnh Thuỵ, viết:
“Vì hạnh phúc của dân tộc Việt Nam,
Vì nền độc lập của Việt Nam,
Để đạt hai mục đích ấy, Trẫm tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả, và ước mong rằng sự hy sinh của Trẫm đem lại lợi ích cho Tổ quốc.
Nhận định rằng sự đoàn kết của toàn thể đồng bào chúng ta vào giờ phút này là sự cần thiết cho Tổ quốc chúng ta, ngày 23 tháng 8, Trẫm đã nhắc lại cho toàn thể nhân dân là: Ở giờ phút quyết định này của Lịch sử, đoàn kết có nghĩa là sống, mà chia rẽ là chết.
Chiếu đà tiến dân chủ đang đẩy mạnh ở miền Bắc nước ta, Trẫm e ngại rằng một sự tranh chấp giữa miền Bắc với miền Nam khó tránh được, nếu Trẫm đợi sau cuộc trưng cầu dân ý, để quyết định thoái vị. Trẫm hiểu rằng, nếu có cuộc tranh chấp đó, đưa cả nước vào sau hỗn loạn đau thương, thì chỉ có lợi cho kẻ xâm lăng.
Trẫm không thể không ngậm ngùi khi nghĩ đến các tiên đế đã chiến đấu trên bốn trăm năm để mở mang bờ cõi từ Thuận Hoá đến Hà Tiên. Trẫm không khỏi tiếc hận là trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm không thể làm gì đem lại lợi ích đáng kể cho đất nước.
Mặc dù vậy, và vững mạnh trong sự tin tưởng của mình, Trẫm đã quyết định thoái vị, và Trẫm trao quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hoà.
...
Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. ...” [1]
Vị vua cuối cùng của Việt Nam đã hy sinh quyền lợi riêng của mình và hoàng tộc, tránh cho đất nước và dân tộc thảm hoạ chiến tranh và ngoại xâm. Trong thông điệp gửi cho tất cả hoàng gia vào đêm cùng ngày hôm đó Ông viết:
“..., Trẫm tin chắc rằng, sau khi nghe xong thông điệp của Trẫm về sự thoái ngôi tất cả hoàng tộc chúng ta đã để bổn phận làm dân đối với tổ quốc trên tình yêu của đàn con đối với tổ tiên, và sẵn sàng hợp nhứt đối với tất cả đồng bào để khuông phù chính phủ dân chủ cộng hoà, hầu củng cố nền độc lập cho đất nước. ...” [2]
Bốn mươi lăm năm sau, sự kiện lịch sử thứ hai xảy ra, lần này theo chiều hướng ngược lại hoàn toàn. Lợi ích của Tổ quốc và dân tộc đã bị đưa xuống hàng thứ hai sau học thuyết, chủ nghĩa, và quyền lợi riêng của đảng cầm quyền.
Ngày 9 tháng 11 năm 1989, bức tường Bá Linh chia đôi Đông Đức và Tây Đức sụp đổ. Nước Đức thống nhất. Trước đó, vào mùa hè năm 1989, Phong trào Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan thắng trong một cuộc bầu cử phần nào tự do. Lần đầu tiên từ sau năm 1945 một chính phủ không cộng sản được thành lập tại quốc gia này. Tiếp theo sau là Hungary, Đông Đức, rồi toàn bộ khối cộng sản Châu Âu sụp đổ.
Ngày 15 tháng 4 năm 1989, cựu Tổng Bí thư Trung Quốc Hồ Diệu Bang chết. Hàng trăm ngàn dân chúng và sinh viên Trung quốc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn đòi tự do và dân chủ. Ngày 4 tháng 6, lãnh đạo đảng cộng sản Trung quốc đưa xe tăng và quân đội đến đàn áp, dẫn đến cái chết của hàng ngàn người.
Lo ngại trước sự sụp đổ hàng loạt của các nước cộng sản Đông Âu, và vì mất đi sự hậu thuẫn từ Liên Xô, chính quyền Hà Nội quay sang tìm sự bảo trợ của Trung Quốc. Ngày 2 tháng 9 năm 1990, phái đoàn lãnh đạo Hà Nội gồm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười cùng đoàn tuỳ tùng sang Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên) gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng với lý do liên minh để “bảo vệ chủ nghĩa xã hội”. Một hành động đi ngược lại hoàn toàn những gì đã xảy ra trong quan hệ giữa hai đảng cộng sản và hai nước từ năm 1979.
Năm 1979, nhà xuất bản Sự Thật Hà Nội xuất bản tập sách Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung quốc trong 30 năm qua. Theo lời chú dẫn đầu tập sách, đây là “một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được công bố ngày 4 tháng 10 năm 1979 nhằm vạch trần bộ mặt phản động của bọn bành trướng Bắc Kinh đối với nước ta trong suốt một thời gian dài”. Trang bìa cuối của cuốn sách cho biết có 65.200 cuốn được in ra, một con số in kỷ lục so với các sách được in tại Việt Nam.
Không biết có bao nhiêu đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đã được xem và còn nhớ đến tập sách dày 110 trang này. Ba mươi năm, tính ngược từ thời điểm cuốn sách được phát hành năm 1979, có nghĩa là theo những người lãnh đạo Hà Nội lúc đó, Trung Quốc đã có âm mưu xâm chiếm hoặc khống chế Việt Nam từ năm 1949, khi đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm được cả lục địa Trung Quốc.
Chúng ta không có điều kiện để kiểm chứng tính xác thực của tất cả các cáo buộc của phía Việt Nam được ghi trong quyển Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung quốc trong 30 năm qua. Nhưng những người Việt Nam hiểu biết ít nhiều về lịch sử đều nhớ rõ trong suốt mấy ngàn năm từ thuở Vua Hùng dựng nước chúng ta đã nhiều lần chịu hoạ xâm lăng từ phương Bắc. Thế nhưng giới lãnh đạo Hà Nội từ năm 1990 đến nay đã cố tình quên đi bài học lịch sử này, chỉ vì muốn bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản. Họ sẵn sàng làm ngược lại với tất cả những gì mà họ đã tin và đã viết trong tập sách về 30 năm mối quan hệ hai nước.
Hai câu hỏi được đặt ra.
Một: Nếu vào năm 1945 vua Bảo Đại đã hành động ngược lại, dựa vào một thế lực ngoại bang nào đó để bảo vệ ngai vàng và quyền lợi riêng của hoàng tộc, điều gì sẽ xảy ra cho dân tộc Việt?
Hai: Nếu vào năm 1990 đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động ngược lại, vì lợi ích của dân tộc, chấp nhận theo trào lưu của thế giới, để đất nước thay đổi như các nước Đông Âu, Tổ quốc Việt Nam hiện nay sẽ ra sao?
Lịch sử đã không xảy ra như vậy, nên mọi câu trả lời chỉ có tính cách phỏng đoán. Riêng đối với câu hỏi thứ 2 bên trên, chúng ta thử tìm một phần của câu trả lời dựa vào các số liệu phát triển kinh tế của World Bank. Hai đồ thị bên dưới so sánh mức tăng của tổng sản lượng quốc nội tính trên đầu người, quy đổi theo sức mua tương đương (GDP PPP per capita: Gross Domestic Product at Purchasing Power Parity per capita) của Việt Nam và một vài nước tiêu biểu thuộc khối cộng sản Đông Âu cũ là Bulgaria, Hungary, Ba Lan, và Romania. Đông Đức được sáp nhập vào Tây Đức nên không thể so sánh. Cộng hoà Czech có mức độ phát triển cao hơn cả Ba Lan nên không cần thiết phải so sánh.
Hình 1 cho thấy là vào năm 1990, khi vừa thoát khỏi thể chế cộng sản, khoảng cách giữa các nước Đông Âu này và Việt Nam nhỏ hơn khoảng cách hiện nay rất nhiều. Trong khi mức độ tăng của Việt Nam chậm hơn so với trung bình của thế giới (TBTG), các nước Ba Lan, Hungary, Romania có tốc độ phát triển cao hơn nên ngày càng bỏ xa Việt Nam. Bulgaria trong thời gian từ 2000 đến 2009 phát triển nhanh hơn TBTG, tuy hiện nay chậm lại bằng tốc độ của TBTG nhưng vẫn cao hơn Việt Nam nhiều lần. Cần chú ý là hai nước Bulgaria và Romania là hai nước vào hàng nghèo nhất trong số các nước cộng sản Đông Âu trước đây.
Trong số các nước trên, World Bank chỉ có số liệu trước năm 1990 của 2 nước Bulgaria và Việt Nam, và đơn vị tiền tệ là đồng Mỹ kim, nghĩa là không tính tới mãi lực của đồng tiền của mỗi nước. Hình 2 cho thấy từ năm 1985 đến năm 2002 (5 năm cuối cùng của chế độ cộng sản Bulgaria và hơn 10 năm đầu của chế độ cộng hoà của nước này), hai nước có cùng mức độ tăng, khoảng cách chênh lệch không thay đổi đáng kể trong thời gian này. Nhưng từ sau năm 2002, Bulgaria đã ngày càng vượt xa Việt Nam.
Hình 1: GDP PPP per capita, từ trên xuống là các nước Ba Lan, Hungary, Romania, Bulgaria, Trung Bình Thế Giới (TBTG), và Việt Nam. Đơn vị tiền là International Dollar, là giá trị tiền đã điều chỉnh theo sức mua (mãi lực) của đồng tiền mỗi nước.
Hình 2: So sánh GDP per capita giữa Bulgaria và Việt Nam trong thời kỳ trước và sau cộng sản của Bulgaria. Đơn vị tiền tệ là Mỹ kim.
Hai đồ thị trên khiến chúng ta có quyền tin rằng nếu vào năm 1990 giới lãnh đạo Hà Nội chấp nhận thay đổi để cứu Tổ quốc thay vì cứu chủ nghĩa xã hội và chế độ thì đất nước hiện nay đã khá hơn rất nhiều. Một điều chắc chắn là chính trị Việt Nam sẽ không bị trói buộc vào Trung Quốc như hiện nay. Sẽ không xảy ra việc Trung quốc chiếm được thác Bản Giốc và một phần lãnh thổ Việt Nam ở biên giới phía Bắc mà không tốn một giọt máu. Nếu họ có ý nghĩ chấp nhận thay đổi vì Tổ quốc, 2 năm trước đó (1988) họ đã không để xảy ra việc 64 chiến sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma (Trường Sa) mà không có một viên đạn bắn trả vào quân thù.
Lịch sử Việt Nam mai sau sẽ công minh đánh giá việc làm của những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vào giai đoạn 1990 đó, nhất là những người đã tham gia trong phái đoàn “cầu viện” ở Thành Đô.
Sydney 15.08.2016
T.T.
Tác giả gửi BVN
[1] Bảo Đại, Con Rồng Việt Nam, Nguyễn Phước Tộc xuất bản, 1990, trang 187.
[2] Sách đã dẫn, trang 189.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.