Ngửa tay nhận tiền để hoạ cho dân
Phạm Trần (Danlambao) - Thảm trạng môi trường miền Trung của Formosa đang làm hàng triệu dân đói mà các viên chức đảng và nhà nước lại tìm cách đổ lỗi cho nhau khiến cả nước hoang mang.
Trước tiên, hãy nghe Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trưởng Trần Hồng Hà tuyên bố tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 02/08/2016: "Theo Luật Đất đai năm 2003 cũng như Luật Đất đai năm 2013, việc cho thuê đất đối với các nhà đầu tư mà theo các tiêu chí như khu vực khó khăn để đầu tư…, Hà Tĩnh được coi là khu vực thuộc tiêu chí được xem xét ưu tiên. Như vậy, theo cả Luật Đất đai 2003 và 2013 thì thẩm quyền cho thuê đất đối với UBND tỉnh, thành phố là được 70 năm. Như Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đã nêu, đối với việc cấp giấy phép đầu tư, đặc biệt cho doanh nghiệp nước ngoài theo Luật Đầu tư 2014 thì thẩm quyền của UBND tỉnh cho phép thuê được 50 năm, còn trên 50 năm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, báo cáo Chính phủ để xem xét trên các góc độ: Nguồn vốn đầu tư, điều kiện khó khăn… Sau đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người có thẩm quyền cho phép. Trong trường hợp các bạn nêu, việc này thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra, kiểm tra rồi. Đối với Hà Tĩnh, tôi cho rằng, việc cấp giấy phép đầu tư với thời hạn 70 năm cùng với cho thuê đất 70 năm ở đây là sai thẩm quyền vì UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho doanh nghiệp thuê với thời hạn đáng nhẽ phải do Chính phủ quyết định.” (Cổng thông tin của Chính phủ, 02/08/2016)
Như vậy rõ ràng Hà Tĩnh đã tự ý qua mặt Chính phủ khi cấp giấy phép cho nhà đầu tư nước ngoài là Formnosa Đài Loan.
Trước đó, ngày 22/7, Ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, qua cuộc thanh tra năm 2014 đã kết luận chỉ rõ: "Hà Tĩnh đã cấp phép cho Formosa thuê đất trong 70 năm là không đúng thẩm quyền (tỉnh chỉ được cấp phép thuê đất trong 50 năm). Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, kiến nghị Thủ tướng thống nhất cấp phép 70 năm cho Formosa, sau đó Thủ tướng chấp thuận.
"Nếu xem xét theo Luật đầu tư năm 2014, những trường hợp như của Formosa được phép cấp đến 70 năm. Nhưng thời điểm năm 2012 Hà Tĩnh cấp phép như vậy là trái thẩm quyền."
Khi nói đến trách nhiệm của việc làm tắc trách này của Hà Tĩnh ông Khánh khẳng định: "Không cần chỉ ra người cụ thể nhưng đương nhiên các lãnh đạo ở thời điểm đó phải có trách nhiệm, và đến nay việc kiểm điểm trách nhiệm của các lãnh đạo Hà Tĩnh chưa được nghiêm túc."
Thanh tra đã kết luận Hà Tĩnh làm bậy từ năm 2014 mà hai năm sau (2016) khi xẩy ra vụ cá chết mà các viên chức có trách nhiệm vẫn chưa chịu kiểm điểm trách nhiệm thì Bộ Chính trị và Chính phủ sợ ai?
Võ Kim Cự là ai?
Báo chí trong nước viết rõ: "Thời điểm 2008-2010, ông Võ Kim Cự, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp cấp phép đầu tư cho dự án Nhà máy liên hợp luyện gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa) do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý.
Từ tháng 8/2010 đến nay, ông Cự kinh qua nhiều vị trí, là Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa 13, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội từ 1/2015 và hiện nay là Bí thư Đảng đoàn Liên minh Hợp Tác Xã Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020." (VNEXPRESS, 22/07/2016)
Vẫn theo VNExpress, chính ông Cự cũng đã thừa nhận tại buổi công bố kết luận thanh tra khi ấy rằng: “Việc Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là không phù hợp.”
Nhưng tại cuộc họp báo ngày 25/07/2016, sau ít ngày lẩn tránh phóng viên, ông Võ Kim Cự lại đảo ngược mọi chuyện.
Ông nói với báo chí tại hành lang Quốc hội: "Việc ký giấy chứng nhận đầu tư là đúng luật, đúng theo Nghị định 108 và quyết định 72 của Thủ tướng, đặc biệt là luật Đầu tư, Đất đai. Thời hạn 70 năm là đúng điều 34 của luật Đầu tư và điều 67 của luật Đất đai. Đối với những dự án lớn, quy mô lớn, nhưng thu hồi chậm nằm trong khu vực vùng kinh tế đặc biệt khó khăn thì được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất…, có quyết định, điều khoản quy định rõ ràng.
Việc này Hà Tĩnh không thể tự đặt ra được, đồng thời, khi đảm bảo đúng quy trình, nhà đầu tư có yêu cầu thì tỉnh đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng đồng ý, sau đó, giao cho các bộ, ngành hướng dẫn, quy trình, thẩm định… Hiện văn bản còn nguyên vẹn cả.
Chính phủ đồng ý ở công văn 869 cấp phép, Thủ tướng có văn bản số 926 đồng ý cấp phép 70 năm. Việc cấp phép như vậy là đúng và phù hợp."
Khi được yêu cầu nói rõ hơn về trách nhiệm của lãnh đạo trong thực thi?
Ông Cự đáp: "Ký quyết định là đúng quy định của luật pháp còn để vi phạm đấy thì thủ phạm và nguyên nhân là Formosa thì rất rõ và chúng ta đang xử lý nghiêm túc."
Một phóng viên bảo: "Nhưng Formosa có tiền sử là đi đến nước nào gây ô nhiễm nước đấy?"
Ông Cự trả lời: "Văn bản hồ sơ chúng tôi vẫn giữ nguyên đây, chưa có bộ nào bảo là không đồng ý Formosa hay bảo Formosa có vấn đề gì cả."
Ông Cự cũng bác ý kiến cho rằng Hà Tĩnh đã cấp phép qúa nhanh, chỉ trong hai tháng, đặc biệt cho Formosa. Ông nói: "Không thể có gì đặc biệt, đã làm đúng luật, đúng trình tự, đúng bước đi, đúng quy định của luật pháp, không bỏ qua bất kỳ giai đoạn nào, đúng theo nghị định 108, đúng theo luật Đầu tư, đúng các quy định của Chính phủ…không rút ngắn thời gian, không bỏ qua, vẫn đủ trình tự và ý kiến tất cả các bộ ngành liên quan, không thiếu bộ nào." (Theo VietNamNet)
Như vậy thì ai nói đúng? Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trưởng Trần Hồng Hà và Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh bảo ông Cự làm sai còn ông Võ Kim Cự thì đưa ra bằng chứng nói ông “đã làm đúng luật, đúng trình tự, đúng bước đi, đúng quy định của luật pháp” ?
Như vậy là “cốt đổ cho đồng, đồng đổ cho cốt” để mặc cho dân khốn đốn.
Quốc hội - chính phủ - giáo phận Vinh
Vậy tại sao Quốc hội lại bác ý kiến của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa và một số Đại biểu khác yêu cầu Quốc hội thành thành lập Ủy ban điều tra riêng về vụ Formosa?
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích trong cuộc họp báo ngày 27/07/2016: "Riêng với sự cố ô nhiễm môi trường do tập đoàn Formosa gây ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá Chính phủ các cơ quan hữu quan đã tập trung triển khai và tiến hành nhiều giải pháp quyết liệt, phát hiện nguyên nhân, khắc phục hậu quả và đã đạt được kết quả bước đầu.
Hiện các cơ quan chức năng đang làm rõ trách nhiệm, xử lý sai phạm của cá nhân, tập thể có liên quan.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ủy ban thường vụ Quốc hôi đã chỉ đạo Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường chủ động nắm tình hình, làm việc với các bộ ngành địa phương có liên quan để báo cáo kết quả."
Ông Phúc còn cho biết: "Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng giao Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường trực tiếp giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường khu công nghiệp và và khu kinh tế ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Trong đó có hoạt động của tập đoàn Formosa báo cáo kết quả cho Quốc hội để tiếp tục theo dõi giám sát."
Tổng Thư ký Quốc hội kết luận: "Với những hoạt động đã có này của Quốc hội, Formosa đã không được bổ sung vào chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội 2017."
Nhưng kinh nghiệm quá khứ đã chứng minh Quốc hội chẳng giám sát được ai. Bằng chứng chưa bao giờ Quốc hội phát giác được các ổ tham nhũng trong Đảng và Chính phủ. Quốc hội cũng đã bất lực không thanh lọc được hàng ngũ cán bộ, đảng viên chạy chức, chạy quyền và mua bằng, bán cấp.
Từ lâu, Quốc hội cũng đã biết cả nước phải sống chung với ô nhiễm môi trường và thực phẩn độc hại đem vào từ Trung Quốc mà có làm được gì đâu?
Vụ Formosa quá lớn và cực kỳ nguy hại cho người dân và đất nước nên Quốc hội mới nhìn thấy. Vậy còn hàng trăm nhà máy và dự án kinh tế có bàn tay Trung Quốc đã và đang tiếp tục xả thải chất độc phá hoại Việt Nam thì chưa thấy Quốc hội “giám sát” là tại sao?
Nhưng đâu phải Formosa chỉ thải chất độc ra biển mà còn chôn giấu khoảng 400 tấn thải khô có chất độc tại ít nhất 10 địa điểm trong địa hạt Hà Tĩnh mà cũng chưa thấy Quốc hội nhẩy vào “giám sát” thì Quốc hội là của ai?
Trước những khốn khó tột cùng của người dân tại các vùng bị nạn ở miền Trung, lần đầu tiên Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng loạt đưa ra những tuyên bố trấn an dân để lấy lại niềm tin là chính.
Trong chuyến thăm và làm việc với cử tri tại huyện Kỳ Anh và Thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ngày 03/08/2016, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ hứa: "Chính phủ sẽ rà soát lại từ cấp Trung ương tới địa phương đối với những cá nhân có liên quan tới cấp phép, xây dựng và vận hành dự án này. “Cho dù có mục đích vì sự phát triển của địa phương mà thiếu hiểu biết hoặc kém trách nhiệm hoặc cố ý làm trái thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Chính phủ sẽ công bố cho đồng bào, cử tri cả nước biết."
Trong khi ấy, tại cuộc họp báo của Chính phủ hôm 2/8 (2016), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng hứa: "Đối với dự án Formosa, hiện đang giao cho Bộ Tư Pháp kiểm tra toàn diện tính pháp lý; giao Bộ KH&ĐT (Khoa học-Đào tạo), TN&MT (Tài nguyên & Môi trường) rà soát toàn bộ quy trình, thủ tục đầu tư, quá trình cấp phép, cấp xả thải của các cơ quan và tỉnh Hà Tĩnh. Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ là không có vùng cấm trong xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm. Tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm đều sẽ bị xử lý nghiêm minh, công khai trước nhân dân.”
Cuối cùng, gặp cử tri Hải Phòng ngày 03/08 (2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lập lại lới hứa: "Chính phủ theo dõi sát sao hoạt động của Formosa Hà Tĩnh và sẽ đóng cửa nếu họ tái phạm."
Nhưng hứa và hy vọng là một chuyện, còn có làm được hay không là chuyện khác. Chắc chắn nhân dân không còn lựa chọn nào ngoài ngồi “chờ cho sung rụng” với ước mơ không phải ăn thêm quả thối môi trường của Formosa. Chỉ tiếc rằng, khi ngửa tay ra nhận khoản tiền đền bù 500 triệu của Formosa, đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã hí hửng như kẻ thắng cuộc mà chưa biết hết thiệt hại của dân và của đất nước đến mức độ nào bây giờ và trong tương lai.
Cho đến nay, người dân chỉ được nghe những dự đoán Nhà nước sẽ công bố kết quả thử nghiệm nước biển và sự an toàn cho dân được sống không bị nhiễm độc. Chưa có viên chức thẩm quyền nào cho biết khi nào thì dân mới được an tâm và có công ăn việc làm ổn định như trước ngày cá chết 06/04/2016.
Vì dân không thể di dời như dân du mục thời xưa nên khi nào hàng ngàn người dân đã ăn cá nhiễm độc ở miền Trung chưa được khám nghiệm để biết sức khỏe vẫn an toàn thì mối lo tuyệt nòi không phải là chuyện khó xẩy ra.
Vì vậy mà hôm 27/07/2016, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh, nơi có địa bàn thiệt hại nhiều nhất trong vụ Formosa đã yêu cầu Nhà nước cấp bách cứu dân khỏi kiệt quệ thêm về kinh tế và tài chính.
Ngoài ra kiến nghị này cũng yêu cầu Nhà nước: "Buộc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bồi thường thiệt hại căn cứ trên cơ sở thực tế đã xảy ra và thiệt hại kéo dài trong tương lai. Thiệt hại này bao gồm chi phí khôi phục môi trường biển và những tổn thất mà người dân đã và sẽ gánh chịu.
Truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với Công ty Formosa và những cá nhân tổ chức liên quan căn cứ trên những quy định của pháp luật."
Cuối cùng Giáo phận Vinh của Đức cha Nguyễn Thái Hợp đã dứt khoát: "Yêu cầu đóng cửa vĩnh viễn Formosa để đảm bảo môi trường sống ổn định lâu dài cho người dân."
Khi đưa ra đề nghị khẩn trương này, Giáo phận Vinh có thể đã nhìn thấy hiểm họa Formosa không chỉ ngắn hạn mà là cơn ác mộng sẽ còn dài lắm vì không ai dám bảo đảm sẽ không có một thảm họa cá chết thứ hai ở Hà Tĩnh. -/-
(08/016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.