Từ Hội An đến biển Đà Nẵng
bauxitevnSat 1:38 PM
KTS Trần Yên Nguyên
Bệnh nghề nghiệp khiến tôi không khỏi ngạc nhiên khi đi vô khu phố cổ. Nhiều ngôi nhà di sản được tu bổ mới tinh, láng bóng còn sực mùi sơn mới, nó được biến thành các shop hiện đại, váy áo tây đầm, giày dép mode đủ loại... cảnh quan của Hội An cho ta cảm nhận đúng nghĩa nôm na của hai chữ "hội nhập"!
Các chủ nhân của Hội An quên mất một điều Hội An quyến rũ bởi nó là đô thị cổ – với những ngôi nhà cổ kính rêu phong! Vậy mà họ lại đang hiện đại hoá nó từ trong đến ngoài – từ ruột đến vỏ, với tốc độ này không biết đô thị "cổ" Hội An sẽ đi về đâu?
Hội An xưa – tranh ký họa bút sắt – của họa sĩ Trần Duy vẽ năm 1992
Qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử mà Hội An vẫn còn giữ được gần như nguyên trạng, nhưng ít năm gần đây, khi cơ chế thị trường mở cửa cho việc đầu tư khai thác du lịch, cảnh quan Hội An đã bị biến dạng. Tôi hy vọng căn cứ vào sử liệu các nhà quản lý di sản sẽ cố gắng trả Hội An về với nguyên gốc cổ xưa của nó. Các cửa hàng kinh doanh lưu niệm cũng nên nghiên cứu bán những phiên bản kỷ vật xưa, cũ, nhưng kỷ vật tự sản xuất rất riêng của địa phương mình – có thể chế tác phiên bản hoạ tiết kiến trúc của chính các công trình di sản đó, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của xứ đó. Các nhà hàng ăn nên bán đặc sản của vùng miền đó là chính.
Chùa Cầu "bé cỏn con" bên ngôi nhà to lớn và hai bờ lạch được kè đá hoành tráng!
Xa xưa hai bên chùa Cầu là bờ đất thoai thoải với khẩu độ vượt con lạch không lớn nhưng chùa Cầu vẫn cho ta cảm nhận bề thế, nên thơ và duyên dáng. Ngày nay phía bờ Nam của chùa Cầu không biết tự bao giờ (tất nhiên là sau 1992 – vì ảnh tư liệu 1992 không có ngôi nhà đó) đã xuất hiện ngôi nhà hai tầng cao lớn, tương quan tỉ lệ của ngôi nhà đó đã phá hỏng cảnh quan của chùa Cầu, cho ta cảm giác chùa cầu bé cỏn con đang so vai rụt cổ giữa hai bên bờ lạch được xây kè đá rất cẩn trọng!
Con lạch khi xưa là bờ đất soải cho ta giác rộng lớn là vậy nay thu lại chỉ còn hơn nửa không gian. Lý đáng ra ta phải kè đá đúng theo bờ đất cũ rồi làm mạch phủ đất trồng cỏ, các ngôi nhà di sản cũng cần được trùng tu trả lại nó vẻ cổ kính nguyên sơ, vì di sản được xây dựng ở thế kỷ 17-18 và nó đang tồn tại ở thế kỷ 21, người ta gọi là trùng tu bảo tồn di tích nghĩa là tu bổ trùng khớp nguyên gốc.
Rời Hội An với nỗi buồn của một người yêu nền văn hóa dân tộc mà không biết phải làm gì để cứu các khu di sản trước nguy cơ "hội nhập"!
Bỗng tôi chợt nhớ lời các bạn đồng nghiệp Quảng Nam giới thiệu với tôi tại bãi biển phía Bắc TP Đà Nẵng đang xây dựng một khu seaside resort tuyệt vời lắm. Chủ trì thiết kế công trình với ý tưởng hiện đại hoá kiến trúc truyền thống, hoà quyện mái ngói đỏ với màu xanh của cây lá và biển cả, tạo cho người tới công trình một cảm giác thanh thản nhẹ nhàng. Khi vào phía trong công trình, ngắm nhìn kỹ từng hoạ tiết kiến trúc, tôi thấy thật đáng tiếc cho tác giả, đã lãng phí một không gian huyền diệu cho một tác phẩm không hoàn hảo. Tôi xin lỗi vì đã phê phán khi không biết tác giả là ai.
Quần thể kiến trúc khu seaside resorts toạ ngự trên một địa thế được phối màu với thiên nhiên như một bức tranh sơn thủy hữu tình!!
Đuôi kèo hiên (miền Trung), Bẩy (miền Bắc) đẹp tuyệt vời lắm, sao tác giả lại biến nó thành hình thái kỳ lạ thế này???
Tại sao kết cấu gỗ lại có liên kết kỳ dị thế???
Ý tưởng bê tông hoá nhà gỗ truyền thống là ý tưởng tuyệt vời nhưng đáng tiếc tác giả đã không hiểu cấu trúc của kết cấu gỗ truyền thống, không hiểu hết về cấu tạo của công trình kết cấu gỗ mà lại dám sáng tác "nhại" lại nó để cho ra đời một tác phẩm không hoàn mỹ!
Xin độc giả hãy ngắm nhìn kỹ các công trình kiến trúc gỗ của nước ta, nó thật độc đáo và có ở khắp nơi, đó là đình làng, chùa làng, là từ đường, là những ngôi nhà gỗ truyền thống… các bạn sẽ tìm thấy cái đẹp tinh tế và độc đáo của từng hoạ tiết kiến trúc trong công trình, sẽ tìm thấy cái duyên ở mái chùa, mái đình, cổng làng, sẽ tìm thấy hồn Việt trong các công trình Di Sản.
Một đôi điều mạo muội, mong sao tất cả chúng ta cùng tạo dựng cho mình một tình yêu đối với nền kiến trúc truyền thống, tôn trọng tính nguyên gốc của các khu di sản. Nghiên cứu kỹ hoạ tiết kiến trúc dân tộc trước khi hiện đại hoá nó. đừng để những sơ xuất đáng tiếc như các vấn đề tôi đã đề cập trên đây – vì sau khi ra đời các công trình đó còn tồn tại ít nhất vài chục đến vài trăm năm trên trái đất – không dễ gì đập đi xây lại!!!
T. Y. N.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.