Thượng tá công an và cậu bé chăn cừu
bauxitevnSun 8:41 AM
Blogger Đỗ Thành Nhân
Trong kho tàng truyện ngụ ngôn để giáo dục thiếu nhi của nhân loại, có câu chuyện giàu tính nhân văn là “Cậu bé chăn cừu và chó sói”.
Nội dung câu chuyện đại loại:
Có cậu bé chăn cừu cứ la lên “Sói! Sói!”, dân làng nghe tiếng chạy đến giúp chú đuổi chó sói, nhưng chẳng thấy sói đâu. Đến khi có sói đến thật, cậu bé la lên thì không một ai ra giúp cả và thế là sói thỏa sức bắt mồi, giết chết rất nhiều cừu của chú bé.
Bài học giáo dục cho các em bé là: không nên nói dối, nhất là nói dối những chuyện nguy hiểm; đến lúc nguy hiểm xảy ra có kêu lên thì chẳng ai tin và cũng chẳng ai giúp.
Cứ tưởng “Cậu bé chăn cừu” chỉ là câu chuyện ngụ ngôn cho mục đích giáo dục trẻ em, nhưng mấy hôm nay lại thêm một “Cậu bé chăn cừu và chó sói” khác, hiện đại hơn.
Trên mạng xuất hiện hình ảnh Thông báo số 487/TB-CAH, ngày 2/8/2016 của Công an huyện Si Ma Ca tỉnh Lào Cai có nội dung:
“Ngày 27/7/2016, Công an huyện Si Ma Cai nhận được công văn số 1177/CAT-PV11 của Công an tỉnh Lào Cai thông báo:
Tại địa phận giáp ranh Việt Nam - Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng (gan, thận, tim, mắt...). Qua xác minh, nắm được các đối tượng là người Trung Quốc, tổ chức thành từng nhóm từ 3 đến 5 đối tượng, sử dụng xe ô tô (không có biển kiểm soát), đối tượng tập trung vào những gia đình có người già, trẻ em ở, học sinh các trường tổ chức đi học ngoại khóa, trẻ em đi chăn thả gia súc, làm nương rẫy một mình...Các đối tượng bắt cóc đưa lên ô tô, đến khu vực vắng rồi mổ lấy nội tạng.
Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả loại tội phạm này, Lãnh đạo Công an huyện yêu cầu Công an các xã, các trường học trên địa bàn huyện thông báo đến toàn thể nhân dân và học sinh các phương thức thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, tuyên truyền cho mọi người khi đi đến gần khu vực biên giới không nên đi một mình mà đi theo nhóm 3 người đến 5 người để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn có các hành vi hoạt động như đã nêu ở trên,báo cáo kịp thời về Công an huyện để phối hợp bắt giữ đối tượng./.”.
Thông báo của Công an huyện Si Ma Ca đã cảnh báo một mối nguy hiểm thực sự đã và đang đe dọa đến nhiều người dân và cũng hướng dẫn người dân địa phương phòng ngừa tội phạm này theo đúng trách nhiệm của cơ quan công an.
Cộng đồng mạng xã hội, báo mạng tiếp nhận thông tin từ Thông báo này và đã phổ biến, chia sẻ rộng rãi với niềm tin có cơ sở vào tính xác thực của Thông báo:
- Văn bản là một bản ảnh chụp với giấy trắng, mực đen, con dấu đỏ, chữ ký tay không có dấu hiệu qua photoshop.
- Văn bản phát hành không nhằm vào ngày cá tháng tư, người ký văn bản là một sĩ quan cao cấp mang hàm thượng tá, chức vụ phó công an huyện.
- Về thể thức văn bản phù hợp với quy định của cơ quan nhà nước, Thông báo được lập trên cơ sở “công văn số 1177/CAT-PV11 của Công an tỉnh Lào Cai” (ký hiệu “PV11” là viết tắt tên của Phòng Tham mưu Công an tỉnh).
- Về nội dung văn bản là phù hợp với thực trạng mà xã hội đang cảnh báo là có nhiều người bị bắt cóc, buôn bán nội tạng. (1)
Phải nói là Thông báo công khai, chính thức của Công an huyện Si Ma Ca đã tạo ra hiệu ứng thông tin lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội và báo mạng; hình thành áp lực đòi hỏi chính quyền, các cơ quan chức năng phải có một câu trả lời chính thức và các giải pháp đồng bộ, căn cơ để loại trừ cho được nguy cơ bùng phát đe dọa sự ổn định xã hội.
Tuy nhiên Thông báo của Công an huyện Si Ma Ca lan truyền trên mạng đến ngày 11 tháng 8 thì “Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến - Cục trưởng Cảnh sát Hình sự (C45) Bộ Công an khẳng định, thông tin bắt cóc lấy nội tạng tại Hà Giang là bịa đặt. Đại diện công an Hà Giang cũng cho biết, công an Lào Cai xác nhận họ... sơ suất trong soạn thảo văn bản.” (2)
Vậy là, một sĩ quan cao cấp với hàm thượng tá, lãnh đạo công an một huyện biên giới biến thành nhân vật chính trong truyện ngụ ngôn “Cậu bé chăn cừu và chó sói”. Liệu sau này, những cảnh báo nguy cấp từ các huyện vùng biên giới phát ra có còn người dân nào nghe theo nữa không?! (Không biết điều này có nằm trong thuyết âm mưu nào không, nhưng chuyện xảy ra làm người ta nhớ đến điển tích “Chu U Vương - Bao Tự” ngày xưa đã dẫn đến đại họa làm sụp đổ triều đại nhà Tây Chu năm 771 TCN).
Vậy là, Thông báo của Công an huyện Si Ma Ca là “thông tin ... bịa đặt”, nguyên nhân được cho là “... sơ suất trong soạn thảo văn bản”; Thiếu tướng - Cục trưởng Cảnh sát đã “khẳng định” thì người dân phải nghe, nhưng mà còn nhiều vấn đề mà người nghe chưa được thuyết phục.
Thứ nhất: “thông tin … bịa đặt”
- Thông báo được ký phát hành ngày 2 tháng 8 nhưng đến ngày 11 tháng 8 mới xác định thông tin là “bịa đặt” sau khi ảnh của Thông báo phát tán rộng rãi trên mạng là phản ứng quá chậm.
- Huyện Si Ma Ca có 13 xã, tức là văn bản này được gửi đến khoảng 30 đơn vị là Công an xã và Trường học trên địa bàn huyện: nhưng không thấy phản ứng từ cơ sở (nếu bịa đặt); đến 9 ngày sau trung ương thông báo là “thông tin … bịa đặt”, liệu có hợp lý?
- Xem kỹ ảnh chụp Thông báo; từ thể thức, căn cứ phát hành, nội dung đến người ký văn bản đều “đúng quy trình”. Văn bản từ khi soạn thảo đến khi phát hành được qua tay nhiều người; văn bản ngắn chưa đầy một trang A4, ai cũng có thể đọc nhanh và hiểu được nội dung, nhất là người ở địa phương nắm rõ địa bàn thì sự “bịa đặt” này là… có hệ thống.
- Người ký Thông báo là một Thượng tá, mà Thượng tá là quân hàm của cán bộ cao cấp trong Công an Nhân dân Việt Nam. Một sĩ quan cao cấp ký một Thông báo phục vụ quản lý chuyên ngành nhưng nội dung là “bịa đặt” thì rất khó tin, trừ khi vị này muốn làm “chú bé chăn cừu” trong chuyện ngụ ngôn.
Thứ hai: “… sơ suất trong soạn thảo văn bản”
- Như phần thứ nhất đã phân tích, Thông báo của Công an huyện Si Ma Ca đến khi phát hành đã thông qua những người có chuyên môn và chuyên nghiệp như: kỹ thuật tin học, hành chính, luật, quy trình,…; thể hiện qua cách trình bày, bố cục văn bản, ghi ngày, ký, sửa, vào số phát hành, nhân bản, đóng dấu, phát hành, lưu trữ… cho nên rất khó “sơ suất”!
- Vì tính chất quan trọng của Thông báo, nên văn bản đã được đọc rất kỹ, săm soi từng chữ thậm chí đến từng dấu phẩy. Điều đó được thể hiện qua “dấu phẩy (,)” được viết tay thêm vào trong câu cuối của nội dung văn bản (xem đoạn: … đã nêu ở trên,báo cáo kịp thời… đánh dấu trong ảnh); kỹ đến mức độ như vậy thì “sơ suất” có thể xảy ra được không?
Kết luận:
Tôi cố gắng để tìm ra cho được “sơ suất trong soạn thảo văn bản” để khẳng định là “thông tin … bịa đặt” trong Thông báo của Công an huyện Si Ma Ca. Có thể “sơ suất” nằm ở một từ duy nhất; từ này rất thông dụng, rất an toàn cho người viết và cũng rất dễ hiểu với người đọc, người nghe; đó là: không nên ghi rõ là “người Trung Quốc” mà lẽ ra phải ghi là “người LẠ”.
Từ "LẠ" ở đây cũng như cụm từ “tàu lạ” mà chúng ta thường nghe, thấy trên Biển Đông; cụm từ “sóng lạ” chiếm quyền điều khiển không lưu sân bay Tân Sơn Nhất. …!!!
Dù sao, cũng cảm ơn và cảm phục “Cậu bé chăn cừu”.
Đ. T. N.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.