Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2022

Khúc bi kịch bên bờ sông Lương Mã

 

Khúc bi kịch bên bờ sông Lương Mã

Yên Khê

2-12-2022

“Họ có phải chúng ta không?”

“Họ cầm giấy trắng, chúng ta đấy!”

“Có cảnh sát kìa, cảnh sát bắt sao!”

“Hay mình đi về?”

“Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian” –  (Lời bài Quốc tế ca của phong trào cộng sản)

Người hùng cầu Sitong muôn năm”

“Đừng, đừng, chúng ta là công dân tốt, chúng ta không bàn chính trị!”

“Hay là mình hoan hô Covid test nhé!”

“Đúng đúng, tiếp tục giới nghiêm đi nào!”

“Khuya rồi, làm gì nữa?”

“Thôi về!”

“Đừng đi lẻ, để còn biết lối nếu bị bắt”.

Đó là những mẫu đối thoại thì thào rời rạc của khoảng 100 người, đa số ở độ tuổi 20-30, tụ tập bên bờ sông Lương Mã, một thắng cảnh của thủ đô Bắc Kinh, tối Chủ Nhật, ngày 27-11-2022. Người quan sát ngoài cuộc hiểu ngay rằng đây là một cuộc biểu tình, trong hàng chục cuộc biểu tình trên khắp Trung Quốc, chống lệnh giới nghiêm Covid, sau bi kịch 10 người thiệt mạng ở Urumqi, Tân Cương, do bị giới nghiêm không thoát được một cơn hỏa hoạn vì nhà cửa bị phong tỏa. Họ lập một cái bàn thờ ngay bên sông để tưởng nhớ những người chết cháy ở Urumqi.

Một số nơi như Thượng Hải, Quảng Châu, người ta hô khẩu hiệu đòi Tập Cận Bình từ chức, Đảng Cộng sản thoái vị!

Nhưng ở cuộc biểu tình bên bờ sông Lương Mã, từ 9 giờ tối tới 2 giờ sáng, người biểu tình cũng không biết mình đang làm gì, chỉ biết rằng họ phải làm gì đó, trong cái không khí xã hội bức bối ngự trị gần một tỷ rưỡi người Trung Quốc.

Họ không có tổ chức, họ nhận ra nhau qua tấm giấy trắng. Họ là cư dân đô thị, họ còn trẻ, họ không phải là tầng lớp khốn cùng nhất trong xã hội Trung Quốc hiện nay. Họ biết rằng chế độ đang cai trị họ là chế độ độc tài, nhưng họ cũng biết rằng họ rất mong manh khi đối đầu với nó.

Họ hát quốc tế ca, bài hát của chế độ độc tài ấy, nhưng lại có nội dung chống độc tài.

Họ mỉa mai hoan hô giới nghiêm dù họ chống giới nghiêm, vì cho rằng nhà cầm quyền không dựa vào đó mà bắt họ. (Họ sai hoàn toàn, công an vẫn có thể đến nhà bắt họ với lý do họ mỉa mai chế độ).

Họ giống như những nhà nho, tổ tiên suốt mấy ngàn năm của họ, cứ phải viết giữa hai hàng chữ để tránh cơn thịnh nộ của thiên tử, của tể tướng, cho đến cơn tị hiềm của bọn … sai nha ở làng xã.

Một người biểu tình nói rằng, người Trung Quốc quen bị trị rồi.

Và bi kịch hơn cả, như mọi cư dân đô thị Trung Quốc, họ hiểu rằng cuộc sống của họ vẫn đang tốt, so với hàng chục triệu công nhân nhập cư từ miền quê nghèo kiếm ăn vất vưởng bên hè phố, quần quật trong các nhà máy. Có thể họ thấy Mao đúng khi dùng… “nông thôn bao vây thành thị”, trong cuộc chiến quốc Cộng năm xưa. Phải chăng là những nông dân ấy vừa đụng độ với cảnh sát ở thành phố Trịnh Châu (công nhân nhà máy sản xuất iPhone), còn họ thì không dám?

Họ đều sinh ra sau thế hệ Thiên An Môn (1989), chắc chắn họ chỉ biết đến Thiên An Môn qua ai đó, là cha chú họ, nhân chứng của sự kiện đẫm máu ấy, vì lịch sử chính thống xóa sạch câu chuyện ấy.

Một thế hệ sau Thiên An Môn đã lớn lên. Và chắc còn lâu lắm, và có thể mãi mãi, họ không vượt qua được Thiên An Môn.

Trong cái lạnh căm đầu đông Bắc Kinh, giữa những hàng liễu rũ vàng tơi tả, họ tan hàng với những tờ giấy trắng.

Lãng mạn, trầm cảm, và đầy bi kịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.