Lý Trần
4-12-2022
Quyết định đột ngột hoãn thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt là bài thi IELTS, đã gây ra nhiều xáo trộn, bất tiện và tốn kém cho nhiều người. Vì cần có chứng chỉ nộp đúng hạn để nhập học, có người phải bay sang tận Thailand để thi, rất nhiêu khê và tốn kém.
Mục đích rất “cao đẹp”, với lý do ngăn chặn gian lận trong thi cử. Đó là điều đáng làm lắm, nhưng rất … thừa với những tổ chức cấp phát chứng chỉ quốc tế như BC (Anh), IDP (Australia) hay ETS (Hoa Kỳ), …
Vì sao? Họ phải lo đến uy tín và độ tin cậy của chứng chỉ họ phát ra hơn bất cứ ai khác vì nó ảnh hưởng đến uy tín của họ, mà uy tín chính là bảo đảm sự sống còn và phát triển của tổ chức họ. Cho nên khả năng lộ đề thi, bán đáp án … hầu như chưa bao giờ xảy ra.
Chẳng nơi đâu trên thế giới này có những vụ bê bối thi cử như đã xảy ra ở Việt Nam, kể cả ở Bộ Giáo dục – Đào tạo của Việt Nam năm 2018, dẫn đến kỷ luật, trong đó có thứ trưởng của Bộ.
Thông thường, các cơ quan cấp chứng chỉ quốc tế như BC, ETS, … xem xét rất kỹ điều kiện vật chất của tổ chức đăng ký làm nơi tổ chức thi trước khi cho phép. Chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của họ về cơ sở vật chất, đội ngũ coi thi, an toàn địa điểm tổ chức thi, … thì họ mới công nhận và cho phép tổ chức thi.
Người viết bài này cũng từng thi lấy chứng chỉ quốc tế ở Việt Nam. Mọi thí sinh phải trình ID có ảnh, giấy báo thí sinh có ảnh, đi qua cổng rà soát an ninh như tại cửa kiểm tra an ninh trước khi lên máy bay, thí sinh ngồi cách nhau cả mét, có camera theo dõi… Nói tóm lại là vô cùng khó có chuyện thi thay/ hộ.
Vây, hà cớ gì mà Bộ Giáo dục ra thông tư 11/2022/TT – Bộ GDĐT làm một việc được nôm na gọi là “trứng khôn hơn vịt”, dạy các tổ chức cấp chứng chỉ như BC, IDP, ETS, DELF, hay HSK, … những thứ mà họ là thầy của mình? Họ đã làm như vậy cả trăm năm nay khi chưa có Bộ GDĐT!
Câu trả lời nằm trong cụm từ “một vài vấn đề tế nhị” mà cán bộ của BC phát biểu. Chuyện tế nhị đó, với người Việt trong nước có thể được diễn dịch là “làm khó để ló ra tiền”! Căn cứ vào các phát biểu, hành vi này của Bộ GD và Trung tâm khảo thí mang đậm mùi … tiền.
Đó mới là mục đích cuối cùng. Họ muốn độc quyền và thao túng việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ, một nguồn thu khá. Thao túng cấp chứng chỉ ngoại ngữ nội địa còn mang ý nghĩa thao túng quyền lực. Nghe có vẻ vô lý, nhưng thực tế cho thấy, cán bộ cấp cao của Nhà nước CSVN này mua chứng chỉ/ bằng tiếng Anh để lên chức! Nổi đình nổi đám là vụ cán bộ cấp cao mua bằng tiếng Anh của ĐH Đông Đô. Đó chỉ là một trong muôn vàn ví dụ ở VN.
Bộ GD còn muốn đi xa hơn thế. Người ta được biết Bộ GD gần đây thành lập cái gọi là Trung tâm khảo thí quốc gia, do một ông giáo người dân tộc từ một tỉnh miền núi về làm Giám đốc. Nơi này muốn độc quyền chuyện thi cử của mọi cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước và với tới các tổ chức cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài. Theo đà này, Việt Nam sắp quay lại bán chứng chỉ ABC (tiếng Anh, Pháp, Hoa, …) nội địa “cơm chấm cơm” theo cách gọi của người trong nước. Chẳng mấy chốc, ông không chỉ cấp chứng chỉ tiếng Anh, tiếng Hoa, … mà còn cấp chứng chỉ tiếng … Tày của ông?
Trong hệ thống hành chính của Việt Nam, các Vụ (thuộc Bộ) lo về chính sách đường hướng, các Cục thường chịu trách nhiệm về chuyên môn hẹp. Có nghĩa là người phụ trách Cục/ trung tâm khảo thí phải là người có chuyên môn về lĩnh vực khảo thí. Tuy nhiên, theo cán bộ của Bộ Bộ Giáo dục, ông giám đốc trung tâm khảo thí quốc gia không có chút đào tạo nào về đánh giá, ngoài vài năm làm công việc giáo vụ tại Cục khảo thí của Bộ Giáo dục.
Soi mói vào việc của người khác một cách không cần thiết, trong khi vụ bê bối thi cử quốc gia năm 2018 của Bộ Bộ Giáo dục vẫn còn đang lùng bùng. Cho đến nay, việc lộ đề thi môn Sinh học, kỳ thi THPT QG 2018 mới bắt một hai con muỗi: Khởi tố một cô giáo và một thầy giáo của trường ĐHSP Hà Nội, trong khi bộ phận cai quản đề nguồn là Bộ GD thì chỉ cảnh cáo vài con ruồi và khiển trách Thứ trưởng Độ.
Giáo viên đều rất bức xúc về việc làm không công bằng này, vì, theo mô tả của Bộ GD về quy trình ra đề, nếu kho đề của Bộ không giao đề nguồn từ trong kho ra cho hai giáo viên kia của tổ ra đề thì họ không thể có đề nguồn để dựa vào đó mà ra đề. Cũng theo Bộ GD, người ra đề không thể tự tiện mang tài liệu vào nơi làm thi vì chế độ kiểm tra an ninh rất nghiêm ngặt. Vậy mà, với tội lớn hơn nhóm giáo viên kia, cán bộ của Bộ GD chỉ bị cảnh cáo còn giáo viên thì bị khởi tố hình sự. Công bằng ở chỗ nào?
Nhưng quen với thân phận “con sâu, cái kiến”, giáo viên chỉ còn biết ngậm ngùi cúi đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.