Văn hóa của người có quyền
Nguyễn Đình Cống
Gần đây, sau Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 14/12/2021, khắp nơi rộ lên nhiều hy vọng. Để góp thêm tiếng nói tôi xin bàn về thói quen vô văn hóa thể hiện bởi sự khinh người của rất đông cán bộ có quyền hành ở Việt Nam ngày nay. Đó là việc không thèm trả lời thư, kiến nghị của cá nhân hoặc tập thể, trong đó kể cả thư của những người nổi tiếng, những lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu. Đây là một thói quen mới xuất hiện chứ trong truyền thống văn hóa của dân tộc không có. Nó từ đâu sinh ra hay học được từ ai. Phải chăng học từ Trung Cộng hay từ Tổng thống Truman của Mỹ. Chẳng là vào năm 1945-46 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho TT Truman tám lá thư mà không nhận được trả lời. Đó là một thất bại của nền ngoại giao.
Khi bạn viết thư, trừ những thư kể chuyện tầm phào hoặc không có gì cần trao đổi thì rất muốn được trả lời, ít nhất cũng trả lời vắn tắt là đã nhận được thư, thế mà bặt vô âm tín, mặc dầu biết chắc là thư đã đến tay người nhận. Phải chăng đó là thái độ vô văn hóa của người nhận thư. Không biết ở các nước Đông Âu trước đây và các nước Triều Tiên, Cu Ba thế nào chứ hồi tôi ở Liên Xô và Lào được biết rằng họ không có thói quen vô văn hóa kiểu “Im lặng là vàng” khi cán bộ lãnh đạo cần trả lời thư của dân. Tôi từng nghe chuyện ở các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Úc, Đức và nhiều nơi khác người đứng đầu nhà nước vẫn trả lời thư cho dân, ngay cả cho những đứa bé ít tuổi. Ở ta xin tường thuật một cuộc phỏng vấn tưởng tượng của phóng viên (PV) với một vị lãnh đạo cấp rất cao (LĐ).
PV- Thưa ngài xin cho biết tại sao những vị như ngài và nhiều cán bộ cấp dưới có thói quen không trả lời thư của dân.
LĐ- Đó không phải thói quen mà là việc không cần làm.
PV- Việc không cần làm?. Căn cứ vào đâu mà ngài nóí như vậy?
LĐ- Trong lời thề và phát biểu nhậm chức trước Quôc hội, chúng tôi đều nói rõ ràng là tuyệt đối thực hiện tốt những nhiệm vụ ghi trong Hiến pháp và tuân thủ Pháp luật. Thế mà trong Hiến pháp và Pháp luật không có điều nào về việc phải trả lời thư.
PV- Thưa ngài, trong Hiến pháp không ghi, nhưng liệu có một chủ trương như thế không ạ, vì không chỉ các ngài ở cấp tối cao mà gần như toàn thể các cán bộ có chức quyền đều làm như thế.
LĐ- Chủ trương ngầm thì có, nhưng không phổ biến công khai, không có văn bản, trừ một Nghị quyết nói xa nói gần đến việc đó mà không nói trực tiếp.
PV- Dạ, nghị quyết nào thế ạ.
LĐ- Đó là nghị quyết về việc cán bộ cấp trên phải nêu gương cho cấp dưới. Hễ việc gì cấp trên làm, cấp dưới cứ thế học mà làm theo.
PV- Nhưng liệu việc này có vi phạm vào nếp sống có văn hóa không ạ.
LĐ- Tôi không biết và không cần biết. Tôi nghe loáng thoáng, có một định nghĩa rằng văn hóa là những cái gì còn lại, sau khi người ta đã quên đi những thứ khác. Điều bạn đề cập đang còn lại, vậy nó là văn hóa.
PV- Xin cám ơn ngài đã trả lời phỏng vấn.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.