Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

Một vài nhận thức về tố tụng cần thay đổi

 

Một vài nhận thức về tố tụng cần thay đổi

LS Lê văn Luân

Mặc dù tôi lên tiếng để đòi hỏi tình trạng hiểu và áp dụng đúng đắn, chuẩn thức với các nguyên tắc cần có trong vụ án gây rúng động toàn xã hội đối với cháu bé để tiến tới sự công bằng, song, có những vấn đề vẫn đang là vấn đề lớn trong nhận thức và cách thực hiện của chúng ta, và chúng lại đến từ thiết chế có thẩm quyền tố tụng.

Như trong vụ án bé gái bị đánh đập tới chết bởi những người liên can, rõ ràng, thủ tục điều tra mới chỉ được bắt đầu, và cơ quan điều tra không phải là toà án để có thể nói về việc “đưa ra xét xử làm án điểm” như là một mô thức mệnh lệnh như vậy. Việc xét xử là chức năng duy nhất chỉ dành cho toà án và phải qua một quá trình tố tụng nghiêm ngặt, và phải đảm bảo sự khoa học thấu triệt nhất của nó. Ở đó, chính cơ quan điều tra chỉ có vai trò và nhiệm vụ của mình với phạm vi trong một giai đoạn nhất định.

Điều cần nói tới ở đây là về nhận thức đối với thẩm quyền và trách vụ của cơ quan điều tra trong tố tụng hình sự, đó là việc phân loại án để coi là “án điểm” là một vấn đề vượt quá những vấn đề cơ bản về chức năng tố tụng trong việc điều tra vụ án hình sự. Trong mọi tội danh và thủ tục tố tụng, không có đặc thù nào để coi một vụ án là án điểm hay không, mà chỉ có các tính chất của tội đó là nghiêm trọng ở mức độ nào. Hiện trong BLTTHS chỉ trao cho cơ quan điều tra một thủ tục điều tra đặc biệt trong một số vụ án đặc biệt (ví dụ như nghe lén điện thoại, bí mật theo dõi, đọc thư tín…).

Án điểm theo nhận thức bấy lâu nay, theo cách phổ biến, là xét dựa trên tiêu chí tác động “lớn” tới dư luận, xã hội và có tác dụng tuyên truyền, phổ biến pháp luật hậu xét xử? Dù đó là sự xét theo khía cạnh về mặt hệ quả, thì nó cũng không được phạm vào nguyên tắc toà án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, đảm bảo các nguyên tắc về công bằng và công lý - công lý tự nó có tác dụng với xã hội, chứ không phải vì tính chất của vụ án để coi đó là một đặc thù cho việc điều tra, truy tố và xét xử.

Việc xét xử tại toà án không còn vai trò của cơ quan điều tra nữa, và lúc này, bản thân việc kết tội của cơ quan điều tra còn đang bị xem xét, đánh giá lại và phải được thẩm tra kỹ lưỡng trước các thiết chế có thẩm quyền bằng các phiên xử mà ở đó chính cơ quan điều tra còn phải đối mặt với việc phải giải trình một khi được triệu tập hay yêu cầu. Cần nói thêm rằng, việc vi phạm thủ tục, trong một nền tố tụng đề cao tiêu chuẩn công lý thủ tục, sẽ là căn cứ để dẫn tới đình chỉ các cáo buộc chứ không chỉ đơn thuần là tìm cách quay trở lại để khắc phục lại các sai sót trước đó, hoặc làm giảm nhẹ nó để vẫn thông qua việc xét xử và ra phán quyết.

Hơn nữa, một bài báo gần nhất nói tới việc cơ quan công tố TP.HCM sẽ họp liên ngành để đi đến thống nhất cách giải quyết vụ án, điều này đã được nói đến rất nhiều lần rằng, đó là hoạt động nằm ngoài các nguyên tắc tiến hành tố tụng và nó làm ảnh hưởng tới những giá trị cơ bản nhất của BLTTHS. Và như thế, việc xét xử trở thành hệ quả của các thống nhất thay vì phải đến từ sự độc lập tuyệt đối của mình trước tất cả.

Chỉ cần đạt tới trạng thái của công lý thông qua việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của thủ tục, cả xã hội sẽ tự cảm thấy mình được an toàn. 

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang đứng và văn bản cho biết 'உ்AG QUANG S #SohaNews Công an TP.HCM họp báo: Vụ bé Vân An sẽ được đưa ra xét xử làm án điểm để răn đe cho toàn xã hội'

L.V.L.

Nguồn: FB Luân Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.