Ghi chép về Đà Lạt - Mảng xanh trên “Đồi Dinh”
Trong cuộc tranh luận chưa có hồi kết kéo dài 4 năm nay, giới báo chí thường gọi mảng xanh trên Đồi Dinh Thị trưởng Đà Lạt là “mảng xanh duy nhất còn sót lại ở Khu Trung tâm Hòa Bình”…
Nhìn vào đồ án thiết kế năm 1923 của kiến trúc sư Hébrard, chúng ta thấy một ngọn đồi cao ở phía đông-bắc của Khu người Việt (Quartier annamite), trên đỉnh đồi ghi dòng chữ Ancienne Résidence (Tòa công sứ cũ). Phía nam của ngọn đồi này là nơi đồn trú của Đội vệ binh bản xứ (Garde Indigène). Đây chính là đồi 1525 - ngọn đồi cao nhất cạnh Hồ nước (Lac, tức hồ Xuân Hương), báo chí ngày nay thường gọi là “Đồi Dinh Tỉnh trưởng”.[1]
Như chúng ta đã biết, Thị trưởng (Maire) đầu tiên của Đà Lạt là Paul Champoudry – cựu Chủ tịch Hội đồng Thành phố Paris. Sau thất bại trong kỳ bầu cử năm 1900, ông đã được bổ nhiệm làm Thị trưởng Dalat và giữ chức vụ này trong 14 năm (1902-1916). Trong suốt quãng thời gian này, “Trạm nghỉ dưỡng” (Station d’altitude) Đà Lạt chỉ là một làng người Việt nằm giữa một vùng cao nguyên hoang vắng. Phần lớn người Thượng thuộc bộ tộc Lat sống tập trung ở phía tây-bắc – đông nhất là làng Dankia nằm cạnh dòng suối đầu nguồn của sông Đồng Nai. Cái gọi là Trung tâm người Âu (Centre européen) chỉ bao gồm gia đình Champoudry và vài viên chức người Pháp. Vào thời kỳ này, chưa có chỗ ở chính thức của thị trưởng; nơi ở và làm việc của Champoudry chỉ là những căn nhà gỗ kiểu miền núi Thụy Sĩ (chalet). Trong một bài viết công bố vào năm 1916, Thanh tra Công chánh Constantin cho biết vào thời đó, khu nhà ở của người Âu chỉ có tám căn nhà gỗ “hoàn toàn làm bằng gỗ thông địa phương”.[2] Hai mươi năm sau, ngày 6-2-1936, Thống đốc Nam kỳ đã ký sắc lệnh cho phép dùng ngân sách mua lại một số bất động sản, trong đó có “Ngôi nhà gỗ ngày xưa của Champoudry”(Ancien chalet Champoudry) - bao gồm một lô đất rộng 4.367 m2 và một tòa nhà làm bằng gỗ với tầng trệt được nâng cao, tọa lạc trên đường Prenn (Route de Prenn, có lẽ là đường Mimosa hiện nay).[3]
Như vậy, Tòa công sứ cũ (Ancienne Résidence) mà đồ án Hébrard nhắc đến có thể được xây dựng trong khoảng thời gian 1917-1922, khi Tỉnh Lang-Bian (La province du Lang-Bian) được thành lập và sau đó vài năm (tháng 10 năm 1920) được tách làm hai: Tỉnh Đồng Nai Thượng (Province du Haut-Donnai) với tỉnh lỵ là Djiring (Di Linh) và Khu tự trị Lang-Bian (Circonscription autonome du Lang-Bian) với thủ phủ là Đà Lạt. Ely Cunhac được bổ nhiệm làm Công sứ Tỉnh Lang-Bian (1916-1920) và khi Tỉnh Lang-Bian tách làm hai, Cunhac trở thành Công sứ Tỉnh Đồng Nai Thượng. Người sếp cũ của Cunhac là Léon Garnier trở thành người đứng đầu Khu tự trị Lang-Bian. Chức vụ của Garnier được gọi tên là Ủy viên đại diện của Toàn quyền kiêm Thị trưởng Đà Lạt (Commissaire délégué du Gouverneur Général, Maire).[4] Đó cũng là thời kỳ một số công trình quan trọng của Đà Lạt được xây dựng như : Khách sạn Dalat Palace, Hồ Lớn (Grand Lac, tức hồ Xuân Hương sau này), nhà máy điện, nhà máy nước, v.v…
Hai tấm ảnh đăng kèm (hình 2 và 3) cho thấy toàn cảnh Đà Lạt trong thập niên 1920. Tòa công sứ cũnằm bên kia hồ nước, trên ngọn đồi cao phía đông-bắc của khu người Việt. Mặc dù đã có một số cây xanh, nhưng cây cối vẫn còn thưa thớt.
Theo dự kiến của Hébrard, một Tòa Thị chính (Mairie)được xây dựng ở phía nam của hồ nước, nằm trong khu người Âu. Mặc dù đồ án không ghi rõ chức năng của Tòa công sứ cũ trong tương lai, nhưng căn cứ vào các tài liệu được tìm thấy, có lẽ dinh thự này vẫn tiếp tục được dùng làm nơi ở của Thị trưởng Đà Lạt. Phía nam của tòa nhà này là nơi đồn trú của Đội vệ binh bản xứ (Garde Indigène). Chợ của người Việt (Marchés) dự kiến sẽ xây dựng cạnh bờ phía bắc dòng suối Cam Ly, về phía hạ lưu của hồ nước (khu Ấp Ánh Sáng sau này). Điều đó có nghĩa là khu vực trải dài từ Đồi Dinh Thị trưởng đến tận hồ nước (Lac) không phải là khu thương mại, mà là một khu vực công (xem hình 4).
Mặc dù đồ án Hébrard không được thực hiện trọn vẹn và được điều chỉnh qua các đồ án về sau (như đồ án của Pineau, đồ án của Lagisquet), khu vực công gắn liền với Dinh Thị trưởng vẫn được duy trì suốt thời Pháp thuộc cho đến khi Đà Lạt được bàn giao cho phía Việt Nam. Trên Bản đồ Đà Lạt năm 1952 (hình 5) chúng ta thấy khu vực công kéo dài từ Dinh Thị trưởng (Résidence de l’Aministrateur-Maire) xuống phía nam, bao gồm các Ty Thủy Lâm (Eaux et Forêts), Đồn Vệ binh Đông Dương (Garde Indochinoise), Trại giam (Prison); khu vực hồ Đội Có được giao cho Ty Công Chánh (Travaux Publics).
Khu vực công này cũng tiếp tục được duy trì suốt thời Việt Nam Cộng Hòa. Chúng ta có thể thấy rõ điều này trên Bản đồ Đà Lạt 1958 và Bản đồ Đà Lạt 1963 (hình 6 và 7). Khu vực công bao gồm : Dinh Thị trưởng, Khu Thủy Lâm và Hạt Thủy Lâm Đà Lạt, Tỉnh Đoàn Bảo An, Trung Tâm Cải Huấn và Nhà máy nước, …
Tóm lại, trong hơn nửa thế kỷ, Dinh Thị trưởng Đà Lạt đã trở thành một công thự (édifice public) dành cho người đảm nhiệm chức vụ Thị trưởng. Xét về mặt môi trường – sinh thái, việc duy trì khu vực công này cũng nhằm mục đích tạo ra một mảng xanh (cây xanh và thảm cỏ) để thoát nước cho Đồi 1525 vào mùa mưa và giữ ẩm vào mùa khô. Trải qua thời gian, “mảng xanh Đồi Dinh Thị trưởng nối dài” đã trở thành một thắng cảnh độc đáo giữa lòng thành phố, như chúng ta thấy trong tấm không ảnh sau đây - do một cựu binh người Mỹ chụp vào năm 1967 (Hình 7):
Có thể nói cũng như hồ Xuân Hương, Đồi Dinh Thị trưởng đã thật sự trở thành một điểm nhấn độc đáo ở trung tâm thành phố - một sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và bàn tay, khối óc con người. Đây mới thật sự là nét đặc trưng của Đà Lạt, làm cho thành phố nổi tiếng trong nước cũng như trên toàn thế giới.
Cho đến ngày nay, mặc dù bị phá hoại bởi chủ trương bê-tông-hóa và tệ nạn đầu cơ đất đai, mảng xanh còn lại trên Đồi Dinh cũng vẫn còn đủ khả năng làm lay động lòng người. Nếu không tin, độc giả có thể vào trang mạng của một số tờ báo trong nước (như Tuổi Trẻ online, Người đô thị, …) để xem những video clip và hình ảnh tuyệt vời về “Mảng xanh Đồi Dinh” (xem cụm hình 1). Hãy so sánh mảng xanh tự nhiên này với mảng xanh giả tạo mà thực chất là một công trình bê-tông do các vị kiến trúc sư người Pháp mệnh danh “tư vấn” sáng tạo và được những nhân vật có thẩm quyền thông qua vào tháng 10 năm nay (xem cụm hình 2):
Từ đó nảy sinh nghi vấn sau đây:
Đà Lạt là một vùng cao nguyên đồi núi nhấp nhô, các suối nước lớn nhỏ đều là mạch nước đầu nguồn. Một điểm nhấn kết hợp hài hòa giữa nhân tạo và tự nhiênmới thật sự phù hợp với Đà Lạt. Xây dựng một ngọn đồi giả cho dù có công phu và tốn kém cỡ nào cũng chỉ thích hợp với những vùng sa mạc hay đồng bằng khô khan thiếu đồi núi, thiếu cây xanh như Las Vegas, Dubai, … Vì động cơ nào mà các vị có thẩm quyền quy hoạch tại địa phương (có lẽ được một số vị cấp trung ương hậu thuẫn) lại nhẫn tâm bày ra “sáng kiến” phá hủy đồi thật để thay bằng đồi giả ?
Đà Lạt những ngày cuối năm 2021
M.T.L.
Ghi chú:
[1] Cao độ của đồi này là 1525,3 mét (Bản đồ ĐL 1958 và 1963). Bản đồ ĐL 1952 ghi 1525,6 mét.
[2] Le Chemineau, Le Langbian, Revue Indochinoise 1 Mars 1916, p. 254.
[3] Bulletin administratif de l'Annam 1936.
[4] Dựa theo Bulletin administratif de l'Annam và Annuaire général de l’Indochine.
Tài liệu tham khảo:
- “Lâm Đồng quyết định nâng dinh Tỉnh trưởng lên 28m, làm tổ hợp khách sạn”, Tuổi Trẻ Online 27/10/2021 : https://tuoitre.vn/lam-dong-quyet-dinh-nang-dinh-tinh-truong-len-28m-lam-to-hop-khach-san-20211027101112186.htm
- “Giới kiến trúc sư lại phản đối dự án khách sạn trên Đồi Dinh, Đà Lạt”, RFI Tiếng Việt 29/11/2021: https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20211129-gi%E1%BB%9Bi-ki%E1%BA%BFn-tr%C3%BAc-s%C6%B0-l%E1%BA%A1i-ph%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%91i-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-kh%C3%A1ch-s%E1%BA%A1n-tr%C3%AAn-%C4%91%E1%BB%93i-dinh-%C4%91%C3%A0-l%E1%BA%A1t
- Mai Thái Lĩnh, “Tại sao phải bảo vệ Đồi Dinh Thị trưởng cũ ?”, Bauxite Việt Nam 23/03/2019 : https://boxitvn.online/?p=61309
M.T.L.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.