Chuyện dì ghẻ con chồng
Chu Mộng Long
Khoét sâu mâu thuẫn, xung đột, thậm chí đối lập cực đoan quan hệ giai cấp ngay trong nội bộ gia đình là sai lầm căn bản của giáo dục Việt Nam. Cái mâu thuẫn mà nhà cách mạng nâng lên tầm thời đại của đấu tranh giai cấp theo kiểu: "Nuôi đi em cho đến lớn đến già/ Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu" (Tố Hữu) thì khổ thân cho ai thành dì ghẻ, khổ thân cho các em bé, và khổ thân cho cả dân tộc. Cách giáo dục ấy chính là thủ phạm gieo rắc định kiến lâu dài, biến nỗi hận thù của quá khứ thành căn bệnh trầm trọng của con người hiện tại và tương lai.
Dì ghẻ con chồng là một motif trong cổ tích dân gian. Ca dao cũng viết: "Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng". Motif này trở thành bài học giáo dục ngoài dân gian lẫn trong nhà trường. Dân gian xem mâu thuẫn dì ghẻ con chồng là xung đột nội bộ gia đình. Còn sách giáo khoa phổ thông, giáo trình đại học thì nâng lên thành xung đột giai cấp, theo chủ nghĩa Marx-Lenin.
Mà đã đấu tranh giai cấp, tức mâu thuẫn lợi ích, thì bất khả hoà giải.
Tôi hiểu mâu thuẫn lợi ích mà các nhà phê bình Marxist muốn nói ở đây là quyền thừa kế tài sản. Không sai. Nhưng trong một gia đình nghèo khổ không có tài sản, hay trong gia đình hiện đại khi luật bắt buộc thừa kế tài sản công bằng, thì vấn đề xung đột giai cấp được đặt ra ở đây là tào lao. Quan điểm của tôi, mâu thuẫn dì ghẻ con chồng hoàn toàn do giáo dục. Một nền giáo dục chỉ biết khoét sâu vào xung đột, tạo định kiến trong đầu người lớn lẫn con trẻ thì quan hệ mâu thuẫn ấy sẽ còn tồn sinh muôn thuở.
Còn nhớ vào những năm 90 của thế kỷ trước, Hoàng Ngọc Hiến chính thức đề nghị vứt truyện Tấm Cám ra khỏi vườn cổ tích Việt Nam, bởi quan hệ mâu thuẫn dì ghẻ con chồng đã dẫn đến bất phân thiện/ác. Hành vi ám hại Tấm của mẹ con Cám đã ác, đến lượt Tấm trả thù bằng luộc nước sôi Cám, làm mắm cho mẹ Cám ăn còn ác độc và kinh dị hơn. Trong khi đó, GS. Trần Đình Sử thì cho rằng, hành vi trả thù của Tấm là chính đáng, bởi vì cái ác cần tiêu diệt tận gốc, còn chút mầm mống, cái ác còn sinh sôi. Sách giáo khoa sau đó lựa chọn trung dung: cắt bỏ phần Tấm trả thù mẹ con Cám.
Tôi thấy chẳng quan điểm nào trên kia là đúng. Theo GS. Chu Xuân Diên, truyện Tấm Cám với nguyên dạng trả thù khốc liệt là một motif chung của cả vùng Đông Nam Á. Theo tôi, đã vậy thì cứ giữ nguyên dạng. Điều quan trọng là giáo dục thế nào để đảm bảo tính nhân văn.
Sự thực, đòn trả thù, dù là tiêu diệt cái ác, tự thân nó đã không thể là cái thiện. Bởi hành vi trả thù, tự nó đẻ ra và nuôi dưỡng cái ác mới. Trong đời sống, bất cứ ai đó lâm vào cảnh dì ghẻ con chồng, với định kiến có sẵn từng được nhồi vào sọ, cả hai phía đều ở thế phòng thủ, nhìn nhau bằng ánh mắt thù địch, và rất dễ nổ bùng xung đột.
Sự thực, không phải dì ghẻ nào cũng ghét con chồng và không phải con chồng nào cũng ghét dì ghẻ. Nhưng giáo dục cổ tích đã gần như mặc định, rằng quan hệ dì ghẻ con chồng chỉ có thể một mất một còn. Đó là một thảm kịch. Thảm kịch nặng nề hơn kiểu gia đình đa thê khi mà hôn nhân một vợ một chồng hiện đại được phép ly hôn.
Hiện nay, thảm hoạ diễn ra ở cả hai chiều trong nhiều gia đình ở Việt Nam. Nạn nhân có thể là con chồng lẫn dì ghẻ. Con chồng mà còn nhỏ thì bị dì ghẻ hành hạ. Nhưng cũng phải thấy ở chiều ngược lại, con chồng khi đủ lớn thì dì ghẻ lại bị con chồng và gia đình phía nhà chồng tấn công. Đó là lý do nhiều người, cả đàn ông lẫn phụ nữ bị ám thị nặng nề chuyện dì ghẻ con chồng mà không dám đi bước nữa.
Vậy, dạy cổ tích với motif dì ghẻ con chồng, phải dạy thế nào cho đảm bảo tính nhân văn? Ở Âu Mỹ, người ta dạy cho trẻ học trải nghiệm. Mỗi đứa trẻ đều có thể đóng cả hai vai: vai con chồng và cả vai dì ghẻ. Khi đóng vai con chồng, trẻ thấm nỗi đau khi bị hành hạ. Khi đóng vai dì ghẻ, trẻ yêu con ruột của mình hơn con người khác như một bản năng làm mẹ, kể cả bản năng ghen tuông và trút giận dữ lên đầu đứa con của người đã khuất hoặc vắng mặt. Đó là trò chơi ảo, nhưng cũng gắn với tâm lý rất đời thường.
Kết quả, bài học rút ra không phải "ở hiền gặp lành, ác giả ác báo" như cách nghĩ truyền thống. Sau trải nghiệm cần đi đến bài học khác: 1) Hãy yêu thương con người khác như con mình, 2) Hiếu thuận với mẹ kế như là hiếu thuận với mẹ mình. Tình yêu tự nó hoá giải mọi mâu thuẫn xung đột. Theo Vygotsky, một câu chuyện dù xung đột đến khốc liệt cỡ nào thì cũng đều mang lại một hiệu ứng thanh lọc (catharsis), nếu hiểu nghệ thuật như một trò chơi tâm lý. Nguyên lý thanh lọc được thực hiện sau khi hai dãy cảm xúc đối nghịch chập lại, kết thúc là sự nổ bùng rồi tan ra để tâm hồn thăng hoa, tức đi đến hoá giải xung đột. Cái thẩm mỹ xét đến cùng là hoà điệu những khác biệt, tự thân cái Mỹ biến thành cái Thiện.
Dạy văn là đánh thức trái tim của con trẻ. Hãy dạy trẻ khi hành hạ người khác luôn cảm thấy như là tự hành hạ mình, tức tự mình thấy đau hơn. Để khi lớn lên, nếu lâm vào hoàn cảnh làm mẹ kế nó biết yêu con chồng, nếu phải lâm vào cảnh làm con chồng, nó biết yêu mẹ kế, dù lâm vào hoàn cảnh nào cũng không nhìn nhau bằng con mắt thù địch. Đó mới là dạy văn đúng nghĩa!
Khoét sâu mâu thuẫn, xung đột, thậm chí đối lập cực đoan quan hệ giai cấp ngay trong nội bộ gia đình là sai lầm căn bản của giáo dục Việt Nam. Cái mâu thuẫn mà nhà cách mạng nâng lên tầm thời đại của đấu tranh giai cấp theo kiểu: "Nuôi đi em cho đến lớn đến già/ Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu" (Tố Hữu) thì khổ thân cho ai thành dì ghẻ, khổ thân cho các em bé, và khổ thân cho cả dân tộc. Cách giáo dục ấy chính là thủ phạm gieo rắc định kiến lâu dài, biến nỗi hận thù của quá khứ thành căn bệnh trầm trọng của con người hiện tại và tương lai.
C.M.L.
Nguồn: FB Chu Mộng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.