Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần cuối)
Nguyễn Đình Cống
7-1-2022
Tiếp theo bài 1 — bài 2 — bài 3 — bài 4 — bài 5 — bài 6 — bài 7
16- Kết luận: Trụ mà không trụ
Trụ là kiên định việc đã lựa chọn. Không trụ là từ bỏ việc đang làm. Đó là lời dạy của Phật. Tùng Phong giải thích: “Thâm ý của lời dạy trên bao trùm khắp vũ trụ. Sự tiến hóa của nhân loại đều căn cứ trên nguyên tắc nằm trong lời dạy trên. Có trụ mới có vị trí để mà tiến. Nhưng khi đã mất tác dụng mà vẫn cố bám để trụ vào đó thì mọi tiến hóa lại chấm dứt và những kết quả đã thu được có thể bị mất. Phải trụ cho đúng lúc thì mới tiến được, và phải không trụ cho đúng lúc thì mới bảo đảm được những thắng lợi đã chiếm, vừa có đường tiến cho tương lai”.
Ông đưa ra các dẫn chứng về những cộng đồng đã biết trụ, nhưng rồi bị kìm hãm vì cố mà trụ khi cần thay đổi, ông cho rằng Khổng Tử đã biết trụ và không trụ, rằng ban đầu Vật lý quang học đã trụ vào thuyết truyền thẳng của ánh sáng, sau đã đề ra thuyết sóng. Rồi không trụ vào thuyết sóng nữa mà đề ra thuyết “Xạ tử ba động” (Các hạt ly tử chuyển động theo làn sóng).
“Trụ mà không trụ” là một chân lý phát triển. Theo Tùng Phong, hiện nay chúng ta cần trụ vào vị trí dân tộc. Các nhà lãnh đạo miền Bắc trụ vào lý thuyết CS, nó đã có tác dụng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lâp (sẽ phản biện), nhưng đến bây giờ đã trở thành lực cản cho sự phát triển.
Bình luận: Tùng Phong cũng như rất nhiều người cho rằng Đảng CS lãnh đạo cuộc đấu tranh nên lý thuyết CS đã có tác dụng lớn vào thắng lợi. Đó là một nhầm lẫn. Thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập chủ yếu là nhờ lòng yêu nước và sự hy sinh của đa số nhân dân, trong đó có các nhà lãnh đạo cùng với tài năng vốn có của họ. Đóng góp của CS chỉ ở phần tổ chức, còn mỗi lần họ vận dụng lý thuyết CS thì đều thất bại, như cải cách ruộng đất, hợp tác xã nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, kinh tế quốc doanh, cải tạo tư tưởng v.v… Chính Đảng CS VN cũng dựa vào lòng yêu nước của nhân dân để sống bám vào dân tộc như một cánh tầm gửi (ngưng bình luận).
Tùng Phong đi đến kết luận: “Nay nếu chúng ta gắn liền số mạng của dân tộc VN với số mạng của Trung Cộng thì hành động đó có nghĩa là chúng ta đã từ bỏ công cuộc phát triển đang cần thiết cho sự sống còn của dân tộc… Vì vậy cho nên chúng ta thành khẩn mong mỏi các nhà lãnh đạo miền Bắc kịp thời nhận định, đã đến lúc vì sự tiến hóa của dân tộc, không còn nên tiếp tục trụ đóng vào CS nữa (Kết thúc cuốn sách).
17- Vài nhận xét về sách “Chính Đề Việt Nam” và tác giả
Sách “Chính Đề Việt Nam” với nội dung chính là VN cần Tây Phương Hóa (TPH) một cách chủ động và toàn diện, có kế hoạch, với nguyên tắc “Thăng bằng động tiến”, với phương châm “Chính xác về lý trí, ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức”. Ngoải ra tác giả còn nêu vấn đề về nguy cơ xâm lăng của Trung Cộng và điều kiện cần để phát triển dân tộc là từ bỏ lý thuyết CS.
Sách là kết quả của quá trình nghiên cứu công phu, không những của Tùng Phong mà còn có sự tham gia của một số nhà chính trị, nhà khoa học. Sách có nhiều vấn đề hay, cấp thiết, thực tế. Nhược điểm của sách là khá dài (khoảng 12 vạn chữ) với nhiều đoạn lan man và sự sắp xếp nội dung chưa được thực sự khoa học. Kể ra chỉ viết ngắn gọn trong khoảng 4 đến 5 vạn chữ những nội dung chủ yếu, còn phần dẫn giải thì đưa vào tham khảo hoặc phụ lục, sẽ hấp dẫn hơn. Những điều đối với tôi là mới, trùng ý hoặc cần phản biện thì đã được ghi ra trong bài.
TPH cuối cùng phải đem đến hạnh phúc cho nhân dân. Hạnh phúc một phần nhờ đời sống no ấm, nhưng chủ yếu thuộc trạng thái tinh thần. Thế nhưng TPH của Tùng Phong quá thiên về khoa học kỹ thuật để tạo sức mạnh vật chất. Về phương diện cuộc sống hạnh phúc, nếu so sánh người dân ở Bhutan và ở Mỹ, tôi thấy dân Bhutan hạnh phúc hơn.
Qua tuyên truyền và bôi nhọ của CS thì tập đoàn lãnh đạo của phe Quốc gia là bù nhìn, bán nước, làm tay sai cho đế quốc ngoại bang, nhưng qua sách này thấy rõm Tùng Phong là người yêu nước, có ý thức dân tộc khá cao, là người có trí tuệ lớn. Ông đã thấy rõ tai họa mà Trung Cộng đe dọa dân tộc, những tai họa ấy đang thể hiện ngày càng rõ mà những người Việt có lương tri đều nhận thấy, đang đau xót chịu đựng mà chưa đủ dũng cảm hành động (trừ một số người đã bị bỏ tù và những người đang hoạt động lẻ loi).
Tùng Phong chống CS, nhưng ông có thái độ tôn trọng đúng mức. Ông phân biệt rõ lý thuyết CS là ngoại lai, là sai lầm, nhưng những người theo CS vẫn thuộc dân tộc và có nhiều người yêu nước chân chính. Có chỗ ông gọi lãnh đạo CS là lãnh đạo của (dân tộc) chúng ta. Trong bài viết của GS Tôn Thất Thiện có chi tiết nói rằng ông đã mời gặp và hội đàm với tướng Trần Độ (lúc Tướng Độ đang lãnh đạo lực lượng CS ở miến Nam), bàn về quan hệ giữa Quốc gia và CS.
Trong vấn đề Tây phương hóa ông đã nêu được những vấn đề cơ bản, tuy rằng (theo tôi) có một số ý kiến cực đoan. Tôi không biết rõ cuộc đời riêng và tính khí của ông, chỉ qua quyển sách Chính đề VN thấy được, trong lĩnh vực chính trị ông là một Chính nhân quân tử.
18. Về sự phát triển của dân tộc
Nhiều người Việt, ở trong nước và nước ngoài, rất quan tâm đến phát triển của dân tộc. Đảng CSVN cũng nói nhiều, cứ 5 năm có một nghị quyết, rồi còn có tầm nhìn trước đến 25 năm (2045), thế nhưng nói thì hay mà làm chưa được mấy và lại kiên trì Mác Lê nên có nhiều khả năng dẫn dân tộc vào ngõ cụt.
Chính đề VN được viết năm 1962, dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, nhưng không phải chỉ cho miền Nam mà cho cả đất nước.
Trong hơn ba chục năm gần đây cũng đã có một số cá nhân hoặc tập thể soạn thảo các đề án phát triển đất nước, có cái được gửi cho lãnh đạo và bị xếp xó, có cái chỉ lan truyền trong cộng đồng. Đáng được quan tâm là đề án “Con đường VN” của nhóm nghiên cứu “Chấn” của Trần Huỳnh Duy Thức (Chấn là một trong Bát quái, Chấn thuộc Phương Đông).
Ông Võ Văn Kiệt có đề án cải cách khá hay, ông Nguyễn Trung có nhiều thư gửi lãnh đạo. Từ nước ngoài có chương trình “Cải cách toàn diện để phát triển” của nhóm trí thức Việt kiều (Hồ Tú Bảo, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Hữu Dũng, Giáp Văn Dương, Nguyễn Ngọc Giao, Ngô Vĩnh Long, Vĩnh Sinh, Nguyễn Minh Thọ, Trần Văn Thọ, Cao Huy Thuần, Nguyễn Văn Tuấn, Hà Dương Tường, Vũ Quang Việt, Phạm Xuân Yêm). Ngoài ra còn có một vài đề án về Hiến pháp, về Quốc hội ở trong nước và nước ngoài (tôi có biết một số, không biết hết được).
Nhiều người quan tâm đến tương lai dân tộc, làm sao cho dân giàu nước mạnh, để bảo vệ độc lập và chủ quyền, để cho nhân dân được tự do, hạnh phúc, trong đó tự do và hạnh phúc mới là mục đích chính, lâu dài. Nhưng rồi một số người được kích động bởi “Lòng tự hào dân tộc” mà còn muốn phát triển để “Sánh vai cùng các cường quốc 5 châu”. Tự hào không có gì sai, lại là một động lực cần cho phát triển. Nhưng tự hào phải do kết quả công việc đưa đến một cách tự nhiên thì mới có giá trị thực, còn vì muốn tự hào mà gồng mình và dùng thủ đoạn thì hại nhiều hơn lợi. Truyện ngụ ngôn về con ếch của La-Phông-Ten là đáng suy ngẫm.
Chúng ta thỉnh thoảng cũng nên xem bảng xếp hạng các nước để biết mình đang ở đâu để có kế hoạch và quyết tâm làm việc nhằm nâng cao kết quả và hiệu quả hoạt đông chứ không nên nhằm vào việc nâng hạng. Khi tất cả các nước đều phát triển giống nhau mà ta có phát triển gấp đôi, gấp ba thì vẫn ở thứ hạng đã xếp.
Thời thuộc Pháp dân tộc chúng ta mang mặc cảm tự ti, sau khi giành độc lập chúng ta có tự hào, nhưng rồi lòng tự hào được đẩy lên quá cao, gây ra bệnh nghiện, luôn tìm mọi cơ hội, mọi thủ đoạn để thỏa mãn cơn nghiện đó. Đây cũng là một lý do của nạn dối trá làm hủy hoại đạo đức, làm tan rã dân tộc.
Xin bớt bớt ý muốn “sánh vai cùng các cường quốc và có vị trí cao trong quan hệ quốc tế”. Tự do và hạnh phúc của nhân dân ít cần những thứ đó, mà chủ yếu những người giữ chức quyền cao và có ảo tưởng lớn cùng một số người có tính kiêu ngạo mới mong được như vậy.
Phát triển kinh tế là cần, nhưng đã qua giai đoạn cấp bách. Phát triển kinh tế quá nóng dễ dẫn đến hủy hoại môi trường và đạo đức. Bây giờ mà vẫn đặt yêu cầu cao, hàng đầu về phát triển kinh tế thì không khéo sẽ bị lệch lạc.
Để thực sự vì sự phát triển bền vững, lâu dài, vì tự do và hạnh phúc của toàn dân cũng như của mỗi người thì nhiệm vụ quan trọng là cải cách thể chế để dân chủ hóa. Dân chủ không phải là mục đích mà là biện pháp cần thiết cho phát triển.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.