Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 7)

 

Biết thêm từ “Chính đề Việt Nam” (Phần 7)

Nguyễn Đình Cống

5-1-2022

Tiếp theo bài 1 — bài 2 — bài 3 — bài 4 — bài 5 — bài 6

14- Phần IV (C): Nghiệp đoàn Việt Nam

Ở VN hiện nay nghiệp đoàn công nhân là một cái vốn tổ chức quần chúng rất quý. Nó có tổ chức quy củ, bén rễ sâu vào quần chúng. Những kinh nghiệm lãnh đạo về tổ chức và hoạt động của cán bộ là rất quý để phát triển các tổ chức quần chúng trong tương lai. Tuy vậy nó chưa giữ được vai trò quan trọng như ở Tây phương. Khi đã Tây Phương Hóa (TPH) thì nghiệp đoàn sẽ trở nên quan trọng hơn.

Với chúng ta, tổ chức quần chúng ở nông thôn rất quan trọng, nhưng nông dân kém có tinh thần tập thể, cho nên cần tổ chức họ lại trong những xóm làng tập trung, tổ chức đời sống trù mật cho nhân dân. Hình thức tổ chức quần chúng nông dân là hình thức của Hợp tác xã sơ đẳng với nhiệm vụ huy động nông dân thực hiện những công tác có lợi cho toàn thể. Đối với thị trường nông phẩm, một sự bảo vệ có hiệu quả chỉ có thể thực hiện được bằng những biện pháp kinh tế, tiêu thụ đúng lúc, bài trừ nạn cho vay nặng lãi.

Tùng Phong viết: “Trong một chế độ dân chủ pháp quyền, trách nhiệm tổ chức, điều khiển và quản trị của các tổ chức quần chúng phải thuộc về sáng kiến tư nhân… Nếu nguyên tắc này không được tôn trọng thì hậu quả sẽ là sự thất bại trong công cuộc tổ chức quần chúng”.

Về lĩnh vực kinh tế, Tùng Phong viết: “Chúng ta sẽ không nêu lên và bênh vực một thuyết kinh tế nào hết… Chúng ta phải TPH trong lĩnh vực kinh tế… Trước hết chúng ta cần tìm hiểu những nguyên tắc ngự trị các hệ thống kinh tế tây phương. Sau đó tìm hiểu những điều kiện của hoàn cảnh lịch sử của chúng ta đòi hỏi, trong lĩnh vực kinh tế, và sau cùng xây dựng một hệ thống kinh tế vừa tôn trọng các nguyên tắc, vừa thỏa mãn các điều kiện địa phương của chúng ta. Trước hết chúng ta chủ trương một thái độ chính trị đặt trên căn bản về trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể. Thái độ kinh tế phải thích nghi với thái độ chính trị và làm hậu thuẫn cho nó.”

Quyền sở hữu là bảo đảm hữu hiệu và cụ thể cho tự do cá nhân, nó phải được tôn trọng tuyệt đối.

Tùng Phong bàn sơ qua về cải cách điền địa, về sự tập trung công nghệ, rồi bàn về các đơn vị kinh tế. Trong sản xuất nông nghiệp, đơn vị kinh tế là hộ gia đình. Trong sản xuất công nghiệp hiện đại, đơn vị kinh tế có thể là từng vùng. Dù như thế nào thì cũng phải tuyệt đối tôn trọng quyền sở hữu để bảo đảm quyền lợi và tự do của cá nhân, đồng thời phải giới hạn bằng luật pháp và thuế để bảo đảm công bằng xã hội và quyền lợi tập thể.

Về kinh tế chỉ huy: Nền kinh tế phải bảo đảm một số việc. Trước hết là sự kiểm soát của tập thể đối với các lực lượng sản xuất to tát và hùng hậu, bảo đảm trạng thái thăng bằng giữa quyền lợi tập thể và cá nhân. Kỹ nghệ quốc phòng, các kỹ nghệ có lợi ích công cộng phải đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của chính phủ. Thứ hai là sự phân phối phải bảo đảm công bằng, do tập thể đảm nhiệm và qua trung gian các cơ quan an ninh xã hội.

Trong tiến trình công nghiệp hóa càng cần có sự chỉ huy về kế hoạch huy động vốn, về thứ tự ưu tiên.

Tính chất và giới hạn của sự chỉ huy. Trước hết không được độc tài vì như thế chỉ mang đến tai họa cho dân tộc. Tùng Phong viết: “Sự chỉ huy kinh tế của chúng ta sẽ ở trong giới hạn lập các kế hoạch phát triển kinh tế, phân loại các khu vực cần được quốc hữu hóa, tạo hoàn cảnh thuận lợi, trang bị và kiểm soát. Công việc điều khiển và khuếch trương các doanh nghiệp không quốc hữu hóa phải được giao hoàn toàn cho sáng kiến, kỹ thuật và tư bản của tư nhân… Chính vì thế mà thực hiện được sự thăng bằng động tiến”.

Về lĩnh vực văn hóa. Nếu Tây phương hóa một cách bị cưỡng ép thì dễ gặp phải sự xung đột về văn hóa. Còn khi TPH chủ động, có hướng dẫn thì có thể tránh được. TPH gồm hai giai đoạn: Hấp thụ cái của họ và sáng tạo cái của mình.

Theo Tùng Phong: “Kỹ thuật tây phương tự nó là một ý thức rất bao quát và phong phú, việc hấp thụ nó là một công cuộc to lớn và khó khăn… phải được liên tục … và phổ biến ra quần chúng”.

Về chuyển ngữ: Để TPH cần giỏi ngoại ngữ, nhưng việc này chỉ có thể cho một số ít. Với đại đa số vẫn phải dùng tiếng Việt. Như vậy công cuộc phiên dịch các tài liệu ngoại quốc sang tiếng Việt là một nhân tố quan trọng. Ngoại ngữ được dạy chủ yếu trong nhà trường nên là tiếng Anh.

Tây phương hóa không được dừng lại ở mức hấp thụ mà phải sáng tạo. Sự sáng tạo của Tây phương là nhờ làm chủ được hai đức tính quý báu. Một là chính xác về lý trí, hai là ngăn nắp và minh bạch trong tổ chức. Như vậy nếu chúng ta muốn TPH thì trước tiên phải rèn luyên hai đức tính đó. Tùng Phong viết: “Kỹ thuật của Tây phương ngày nay là kết quả một công cuộc rèn luyện kiên nhẫn của không biết bao nhiêu triệu người, trải qua không biết bao nhiêu thế hệ. Và nếp sống hàng ngày cùng với ngôn ngữ là những lợi khí sắc bén và duy nhất có thể giúp chúng ta rèn luyên hai đức tính trên”.

Về ngôn ngữ, ông nêu “Vấn đề chỉnh đốn Việt ngữ” và viết: “Trong giai đoạn chế ngự kỹ thuật tây phương, một ngôn ngữ có khả năng của một công cụ suy luận tinh vi, mới thiết yếu hơn. Như vậy thì việc chỉnh đốn Việt ngữ có thể xem là một việc không cấp bách chăng? Chắc là không. Bởi vì một ngôn ngữ chỉnh đốn xem như là một công cụ suy luận tinh vi, có thể thiết yếu nhiều hơn trong giai đoạn thứ hai của cuộc thâu nhập kỹ thuật tây phương. Nhưng điều mà chúng ta đòi hỏi nhiều nhất ở một ngôn ngữ chỉnh đốn là cái ảnh hưởng của nó đối với sự rèn luyện sự chính xác về lý trí”.

Theo Tùng Phong, Việt ngữ nghèo không thành vấn đề, bởi vì nếu chúng ta thiếu chữ để diễn tả một ý mới thì chúng ta đặt chữ mới (trùng ý). Tuy nhiên quy tắc đặt chữ mới mà ngôn ngữ nhiều nước có thì chúng ta chưa có. Nhưng đây là vấn đề làm giàu ngôn ngữ chứ chưa phải là chỉnh đốn.

Tùng Phong cho rằng viết văn có hai dạng là Khiêu ý và Kiến tạo (ý mới). Văn khiêu ý xuất phát chủ yếu từ trực cảm, thể hiện bằng mô tả, thường dùng để làm thơ, viết truyện, nó được mỗi người hiểu, cảm nhận theo cách của mình. Văn kiến tạo (tôi sửa lại, nguyên bản là Văn Kiến trúc) để diễn tả những vấn đề của lý trí (văn Nghị luân, Văn Khoa học), nó mới làm cho mọi người hiểu giống nhau. Ông phê phán các sách Ngữ pháp tiếng Việt, rồi đưa ra những đề nghi, làm thế nào để “Kiến tạo hóa”.

15- Phần IV (D): Việt ngữ và Hoa ngữ

Hoa ngữ ghi theo ý, tượng hình, gây khó khăn cho người Trung Quốc. Việt ngữ được La tinh hóa, ghi theo âm, là một bước của Tây phương hóa, là một ưu thế đối với Hoa ngữ, là một thuận lợi để văn hóa Việt không còn lệ thuộc văn hóa Tàu. Tuy vậy chúng ta không phủ nhận những kiến thức uyên thâm của văn hóa Tàu mà nhiều người Việt đã đạt được.

Một điều cũng rất quan trọng là “Tính khí” (tính cách). Tính khí của cá nhân thiết yếu cho cộng đồng hơn cả thông minh của trí óc (trùng ý). Vì chịu nhiều đảo lộn về giá trị nên tính khí dân tộc bị suy đồi, làm xã hội bị tan rã. Như vậy việc đào luyện tính khí cho cộng đồng phải bắt đầu bằng sự nêu lên các giá trị làm nền tảng cho đời sống. Tùng Phong trình bày một số vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn giá trị và thực luyện tính khí. Có thể ông biết đây là vấn đề quan trọng, nhưng có lẽ vì ông nghiên cứu chưa được sâu nên chỉ trình bày một cách sơ lược.

Tiếp theo và cuối cùng, Tùng Phong viết về vấn đề giáo dục quần chúng: “Sự giáo dục quần chúng, mặc dầu rất cần cho sự thực hiện trạng thái thăng bằng động tiến giữa quyền lợi cộng đồng và quyền lợi cá nhân, vẫn không khẩn thiết như thời kỳ mà cộng đồng trải qua cơn khủng hoảng. Ngày nay dân tộc Việt đang trải qua thời kỳ khủng hoảng trầm trọng… cho đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được… Trong những khủng hoảng trước đây cộng đồng chúng ta bị những sức mạnh vật chất tàn phá… Trong khủng hoảng này, ngoài những lực lượng vật chất tàn phá không kém gì những lần trước, thêm vào những lực lượng tinh thần ghê gớm hơn mười lần đã tấn công và đánh phá đến tận gốc rễ tất cả các tiêu chuẩn giá trị của xã hội VN… Cho đến khi nào chúng ta lập lại được các tiêu chuẩn giá trị, lúc bấy giờ cơn khủng hoảng mới hết”.

Một sự giáo dục quần chúng có quy củ phải lấy sự tổ chức quần chúng làm điều kiện tiên quyết.

Bình luận: Tùng Phong đã rất đúng khi cho rằng tính khí quan trọng hơn trí thông minh, nhưng hình như ông chưa biết rõ tính khí của mỗi người được hình thành một phần từ tiên thiên (trước khi sinh ra) và một phần từ hậu thiên (sau khi sinh ra) mà phần hậu thiên cơ bản nhất là sự giáo dục trẻ từ lúc còn rất bé, trước tuổi đi học phổ thông. Ông cũng đã nhận xét đúng khi cho rằng tiêu chuẩn giá trị (giá trị vật chất, giá trị tinh thần, đạo đức) có tính quyết định đến cách hành xử của xã hội và của từng cá nhân. Khi xã hội bị khủng hoảng thì nhiều tiêu chuẩn giá trị bị đảo ngược.

Vậy khủng hoảng của xã hội hiện nay bao gồm những vấn đề gì, chưa có nghiên cứu, đánh giá, có lẽ gồm các vấn đề sau: Với toàn xã hội là sự dối trá và chạy theo đồng tiền, từ chính quyền, là sự áp chế tạo ra dân oan, sự đàn áp người bất đồng chính kiến và phản biện, từ phía người dân là lo sợ và cam chịu bị lừa dối.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.