Bài học Lithuania với Trung Cộng
05/01/2022
立陶宛驻华盛顿大使馆的维克多·纳卡斯(Victor Nakas)最近在《华尔街日报》上写道,他回忆说,总统维陶塔斯·兰茨贝吉斯(Vytautas Landsbergis)是在 1990 年宣布立陶宛从苏联撤出 50多年的统治——他的孙子现在是国务卿。 纳卡斯先生驳斥了《华尔街日报》关于立陶宛撤出所有使馆人员的举动根本不会影响中国的观点。 他写道:“如果一个孩子欺负弟弟妹妹,被一个软弱的孩子反抗,那么附近的其他孩子就会联合起来一起对抗好斗欺凌者。”
Bauxite Việt Nam dịch lời phát biểu của ông Victor Nakas, chuyên viên Sứ quán Lithuania ở Washington DC được học giả Ngô Nhân Dụng trích dẫn trong bài.
Cờ Lithuania bay bên cạnh cờ Liên Minh Châu Âu. Hình minh họa.
Dân Đài Loan sắp được uống rượu “RUM” nhập cảng. Công ty rượu của Chính phủ Đài Bắc vừa mới đặt mua 20,400 chai rượu “rum mầu nâu” của nhà sản xuất MV, nước Lithuania. Những thùng rượu này đang trên đường tới Trung Quốc, nhưng sẽ không được hải quan cho qua vì xung đột ngoại giao. Công ty TTL (Taiwan Tobacco and Liquor) ra tay mua giúp. Họ sẽ dán thêm nhãn hiệu bằng chữ Trung Quốc để dân Đài Loan mừng Tết Nhâm Dần.
Hai nước này vẫn thân thiện; năm ngoái Đài Loan đã tặng Lithuania mạng che miệng ngừa Covid-19, và tháng Bảy vừa qua Đài Loan lại tặng 20,000 liều vaccine do AstraZeneca sản xuất Lithuania đang cần. Đài Loan vẫn mở một văn phòng đại diện ở Vilnius, thủ đô Lithuania.
Các quốc gia giúp lẫn nhau là điều đáng khuyến khích. Gây sự với nhau chỉ có hại. Trung Cộng mới được Lithuania cho một bài học.
Năm 1978 Đặng Tiểu Bình báo trước Cộng Sản Trung Quốc sẽ “cho Việt Nam một bài học.” Mấy tháng sau, đưa quân qua đánh Lạng Sơn, Cao Bằng, Trung Cộng cũng được học một kinh nghiệm: Chết mấy ngàn quân sĩ rồi cũng lại rút về.
Năm nay, Trung Cộng tính cho nước Lithuania một bài học. Vì hai nước cách xa nhau nửa vòng trái đất, họ không thể đánh bằng súng đạn mà dùng đòn ngoại giao. Nhưng ba tuần lễ rồi, chính Lithuania đã cho Trung Cộng một bài học. Bài học thấm thía, vì một nước nhỏ 2.7 triệu dân đương đầu với 1.4 tỷ dân Trung Quốc.
Câu chuyện bắt đầu rắc rối khi Bắc Kinh phản đối tại sao văn phòng ở Vilnius lại ghi là “đại biểu của Đài Loan.” Cửa văn phòng vẫn treo cờ “thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng” nhưng không ghi tên nước Cộng hòa Trung Hoa Dân quốc. Như thế tưởng đã là một nhượng bộ rồi; mà Trung Cộng vẫn chưa hài lòng. Lâu nay họ vẫn làm ngơ khi Đài Loan giao dịch với các nước, nhưng phải ghi là đại diện cho thủ đô Đài Bắc thôi. Lithuania cứ dùng tên Đài Loan thay vì Đài Bắc!
Trung Cộng nổi xung, yêu cầu hạ thấp quy chế ngoại giao xuống, không còn cấp đại sứ mà chỉ có một “chargé d’affaires,” xử lý thường vụ. Sau đó, Bắc Kinh yêu cầu nhân viên sứ quán Lithuania trả lại những tấm “thẻ ngoại giao.”
Ngày 15 tháng 12, sứ quán Lithuania khóa cửa, bỏ nhà trống, rút hết nhân viên và gia đình họ về nước, mang theo cả chó, mèo. Không ai trả lại cái thẻ nào hết. Khi họ xếp hàng chờ lên xe buýt ra phi trường bay về Paris, nhân viên ngoại giao các nước khác đến chào từ biệt. Bộ ngoại giao Pháp, Đức, Anh và Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Lithuania trước “tình trạng gia tăng cưỡng chế chính trị và kinh tế.”
Quan hệ kinh tế quá nhỏ, Lithuania không mua bán gì nhiều với Trung Quốc. Nhưng hàng nhập cảng từ Lithuania sẽ không thể đem vào bến vì đã bị xóa trong danh sách các nước giao thương. Theo báo Economist, các công ty Pháp và Đức đã được cảnh cáo ngưng gửi những món hàng hóa qua Trung Quốc nếu trong đó có những bộ phận mua từ Lithuania! Hàng trăm thùng chở hàng đang trên đường đi sẽ không được bốc giỡ, trong đó có 20,000 chai rượu rum!
Chính phủ Lithuania sẽ bồi thường $147 triệu mỹ kim cho các công ty bị Bắc Kinh gây thiệt hại. Theo bản tin Bloomberg Quỹ phát triển của Liên Hiệp Âu châu đã quyết định trợ giúp €6 triệu đồng Euro.
Trong mấy năm qua, Mỹ đã quan hệ mật thiết với Trung Hoa Dân quốc hơn trước. Các ông Donald Trump và Joe Biden đều trực tiếp nói chuyện với Tổng thống Thái Anh Văn qua điện thoại. Các đại biểu quốc hội Mỹ và nhân viên cao cấp bay tới thăm Đài Bắc. Ông Joe Biden lập lại lời hứa Mỹ sẽ giúp Đài Loan tự bảo vệ nếu bị Trung Cộng tấn công. Chính phủ Mỹ vẫn bán vũ khí, hỏa tiễn, tàu ngầm cho Đài Loan, mỗi lần đều bị Bắc Kinh phản đối nhưng không làm gì hơn. Nhưng vào năm 1981, Trung Cộng đã triệu hồi đại sứ ở Amsterdam sau khi Hòa Lan bán một tàu ngầm cho Đài Loan; ba năm sau mới trở lại bình thường. Không hiểu tại sao năm nay Trung Cộng lại “dở chứng” lần nữa với Lithuania!
Chỉ có thể giải thích rằng Bắc Kinh theo chính sách “mềm nắn, rắn buông.” Đối với các nước lớn, mạnh thì mềm mại nhẹ nhàng nhưng sẵn sàng bóp cổ các nước nhỏ. Báo chí Bắc Kinh còn “nhục mạ” Lithuania, nói rằng quốc gia nhỏ bé này không thể tự mình thay đổi chính sách ngoại giao; đã dùng tên Đài Loan thay cho tên Đài Bắc vì muốn lấy lòng Mỹ, hoặc được Mỹ ra lệnh.
Trung Cộng vẫn khinh thường các nước nhỏ. Đới Bỉnh Quốc từng nói thẳng rằng những nước nhỏ trên thế giới phải biết phận của mình. Nhưng họ lầm to. Ở Âu châu có rất nhiều nước nhỏ, và người dân mỗi nước đều tự hào về dân tộc, quốc gia của họ. Họ vẫn ghét những hành động can thiệp, chèn ép của các cường quốc.
Trong lịch sử, Lithuania với dân số nhỏ chưa bằng quận Cam, California, đã chống lại áp lực của Đức Quốc Xã cũng như Liên Xô. Năm 2019, Chính phủ Lithuania đã công khai phản đối sứ quán Trung Cộng cho nhân viên đi gây rối trong một cuộc biểu tình của dân thủ đô Vilnius để ủng hộ phong trào dân chủ ở Hồng Kông. Năm 2021, Lithuania đã phản đối Trung Cộng gây chia rẽ, và rút chân không tham dự một tổ chức do Bắc Kinh thành lập gồm các nước cộng sản cũ ở Trung Á và Âu châu.
Ông Victor Nakas, thuộc sứ quán Lithuania ởWashington, mới viết trên nhật báo Wall Street Journal nhắc lại rằng Tổng thống Vytautas Landsbergis là người khơi mào vụ sụp đổ của Liên Xô khi tuyên bố rút Lithuania khỏi Liên bang Xô Viết năm 1990, sau 50 năm bị đô hộ – cháu nội ông hiện giờ là Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Nakas bác bỏ ý kiến của báo Wall Street nói rằng hành động rút hết nhân viên sứ quán về của Lithuania không thể ảnh hưởng gì đến Trung Cộng. Ông viết, “Nếu một tên anh chị chuyên bắt nạt trẻ con bị một em bé yếu ớt chống lại thì các đứa bé khác trong xóm sẽ biết đoàn kết để cùng nhau chống cự tên đầu gấu.”
Trung Cộng từng hành động như một tên anh chị, đe dọa các nước khác, khi ngưng nhập cảng quặng mỏ của Australia hoặc vô cớ bắt giam hai công dân Canada vì vụ công ty Huawei. Nước Canada đã theo đúng luật lệ quốc tế khi giữ bà Mạnh Vãn Châu, phó chủ tịch công ty này, vì chính phủ Mỹ yêu cầu dẫn độ để điều tra Huawei bán hàng cấm cho Iran. Nhưng Trung Cộng đã bắt giữ hai người Canada rồi đưa ra tòa với những lời buộc tội hoàn toàn ngụy tạo.
Những hành động đó chứng tỏ Trung Cộng bất chấp luật pháp cũng như các quy tắc ngoại giao. Từ khi mở cửa làm ăn với thế giới tư bản, Trung Cộng vẫn nói sẽ tôn trọng các quy luật kinh tế, thương mại nhưng trong thực tế thì không.
Các quốc gia sẽ phải làm như ông Victor Nakas đề nghị: Đoàn kết với nhau chống lại tên đầu gấu! Dân Đài Loan sẽ hoan nghênh, khi uống rượu rum mừng Tết Nhâm Dần!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.