Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Phải chăng là sự bịa đặt

 

Phải chăng là sự bịa đặt

Nguyễn Đình Cống

Ngày 20 tháng 11 Báo Tiếng Dân đăng bài Nhân ngày “học trò nhớ ơn thầy giáo”… của Trương Nhân Tuấn. 

Về đại thể tôi tán thành ý kiến rằng các thầy cô không nên nghĩ đến việc bắt học trò nhớ ơn mình, bắt học trò tôn trọng mình mà hãy nhìn lại mình, hãy làm những việc để mình xứng đáng được tôn trọng. Việc bày ra ngày này ngày nọ với sự ép buộc nhớ ơn người ấy người kia góp phần làm tăng sự dối trá.

Tuy vậy trong bài của ông Tuấn có một vài chi tiết mà tôi nghi là bịa đặt, trong đó có câu; “Có một thời gian thầy giáo, cô giáo VN bị liệt vào thành phần “phản động”, tức là giai cấp “trí” trong bốn giai cấp “trí, phú, địa, hào” cần tiêu diệt. Một số lớn các vị “giáo sư đáng kính” của VN đương đại là những đứa học trò đã từng quăng đá cho tới chết thầy cô của chúng trong thời kỳ “cách mạng văn hóa”, thập niên 50 thế kỷ trước ở Bắc VN”.

Tôi là một trong các ”giáo sư đáng kính”, vừa được kể đến, vào thập niên 50 thế kỷ trước là học sinh phổ thông và sinh viên thời VNDCCH. Tôi khẳng định là không hề biết có “cách mạng văn hóa” ở Bắc VN vào thập niên 50, không hề có chuyện học trò “quăng đá” cho tới chết thầy cô. Chuyện trí phú địa hào có từ năm 1930 và chưa ai nghe nói đến việc thầy cô giáo VN bị liệt vào thành phần “phản động”. Chuyện cách mạng văn hóa và học trò đấu thầy cô là ở Trung Quốc vào thập niên 60.

Ở VNDCCH, vào thời kỳ 1953 trong các trường học cấp 2, cấp 3, dự bị đại học và đại học có phong trào “Cải tạo học tập” với nội dung “Học tập để phục vụ nhân dân”, chống lại các biểu hiện của giai cấp tiểu tư sản và phong kiến. Các trường nghỉ học văn hóa trong khoảng một tuần, học sinh được tập trung chỉnh huấn tư tưởng, tự viết bản kiểm điểm về những nhận thức và hành động sai lầm, trình bày trước tổ học tập để được tập thể góp ý, toàn trường tổ chức vài buổi kiểm thảo tập trung một vài học sinh nào đó được chọn, để mọi người phê phán, đấu tố. Không hề có chuyện học trò phê phán hoặc đấu tố thầy cô.

Không biết ông Tuấn dựa vào nguồn thông tin có thực nào để viết ra câu đã dẫn hay là chỉ “nghe hơi nồi chõ”? 

Tôi ủng hộ sự phản biện và chống lại mọi bịa đặt. Khen ai phải khen đúng. Phê phán, chỉ trích ai phải nêu đúng sự thật thì mới có tác dụng. Phê phán bạn bè cần có sự thành tâm. Chỉ trích kẻ đối nghịch về tư tưởng và quan điểm cần trung thực, thể hiện sự Quang Minh Chính Đại để cho đối phương phải tôn trọng, không có cớ phản công rằng mình vu cáo người ta. 

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.