Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Đơn kiến nghị

 

Đơn kiến nghị

(Liên quan tới việc xử lý các hành vi có dấu hiệu xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp của luật sư)

Tôi là: Ngô Anh Tuấn. Sinh năm: 1982

Thẻ Luật sư số: 9116/LS do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp ngày 12/08/2014.

Công tác tại: Văn phòng Luật sư Ngô Anh Tuấn, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Số điện thoại: 0983 950 999

Đầu tiên, tôi xin gửi tới Quý vị lãnh đạo và các luật sư đồng nghiệp lời chúc sức khoẻ, bình an và hạnh phúc!

Bằng văn bản này, tôi xin trình bày tới Liên đoàn Luật sư Việt Nam sự việc mà tôi cho là nghiêm trọng xảy ra với bản thân tôi trong quá trình hành nghề luật sư, cụ thể như sau:

Chiều ngày 16/11/2021, tôi cùng thân chủ là bà Nguyễn Kim Giao (Sinh năm 1974, Số CCCD: 001174011250 do Cục ĐKQL cư trú và DLQG về dân cư cấp ngày 17/10/2016; địa chỉ: số 705, CT5, chung cư Hyundai Tô Hiệu, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; số điện thoại: 0906035098) đi xuống trụ sở Công an xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh theo lời mời của đồng chí Nguyễn Văn Đại – Công an xã này về vụ việc mà bà Giao đã trình báo trước đó.

Tới khoảng 14h, chúng tôi có mặt tại địa điểm làm việc, một người đàn ông bước vào phòng, người này có dáng người đậm, cao khoảng 170cm, mặc quần âu màu xanh dương, áo thun đen, không có phù hiệu gì, trông không giống một cán bộ công an đi tiếp dân nhưng chúng tôi vẫn chào hỏi đàng hoàng. Sau đó, dù không được yêu cầu nhưng tôi vẫn trình đầy đủ thủ tục pháp lý cần thiết để chứng minh sự có mặt của mình trong buổi làm việc này là đúng. Thế nhưng, khi tôi vừa chuẩn bị trình thủ tục luật sư, gồm: Giấy mời luật sư, Giấy giới thiệu của văn phòng, Thẻ luật sư để người này kiểm tra thì ngay lập tức anh ta xua tay, phớt lờ không thèm xem và trả lời thẳng rằng hôm nay tôi chỉ làm việc với bà Giao chứ không làm việc với luật sư nên mời luật sư ra ngoài.

Tôi cố gắng nán lại để giải thích rằng, tôi đi để bảo vệ thân chủ, các anh không cần tôi nhưng thân chủ họ cần nên mới phải mời tôi; pháp luật cũng không cấm tôi ngồi chứng kiến buổi làm việc này; lâu nay tôi vẫn có những buổi làm việc tương tự như thế thường xuyên nên anh cứ để tôi ngồi cùng thân chủ – việc này là không ảnh hưởng tới công việc của anh mà thậm chí tôi còn cố vấn, giải thích pháp luật cho thân chủ để hỗ trợ vụ việc được giải quyết triệt để. Hơn nữa, theo nguyên tắc chung thì điều gì pháp luật không cấm thì chúng tôi được quyền làm, vậy nên đề nghị cho tôi được có mặt trong buổi làm việc chiều nay. Tuy nhiên, người này vẫn cương quyết không đồng ý đề xuất của tôi và tuyên bố rằng tôi không làm việc với anh, đồng thời nhất quyết yêu cầu tôi phải ra khỏi phòng làm việc ngay.

Tới lúc này, tôi bực mình đứng lên nói to rằng anh đã hành xử cứng nhắc, không đúng luật, anh nên đọc lại luật. Anh ta trả lời ngay rằng: Đọc hay không là việc của tôi, không làm việc với luật sư là không làm việc! Mời anh ra ngoài. Tôi cũng nói luôn là nếu anh không chịu đọc thì anh sẽ rất dốt. Ngay lập tức, anh ta đập bàn, gõ liên tục xuống mặt bàn làm việc và lớn tiếng gọi các công an viên khác vào. Tức thì, có 03 người đàn ông bước vào, gồm 01 đồng chí mặc quân phục công an có biển tên ghi tên Thịnh (cấp bậc Đại uý), 01 người khác mặc quần áo đồng phục màu nâu nhạt, trên cạnh cầu vai áo có thêu chữ “CAX” và 01 người mặc thường phục (Trên đường quay về Hà Nội, tôi mới biết người này chính là trưởng Công an xã Thanh Khương); cả 03 người này quây chúng tôi lại.

Một lần nữa, tôi vẫn cố gắng giải thích thêm với những người về sự cần thiết nên có mặt của tôi trong buổi làm việc này để mong họ hiểu, đồng thuận và trao đổi lại với người đang phụ trách việc này. Thế nhưng, trái với mong muốn rất cầu thị và đầy thiện chí đó của tôi, những người cũng cũng có câu trả lời ngắn gọn rằng hôm nay mời bà Giao lên làm việc là chỉ làm việc với bà Giao, mời luật sư ra ngoài. Vì không đồng ý với những nội dung giải thích của cả 04 người nêu trên, tôi đề nghị nhân viên mở máy ghi âm, ghi hình để ghi lại nội dung họ nói để có cơ sở nêu ý kiến kiến nghị hoặc khiếu nại sau này nhưng những người này họ đe dọa đây là nơi cấm quay phim, chụp hình nên nếu vi phạm sẽ bị xử lý.

Vì sợ nhân viên bị gây khó dễ và làm căng thẳng thêm tình hình nên tôi đồng ý, không để nhân viên thực hiện việc ghi âm, ghi hình trong phòng làm việc này. Tuy nhiên, vì quá bất bình trước cách làm việc của những người công an nhân dân này, tôi lớn tiếng bảo rằng, các anh không cho luật sư làm việc cùng thân chủ là trái luật thì ngay lập tức, người mặc bộ quần áo thêu chữ “CAX” xông tới tận chỗ ngồi của tôi cầm hai tay tôi đứng dậy, giật ghế và kéo tôi ra khỏi phòng làm việc. Vì lo lắng tôi có thể tiếp tục bị gây khó dễ nên thân chủ tôi cũng đã rời khỏi phòng làm việc.

Khi đẩy tôi ra khỏi phòng làm việc, đứng trước khu vực hành lang đi lại, những người này vẫn vây xung quanh tôi và thân chủ tôi. Cùng lúc này, hỏi phòng làm việc của ông Trưởng Công an xã để liên hệ, bày tỏ ý kiến về phong cách, thái độ làm việc và cách hành xử của nhân viên dưới quyền ông đối với người dân thì tôi bị người có dáng đậm, cao khoảng 170cm, mặc quần âu màu xanh dương, áo thun đen, không có phù hiệu (người mà tôi đã nêu ở phần đầu đơn thư, sau này tôi mới được nhân viên cho biết người đó chính là Nguyễn Văn Đại, người đã mời thân chủ tôi làm việc), xô đẩy liên tục khiến tôi sắp ngã và dồn tôi ra ngoài sân. Những người khác cũng hợp lực đẩy tôi ra khỏi khu vực là trụ sở của công an xã.

Sau khi yên chí là tôi không thể vào được phòng làm việc thì những người kia mới tản ra, nhưng riêng có người mặc áo thêu chữ “CAX” vẫn đứng ngay cạnh tôi như được cắt cử nhiệm vụ; miệng người này liên tục đòi đuổi tôi ra khỏi trụ sở Ủy ban nhân dân. Sau một hồi xua đuổi nhưng tôi nhất quyết không đi khi thân chủ tôi vẫn còn ở lại thì anh ta ghé tai tôi nói và chửi: “Đ*t mẹ mày”! Tôi vô cùng ngỡ ngàng, bức xúc trước thái độ ngỗ ngược, vô văn hoá của anh ta nhưng vẫn cố gắng giữ bình tĩnh để không rơi vào bẫy, để họ tìm cách đổ lỗi cho mình và kiếm cớ để xử lý mạnh tay hơn. Tôi có hỏi anh ta rằng anh là công an hay là xã hội đen vậy? Ngay sau đó, anh ta thể hiện thái độ hằn học để gây sự với tôi nhưng tôi vẫn tiếp tục không phản kháng bằng hành động.

Tiếp đến, người đàn ông này đã liên tục xua đuổi và xô đẩy tôi từ sân của UBND xã Thanh Khương (cũng là sân chung với Công an xã Thanh Khương) ra tới cổng phụ với khoảng cách khoảng 25-30m và chốt cửa lại. Vì cửa chính của UBND xã không đóng nên sau đó tôi tiếp tục quay lại gặp thân chủ để trao đổi và thân chủ đồng ý tiếp tục buổi làm việc mà không có luật sư và sẽ ra tham vấn luật sư khi cần. Trong quá trình làm việc, phía cơ quan công an không cho thân chủ tôi ghi ý kiến trình bày vào biên bản nên bà không đồng ý ký hồ sơ. Lúc này, phía công an lại nhờ thân chủ ra mời luật sư vào giải thích cho thân chủ để bà ký hồ sơ nhưng để giữ sự tự trọng của nghề luật sư, tôi không vào vì như thế, với tôi, đó là sự sỉ nhục. Tuy nhiên, để không làm phương hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ, tôi đã chấp nhận cho nhân viên văn phòng mình vào giải thích, trao đổi để thân chủ ký hồ sơ, làm cơ sở để bà khiếu nại ngay sau đó (có văn bản đính kèm).

Kính thưa Quý cơ quan!

Chức năng xã hội của luật sư là góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Khi hành nghề, Luật sư được pháp luật bảo hộ quyền hành nghề hợp pháp của mình và các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của luật sư khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của luật sư. Sự việc nghiêm trọng xảy ra đối với bản thân tôi diễn ra công khai ngay tại trụ sở Công an xã Thanh Khương dưới sự chứng kiến (thậm chí có thể là chỉ đạo) của Trưởng công an xã thể hiện sự xâm phạm một cách thô bạo quyền hành nghề hợp pháp, chính đáng của bản thân tôi nói riêng và nghề luật sư nói chung.

Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều luật sư khác cũng đã từng lên tiếng trên mạng xã hội bày tỏ thái độ về việc mình đã bị gây khó khăn, cản trở rất nhiều trong quá trình hành nghề nhưng không được ai hỗ trợ, giải quyết. Từ đó, nhiều luật sư mất dần ý thức phản biện, sự phản kháng để bảo vệ mình, bảo về danh dự, uy tín của nghề nghiệp… điều đó thể hiện sự sa sút về giá trị của nghề luật, giá trị của người luật sư trong mắt khách hàng và trong mắt người dân khác trong xã hội. Nếu chấp nhận sự an phận, an toàn cho bản thân mình, cho riêng một khách hàng của mình, tôi sẽ phải im lặng nhưng nếu tôi hành động như vậy và các luật sư khác rơi vào hoàn cảnh tương tự cũng hành động như tôi thì tôi nghĩ đã đến lúc tôi không nên cầm trên tay tấm thẻ luật sư nữa vì một khi tôi không tự bảo vệ được cho bản thân mình thì làm sao tôi có thể bảo vệ được cho khách hàng?

Tôi không có tự trọng nghề nghiệp thì sao có thể yêu cầu hay đơn thuần chỉ là mong muốn, hy vọng cho những đồng nghiệp khác phải có lòng tự trọng nghề nghiệp? Vậy nên, tôi nhận thấy rằng, mình cần phải đưa sự việc xảy ra với bản thân mình như là một ví dụ điển hình tiêu biểu cho hành vi cản trở quyền hành nghề hợp pháp của luật sư để Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền liên quan nhìn nhận, xem xét, đánh giá một cách khách quan để sớm đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu và từng bước chấm dứt tình trạng này.

Đối với Liên đoàn luật sư Việt Nam, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, tôi để nghị:

– Cử người có thẩm quyền liên hệ, đề nghị cơ quan công an huyện Thuận Thành, công an tỉnh Bắc Ninh điều tra, xem xét nội dung sự việc như trình báo để xử lý những cán bộ công an xã đã có sai phạm, cản trở quyền hành nghề hợp pháp của luật sư;

– Thành lập tổ công tác độc lập hoặc cử cán bộ xác minh làm rõ nội dung sự việc như tôi đã nêu trong đơn kiến nghị này nhằm tránh hoặc hạn chế xảy ra tình trạng bao che, dung túng nhằm chối bỏ trách nhiệm của những người vi phạm và những người có liên quan;

– Tập hợp, thăm dò ý kiến của luật sư về tình trạng bị xâm phạm quyền hành nghề hợp pháp để đề xuất các biện pháp đảm bảo an toàn, hỗ trợ cho các luật sư khi hành nghề trình lên Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền cao hơn để xem xét nhằm luật hoá các quy định này, góp phần bảo vệ các luật sư đang hành nghề và góp phần thúc đẩy xây dựng nền tư pháp Việt Nam công bằng, tiến bộ hơn.

Rất mong sớm nhận sự xem xét và phản hồi của Quý Cơ quan.

Tôi trân trọng cảm ơn!

_____

*Tài liệu kèm theo:

– Đơn khiếu nại ngày 17/11/2021 của bà Nguyễn Kim Giao;

– Link video ghi nhận lại sự việc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.