Đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân giữ biển, vì sao thất bại?
Lưu Hồng Minh
2021-11-22
Hình minh hoạ: Một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm đang được đưa về một xưởng đóng tàu ở Đà Nẵng hôm 2/6/2014. AFP
Ngư dân ôm nợ
Báo chí mới đây cho biết, sau sáu năm vay vốn đóng tàu vỏ thép hơn 10 tỷ đồng nhưng liên tục thua lỗ, ông Phan Thu đành cho tàu nằm bờ, chờ ngày bán đấu giá. Tàu vỏ thép của ông Phan Thu, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, được định giá 1,5 tỷ đồng hiện neo đậu ở âu thuyền Hồng Triều, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên. Con tàu đang chờ ngày bán đấu giá để ngân hàng thu hồi vốn.
Ông Thu từng là ngư dân điển hình tiên tiến của tỉnh Quảng Nam với nghề câu mực khơi bằng tàu vỏ gỗ. Nhờ đó năm 2014, ông vượt qua hàng chục hồ sơ khác để được vay đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 (1).
Cũng như ông Thu, Ông Trần Công Chi – chủ tàu QNA 94989 TS cũng rơi vào trường hợp tương tự. Tàu ông hành nghề lưới rê, nhưng càng làm càng lỗ. Năm 2018, ông Chi vay mượn bốn tỷ đồng để cải hoán con tàu này sang nghề chụp mực khơi. Sản lượng đánh bắt quá thấp, chi phí lại cao, 15 lao động trên tàu nghỉ việc, ông Chi đành neo tàu nằm bờ. Bây giờ, muốn bán con tàu cá vỏ thép này này để trả số nợ hơn chục tỷ đồng của ngân hàng nhưng không ai dám mua (2).
Đây chỉ là hai trường hợp tiêu biểu trong rất nhiều trường hợp ngân hàng cho vay vốn để giúp ngư dân có thể trang bị tàu vỏ thép ra khơi xa.
Nguồn gốc Nghị định 67
Ít ai còn nhớ vì sao lại có chủ trương hỗ trợ đóng tàu vỏ thép cho ngư dân như vậy.
Vào năm 2014, Trung Quốc đã cho hạ đặt trái phép giàn khoan khổng lồ Hải Dương 981 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Song song đó, các tàu cá giả dạng của dân quân biển Trung Quốc cũng hung hăng đe doạ bằng cách đâm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Ngày 26/5/2014, tàu cá ĐNa 90152 TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, cách giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 17 hải lý.
Đặc biệt, khi đâm chìm tàu cá khiến 10 ngư dân gặp nạn, phía tàu Trung Quốc còn cản trở tàu cá Việt Nam cứu người. Sau nhiều nỗ lực, con tàu này đã được kiểm ngư lai dắt về bờ (3).
Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đa phần là nhỏ và đóng bằng gỗ, trong khi những tàu Trung Quốc đều được đóng bằng thép, cho nên trong lúc va chạm, tàu Trung Quốc luôn giành được lợi thế.
Năm đó, tinh thần chống Trung Quốc từ sự kiện giàn khoan đang dâng cao ở Việt Nam. Nhân dịp đó, Chính phủ Việt Nam được sự tư vấn của các chuyên gia là cần trang bị tàu vỏ thép cho ngư dân để vừa đảm bảo được việc đánh bắt cá lại vừa góp phần bảo vệ chủ quyền của đất nước trên biển. Và từ đó đã dẫn tới việc Chính phủ ban hành Nghị định 67 vào tháng 7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có nội dung hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép (4).
Báo chính phủ Việt Nam thời gian đó cho biết: “Những con tàu vỏ thép hiện đại được đóng bằng tiền vay từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước sẽ không chỉ bảo vệ ngư dân trước hiểm họa thiên nhiên mà còn giúp tăng năng suất đánh bắt, nâng cao chất lượng bảo quản thủy sản… Từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, ngư dân ta liên tục bị tàu Trung Quốc đe dọa, ngăn cản. Tàu của ta thì bé, công suất nhỏ, lại bằng gỗ trong khi tàu Trung Quốc lớn hơn, tốc độ nhanh và toàn vỏ thép nên mỗi khi có va chạm, mình thường thiệt hại… Có con tàu vỏ thép chắc chắn, hiện đại không những giúp nâng cao sản lượng đánh bắt mà còn bảo đảm an toàn cho bà con trong những chuyến đánh bắt xa bờ”.
Vì đâu nên nỗi?
Chủ trương đóng mới tàu vỏ thép có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế vừa góp phần khẳng định chủ quyền trên thực tế của Việt Nam ở biển Đông. Tuy nhiên, trong thực tế thì chủ trương này đã bị thất bại thảm hại, với hậu quả ngân hàng mất tiền, ngư dân ôm nợ.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng đã chỉ ra những nguyên nhân thất bại của chủ trương này:
“Nghị định 67 ra đời có ý đồ rất tốt là tạo cho ngư dân có điều kiện đóng tàu vỏ thép và những loại tàu có công suất lớn... vươn khơi. Tuy nhiên, Nghị định tốt, nhưng chủ trương đóng tàu cá vỏ thép đưa ra khá vội vàng vì chưa được tham khảo ý kiến ngư dân, lại có những áp đặt nhất định của cơ quan quản lý Nhà nước. Thậm chí có sự áp đặt mang ý đồ riêng để phát triển một ngành, một bộ phận của nhà nước... mà chưa thực sự nghĩ đến ngư dân” (5).
Điều đầu tiên phải kể đến là Nghị định 67 ra đời chỉ đơn thuần phục vụ cho mục tiêu chính trị của các chuyên gia ngồi trong phòng lạnh ở Hà Nội, mà không tham khảo các ý kiến phản biện khác nhau, đặc biệt từ những người có kinh nghiệm thực tiễn.
Việc chuyển từ tàu cá vỏ gỗ sang tàu cá vỏ thép không chỉ đơn thuần thay đổi kết cấu của con tàu, mà còn đòi hỏi thay đổi toàn bộ tư duy về hoạt động đánh bắt cá theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Không chỉ đơn giản là vẫn nền đánh cá với những ngư dân như cũ mà có thể thay đổi nhanh chóng chỉ với con tàu vỏ thép. Nói như ông Trần Văn Lĩnh thì: “Sự thay đổi của kinh tế, chính trị thế giới buộc chúng ta phải thay đổi… Thay đổi như vậy chúng ta mới xem nghề cá như một ngành công nghiệp với đủ tri thức chứ không còn là ông nông dân ít học, học không được thì mới lao ra biển để kiếm sống, để sinh nhai với những kiến thức, tư duy bó hẹp loanh quanh mạn con tàu” (6).
Tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi hôm 1/7/2014. Reuter
Thứ hai, sự tham nhũng, trục lợi chính sách của các nhóm lợi ích đã giết chết chủ trương đúng đắn này. Chỉ tính riêng các trường hợp ở tỉnh Bình Định đã thấy việc hai cơ sở đóng tàu cá theo NĐ 67 bị ngư dân ở đây khiếu nại là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (huyện Xuân Trường, Nam Định) và Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Các chủ tàu phản ánh, hợp đồng đóng tàu bằng vỏ thép Hàn Quốc/Nhật Bản nhưng các công ty đóng tàu đã thay thế bằng thép Trung Quốc không đảm bảo chất lượng; vỏ tàu mới sử dụng đã gỉ sét, máy trục trặc “như cơm bữa”, hầm bảo quản không giữ lạnh…
Ông Trương Văn Đài, Phó giám đốc công ty Đại Nguyên Dương, cho biết: “Tàu xuống cấp, nước sơn bị bong tróc, thiết bị trên boong bị hư hỏng là do nước mặn của thời tiết”.
Về việc chuyển đổi từ thép Hàn Quốc/Nhật Bản sang thép Trung Quốc với giá trị tương đương, ông Đài đưa ra một lời giải thích khó hiểu là do thị trường thép Việt Nam không nhất định giá chứ không phải là thép Trung Quốc xấu, thép Trung Quốc giá trị cũng rất tốt (?) (7).
Báo chí thì chỉ rõ việc chi phí đóng mới cho một tàu vỏ thép ước tính khoảng 17-20 tỷ đồng, nhưng bằng cách thay vỏ tàu bằng thép Trung Quốc, sơn và máy không đạt chất lượng, công ty TNHH Đại Nguyên Dương có thể bỏ túi từ 6-9 tỷ đồng/tàu (8).
Công ty Nam Triệu chính là một công ty trực thuộc Bộ Công an, đứng đầu là Đại tá Công an Đặng Ngọc Oanh.
Trước sự tham nhũng đó, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phải thốt lên: “Không thể chấp nhận kiểu làm như vậy! Làm ăn kiểu này, đất nước chỉ có mạt thôi!” (9).
Báo Đất Việt đã phải thốt lên những lời cay đắng: “Từ những con tàu vỏ thép đóng cho ngư dân theo Nghị định 67, chúng ta có thể hiểu vì sao trong khi các nước trên thế giới đã kịp khẳng định mình bằng hàng triệu thương hiệu đỉnh cao thì Việt Nam vẫn mãi lẹt đẹt ở top sau. Hàng hóa chất lượng kém, thực phẩm xuất khẩu thường bị trả về vì dính tạp chất, không đảm bảo yêu cầu khắt khe của đối tác.
Hãy tự vấn mình, điều gì khiến cho những chiếc tàu vỏ thép của ngư dân, dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng đã không thể vươn khơi bám biển? Không chỉ là chuyện vỏ thép kém chất lượng, không chỉ là những cỗ máy trôi nổi, không thương hiệu. Đó còn là những mảng lương tâm đã rách rưới, đã bốc mùi rữa nát bởi lòng tham” (10).
Nhà báo Lê Thanh Phong cũng đau đớn kết luận: “Bao nhiêu năm ngư dân ra khơi, bị tàu Trung Quốc đâm chìm, bị rượt đuổi. Nhiều ý kiến đề xuất phải đóng tàu vỏ thép để ngư dân đối mặt được với tàu vỏ thép của Trung Quốc và bảo toàn được tính mạng khi va chạm. Nhưng tàu vỏ thép mà ngư dân có được là như vậy đấy!
Nói thẳng băng, chúng ta đã thua ngay từ trên bờ, tức là từ công nghiệp đóng tàu. Sản xuất một chiếc tàu vỏ thép để đánh cá còn không xong, nói gì đến việc lớn lao to tát vươn ra biển lớn, hay làm giàu từ kinh tế biển” (11).
Qua chuyện này nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi rằng: Liệu người dân Việt Nam có thể tin tưởng được vào khả năng bảo vệ biển đảo trước tham vọng của Trung Quốc như Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam luôn tuyên bố?
_________
Tham khảo:
1. https://vnexpress.net/ngu-dan-tau-vo-thep-om-no-ca-chuc-ty-dong-4387067.html?fbclid=IwAR3igs6EFvn_vvZQ_EQxaIqxdpwMa9SUYxXFaVDdRIDbxqQ0QKs9ldGyJZo
2. https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/home.aspx?ItemID=46880
3. https://vtc.vn/da-nang-se-trung-bay-tau-ca-bi-tau-trung-quoc-dam-chim-o-hoang-sa-ar306059.html
4. http://baochinhphu.vn/Vuon-khoi-bam-bien/Tau-ca-vo-thep-Hien-thuc-hoa-giac-mo-vuon-khoi-bam-bien/201793.vgp
5. https://viettimes.vn/dong-tau-ca-vo-thep-can-tu-duy-vuot-ra-khoi-boong-tau-post28021.html
6. https://viettimes.vn/dong-tau-ca-vo-thep-can-tu-duy-vuot-ra-khoi-boong-tau-post28021.html
7. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/clip-nong/tau-vo-thep-gan-20-ty-ri-set-do-nuoc-bien-qua-man-372618.html
9. https://plo.vn/thoi-su/vu-tau-vo-thep-lam-gia-doi-nhu-vay-la-khong-duoc-723062.html
10. https://datviet.trithuccuocsong.vn/van-hoa/nguoi-viet/chi-tien-bit-mieng-vu-tau-vo-thep-su-that-gia-re-3337197/
11. https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/tan-giac-mo-tau-vo-thep-527001.ldo
L.H.M.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
Nguồn: RFA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.