Văn hóa ư?
Đoàn Bảo Châu
Nhân đang có hội nghị và các vị lãnh đạo cấp cao nhất nói nhiều về văn hoá nên tôi cũng muốn góp mấy câu. Văn hoá là một khái niệm bao trùm kiến thức, truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, cách ứng xử, thói quen của một người, một nhóm người hay của một đất nước.
Tôi thấy cách các vị bàn về văn hoá cũng giống như việc xác định vào năm 2045 Việt Nam sẽ hoàn thiện lý luận về CNXH vậy. Tức là nó không có giá trị thực tiễn với đất nước và người dân.
Muốn tạo ra được giá trị thực tiễn thì cần có một cái nhìn thẳng thắn trước mọi góc độ của chủ đề nêu ra. Tránh hô khẩu hiệu và không cần nhắc lại những định nghĩa và phương hướng quá xa của văn hoá.
Cái nhìn thẳng thắn là cần thiết để biết ta đang ở đâu và muốn biết ta ở đâu thì cần so sánh với mặt bằng nhân loại.
Tại sao một đất nước được gọi là văn hiến, với mấy nghìn năm lịch sử mà những đóng góp về khoa học, công nghệ, văn học nghệ thuật với văn hoá chung của nhân loại lại mờ nhạt đến vậy?
Có vị nhạc sỹ thì rên rỉ về việc thế hệ trẻ yêu nhạc Hàn, phim Hàn, phim Trung Quốc, truyện tranh Nhật và chẳng để ý tới phim, truyện, âm nhạc hay văn hoá truyền thống của Việt Nam. Sự rên rỉ ấy chẳng đóng góp gì cho đất nước cả.
Tôi thấy mấy nét văn hoá đang thịnh hành ở Việt Nam để các vị tham khảo:
1. Văn hoá “mộng mơ” phi lý
Việt Nam chưa bao giờ mạnh về triết học, về lý luận chủ nghĩa này nọ. Vậy tại sao các vị khẳng định dám sẽ hoàn thiện lý luận về CNXH vào năm 2045 khi mà đa phần cả thế giới đều cho rằng CNXH hay CNCS chỉ là một giấc mơ thiếu cơ sở khoa học, đẹp về lý thuyết nhưng thực hành rất dở? Điều gì tạo ra sự khác biệt giữa Đông Đức và Tây Đức, Bắc và Nam Triều Tiên? Điều gì tạo ra một Cu Ba khốn khổ trong hiện tại?
Tôi đề nghị hãy xây dựng một văn hoá nói thẳng, nói thật, văn hoá “tỉnh giấc” trước những mây mù lý luận.
2. Văn hoá phong bì
Cái thói quen này cũng là một nét văn hoá. Một văn hoá tha hoá người đưa và người nhận phong bì. Nó làm cả kẻ đưa và kẻ nhận đều thấy mình sai, hèn kém trong thang bậc làm người. Đấy là một sự dối trá lẩn sau lưng pháp luật.
3. Văn hoá chửi, văn hoá đấu tố
Các vị còn xây dựng cả một đội quân chửi trên mạng gọi là đội quân DLV với kỹ năng duy nhất, “lý luận” duy nhất là mấy câu chửi bậy, gọi cả những người bằng tuổi cha mẹ ông bà của chúng là thằng là con, gọi người ta là 3 que, đu càng, phản động…
4. Văn hoá ngậm miệng trước bất công, trước kẻ có quyền lực
Ngay trong ngành giáo dục, một ngành đáng nhẽ phải động viên học sinh tư duy phản biện, một xu hướng mà các nền giáo dục tiên tiến hướng theo. Chỉ với tư duy phản biện thì người học mới động não, phát huy sáng tạo và mới phát triển được mạnh mẽ. Ấy vậy mà đa phần các thầy cô giáo chỉ biết làm theo một cách ngoan ngoãn, máy móc những chỉ thị của cấp trên. Cấp trên bảo vào report mấy FB được cho là “phản động” là report, không cần tìm hiểu những người ấy là ai, họ viết gì.
Khi giáo viên như vậy thì học sinh đương nhiên sẽ trở thành những công dân “ngoan ngoãn”, lãnh đạo nói gì biết nấy, sẽ biết cúi lưng vâng dạ làm bất cứ mệnh lệnh gì, kể cả sai trái. Điều ấy tưởng là ai khi nó tạo ra một sự “ổn định” xã hội nhưng về lâu dài nó làm yếu đi nhiều sức mạnh của dân tộc. Rồi đây khi ngoại bang xâm lăng, đứng trước toà quốc tế để tranh biện về một tranh chấp nào đấy thì lấy đâu ra nhân tài để bảo vệ quyền lợi đất nước được thành công?
Muốn một nền giáo dục văn minh, một văn hoá mạnh mẽ thì tư duy phản biện là then chốt, là điều cốt tử không thể thiếu. Điều ấy đa phần những người trong hệ thống ì trệ, rập khuôn máy móc không nhìn ra được.
Đừng nhìn vào mấy con đường cao tốc, mấy toà nhà cao tầng rồi ngữa mặt lên tự hào. Hãy so sánh với Trung Quốc để thấy đất nước ta tụt hậu đến đâu. Chúng ta bị xâm lăng văn hoá từ Hàn, từ Nhật, Trung Quốc, từ Mỹ chính là bởi văn hoá chúng ta đang quá yếu ớt mà yếu ớt là bởi quan niệm cổ hủ, bảo thủ lấy mệnh lệnh chính trị để tạo khuôn mẫu cho văn hoá. Thứ văn hoá chịu mệnh lệnh chính trị là thứ văn hoá cớm nắng, thiếu chất và giả tạo. Nó bị xâm lăng, bị bắt nạt là điều đương nhiên.
Đã chịu lép vế về văn hoá thì sẽ phải chịu những kém cạnh khác, bởi văn hoá là sức sống nội tại của mỗi đất nước, nó có tác dụng thúc đẩy những mặt khác phát triển. Hãy nhìn xem, chưa bao giờ trong lịch sử mà tương quan sức mạnh giữa ta với Trung Quốc lại chênh lệch đến vậy. Nhìn lại lịch sử để thấy ông cha ta mạnh mẽ ra sao. Chẳng cần nói thêm về điều này.
Bao hội nghị được tổ chức cũng sẽ rơi vào quên lãng nhạt nhoà nếu không làm được một bước đơn giản đầu tiên là có được văn hoá nói thẳng, nói thật. Tôi chỉ là một người dân ít học nhưng coi trọng việc suy nghĩ thật mà có được vài nhận thức khiêm tốn, các vị lãnh đạo học cao, quyền cao chức trọng sao không nhìn thấy những điều cơ bản ấy?
Đ.B.C.
Nguồn: FB Chau Doan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.