Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

Làm sao mà có được công trình nghiên cứu có giá trị?

 

Làm sao mà có được công trình nghiên cứu có giá trị?

Ngô Huy Cương

28-11-2021

Những người nghiên cứu văn học hiện đang than vãn về việc đã gần hai phần ba thế kỷ nay, ở nước ta không có một tác phẩm văn học nào xây dựng được một hình tượng nhân vật để lại trong trí nhớ của người đọc. Cũng như vậy, lĩnh vực khoa học pháp lý, tôi khẳng định! Không biết các lĩnh vực khoa học xã hội khác thì sao?

Tôi nhớ sau khi sửa đổi Hiến pháp 1992 (vào năm 2001), có một Chương trình cấp quốc gia nghiên cứu về xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Trong chương trình này, tôi có được tham dự với tư cách là Chủ nhiệm đề tài nhánh “Định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đáp ứng việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN” thuộc Đề tài cấp nhà nước KX 04-05 mang tên “Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng các yêu cầu của nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân” do TS. Vũ Đức Khiển (Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội lúc đó) làm chủ nhiệm. Bẵng đi một thời gian, chẳng ai quan tâm tới, vào một ngày đẹp trời, họ báo tôi là nộp sản phẩm để bảo vệ.

Tôi dậy sớm lắm, tắm gội, là lượt, diện mặc, soi gương, rồi vội vã tới một khách sạn sang trọng để tham gia bảo vệ. Đợi dài cả dài ra mà hội đồng chưa đủ người, tôi phát cáu. Mấy tiếng đồng hồ sau, hội đồng tới đủ để nghiệm thu đề tài.

Ông Hoàng Thế Liên (bây giờ là nguyên thứ trưởng Bộ Tư pháp) trình bày lý do đến muộn vì phải báo cáo Hội đồng lý luận trung ương để hội đồng này kiến nghị về các hình thức sở hữu đưa vào Dự thảo Bộ luật Dân sự 2005. Ấy thế mà Bộ luật Dân sự 2005 chưa thông qua mà đã sai cho tới khi bị thay thế bởi Bộ luật Dân sự 2015 cũng sai nốt!

Nghiệm thu đề tài ở nước ta trong lĩnh vực luật học thường là dựa vào chức vụ hay học hàm, học vị của chủ nhiệm đề tài hơn là nội dung nghiên cứu của nó.

Đề tài được nghiệm thu. Chẳng được bao nhiêu tiền, nhưng tôi vui vì tự viết được một cuốn sách chuyên khảo xuất bản tại NXB. Tư pháp về cải cách pháp luật.

Ấy thế mà bây giờ họ lại làm một chương trình lớn nghiên cứu gấp gáp như chạy đua về cũng nhà nước pháp quyền.

Mấy GS “tán róc quá nhẵn mặt” được các cơ quan cao nhất mời nói những thứ cũ rích mà trước kia họ đã “rả rích” mãi rồi nhưng chẳng ai thèm nghe vì họ không biết xông thẳng được vào bản chất của vấn đề và không biết phát triển vấn đề theo đúng logic của nó.
Cuối cùng là tốn kém vô lý trong khi làm tăng thêm phần rắc rối mà có khi “cải tiến” đâu thì không thấy, lại thấy “cải lùi”.

Đó là thực trạng nghiên cứu ở cấp độ quốc gia. Ở cấp độ cấp thấp hơn thì có chỗ thế này, có chỗ thế khác. Vậy cái gì dẫn đến sự yếu kém như vậy trong nghiên cứu khoa học pháp lý? Tôi cho rằng có mấy nguyên nhân chủ yếu sau:

(1) Nghiên cứu nói chung (cả lý luận lẫn thực tiễn) dường như chỉ là thứ để trang sức cho ai đó và là một phương thức để nhỏ giọt duy trì sự hấp hối của khoa học pháp lý.

Thực chất những người có trách nhiệm không dùng đến kết quả nghiên cứu (dù tốt) vì họ buộc phải mất thời gian, công sức để hiểu và tìm cách triển khai, trong khi luật thì làm theo chương trình, bị sức ép của thời gian, còn thực tiễn và giảng dạy thì cốt là hoàn thành công việc theo lối mòn.

(2) Tự do học thuật kém, và dường như không được khuyến khích.

(3) Đội ngũ biên tập sách, báo pháp lý máy móc, thô thiển, cửa quyền, hợm hĩnh và không có ý thức phát triển học thuật, trong khi lại tự cho mình cái quyền coi thường tác giả.

(4) Căn bệnh hình thức lấn át hẳn thực chất và hiệu quả, do vậy chỉ coi trọng chức tước, học hàm, học vị mà bỏ qua thực chất, hiệu quả và nhân tố mới.

(5) Đào tạo luật kém và coi thường kiến thức và tư duy luật học căn bản.

(6) Việc cống hiến thật sự cho việc xây dựng chính sách, pháp luật, cải tạo thực tiễn thiếu thích hợp không được coi trọng.

Vậy nền pháp lý nước nhà có phát triển được không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.