Ai mua văn (bằng) tôi bán văn cho
Việc mua bán văn bằng giả và tham nhũng ở Đại học Đông Đô như trên không phải là lần đầu và chắc hẳn không phải là lần cuối, cũng không phải chỉ tại Đại Học Đông Đô mà tràn lan khắp nước từ trung học đến đại học, từ hàng chục năm nay. Văn bằng được rao bán như vậy, cái tựa bài viết là "nhái" từ câu Ai mua trăng tôi bán trăng cho trong bài Trăng vàng trăng ngọc của Hàn Mặc Tử.
Đại học tư thục là một doanh nghiệp
Cần xác định đại học Đông Đô nói trên là một trường đại học tư thục. Trang giới thiệu của trường có đoạn: "Trong quá trình xây dựng, trường đã có 40 000 kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân… tốt nghiệp đang giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan của đảng, nhà nước và doanh nghiệp… Đội ngũ giảng viên là các viện sĩ, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ…".
Như vậy, câu hỏi là trong gần 30 năm qua, trường Đông Đô đã bán bao nhiêu văn bằng giả và tại sao mãi đến năm 2021 mới truy tố bọn làm văn bằng giả? Có bao nhiêu đại học loại như Đông Đô và bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ có văn bằng loại như Đông Đô?
Nhớ lại từ sau khi có chánh sách mở cửa vào năm 1986, đảng cộng sản Việt Nam đã bày trò thành lập các đại học tư thục, lúc ấy có tên là đại học dân lập nhưng thực chất là dùng vốn của tư nhân để bành trướng thêm số trường đại học nhằm mục đích lòe thế giới và hốt tiền của dân. Quyền quản trị vẫn gián tiếp hay trực tiếp trong tay của đảng cho đến năm 2005, sự tách biệt giữa công và tư mới rõ ràng. Từ đó, đại học dân lập đổi tên là đại học tư thục rồi mọc lên như nấm. Số trường tư thục mọc lên như sau: Năm 1988: 1 (đại học Thăng Long); 1994: 5 (trong đó có ĐĐ); 2000: 16 ; 2005: 25; 2010: 51, 2019: 68 (25 thành lập hình thành phát triển đại học tư thục /giaoduc.net.vn , Wikipedia). Lưu ý là trong 19 năm (2000 - 2019) tăng thêm 52 trường đại học tư thục (không kể cao đẳng) điều chưa thấy trong một quốc gia chậm tiến về giáo dục.
Gần đây nhất, tháng 01/ 2020, một trường đại học tư thục "hoành tráng" vừa được khánh thành ở Hà Nội tên là VinUni của tập đoàn VinGroup tỉ phú Phạm Nhật Vượng với sự "hợp tác chiến lược" của đại học Cornell và đại học Pennsylvania, dự trù sẽ lọt vào "top 50 của các đại học trẻ trên thế giới vào năm 2049". Học phí mỗi năm: 35 000 USD cho học trình cử nhân và 40 000 USD cho học trình hậu đại học.
Bởi lẽ là một cơ sở tìm lợi nhuận, tiền học phí cứ gia tăng mỗi năm, thiếu cơ sở và phương tiện sư phạm, giảng viên thiếu khả năng, đại học tư thục là một thứ chợ trời. Tham lợi, tham nhũng, gian dối, bè phái… là nguyên nhân chính yếu của tình trạng yếu kém đại học công cũng như tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, phải nói là trong đống sỏi đá có một viên đá quý là đại học tư thục Duy Tân. Trong bảng xếp hạng đại học thế giới của THE 2022 (Times Higher Education), đại học Duy Tân được xếp trong nhóm hạng 401-500, trong khi Đại Học Quốc Gia Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh nằm trong nhóm cao hơn 1000.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Không phải chỉ có các đại gia Việt Nam độc quyền mở trường tư để thu học phí cao và bán văn bằng giả, giới đẩu tư ngoại quốc cũng xông vào Việt Nam để khai thác thị trường béo bở nầy. Tiến sĩ Mark A. Ashwill, Giám Đốc cơ quan Capstone Việt Nam có trụ sở ở Hà Nội chuyên về kiểm định các trường đại học đã công bố danh sách 21 trường đại học Mỹ có mặt tại VN nhưng không được công nhận bởi cơ quan kiểm định Hoa Kỳ (Giới chức giáo dục Hoa Kỳ tố cáo 21 trường…/vietcatholicnews.net). Các trường đại học giả hiệu nầy đã hoạt động tại VN từ lâu, nhưng Bộ Giáo Dục-Đào Tạo làm ngơ hay thông đồng để thu lợi nhuận rất cao vì các đảng viên trung kiên, từ địa phương đến trung ương cần một văn bằng để được hợp thức hóa việc thăng chức. Văn bằng càng cao như thạc sĩ, tiến sĩ thì giá văn bằng càng "khủng".
Chuyện lạ mà có thật ở VN. Báo chí VN hồi tháng tư năm 2011 tường thuật Ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hóa Thể Thao tỉnh Phú Thọ vừa đậu bằng tiến sĩ do một trường đại học ở Mỹ cấp, dù ông không nói được tiếng Mỹ và chẳng bao giờ đi học. Ông cho biết là ông tốn 17 000 mỹ kim để đi Hawaï 2 tuần để nhận bằng từ đại học South Pacific University là một đại học đã bị tòa án tiểu bang Hawaï đóng cửa từ năm 2003 nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bán văn bằng. Cũng cần biết là số tiền 17 000 mỹ kim là do ngân sách của tỉnh Phú Thọ "hỗ trợ".
Chuyện ông tiến sĩ giấy lại phơi bày thêm một khía cạnh đạo đức của xã hội VN vì có tờ báo cho là bằng cấp của ông Ân là bằng thật chớ không phải bằng giả bởi không phải do ông ngụy tạo ra, ông có đến Mỹ trình luận án của ông tựa là "Bảo tồn văn hóa phẩm tỉnh Phú Thọ" qua một thông dịch viên, đại học Mỹ đã cấp văn bằng tiến sĩ và chỉ có chính phủ Mỹ mới có quyền hủy bỏ văn bằng. Như vậy, cùng lắm có thể nói bằng tiến sĩ của ông Ân là tiến sĩ dỏm chớ không phải là tiến sĩ giả. Chuyện tranh cải tương tự cũng xảy ra với trường hợp ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Yên Bái cũng có bằng tiến sĩ tuy không đi học, không biết tiếng Mỹ, sau 6 tháng nhận trợ cấp của chính phủ 74 triệu đồng. Ông Ngọc cũng cho biết có 10 đồng chí của ông nhận được bằng tiến sĩ của đại học ma nầy. Ông "tiến sĩ 6 tháng" sau đó được bổ nhiệm chức Phó Bí Thư Đảng ủy Doanh nghiệp Trung ương (tương đương với Thứ Trưởng).
Từ những lời khoe khoang kênh kiệu và ngu đần nầy, đến nay không biết VN có bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ giả. GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ Trưởng Giáo Dục tuyên bố: "Từ 2001 đến 2004, Bộ cũng đã tiến hành rà soát trên cả nước và phát hiện hơn 10 000 trường hợp quan chức có bằng cấp giả" (Blog Mai Thanh Hải). Qua những tin tức phát tán từ báo chí và cơ quan nhà nước về đại nạn văn bằng giả, chúng tôi nghĩ là từ sau khi chiếm miền Nam đến nay, có ít nhất phân nửa cán bộ nhà nước, đặc biệt là các cấp lãnh đạo sử dụng văn bằng đại học giả hay dỏm.
Du học tại chỗ
Trong bối cảnh lạc hậu và bát nháo của giáo dục đại học tư thục như vậy, du học là giấc mơ của các sinh viên Việt Nam để hi vọng đổi đời. Đối với đám con ông cháu cha và con cháu các đại gia làm ăn với chế độ, họ mong đạt được một cấp bằng hay một chứng chỉ của bất cứ một đại học nào tại bất cứ một quốc gia nào ngoài VN để hợp thức hóa các ngôi vị của cha ông truyền lại. Đối với các sinh viên trung lưu không thân thế mong được du học để trở về tìm được một chỗ làm tốt trong các xí nghiệp ngoại quốc hay may mắn hơn thoát được vĩnh viễn cái quốc gia ngự trị bởi chế độ độc tài. Người ít khá giả hơn, vì không có phương tiện du học đành tìm lối thoát bằng cách du học tại chỗ trong các trường đại học tư thục ngoại quốc tại Việt Nam, hoặc do ngoại quốc đầu tư vốn 100%, hoặc do ngoại quốc hợp tác về tài chánh và đào tạo với chánh phủ Việt Nam.
Hiện nay, tại VN có 5 trường đại học và cao đẳng ngoại quốc: British University in VN /BUV), Royal Melbourne Institute Technology/RMIT, Fulbright University in VN, American University in VN (ở Đà Nẳng), và Greenwich VN. Ngoài ra còn có một số đai học hỗn hợp VN và ngoại quốc như Đại học Việt-Đức (Vietnamese-German University), Đại học Việt-Nhật (Vietnamese-Japan University), Đại học Việt-Pháp (tên gọi của Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, University of Science and Technology Hanoi USTH) là những đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo Dục Đào Tạo nhưng ban giám đốc hỗn hợp, ban giảng huấn là người ngoại quốc và ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Anh.
Mặc dù ra rả chửi đế quốc tư bản, nhưng Cộng sản rất "háo" tư bản. Có khoảng 20 trường đại học và cao đẳng tư thục gắn thêm trong bảng hiệu chữ quốc tế (như Đại học quốc tế Hồng Bàng) hay một địa danh ngoại quốc (như Cao đẳng Y-Dược ASEAN…). Đa số các trường nầy được coi như các đại học "ăn khách" ở Việt Nam và cấp bằng của các trường nầy là một bảo đảm, thực và hư, cho giới trẻ. Dĩ nhiên, học phí (và chi phí linh tinh) các loại trường nầy chỉ dành riêng cho con cháu của tỉ phú đỏ và tỉ phú xanh, từ 20 000 đến 40 000 mỹ kim một năm, trong khi học phí các đại học, cao đẳng loại nâng cấp khoảng trên dưới 2000 MK, tương đương với lương đồng niên của một công nhân. Tốt nghiệp các trường nâng cấp nầy thì may lắm mới tìm được một việc làm của một cổ xanh. Thì ra trong thiên đường cộng sản, sau 70 năm, con quan thì lại làm quan, con sãi ở chùa thì vẫn quét lá đa.
Đại học công lạm phát và chậm tiến
Trên thế giới, không một quốc gia nào có số đại học công thành lập chiếm kỷ lục trong một thời gian rất ngắn như ở Việt Nam.
Khi Cộng Sản chiếm Sài Gòn, Miền Nam có 3 viện Đại học, 1 Trung Tâm Cao Đẳng , 1 học viện, 2 đại học Cộng đồng, không kể 5 viện đại học tư. Khoảng 60 trường đại học, phân khoa, cao đẳng nầy có cơ sở khang trang, trang bị đầy đủ về phương tiện giảng dạy và ban giảng huấn tiêu chuẩn với khoảng 150 000 sinh viên. Tại miền Bắc, có 5 trường đại học ở Hà Nội và khoảng 30 trường đại học và cao đẳng, nhưng thực ra chỉ là những lớp học cổ lỗ về cơ sở và ban giảng huấn, chỉ hoạt động bình thường đến năm 1965, vì sau đó các cơ sở phải sơ tán vì bị bom Mỹ và sinh viên phải vượt Trường Sơn vào xâm chiếm Miền Nam.
Sau khi thống nhứt ngu dốt và nghèo đói, mãi đến đầu năm 1990, Cộng Sản mới bắt đầu xây dựng và phát triển đại học bằng lối nâng cấp, đưa đại học từ tệ đến tồi. Ngày 7/6/2010, Bộ Trưởng Giáo Dục-Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trước Quốc Hội là trong số 270 trường mới thành lập, thực sự chỉ có 94 trường tân lập hoàn toàn, số còn lại là trường nâng cấp từ trường thấp hơn (trung cấp, cao đẳng, học viện trở thành đại học). Một vài thí dụ trong số hàng trăm "đại học nâng cấp", một sáng kiến ưu việt của các đỉnh cao trí tuệ bộ Giáo Dục.
- Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (ghi rõ: kiểm sát) trực thuộc Viện Kiểm Sát, nguyên là trường trung cấp đào tạo nhân viên cho Viện Kiểm sát nhân dân (1970) được nâng lên là Cao Đẳng (1982) rồi Đại học (2005).
- Trường Đại học Nội Vụ Hà Nội trực thuộc Bộ Nội Vụ gốc là Trường Trung học Văn Thư Lưu Trữ Trung Ương (1971) được nâng cấp là trường Cao đẳng Văn Thư Lưu Trữ (2005) rồi Đại Học Nội Vụ (2011).
- Trường Đại học Việt-Hung : gốc là Trường Trung học hữu nghị Việt – Hung (Hung Gia Lợi) được nâng cấp thành Cao Đẳng Việt-Hung (2005) rồi Đại học Việt Hung (2010).
– Trường Đại học Saigon: gốc là trường Sư Phạm cấp 2 ở Chiến Khu C (quận Tịnh Biên, tỉnh Tây Ninh) thành lập năm 1972, chuyển về TP Hồ chí Minh năm 1976 và nâng cấp thành Cao đẳng Sư Phạm (1976), rồi Đại học Saigon (2007).
Và cứ tiếp tục truy tìm lịch sử các trường Cao đẳng, Đại học, người đọc sẽ thấy Việt Nam hôm nay có khoảng 300 trường được nâng cấp kiểu nầy, và dĩ nhiên khi trường được nâng cấp, giảng viên cũng được nâng cấp theo lối học tại chức để có bằng Thạc Sĩ, Tiến Sĩ.
Chính vì trường đại học, cao đẳng được nâng cấp như vậy, số thống kê của Bộ Giáo Dục Đào Tạo thiếu sót, nhập nhằng. Từ nhiều năm nay, Bộ GDĐT chỉ công bố con số trường đại học mà không công bố thống kê các loại trường cao đẳng (chỉ có cao đẳng sư phạm). Người viết phải tìm kiếm trong các bài nghiên cứu về giáo dục , nhất là Wikipedia.
Niên khóa 2019-2020, Bộ GDĐT cống bố Việt Nam có 237 trưởng đại học gồm 172 trường công lập và 65 trường tư thục. Truy cập tên các cơ sở đại học, cao đẳng, học viện trong Wikipedia, chúng tôi tìm thấy những con số trường nhiểu hơn mà chi tiết như sau:
Năm 1997, Việt Nam có 123 trường đại học và cao đẳng công và tư. Năm 2019, Việt Nam có 668 trường đại học và cao đẳng, không kể khối Công An, Quốc phòng và các phân hiệu, phân viện. Phải chăng, Bộ GĐDT cố tình che giấu nạn lạm phát trường đại học, nhất là trường cao đẳng được xem như trường trung học cấp 3, bởi lẽ chỉ trong 22 năm (1997-2019), VN đã tăng thêm 545 cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng, tăng lên gấp 5 lần. Đó là trường hợp duy nhất trên thế giới.
Quản trị đại học mánh mung
Tổ chức các đại học đặt dưới quyền quản trị chồng chéo của nhiều cơ quan lãnh đạo khác nhau. Các đại học, cao đẳng, học viện, ngoài bộ GDĐT cỏn bị chi phối bởi nhiều Bộ và ngành. Thí dụ như Bộ Công Thương chỉ đạo 34 trường đại học và cao đẳng, Bộ Công Nghiệp 32 trường, Bộ Y Tế 11 trường, Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng điều khiển các trường đại học, học viện thuộc khối liên hệ. Các trường Cao đẳng chuyên nghiệp có thêm Bộ Lao Động Thương Binh, trường Cao đẳng nghề có sự chỉ đạo của Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp.
Các đại học địa phương, công cũng như tư, còn phải chịu sự chi phối của Ủy Ban Nhân dân tỉnh hay thành phố. Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân (UBND) tỉnh có quyền "bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, cách chức, giáng chức vị trí người đứng đầu trường đại học, cao đẳng ở địa phương. Có quyền công nhận hay không công nhận hội đồng quản trị, hiệu trưởng các đại học tư trên địa bàn, giám sát chất lượng cơ sở đào tạo đại học đóng trên lãnh thổ…" (Tin mới VN, ngày 21/04/2010).
VN hôm nay trở lại thời kỳ thuộc địa ngu dân thuở xưa bởi lẽ các cơ sở giáo dục lại đặt dưới quyền sinh sát của các chủ tịch UBND tỉnh, mà đa số là những cán bộ ít học hay thất học, chỉ vì phe cánh hay trung kiên với đảng được cất nhắc làm lãnh chúa ở các địa phương, thì thử hỏi trong một hoàn cảnh như vậy, đại học VN bảo sao mà không lạc hậu?
Các địa phương tranh nhau mở trường, nhiều chương trình đào tạo giống nhau, các trường tranh chấp nhau, nhiều ngành học không xứng danh đặt trong học trình đại học, hay phát triển một cách đại qui mô ở khắp các địa phương. Có 29 đại học quân sự, 12 đại học công an, không kể các học viện có qui chế như trường đại học, cao đẳng, có quyền cấp văn bằng hậu đại học. Chuyên lạ trên thế giới, trường cao đẳng, đại học Công An, Quốc Phòng có quyền đào tạo tiến sĩ, và ngành công an ở Việt Nam có rất nhiều tiến sĩ.
Trên 63 tỉnh và thành phố của cả nước, mỗi nơi, ngay cho ở "vùng sâu, vùng xa" đều có vài ba trường đại học hay cao đẳng. Tỉnh Bắc Ninh với 1 triệu dân có đến 11 học viện, trường đại học và cao đẳng, tỉnh Hưng Yên với 1.2 triệu người thì có 8 trường… và cứ thế mà đếm tên tỉnh và tên các trường. GS Nguyễn Minh Thuyết, Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa Giáo dục phải lên tiếng: "…Chính phủ thiếu tầm xa nên mới xảy ra hiện tượng đua nhau bung ra ở các trường đại học, cao đẳng, nhất là giai đoạn 2005. Còn nhớ lúc đó trung bình cứ 2 tuần thì lại ra đời một hai trường đại học cao đẳng mới..." (Bùng nổ đại học và những hệ lụy/ tuoitre.vn ngày 22/09/2015).
Giảng viên Cử nhân dạy sinh viên Cử nhân
Niên học 2019-20, theo thống kê của Bộ GDĐT, tổng số sinh viên đại học công và tư là 1.672 880 người học theo 3 hệ thống: chính quy (đi học ở trường đầy đủ theo học trình), vừa làm vừa học (học từ phân nửa học trình đến tượng trưng vài tuần), đào tạo từ xa (học on-line). Số sinh viên trên được đào tạo bởi 73 142 giảng viên gồm 21 977 tiến sĩ (30%), 44 119 thạc sĩ (60%), 7 036 cử nhân và linh tinh (10%). Số sinh viên tốt nghiệp là 263 172 sinh viên (moet.gov.vn)
Bảng thống kê trên cho thấy 2 điều:
- Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp quá thấp (16%). Điều cũng dễ hiểu, các sinh viên nhập học là những học sinh trung học kém, được đào tạo từ một hệ thống giáo dục lạc hậu, nói theo danh từ tục tĩu cộng sản thì nếu "đầu vào" hôi thì "đầu ra" thúi. Các trường học thường chia sinh viên thành 3 nhóm: nhóm thứ nhất khoảng 20% là các sinh viên chăm chỉ học tập, nhóm thứ 2 khoảng 30% là các sinh viên học bình thường, nhóm thứ 3 khoảng 50% là sinh viên học cầm chừng, lười biếng. Thế nhưng kết quả một số ngành có hơn 50% tốt nghiệp bởi lẽ trường sợ đánh rớt thì sinh viên bỏ học, mất lợi tức, trường mất uy tín, giáo sư thất nghiệp.
Hậu quả là sinh viên có bằng nhưng không khả năng nên không tìm được việc làm thích ứng đành phải đi làm cổ xanh mà cũng không có khả năng làm một cổ xanh. Ngoài ra còn có các sinh viên theo hệ thống vừa làm vừa học, học từ xa (on-line) chỉ học phân nửa học trình của hệ chính quy (hệ chính quy: cử nhân phải học 4 năm hay 120 tín chỉ, cao đẳng 3 năm hay 90 tín chỉ) thì cũng được cấp phát văn bằng. Một nền giáo dục đại học chợ trời như vậy chỉ sản xuất được những người nửa thầy nửa thợ, và đám con cháu lãnh đạo bê tha bỏ học (drop out) trở thành nửa đười ươi. Thống kê của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội cho biết đầu năm 2019, trước khi có đại dịch, VN có 124 000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp trong tổng số 1.1 triệu người thất nghiệp dưới 30 tuổi và 60% người, tuy có việc làm nhưng không đúng ngành nghề. Bởi lẽ người tốt nghiệp là …thất nghiệp, họ bất đắc dĩ học cấp cao hơn, và tình trạng như vậy càng thêm ứ đọng cử nhân lái xe ôm, thạc sĩ đi làm nhà hàng và đối với chân dài thì qua Singapore, Mã Lai kiếm… việc nhẹ nhàng mà nhiều tiền.
Học tập tư tưởng của "Bác"
Đại học lạc hậu và hư thúi là tại "Bác". Từ sau khi áp đặt chế độ cộng sản tại miền Nam và mặc dù Việt Nam tự hào hôm nay đã tiến lên kỹ thuật 4G, 5G, đại học Việt Nam vẫn còn phải học tập tư tưởng của "Bác" từ lúc "Bác" ở trong hang Pắc Pó. Tháng 4 năm 2021, Bộ Giáo Dục Đào tạo ban hành giáo trình sửa đổi "Lý luận chính trị" áp dụng cho tất cả các sinh viên đại học và cao đẳng phải học tập 5 môn như sau: Triết học Mác – Lenin, Kinh tế chính trị Mác, Chủ nghĩa xã hội, Lịch sử đảng Cộng sản VN, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Học trình lý thuyết gồm 15 tín chỉ không kể giờ học thảo luận. Số tín chỉ để tốt nghiệp từ 90 đến 120, như vậy giờ học lý luận chính trị chiếm mất từ nửa năm đến 1 năm trong học trình. Chính các môn học quái đản nầy đã đưa dân tộc Việt Nam đến chỗ u mê và bạc nhược.
Kết luận
Tình trạng sa sút của nền giáo dục Việt Nam, đặc biệt cấp đại học có nhiều nguyên nhân khách quan, do đất nước nghèo, đầu tư không đủ, do trình độ non yếu của thầy cô giáo, do ý thức người dân lạc hậu… Đương nhiên tất cả những nguyên nhân nầy đều đúng. Song muốn lay chuyển tình hình phải thừa nhận nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là lãnh đạo, quản lý bất cập, bất cập cả tâm lẫn tầm, và từ trên xuống dưới …(Hoàng Tụy. Xin cho tôi nói thẳng).
Đã 46 năm rồi từ khi đảng cộng sản chiếm Miền Nam, không phải chỉ có giáo dục sa sút mà cả nước Việt Nam sa sút, yếu kém toàn diện (trừ các cao ốc, các "hoành tráng" mà Việt Kiều về quê ăn Tết khen là "đất nước mình bây giờ văn minh lắm", nhưng thực sự đa số là sở hữu của ngoại bang và tư bản đỏ). Cố GS Hoàng Tụy, người thầy được cả nước kính trọng, đã nói thẳng nguyên nhân của tình trạng sa sút là lãnh đạo, tức là đảng cộng sản Việt Nam. Muốn giải quyết vấn đề, người viết cũng xin được nói thẳng là không còn giải pháp nào khác hơn là phải thay thế lãnh đạo, giải thể chế độ cộng sản Việt Nam để người dân trong và ngoài nước xây dựng lại nước Việt Nam từ đầu.
11/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.