Khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” với yêu cầu của nền giáo dục khai phóng hiện đại
Nền giáo dục ở Việt Nam ngày càng đi xuống trầm trọng mà chưa nhìn thấy có cách gì cứu vãn là một hiện tượng khiến nhiều người lo lắng từ nhiều chục năm nay. Nguyên nhân sâu xa cũng như gần gũi của sự xuống dốc ấy là vì đâu? Giải pháp nào có tính chất căn cơ có thể chặn đứng được nó? Đó là những câu hỏi bức xúc đặt ra cho người cầm quyền, các nhà giáo dục, và rất nhiều bậc làm cha mẹ trong cả nước. Gần đây, trong hội thảo “Văn hóa học đường trong bối cảnh mới của GD-ĐT” do UB Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam tổ chức ngày 21-11-2021, GSTSKH Trần Ngọc Thêm có kiến nghị bỏ khẩu hiệu ”Tiên học lễ hậu học văn” trong nhà trường. Đề xuất của ông được không ít người chú ý, phản đối hoặc tán thành. GS Nguyễn Ngọc Lanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội đề xuất tổ chức một cuộc thảo luận công khai, thẳng thắn vấn đề này trên các diễn đàn mạng. Trang BVN rất đồng tình với ý kiến của ông.
Vấn đề là khái niệm “Tiên học lễ hậu học văn” mà GS Thêm đề cập cần được hiểu một cách cụ thể như thế nào trong bối cảnh tình hình giáo dục hiện tại của đất nước. Hiểu “lễ và “văn” là hai vế đạo đứcvà chuyên môn thì không ai không thừa nhận cả hai vế đều hết sức cần thiết, không vế nào được coi nhẹ cả. Nhưng chắc chắn không ai lại nghĩ đó vẫn là cái hình thức “lễ” và cái nội dung “văn” của xã hội phong kiến mà nhiều ngàn năm qua đạo Nho đã áp đặt một cách chuyên chế lên giáo dục. Trong các bộ sách giáo khoa do Nha học chính Đông Pháp xây dựng từ năm 1928 (một bộ là Việt văn giáo khoa thưđược nhóm Trần Trọng Kim biên soạn, một bộ là Hán văn tân giáo khoa thư được nhóm Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi biên soạn), không ở đâu còn viện dẫn những những khuôn vàng thước ngọc của “tam cương ngũ thường” để giảng dạy các lớp học sinh tiểu học. Và kể từ tháng Tám 1945 về sau, với Chính phủ Trần Trọng Kim, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính quyền ở các vùng tạm chiếm, và Chính phủ miền Nam sau 1954, đạo lý thánh hiền của Nho giáo cũng đã bị gạt ra khỏi chương trình “công dân giáo dục” của các chính quyền này. Tất nhiên ảnh hưởng của thứ đạo đức gọi dạ bảo vâng ấy vẫn còn, thậm chí còn rất nặng, trong đời sống xã hội, nhưng lỗi không thể quy cho nội dung sách giáo khoa của ngành giáo dục, dù là ở vùng miền nào cũng vậy.
Vậy thì có lẽ nên hiểu “tiên học lễ hậu học văn” nói ở đây là một vấn đề thuộc phương pháp tư tưởng, một thói quen coi trọng đạo đức hơn chuyên môn mà lối học cũ hàng trăm năm đã để lại như một di chứng, và về phương diện này thì nó vẫn còn chi phối sâu sắc quan niệm xây dựng và đánh giá con người không chỉ trong giáo dục mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực cuộc đời, của xã hội chúng ta. Đặt “tiên học lễ hậu học văn” vào đời sống thực tiễn của miền Bắc từ 1954 đến 1975, và của cả nước từ 1975 đến nay, khi bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của một đảng duy nhất luôn luôn có những yêu cầu bảo đảm sự ưu tiên cân nhắc về tỷ lệ giữa “hồng” và “chuyên” trong nghiệp vụ tổ chức (mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng một lúc nào đấy đã phải nhắc nhở: Hồng và chuyên đều phải coi trọng như nhau), thì rõ ràng những hiện tượng bất thường trong giáo dục, trong phấn đấu hàng ngày của hàng ngũ cán bộ chuyên môn ở bất cứ ngành nào, có khả năng bị đẩy tới những hậu quả mất cân đối nặng nề, không tạo được sức bật để nhân lên, là điều không có gì lạ.
Trên tinh thần thực tế chứ không sách vở như đã trình bày, BVN xin hưởng ứng cuộc trao đổi xung quanh câu cách ngôn “Tiên học lễ hậu học văn” mà GS Trần Ngọc Thêm đã gợi ý. Rất mong được quý bạn đọc nhiệt tình hưởng ứng. Trước hết, chúng tôi xin đăng lại dưới đây hai bài của Nguyễn Văn Mỹ (trên BBC) và Lê Học Lãnh Vân (trên Facebook, được Tiếng dânmang về trang của mình) để làm hai tiếng nói mở đầu.
Bauxite Việt Nam
1. Bỏ 'Tiên học lễ, hậu học văn': Đôi lời thưa với Giáo sư Trần Ngọc Thêm
Nguyễn Văn Mỹ
Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn
NGUỒN HÌNH ẢNH, GETTY IMAGES
Tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD -ĐT", do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội tổ chức ngày 21/11/2021; GS.TSKH Trần Ngọc Thêm kiến nghị bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" (THLHHV).
Lý do là "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Bỏ khẩu hiệu THLHHV để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo vì đó là sản phẩm giáo dục Nho giáo, phục vụ mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc người dưới phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số 1".
Kiến nghị lập tức tạo địa chấn dư luận, cứ như bê bối của showbiz. Tôi phát hoảng thật sự. Nhiều đồng nghiệp và sinh viên email, điện thọai, chat zalo… bày tỏ sự ngạc nhiên tột độ. Chính kiến cá nhân cần được tôn trọng. Nếu bất đồng, thì trao đổi.
Có bạn trẻ đồng tình với ông Thêm vì dị ứng với bệnh khẩu hiệu, chỉ nói mà không làm. Việt Nam hiện được xem là cường quốc khẩu hiệu với vô vàn câu chữ rối ren, tối nghĩa, hiểu nhầm. Vị trí này trước đây thuộc về Trung Quốc, nay nhường cho Việt Nam độc quyền. Bệnh khẩu hiệu cần xóa bỏ càng sớm càng tốt, trừ câu THLHHV. Nếu bỏ, phải có câu nào hay hơn, bởi Việt Nam chưa có triết lý giáo dục.
Ở miền Nam, trước 1975, THLHHV được xem là nền tảng giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Lễ được hiểu theo nghĩa rộng là "Đạo đức cuộc sống", Văn là "Kiến thức khoa học tự nhiên lẫn xã hội". Thầy cô mà nghĩ "Lễ" chỉ là "Phép tắc, lễ nghi, tôn ti xã hội" thì không phải là thầy cô đúng nghĩa. Thầy cô ở miền Nam trước 1975, không ai nghĩ như thế.
Sau 1975, dấu tích chế độ cũ hầu như bị xóa sạch. Từ tên đường, bậc học, môn học dến sách học; từ ngôn ngữ đến áo dài lẫn cách chào vòng tay cúi đầu, cách đối nhân xử thế… THLHHV bị hạ bảng, biến mất nhưng vẫn không có tư duy sáng tạo, nói chi phản biện. Vì nhiều lý do, giáo dục ngày càng xuống cấp toàn diện. THLHHV được phục hồi nhưng bị hiểu méo mó, kể cả những người là TSKH.
GS Thêm cho rằng "Nguồn nhân lực THKHHV giỏi lắm chỉ có thể giữ xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển. Muốn xây dựng xã hội phát triển phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện. THL rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện vì đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau".
Theo tôi thì càng giải thích, càng rối rắm, bất cập.
Sau 1975, học trò vòng tay chào thầy cô bị xem là không bình đẳng. Quan hệ cha - con, thầy - trò đều "đồng chí tất".
Hình cũ, Việt Nam năm 1997
Thương cảm, cứu giúp người nghèo khó bị lên án là "Tiểu tư sản". Điều gì gắn với phong kiến đều bị lên án kịch liệt. Cuộc sống luôn phát triển, nhiều thứ phải thay đổi, thích nghi nhưng có những thứ bất di bất dịch.
Nếu không có phong kiến, làm sao có mình bây giờ? Phong kiến Việt Nam không chỉ giữ yên bờ cõi, độc lập về văn hóa, chữ viết, không mất một tấc đất; trước đại họa xâm lăng phương Bắc mà còn mở thêm bờ cõi.
Từ gia đình đến xã hội, phải có tôn ti trật tự, không thể "cá mè một lứa", tất cả cùng "làm chủ tập thể" (phải viết - tập thể làm chủ, mới chính xác). Nếu không, xã hội sẽ hỗn loạn.
Sài Gòn tháng 7 năm 1975 , GETTY IMAGES
Quan hệ xã hội Nho Giáo có thể một chiều trên dưới nhưng khi vào Việt Nam, đã thay đổi để thích ứng với những truyền thống "Kính già, yêu trẻ", "Học thầy không tày học bạn", "Vua - tôi một lòng", "Thuận vợ, thuận chồng" (vợ được đưa lên vế đầu),…thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.
Hai mươi năm năm học phổ thông và đại học (chưa tốt nghiệp) dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa; tôi biết dừng xe, đứng nghiêm ngoài đường khi nghe quốc ca. Đi qua đám tang phải dỡ nón.
Thực hành "Gia huấn ca" (Nguyễn Trãi). Gặp người già yếu, tàn tật, trẻ nhỏ là tận tình giúp đỡ. Luôn "Đi thưa về trình"; biết "Xin lỗi" và dám nhận lỗi để sửa sai, không quen đổ "tại" và "bị"; biết "Cám ơn" từ những việc nhỏ nhặt, từ em bé lẫn con cái của mình…
Hình chụp ở Hà Nội năm 1980. GETTY IMAGES
Nhờ THLHHV, thầy cô giáo ở miền Nam trước 1975, nhìn là biết, không lẫn vào đâu được. Từ trang phục, tác phong đến lời ăn, tiếng nói. Sinh viên cũng vậy. Đi học, cứ đem xe vào bãi, không cần người trông. Những buổi học chung, cả ngàn người, các nhóm thường cử người đến sớm giữ chỗ. Chỉ cần cuốn tập đặt lên là không ai dám ngồi, nói chi việc chen lấn, giành giật.
Chợt nhớ chuyện cậu bé lớp 4 ở Cần Thơ vòng tay cám ơn tài xế nhường đường, dậy sóng dư luận, rồi được khen thưởng hồi tháng 4/2021. Việc quá đỗi bình thường, "nhỏ như con thỏ" của tất cả học sinh ở miền Nam trước 1975, bỗng thành điển hình bất thường, thành con voi giấy sau hơn nửa thế kỷ làm cách mạng. Nghĩ mà buồn cho giáo dục nước nhà.
Hình chụp ở TPHCM năm 1990. GETTY IMAGES
Điều cần lên án là có những cơ sở giáo dục hiện nay, trương khẩu hiệu THLHHV làm lá bùa ngụy biện, che đậy sự tha hóa, kinh doanh giáo dục với lợi nhuận tối đa làm mục tiêu tối thượng. Dù giáo dục dưới hình thức nào, tại gia hay hay gia thục (homeschooling); từ các lớp năng khiếu hay học thêm; những thầy cô chân chính luôn chú trọng THLHHV (dạy đạo đức, nề nếp trước; học chuyên môn sau).
Từng làm con và làm trò, chẳng ai muốn mình là "con hư, trò dốt". Vấn đề là ngoan và giỏi theo nghĩa nào và cách nào. THLHHV cũng vậy. Nhân đây, tôi đề nghị phục hồi lại cách chào thuần Việt "Vòng hai tay trước ngực, hơi cúi đầu", biểu hiện sự đoàn kết, người lớn bao bọc người nhỏ. Người dưới, người nhỏ tuổi hơn chào trước. Người lớn tuổi hơn, cấp trên sẽ gật đầu chào lại.
Một đất nước, tự hào mấy ngàn năm văn hiến mà chào nhau lai căng. Người đưa tay lên cao vẫy như Mỹ và châu Âu (văn hóa dùng muỗng nĩa, chữ Latinh). Kẻ chắp tay như Ấn Độ (văn hóa dùng tay, chữ Phạn) Người khác gập người như Nhật Bản hay chắp tay nắm như Trung Quốc (văn hóa dùng đũa, chữ Hán)…
Học sinh ở TPHCM năm 1999. GETTY IMAGES
Tôi rất thích cách chào Bhutan, quốc gia được xem là hạnh phúc nhất thế giới. Khi chào, người Bhutan mở hai bàn tay ngang hông, đưa ra phía trước, rút về và úp lại; thể hiện sự hiếu khách, mời gọi và đón nhận, hết sức thân thiện và ý nghĩa.
Cùng với cách chào, cần công nhận chính thức "Áo dài là quốc phục Việt Nam", cả nam lẫn nữ. Dĩ nhiên cần thông nhất mẫu tối thiểu. Cả thế giới, nước nào cũng có quốc phục riêng, trừ Việt Nam. Thời bao cấp, có lãnh đạo từng phê phán áo dài là "Tàn dư phong kiến lẫn tư sản, rườm rà, một áo dài có thể may được vài áo ngắn". Nói vậy thì mặc đồ tắm biển đi làm, vừa mát mẻ, tiết kiệm vải lại kích thích hứng thú!
Ảnh chụp năm 2005. GETTY IMAGES
Chấn hưng giáo dục là việc làm cần kíp nhưng không thể một sớm một chiều, không thể do một người hay một nhóm ngườichủ quan, quyết định kiểu "Đùng một cái", tùy hứng và tùy tiệntheo cảm tính. Chất lượng giáo lục quyết định vận mệnh quốc gia, tùy thuộc rất nhiều thứ. Từ cách đạy, cách học, mục đích học đến thể chế.
Xin mượn mấy câu nói của Nelson Mandela (1918 - 2013) thay lời cảnh báo.
"Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi thế giới. Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.
- Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy.
- Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy.
- Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy.
- Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy.
- Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy.
- Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia".
Tôi rất thích ý kiến của bạn Đoàn Hòa "Giáo dục không học Lễ (đạo đức) trước thì học gì? Ông bà ta thường nói, tài mà không có đức cũng vứt! Câu THLHHV dù khoa học tiến bộ đến... 8.0 vẫn luôn có giá trị".
THLHHV không phải là nguyên nhân gây ra những lỗi lầm như GS Thêm phân tích, nên chẳng có lý do gì để bỏ. Cái cần bỏ là tư duy phòng lạnh, suy đoán chủ quan, nhân danh khoa học.
Bài viết thể hiện quan điểm, ý kiến của doanh nhân Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, Giảng viên Khoa du lịch một số trường đại học.
Nguồn: bbc.com/vietnamese
2. Truyền thống “tiên học lễ” và tư duy phản biện
26-11-2021
Là người ưa chuộng hoạt động thảo luận trong xã hội, tôi theo dõi tham luận của Giáo sư Trần Ngọc Thêm tại hội thảo “Văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT” với tinh thần lắng nghe, học hỏi. Bài viết này xin thảo luận với ông và với những người quan tâm về quan điểm của ông rằng khi học Lễ con người sẽ trở nên thụ động, mất tư duy phản biện.
Cũng như ông Trần Ngọc Thêm, tôi rất xem trọng tư duy phản biện vốn là một thuộc tính thường thấy của con người tự do, chủ động, sáng tạo. Bài viết này không đề cập tới việc giữ hay bỏ quan điểm “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn”, mà chỉ bàn về mối quan hệ của quan điểm này với tư duy phản biện.
Học tiểu học, trung học tại Miền Nam (tức tương đương ba cấp phổ thông hiện nay), tôi quen thuộc với quan niệm Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn mà khẩu hiệu được khắc hay treo trang trọng tại trường học dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà.
Hè năm lớp Mười, nhờ quen biết gia đình, được học thêm chữ Hán với giáo sư Nghiêm Toản. Thầy Nghiêm Toản là bậc túc nho, về sau theo tân học. Trước năm 1945 Thầy giao thiệp gần gũi với các ông Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Hiến Lê trong nhóm Thanh Nghị. Xin mở ngoặc rằng thầy dạy thêm vì muốn truyền dạy chữ, không phải vì thu học phí!
Thầy giảng cho nghe rằng:
“Lễ là những phép tắc giao tiếp với người khác tỏ lòng kính trọng”
“Lòng kính trọng luôn luôn có hai chiều, có lễ của thần tử đối với quân vương, mà cũng có lễ của quân vương đối với thần tử”.
“Chúng ta ngày nay đã theo tân học, chữ Lễ cũng nên hiểu theo thời đại mới. Xã hội đã dân chủ, xã hội không thể không có lễ, nhưng là lễ giữa những người bình đẳng, tự do”
Bây giờ, trong giao tiếp với những người trong xã hội, nhất là với người đáng quý, đáng trọng, khi cùng nhau thảo luận, điều gì mà có ý kiến khác thì tôi không dám không nói ra. Ấy là bởi lời của Thầy năm xưa còn văng vẳng: “Lấy Lễ đãi nhau, không gì bằng lời nói thật. Câu quân tử chi giao đạm nhược thuỷ quý ở lòng chân thành”. Như vậy, với tôi, chữ Lễ không những không ngược với tư duy phản biện mà còn thúc giục người ta nói lời phải, nói lời phản biện thật lòng!
Anh Trần Ngọc Thêm thân mến, xin được gọi anh như vậy cho cuộc thảo luận này không có sự xa cách. Có đúng tinh thần của chữ Lễ trong thời cận đại và hiện đại là sự ràng buộc một chiều, chiều từ người dưới tôn trọng người trên không? Tôi không biết nên xin hỏi để lắng nghe anh.
Phần tôi, từ lúc bắt đầu đi học tới nay, tôi luôn nghe, hiểu Lễ có hai chiều. Ông Hoàng Xuân Hãn cho tới những năm tám mươi tuổi, khi tiếp ai vẫn mặc âu phục, khoác áo veste, cho rằng mình phải giữ lễ với người ta. Người ta đó có khi là con cháu ở quê nhà sang Pháp ghé thăm ông. Ông Hoàng Xuân Hãn lớn hơn tôi gần năm chục tuổi, tôi thường lui tới nhà ông học hỏi, rất thân thuộc, vậy mà khi có hẹn làm việc, luôn luôn ông ra bàn làm việc ngồi năm mười phút trước giờ hẹn, với đầy đủ tài liệu cần thiết đã được soạn sẵn. Ấy cũng là ông cụ muốn giữ Lễ.
Kẻ hậu sinh này chưa bao giờ không dám nói ra điều mình suy nghĩ khác với ý của ông, trái lại còn e không nói ra là mình thất Lễ. Chữ Lễ theo cách hiểu tích cực như vậy luôn đẩy mạnh trong tôi tinh thần phản biện. Đọc, hiểu thấu đáo và phản biện chân thành, với tôi, cũng liên quan tới Lễ của tôi đối với ông. Tôi nghĩ đây không là ý kiến chủ quan của riêng mình, đó là cách không ít người hiểu và diễn giảng từ Lễ, một từ mà ý nghĩa của nó tiến hoá và thích nghi với thời đại mới.
Đặt vấn đề xa hơn một chút, tôi thực lòng nghĩ tư duy phản biện không bị trói buộc bởi quan niệm “Tiên Học Lễ”. Nó bị trói buộc bởi cả một cách tổ chức xã hội trong đó ngôn luận không được tự do và cả tư tưởng không được tự do. Khi không có tự do báo chí thì rõ ràng không có tự do ngôn luận. Khi luật pháp có thể bỏ tù người dân vì ý nghĩ trong đầu của họ thì rõ ràng không có tự do tư tưởng rồi.
Điều này được thể hiện ở mức hạ tầng hơn, trong trường học, qua cách giáo viên có thể theo dõi hay can thiệp vào các trao đổi trên mạng của học sinh, nhà trường cũng có thể làm vậy đối với giáo viên. Điều này cũng được thể hiện ở mức thượng tầng hơn, như quá nhiều thông tin được đánh dấu mật dù không liên quan tới an ninh quốc gia, như nhiều thông tin về những sự việc ai cũng biết đã xảy ra mà không một tờ báo chính thống nào đăng tải! Thông tin một chiều, hạn chế thông tin và môi trường thiếu tự do tư tưởng tất nhiên trói buộc tư duy phản biện.
Anh Trần Ngọc Thêm thân mến, anh có nghĩ rằng xã hội đơn nguyên và chuyên chính là nguyên nhân của các nguyên nhân kể trên, do đó là tác nhân quan trọng trói buộc tư duy phản biện không? Và do đó, có phải đó là tác nhân đào tạo nên những con người thụ động, không chủ động, không sáng tạo như sự lo lắng của anh không?
Anh nghĩ sao về nhận xét rằng trong xã hội mà cá nhân quá nhỏ nhoi trước cơ quan, mà cấp trên có quá nhiều quyền lực với cấp dưới, mà sự bình đẳng thiếu vắng thì chữ Lễ được hiểu theo nghĩa của ngàn năm phong kiến xưa? Trái lại, trong xã hội mà sự bình đẳng hiện diện rộng rãi, mà tự do của con người được tôn trọng và bảo vệ thì chữ Lễ được hiểu một cách phóng khoáng, do đó không còn ràng buộc cấp dưới sợ hãi, phục tùng cấp trên, không còn trói buộc tính chủ động, tính phản biện của cá nhân? Chữ Lễ đó có tác dụng nào tích cực không anh?
Nguồn: FB LVan Le
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.