Nhớ về ông Võ Văn Kiệt (1922 - 2008)
Tạ Đình Thính*
Cũng như các siêu VIP, ông Võ Văn Kiệt cũng có ý tưởng viết hồi ký. Ông đã trao đổi với những cán bộ gần gũi ông, có người chia sẻ, có người băn khoăn. Theo ông Chu Hảo, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức, nhà văn HLG đã giúp ông Võ Văn Kiệt viết một cuốn sách dày đến 600 trang và đã gửi cho nhà xuất bản Trí thức của ông. Nhưng chưa được cấp phép. (Khi tôi đem các bản thảo sách của tôi đến ông mà ông chia sẻ thông tin này).
Để được cấp phép, thì các vấn đề sách nêu, theo luật xuất bản đều cần phải xác minh độ tin cậy (dĩ nhiên ông Võ Văn Kiệt nêu ra thì tin cậy rồi). Mà cũng khó vì mỗi vấn đề sách đề cập đến để xác minh được thì tốn nhiều thời gian và tiền của.
Ông Nguyễn Trung, người gần gũi ông Kiệt với chức danh là Trợ lý cũng tích lũy được một khối lượng tư liệu đáng kể về ông Võ Văn Kiệt đã tin tưởng gửi gắm tôi với việc tin rằng tôi có thể viết được cái gì đó về ông một cách trung thực. Đúng, tôi cũng tiếp cận nhiều VIP, trong đó có ông VVK trong một thời gian dài, nhưng không vồ vập ai cả, chỉ “kính nhi viễn chi”. Tôi nghĩ tập tư liệu đó độ vài chục, vài trăm trang, tôi đem xe đạp đến. Không phải thế, mà là một hòm to. Ông bạn Phạm Gia Toàn bảo phải dùng ô tô mới chở được. Không biết tôi có đủ sức để thực hiện được sự ủy thác của các ông?
Sau khi thôi đảm nhận vai trò là Thủ tướng, ông trăn trở nhiều điều có tính chất quan điểm đường lối như về thể chế, “diễn biến hòa bình”, “chệch hướng”, phương thức tổ chức đại hội, hình thành Ban chấp hành trung ương, nhóm lãnh đạo hạt nhân… Các vấn đề đó được đóng góp với những nhà quản trị quốc gia đương quyền dưới hình thức là các thư và thường ký chỉ có chữ KT và kèm theo một dấu nặng (.) chứ không ký tên đầy đủ như khi đương chức.
Điều ấn tượng của ông đối với tôi lại là suy tư của ông về cuộc vận động lớn thứ nhất - cách mạng giải phóng dân tộc mà tôi cố ý không đề cập đến trong bộ sách nhiều tập của tôi. Khi là TTg, có lần ông thăm nước láng giềng phương nam, trong câu chuyện với chính giới, ông thể hiện lòng tự hào là đã đánh thắng 3 đế quốc to theo định hướng truyền thông chính thức. Trong đáp từ, chính khách nước láng giềng ấy lại không thể hiện sự nể vì, mà họ lại tự hào về điều ngược lại là trong hoàn cảnh tương tự đã dẫn dắt nhân dân nước họ tránh được tất cả các cuộc đụng độ, con em các dân tộc họ không mất một giọt máu vô ích mà cũng không mất một mét đất, giọt nước biển nào mà vẫn có nền độc lập tự chủ. Với câu chuyện này, ông suy nghĩ lung lắm và có lẽ không ít VIP tỉnh ra. Tôi mỗi lần nghĩ đến chỉ biết chau đôi mày. Nhân ngày 27 tháng 7 đến thăm một gia đình, ông thấy trên ban thờ có di ảnh của cả hai sắc lính, ông lặng đi không nói được gì với bà má đang ngước nhìn hai người con lại như thầm trách ông. Vào dịp 30 tháng 4, có lần ông nhận ra và tự vấn, có một triệu gia đình vui thì cũng có hàng triệu gia đình kém vui. Ông trả lời phỏng vấn, viết báo, có bài đã gửi cho tòa soạn nhưng không được đăng.
Tôi chủ động chỉ nói vắn tắt, thoáng qua về cuộc vận động thứ nhất, bây giờ ta quan sát tư tưởng đổi mới chính trị để mở đường cho phát triển của ông.
Vào đầu những năm 90 thế kỷ trước, tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, GS. Nguyễn Niên, Vụ trưởng vụ Pháp chế đã tư vấn cho ông VVK cần đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Tiếp nhận ý tưởng đó, ông đã ký công văn số 463 - TH ngày 12 tháng 2 năm 1992 gửi Bộ Chính trị, Hội đồng nhà nước, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, trong đó nêu “Hội đồng Bộ trưởng thấy có nhiều vấn đề phải xuất phát từ Hiến pháp, nên đã thảo luận kỹ các chương về tổ chức bộ máy Nhà nước ở cả Trung ương và các địa phương”. Và ông “Xin ý kiến về quan điểm, nguyên tắc cơ bản về đổi mới bộ máy Nhà nước” theo hướng tiếp cận mô hình nhà nước pháp quyền đại nghị. Trong công văn này, ông nhấn mạnh “đã được tập thể Hội đồng Bộ trưởng nhất trí”. (Có thể tra cứu nội dung đầy đủ trong các Trung tâm Văn khố quốc gia nội dung theo công văn ghi ở trên).
Trong thời gian đang tham chính ông nêu những quan điểm có khi khác với quan điểm chính thống, nhưng vì nguyên tắc phát ngôn mà người đời ít biết đến (các cuốn sách, mỗi khi có cơ hội thích hợp đã lựa chọn để đăng tải ý kiến của ông). Tuy là chuyện diễn ra ở giai đoạn đang tham chính, nhưng xin được “khiên cưỡng” mà xếp vào mục này (chương "Nợ đời, đời nợ" sách Nợ tang bồng - nợ tang bồng trang trắng dễ mấy ai?). Đó là bức thư đề ngày 9 tháng 8 năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi cho các siêu VIP đương quyền cả của đảng lẫn nhà nước lúc đó.
Bốn nội dung chính của bức thư này của TTg Võ Văn Kiệt là:
1) Phải nhìn nhận lại thế giới để biết người biết mình;
2) Từ đó nhìn nhận và xác định lại con đường phát triển của Việt Nam, bình phán lại cái gọi là “nguy cơ chệch hướng” - sẽ viết riêng về ý này;
3) Nền tảng cho sự nghiệp phát triển đất nước là phải xây dựng nhà nước pháp quyền (tạm chưa nói đến nội dung “xã hội dân sự”);
4) Để thực hiện được sự thay đổi trên, mọi việc phải bắt đầu từ xây dựng lại ĐCSVN.
Liên quan đến lá thư này mà Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiên Giang và Hà Sĩ Phu vướng vào vòng lao lý. Và Nguyễn Trung, trợ lý thân cận của ông Võ Văn Kiệt sau khi giúp ông chấp bút văn bản này đã làm đơn xin từ nhiệm ngay.
Có thể đây là tư duy đã được ông trăn trở nhiều năm, và hơn thế đây là một hành động dũng cảm hiếm có, có thể đổi cả sinh mạng chính trị, ông đã đặt cả sự nghiệp của ông trên bàn nghị sự. Mà ông còn để lại dấu vết sáng ở đời cũng vì những tư duy này. Toàn văn bức thư, bây giờ các bạn dễ tìm kiếm trên mạng xã hội, hỏi cụ "Gu Gờ" cụ sẽ trả lời ngay.
Theo nội dung bức thư, sau đợt thảo luận tháng 6 trong Bộ Chính trị xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội VIII, đồng chí Tổng bí thư đã kết luận còn một số vấn đề và quan điểm lớn cần tổ chức nghiên cứu và thảo luận sâu hơn nữa. Ông Võ Văn Kiệt tán thành kết luận này và trình bày 4 vấn đề ông cho là cốt lõi:
1. Đánh giá tình hình cục diện thế giới ngày nay
2. Vấn đề chệch hướng hay không chệch hướng?
3. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
4. Xây dựng Đảng
Tấm ảnh này cốt để chứng là tôi có tiếp cận những câu chuyện.
(Còn tiếp)
T.Đ.T.
Nguồn: FB Đại Định
(*) Cháu cụ Tạ Đình Đề; nguyên Vụ trưởng Tổng hợp VP Chính phủ, VP TW ĐCS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.