Trung Quốc đang 'chà đạp lên nền dân chủ của Hong Kong'
- Andreas Illmer
- BBC News
Việc Trung Quốc đại tu hệ thống bầu cử ở Hong Kong được giới lo ngại ảnh hưởng lấn chiếm của Bắc Kinh vào thành phố này coi là một bước ngoặt.
Những thay đổi gần đây được đưa ra để đảm bảo rằng chỉ "người yêu nước", trung thành với Trung Quốc đại lục, mới được đảm nhận những vị trí quyền lực. Với những ai hy vọng Hong Kong có thể có nền dân chủ vững mạnh hơn, việc đại tu hệ thống bầu cử là ngón đòn tối hậu.
Mỹ, Úc và các nước châu Âu lên án hành động của Trung Quốc, nhưng đánh giá được phản ứng ngay chính ở Hong Kong là điều khó hơn. Nhiều người đơn giản là không muốn phát biểu gì nữa.
Thực thế, trong vài năm qua, ngày càng khó để khiến người dân bình thường nói lên suy nghĩ của họ về mối quan hệ giữa Hong Kong với Trung Quốc đại lục.
'Các chế độ độc tài hoạt động như thế'
Chia sẻ nhận xét trên với một người bạn ở Hong Kong, câu trả lời là một "Lol" đầy giễu cợt, theo sau là một bình luận tỉnh táo: "Thì các chế độ độc tài hoạt động như thế."
Lee Jonghyuk, một phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, nói với BBC rằng các chủ đề nhạy cảm trong lúc chuyện trò sẽ "tự bị diệt vong" trước tình cảnh này.
"Mọi người sẽ tự kiểm duyệt, và họ làm thế là có chủ đích,'' ông nói.
"Có lẽ rồi Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phá hủy lòng tin giữa người với người bằng cách khuyến khích dân tố cáo những ai chỉ trích chính phủ."
Vậy thế nào là yêu nước ở Hong Kong, và mọi người mong đợi điều gì trong tương lai?
'Đẩy Hong Kong lùi lại 20 năm trước'
Các chính trị gia đối lập - giới bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi sự thay đổi - vẫn đang lên tiếng, ít nhất là vào lúc này.
Lo Kin-hei, Chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập, cảnh báo rằng những thay đổi này sẽ khiến Hong Kong bị đẩy lùi lại 20 năm.
Ông nói với BBC rằng bất kỳ tiến bộ nào Hong Kong gặt hái được trong hai thập niên qua đã bị Bắc Kinh xóa bỏ.
"Chúng tôi biết không gian [chính trị] để chúng tôi tham gia ít đi nhiều so với trước và chúng tôi biết rất khó để vượt qua hệ thống kiểm duyệt", ông nói, đề cập đến hệ thống sẽ quyết định ai có thể ra ứng cử trong tương lai.
Thủ quỹ của đảng, ông Ramon Yuen Hoi-man, nói giới lãnh đạo Trung Quốc đang "chà đạp lên nền dân chủ" và phá tan kỳ vọng về quyền phổ thông đầu phiếu được nêu trong Luật Cơ bản, hiến pháp của Hong Kong.
Lo Kin-hei và các lực lượng ủng hộ dân chủ khác hiện đang phải đối mặt với một đối thoại khó khăn về việc liệu họ có sẽ tiếp tục tham gia bầu cử "hay liệu chúng ta sẽ đi theo một con đường khác".
Giáo sư Lee, từ Đại học Công nghệ Nanyang, nói có thể là không còn con đường nào để tạo ảnh hưởng chính trị hay với công chúng.
"Tôi nghĩ rằng đã quá muộn," ông nói. "Ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ quần chúng. Bắc Kinh sẽ không bao giờ hủy bỏ quyết định của họ ngay cả trước áp lực quốc tế."
Nói chuyện với dân thường giờ đây khó hơn, nhưng không phải là không thể.
Ken Liu, người làm việc trong lĩnh vực CNTT của thành phố, nói: "Chúng tôi thấy rất nhiều người đang bàn về việc rời khỏi Hong Kong ngay bây giờ.''
Ken Liu nói rằng ông dự định ở lại Hong Kong - "Và miễn là tôi có thể tìm thấy bất kỳ cách hợp pháp nào để truyền bá quan điểm của mình, tôi sẽ làm điều đó" - nhưng nói ông sợ nhiều người sẽ vĩnh viễn rời khỏi Hong Kong.
Vương quốc Anh đã mở ra một lối thoát cho dân Hong Kong bằng cách cho phép người sinh trước thời điểm bàn giao được tham gia chương trình thị thực đặc biệt có thể khiến họ có quốc tịch Anh.
Tuy nhiên, đó là một lựa chọn phải trả một giá rất đắt cho nhiều người, giáo sư Lee cảnh báo.
Đa số thường dân Kong Kong sẽ không dễ tự bứng gốc, bỏ đi. Và trong khi nhiều người có thể không hài lòng với những thay đổi do Bắc Kinh áp đặt, "quyền chính trị không phải là điều then chốt cho cuộc sống".
"Có một lập luận về 'mặc cả chính trị vì lợi ích kinh tế,'' ông giải thích và vạch ra rằng tại Trung Quốc đại lục, nhiều người dân đã chấp nhận để cho quyền chính trị của họ bị hạn chế, miễn là giới lãnh đạo mang lại sự thịnh vượng về kinh tế.
'Hong Kong sẽ thịnh vượng'
Tìm nghe tiếng nói ủng hộ những thay đổi của Trung Quốc dễ dàng hơn tìm được tiếng nói của người bất đồng chính kiến rất nhiều.
Penny Sun là một người tạo ảnh hưởng trực tuyến có hàng nghìn người theo dõi trên mạng xã hội.
Penny Sun nói với BBC rằng bà hoàn toàn ủng hộ những thay đổi và các nhân vật chính trị của Hong Kong nên là "những người yêu nước" và cũng nên có thái độ giống mình.
Bà nói giờ đây bà được hưởng nhiều tự do hơn so với những tháng dài của biểu tình năm 2019 mà bà mô tả là "bạo loạn".
"Trong thời bạo loạn, tôi sợ mình có thể bị tấn công vì nói ra suy nghĩ, tôi sợ điều gì đó có thể xảy ra với cho mình", bà nói.
Bà nói trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình, người ủng hộ Trung Quốc đã tránh nói về chính trị để không gặp rắc rối. "Đó không phải là một Hong Kong mà chúng ta biết,'' bà bình luận.
Penny Sun nói các chính trị gia "yêu nước" vẫn sẽ được tự do thảo luận về các chủ đề quan trọng và gần gũi hơn với đời sống của người dân, chẳng hạn như vấn đề nhà ở cấp bách của thành phố. "Hong Kong sẽ thịnh vượng và cuộc sống của chúng tôi sẽ ổn định hơn."
Những người khác lo sợ điều này sẽ chỉ đúng với những người có quan điểm phù hợp với Trung Quốc, chứ không phải với những người bất đồng quan điểm.
Bắc Kinh lo có phản ứng dây chuyền
Nhiều người Hong Kong, cũng như các nhà quan sát từ nước ngoài, bị sốc trước tốc độ mà những thay đổi mạnh mẽ gần đây diễn ra. Từ sự ra đời của "luật an ninh quốc gia" gây tranh cãi năm ngoái - vốn đã hình sự hóa sự ly khai, lật đổ và "cấu kết với các thế lực nước ngoài", với án tù chung thân - đến những thay đổi về bầu cử gần đây.
Thế nhưng, Giáo sư Lee nói ông còn dự đoán những thay đổi đó đến nhanh hơn nữa. "Ban lãnh đạo Trung Quốc" khá lo sợ về một phản ứng dây chuyền trong nước nếu họ nhượng bộ Hong Kong," ông nói.
"Đáng ngạc nhiên là Bắc Kinh tin tưởng vào khả năng đối phó với người biểu tình của chính quyền Hong Kong," ông nói thêm.
"Tuy nhiên, khi cuộc biểu tình lớn lần thứ hai xảy ra năm 2019, giới lãnh đạo Cộng sản đã quyết định can dự trực tiếp vào các vấn đề Hong Kong để loại bỏ nguồn gốc của các hành động tập thể, chẳng hạn như những dân biểu dân chủ, mạng lưới dân sự và hệ thống giáo dục."
Hai năm sau, việc lên tiếng chống lại Bắc Kinh đã bị coi là bất hợp pháp và chính trị gia đối lập có thể dễ dàng bị loại khỏi quốc hội.
"Sẽ không có sự đảo ngược", Giáo sư Lee nói. "Điều này khá chắc chắn. Quyền phổ thông đầu phiếu chỉ là một trở ngại với sự ổn định của chế độ Đảng Cộng sản."
Jeff Li và Cho Wai Lam đóng góp cho bài viết này..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.