Chuyên gia Mỹ nhận định TQ dùng chiêu trò cũ ở bãi Ba Đầu, Đại sứ Trương Triều Dương chỉ rõ bài học của Philippines ở Scarborough
Lan Hương
Các tàu Trung Quốc neo đậu ở bãi Ba Đầu hồi đầu tháng 3. Ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies.
Đại sứ Trương Triều Dương nhận định, sự việc ở bãi Ba Đầu như một bài kiểm tra phản ứng của các nước.
Từ đầu tháng 3, khoảng 200 tàu của Trung Quốc đã neo đậu tại khu vực bãi Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đáp lại chỉ trích của các nước về hành vi này, phía Trung Quốc khẳng định đây là hoạt động trú ẩn tránh bão thông thường của các tàu cá.
Tuy nhiên, Carl Schuster, cựu giám đốc chiến dịch chỉ huy Trung tâm Tình báo Hỗn hợp của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cho rằng, đó chỉ là những lời nói dối bởi không ai lại "trú ẩn" tàu ngay trong vùng đón bão hàng tuần liền. "Nếu đây thực sự là các tàu thương mại, thì việc neo đậu hàng loạt ở đây sẽ tiêu tốn đến hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn USD/ngày", ông nói thêm.
Với động thái này, các chuyên gia cho rằng, dường như Bắc Kinh đang thăm dò xem liệu Tổng thống Joe Biden liệu có thực hiện bất kỳ hành động nào sau khi cam kết làm việc với các đồng minh trong khu vực để ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc.
Schuster, thành viên chương trình chính sách ngoại giao và khoa học quân sự thuộc Đại học Hawaii Pacific cho rằng đây là một bài kiểm tra phản ứng từ chính quyền Mỹ.
Tuy nhiên vấn đề với Washington là làm thế nào để phản ứng thích hợp với sự việc. Việc Trung Quốc sử dụng chiến thuật "núp bóng" các tàu đánh cá thương mại giống như một chiến thuật "vùng xám" cho phép Bắc Kinh bác bỏ tất cả các cáo buộc leo thang căng thẳng từ các bên.
Nếu điều tàu sân bay hoặc tàu chiến khác đến gần khu vực có nguy cơ biến Mỹ trở thành kẻ "hiếu chiến". Nhưng mặt khác, nếu không có động thái phản ứng lại có thể khiến Mỹ trở nên "yếu ớt".
Thực tế, chiêu bài này đã từng được Trung Quốc áp dụng với vụ việc ở bãi cạn Scaborough.
Shahriman Lockman, nhà phân tích cấp cao Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Malaysia cho rằng, lần này, Mỹ sẽ không ngây thơ sau thất bại trong nỗ lực thúc đẩy một thỏa thuận rút quân chung ở Scaborough, khiến uy tín của Mỹ ở châu Á bị tổn hại.
Năm 2012, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin đã đổ lỗi cho chính quyền Obama vì đã không ngăn chặn Trung Quốc trong một vụ việc tương tự tại bãi cạn Scarborough, bàn đạp cho việc Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép các cơ sở quân sự trên khắp Biển Đông.
Vì vậy, ông cho rằng, lần này sẽ chỉ có một phản hồi chiếu lệ từ phía Mỹ.
Theo Đại sứ Trương Triều Dương, cựu Đại sứ Việt Nam tại Philippines, để hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã và đang sử dụng chiến lược "cải bắp". Đó là triển khai các tàu theo từng lớp: đầu tiên là tàu cá (mà thực ra là lực lượng tàu dân quân biển của Trung Quốc) làm lực lượng tiên phong; tiếp ứng sau đó là hải cảnh; và thứ 3 là hải quân, tạo thành vành đai tầng tầng lớp lớp như các lớp lá của cây cải bắp.
Ở bãi cạn Scaborough trước đây, Trung Quốc cũng làm như vậy. Đầu tiên, tàu cá Trung Quốc (rất có thể là tàu dân quân biển) đánh bắt trái phép trong vùng biển gần bãi cạn Scaborough, thực ra đó là hành động khiêu khích. Quan trọng nhất, Trung Quốc luôn tìm cách tìm kiếm sơ hở của các nước khác trong khu vực để lấy cớ lấn tới.
Cũng theo ông Trương Triều Dương, ở trong sự kiện bãi cạn Scaborough, ít nhất Philippines đã có những tính toán không thật sự chuẩn xác, đặc biệt là đối với những âm mưu và cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, dẫn tới sơ hở ở 2 điểm. Thứ nhất, Philippines đi vào đúng cái bẫy của Trung Quốc: Manila cử tàu khu trục nhỏ BRP Gregorio del Pilar tiếp cận và bắt các ngư dân Trung Quốc. Và Trung Quốc đã lợi dụng ngay điểm này. Họ tuyên bố Philippines đã sử dụng một tàu quân sự cho các hoạt động thực thi pháp luật.
Lấy cớ Philippines quân sự hóa tranh chấp, Trung Quốc đã lợi dụng biến sự việc trở thành xung đột và từ đốm lửa nhỏ, Trung Quốc khiến căng thẳng leo thang rồi triển khai tàu vũ trang phong tỏa bãi cạn Scarborough. Rốt cuộc, với sự hiện diện thường trực của tầu Trung Quốc ở đây, họ đã biến Scarborough thành của họ.
Thứ hai, có lẽ Philippines đã quá tin vào đồng minh Mỹ khi hai bên có hiệp ước phòng thủ chung năm 1951, nhưng thực tế, khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scaborough thì Mỹ cũng chỉ tuyên bố phản đối mà không có hành động mạnh mẽ nào khác. Lúc xảy ra sự việc, Mỹ đứng ra làm trung gian giữa Trung Quốc và Philippines và hai bên cam kết sẽ cùng rút tất cả sự hiện diện ở hiện trường.
Tuy nhiên, Mỹ cũng đã tính toán sai khi cho rằng, một khi đã cam kết, Trung Quốc sẽ thực hiện. Trên thực tế, Trung Quốc không thực hiện cam kết, bởi Bắc Kinh nhận định rằng nếu họ không rút quân thì Mỹ cũng sẽ không có động thái gì tiếp đó. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.
Đại sứ Trương Triều Dương nhận định, sự việc ở bãi Ba Đầu do Trung Quốc gây ra có thể là một bài kiểm tra của nước này cho phản ứng của các nước trong và ngoài khu vực. Và thời gian tới, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục làm như vậy. Họ có thể dùng tàu khảo sát xâm phạm vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác trong khu vực. Đến nay, các tàu Trung Quốc ở bãi Ba Đầu đã có tín hiệu tản ra nhưng vẫn chưa thể nói chắc điều gì. Thậm chí, việc tản ra của tầu Trung Quốc trong khu vực thậm chí có thể còn tiềm ẩn thêm nhiều hiểm họa khó lường trước.
Thực tế, xung đột nóng thì không phải Trung Quốc không có khả năng nhưng họ vẫn cần giữ "thể diện", chí ít là vào thời điểm này. Họ vẫn là nước lớn, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và đang cố gắng thể hiện cái mà họ gọi là "trỗi dậy hòa bình". Tuy nhiên, với những gì họ đang làm ở Biển Đông thì sự "trỗi dậy hòa bình" đó thực ra chỉ là lời nói suông.
Cũng theo Đại sứ Trương Triều Dương, cho tới nay, về vấn đề Biển Đông, ta đã có những bước đi và phản ứng khôn ngoan, đúng mực. Ta vẫn luôn kiềm chế và đang sử dụng những biện pháp phù hợp để bảo vệ chủ quyền nhưng không để căng thẳng leo thang tạo thành cớ cho Trung Quốc lợi dụng và có thêm những hành động gây bất lợi cho ta, không để tranh chấp bị thổi bùng lên để họ lấy cớ biến thành đối đầu nóng. Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và luôn luôn phải đấu tranh, nhưng cần phải giữ một trái tim nóng và cái đầu lạnh.
L.H.
Nguồn: Soha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.