Màu của linh hồn
26-4-2021
Vô tình xem được một buổi trò chuyện của thầy Thích Pháp Hòa, vào cuối năm 2020, có một người đưa lên câu hỏi rằng chuyện nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nói chuyện được với hồn ma, và đã từng giúp tìm được hàng ngàn hài cốt, vậy chuyện ấy là như thế nào. Sau đó, mọi người được một tràng cười.
Mọi thứ ngỡ là quá khứ xa lắm, phút chốc dội về với bao nhiêu thứ.
Chuyện một phụ nữ tuyên bố mình có khả năng nhìn thấy một cõi khác, có thể can thiệp và cứu giúp sự tồn tại trong hai thế giới cùng lúc, có thể là chuyện thú vị trà nước, nhưng cũng được nhìn thấy như một sự thao túng tiến trình sống thực tế của con người bằng những điều huyễn hoặc. Nó giống như việc các nhà triết học viễn mơ đưa ra lý thuyết đi về một xã hội cộng sản ở một cảnh giới nào đó, xa lắm nhưng lại thao túng con người ở xã hội đương thời với từng ngày, từng giờ, buộc phải đi đến.
Bà Hằng từng là nhân vật showbiz hạng nhất của xã hội Việt Nam từ giai đoạn 2009 đến 2013, đỉnh cao là những chương trình truyền hình theo chân bà, gọi là tìm hài cốt liệt sĩ. Hàng triệu người đã khóc cười, ngã nghiêng theo các điều được ca ngợi là kỳ diệu của bà, cho đến khi show truyền hình của đài VTV, có tên “Trở về từ ký ức” bất ngờ nói ngược lại mọi thứ, nói tất cả là một trò lường gạt của bà Hằng. Thậm chí các mẫu xương cốt tìm được, có sự xác nhận của Viện Pháp y Quân đội là toàn xương chó, mèo, heo.
Có vẻ như show truyền hình ấy đã theo chỉ đạo, kết thúc giai đoạn tôn vinh và sử dụng bà Hằng vì lý do nào đó, đặc biệt vào thời điểm có tin các nhóm sinh hoạt thờ ông Hồ Chí Minh có ước muốn bà trò chuyện với ông ở cõi âm. Và dù là bị tố là lừa gạt, và xúc phạm đến hài cốt bậc lão thành cách mạng như Phùng Chí Kiên, lại không thấy bà bị khởi tố, thậm chí bà cũng chẳng đưa ra lời giải thích nào. Thật lạ.
Một lần trả lời phỏng vấn vào năm 2010, bà Hằng khi được hỏi là ngoài việc thấy các linh hồn liệt sĩ, bà còn thấy gì khác không, bà nói là thấy mọi thứ, kể cả thấy nhiều linh hồn lính Ngụy chết, sợ sệt và mặc cảm vì mình là kẻ có tội. Vào năm tháng đọc được phần trả lời ấy, tôi nhớ rõ mình bật cười khan, vứt tờ báo sang một bên, từ chối nghe mọi sự thao túng của bà ta từ các câu chuyện huyền diệu được xưng tụng. Ối Hằng ơi là Hằng!
Trong bài “Chuyện chưa kể về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng”, xuất hiện ở nhiều báo nhà nước, có đoạn nghe mà buồn nôn. Bà Hằng kể là khi đi tìm mộ liệt sĩ ở công viên Lê Thị Riêng, Sài Gòn, bà thấy một linh hồn lính Ngụy muốn nhờ bà nhắn giùm với gia đình, nhưng không dám vì luôn e sợ các liệt sĩ bộ đội chôn ở gần đó.
Trong một đoạn khác mô tả đi tìm mộ ở Bình Định, bà Hằng dành hẳn một đoạn kể là bọn Mỹ Ngụy ngày xưa ác lắm, mổ bụng moi gan một người trong làng và đóng đinh treo lên cây. Và còn mô tả là bà nhân đức nên thắp hương cho lính Ngụy nhưng “người trong làng xô ra không cho thắp”.
Lời mô tả rập khuôn sách giáo khoa dạy căm thù. Thậm chí mô tả là dân làng nhắc đến Mỹ Ngụy là giận đến mức muốn lấy đá, búa… dần xương cốt của chúng được tìm thấy, may mà bà can ngăn.
Cuối cùng, linh hồn một anh lính Ngụy dắt bà đến chỉ chỗ một hài cốt bộ đội, và trong bài ghi chép ấy kể như sau: Hằng bảo với dân làng: “Vậy là anh ta đã lấy công chuộc tội rồi, mọi người không nên căm thù nữa nhé!”.
Trong cảnh giới tâm linh của bà Hằng, rõ ràng linh hồn có màu: Màu cách mạng, màu Mỹ Ngụy và màu nhân ái cao cả của tinh thần chủ nghĩa cộng sản.
Có thể bà Hằng rất giỏi chuyện tâm linh, có thể bà nhìn thấy được cõi âm, nhưng khả năng ấy cúc cung phục vụ cho định kiến, cho chính trị, nên mọi thứ của bà đọng lại, cũng chỉ là một loại tà quyền, hay tệ hơn, là tay sai của tà quyền. Có thể nhờ những công lao tạo dựng rõ cảnh trí “địch-ta” đó ở khung cảnh đại vĩ tuyến, mà bà Hằng bình an vô sự, thậm chí hôm nay vẫn nhận lời đi tìm hài cốt và diễn thuyết tự tin ở chùa Hoằng Pháp.
Một ngày cuối tháng 4, gợi nhớ giờ phút kết thúc một cuộc chiến nhưng không phải là thôi những cái chết oan khiên trên đất nước Việt Nam. Rồi nhớ đến chuyện của nhà ngoại cảm quốc doanh Phan Thị Bích Hằng, nên tự hỏi, có bao giờ bà lắng nghe những linh hồn thanh niên miền Bắc chết vô danh trên những chiếc võng ở dãy núi Trường Sơn, chết ngậm ngùi ở đồi Charlie, hay bà có nghe thấy lời của cô gái Đặng Thùy Trâm, chết mang theo một giấc mơ hòa bình thiếu nữ, vùi thân trong một cuộc chiến tranh khốc liệt mà không thể hiểu được, phía sau tiếng súng cuối cùng ấy, là gì?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.