VN: Ân xá Quốc tế lên tiếng về gia tăng bắt bớ trước bầu cử Quốc hội
Ảnh: AFP/GETTY IMAGES
Đầu tháng Tư, tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) lên tiếng về sự tiếp tục và gia tăng bắt bớ giới bất đồng chính kiến tại VN, trước bầu cử Quốc hội, sẽ diễn ra vào ngày 23/5/2021.
''Trong khi Việt Nam dự tính tham gia vào cuộc bầu cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chính quyền này lại đang có những vi phạm nhân quyền trắng trợn và lan rộng tại nước nhà.'' Phó Giám đốc khu vực của AI, bà Emerlynne Gil, được trích lời nói trong một văn bản.
"Nhà cầm quyền Việt Nam phải chấm dứt cuộc đàn áp này và cho phép người Việt Nam thực thi các quyền con người mà không sợ bị trả thù. Cuộc bầu cử ban lãnh đạo mới đây của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đáng lẽ phải cho thấy sự cải tiến về tôn trọng nhân quyền ở Việt Nam, nhưng các dấu hiệu cho tới nay chỉ ra rằng họ lại tiếp tục các vi phạm và lạm dụng cũ," bà Emerlynne Gil nhận định.
Các tổ chức nhân quyền khác nhận định rằng các nhà báo và các tổ chức tự do truyền thông đang lo ngại chính phủ sẽ gia tăng đàn áp họ bằng nhiều hình thức, nhất là sau khi dàn lãnh đạo cấp cao mới nhậm chức.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt hôm 14/1, trước thềm Đại hội ĐCSVN 13, ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders) bình luận rằng "Vấn đề nhân quyền của Việt Nam trong năm 2021 ra sao liên quan chặt chẽ tới ban lãnh đạo mới của Việt Nam mà Đại hội Đảng Toàn quốc 13 mang tính quyết định."
"Nếu công an và quân đội vẫn tiếp tục giữ các vị trí chủ chốt trong chính quyền, tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn," ông Ngữ nói với BBC
.
'Nhiều chiến lược' kìm hãm
IFEX, một mạng lưới toàn cầu gồm hơn 119 tổ chức phi chính phủ độc lập hoạt động ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực hoặc quốc tế để bảo vệ và thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, nhận định trong một bài viết:
''Với sự kết thúc của Đại hội 13, các nhóm theo dõi nhân quyền thấy trước được là tình trạng đàn áp tự do báo chí và phát biểu sẽ tiếp tục hoặc xấu đi tại Việt Nam.''
Theo IFEX, Việt Nam có nhiều chiến lược để kìm hãm tự do phát biểu, gồm Luật An ninh mạng, được ban hành vào tháng 1/2019 và quy định về "tin giả" có hiệu lực tháng 4/2020 trong bối cảnh bùng phát Covid-19. Nghị định này ra mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng, tương đương với ba đến sáu tháng lương trung bình ở Việt Nam, theo IFEX.
"Trước hết, chính phủ tuyên bố có thẩm quyền duy nhất để quyết định thế nào là một cơ quan truyền thông và ai có đủ tư cách để trở thành nhà báo", ông Trịnh Hữu Long, đồng Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Pháp luật Việt Nam, một tổ chức vận động cho nhân quyền, dân chủ và pháp luật tại Việt Nam, nói.
"Thứ hai, họ cấm đoán các phương tiện truyền thông phi nhà nước và làm mất uy tín của các phương tiện truyền thông quốc tế không thân thiện với chế độ của họ."
"Thứ ba, họ trừng phạt những người thách thức chế độ và do đó gieo rắc nỗi sợ hãi. Kết quả là, mọi người phải thực hiện chấp thuận tự kiểm duyệt."
"Thứ tư, họ cài gián điệp ở các tòa báo, có nghĩa là người ta sẽ sợ hãi hơn và tự kiểm duyệt nhiều hơn."
"Thứ năm, họ trực tiếp hướng dẫn các cơ quan truyền thông nên làm gì và không nên làm gì. Cuối cùng, họ kiểm soát chặt chẽ các nhà báo quốc tế tại Việt Nam ".
Hiện tại có khoảng 15 nhà báo và hàng chục blogger đang bị giam cầm. Nhưng ngay cả những con số đó cũng không phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình hình, bài viết trên IFEX cho hay.
Ông Trịnh Hữu Long nói. "Việt Nam chủ yếu được cai trị bởi nỗi sợ hãi, không phải nhà tù."
'Không có dấu hiệu cải thiện'
Phát biểu với Viện Báo chí Quốc tế (IPI), ông Trịnh Hữu Long nói: "Không có dấu hiệu cho thấy sẽ có những cải thiện trong những năm tới."
"Người chịu trách nhiệm chính cho sự suy giảm tự do truyền thông ở Việt Nam trong 5 năm qua đã được bầu lại vào ghế cao nhất. Đảng đang phát đi những tín hiệu tiêu cực, khi họ bầu một cựu lãnh đạo an ninh vào một trong bốn vị trí quyền lực nhất, và bắt đầu có tin đồn rằng ông ấy sẽ là thủ tướng tiếp theo. "
Theo IFEX, ông Nguyễn Phú Trọng, người vừa tái trúng cử chức Tổng bí thư ĐCSVN, vốn 'nổi tiếng với tư tưởng bảo thủ và đàn áp bất đồng chính kiến".
NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYEN THUY HANH FB
Bà Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt hôm 7/4 với cáo buộc "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước",
"Mặc dù chính phủ Việt Nam luôn khoe khoang về quyền tự do ngôn luận, nhưng họ vẫn tiếp tục cấm truyền thông độc lập hoặc truyền thông tư nhân hoạt động", bà Grace Bùi, thuộc Dự án 88, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ và khuyến khích tự do nói với IPI.
"Chính phủ Việt Nam dùng các điều luật không có thật và mơ hồ (của bộ luật hình sự) như 331 và 117 để buộc tội các nhà báo, blogger và người dùng Facebook với các án tù dài hạn," bà Grace nói .
Y án 12 năm tù cho nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch
Theo Bộ luật Hình sự Việt Nam, Điều 331 xử phạt tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" và Điều 117 xử phạt tội " tàng trữ, phổ biến, tuyên truyền thông tin, tài liệu, ấn phẩm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ".
Điều 117 được sử dụng để bắt giữ ba nhà báo vào tháng 1/2021. Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù giam và ba năm quản chế trong khi Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người bị kết án 11 năm và ba năm quản chế.
Các vụ bắt giữ mới
Mới đây nhất, có tin một nhà thơ kiêm hoạt động xã hội dân sự và văn hóa người Chăm, ông Đồng Chuông Tử bị mất tích từ hôm thứ Tư, 07/4/2021, trong khi gia đình bày tỏ nghi ngại với BBC là ông đã bị an ninh chính quyền 'bắt giữ'.
Sáng 7/4, chính quyền Việt Nam cho bắt bà Nguyễn Thúy Hạnh, vợ cựu nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh. Bà Hạnh là người từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc, thành lập quỹ 50K để hỗ trợ gia đình các tù nhân lương tâm, đồng thời đăng tải nhiều bài viết trên Facebook về tình hình chính trị, xã hội của đất nước.
Vụ bắt giữ xảy ra ngay sau khi dàn lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam được bổ nhiệm, với ông Phạm Minh Chính, nguyên lãnh đạo ngành công an, ngồi vị trí thủ tướng chính phủ.
Trước đó, lần lượt trong ngày 27/3 và 10/3, chính quyền bắt giữ ông Lê Trọng Hùng (biệt danh Hùng Gàn) và ông Trần Quốc Khánh - hai người tự ra ứng cử làm đại biểu Quốc hội - theo điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Điều luật này cũng được sử dụng để bắt giữ ba nhà báo vào tháng 1/2021, gồm Phạm Chí Dũng (bị kết án 15 năm tù giam và ba năm quản chế), Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn (mỗi người bị kết án 11 năm và ba năm quản chế).
Trước đó, ngày 10/2, nhà báo Phan Bùi Bảo Thy và Lê Anh Dũng bị bắt sau khi đăng các bài báo trên Facebook với cáo buộc nói xấu các quan chức. Theo ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ Người bào chữa, các nhà báo sẽ bị giữ ít nhất hai tháng để điều tra về các cáo buộc "lạm dụng tự do dân chủ" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. vi phạm quyền ở Việt Nam.
Trước đó nữa, nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 20 năm tù về tội tuyên truyền thông tin chống Nhà nước Việt Nam. Đinh Thị Thu Thủy bị bắt và bị kết án 7 năm tù vì chia sẻ thông tin tuyên truyền chống chính quyền trên Facebook.
Giải pháp nào cho tự do báo chí tại VN?
Ông Trịnh Hữu Long cho rằng cộng đồng quốc tế cần tiếp tục ủng hộ các phương tiện truyền thông độc lập tại Việt Nam bằng cách hành động và lên tiếng.
"Chúng tôi cần cộng đồng quốc tế giúp nuôi dưỡng một thế hệ báo chí và truyền thông độc lập mới bằng cách cung cấp các cơ hội giáo dục và hỗ trợ tài chính". "Đã có những nỗ lực không ngừng và một số nhóm người Việt Nam trong và ngoài Việt Nam biết cách làm cho chúng có hiệu quả", ông Long được trích lời trên IFEX.
Các tổ chức bên ngoài cũng có thể hỗ trợ các nỗ lực tự do truyền thông bằng cách lên án các hành vi vi phạm tự do truyền thông của Việt Nam và yêu cầu chế độ ngừng đàn áp trực tuyến và xóa các Điều 117 và Điều 331 gây tranh cãi khỏi Bộ luật Hình sự, ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền, nói.
Việc cung cấp các khóa đào tạo về an ninh mạng và phát triển công nghệ để giúp người dân ở Việt Nam tiếp cận các phương tiện truyền thông độc lập mà không cần phải sử dụng VPN sẽ rất quan trọng trong 5 năm tới.
Ông Trịnh Hữu Long nói thêm: "Chính phủ sẽ có nhiều khả năng kiểm soát internet hơn, và họ sẽ thắt chặt bức màn sắt. Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để trở thành nhà báo độc lập và các hãng truyền thông độc lập lưu vong sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng".
Chính quyền Việt Nam nói gì?
Phản ứng về vụ bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh hôm 7/4, chính quyền Việt Nam nói là do bà "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước", theo báo Tuổi Trẻ.
Về vấn đề nhân quyền nói chung, trong một bài viết cuối năm 2020 trên Nhân dân điện tử, chính quyền Việt Nam cho rằng "Các thành tựu nhân quyền của Việt Nam là không thể phủ nhận".
Trong đó có đoạn: "Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật". Và trên thực tế, kể từ khi thành lập nước đến nay, vấn đề dân chủ, nhân quyền luôn được quan tâm, chú trọng, lan tỏa sâu rộng trong cuộc sống."
"Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng nhân dân Việt Nam luôn nỗ lực để nhân quyền được bảo đảm, ngày càng phát triển. Những thành tựu mọi mặt về nhân quyền Việt Nam đã đạt được không chỉ cho thấy kết quả của nỗ lực này, mà còn trực tiếp khẳng định, chứng minh sự ưu việt của chế độ xã hội."
Bài báo cũng nói Việt Nam "luôn quan tâm đến việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó nổi lên là các quyền về chính trị, dân sự"... Và rằng những thực tế này "không chỉ được nhiều nước trên thế giới, bạn bè quốc tế đánh giá cao, mà ngay cả nhiều tổ chức, thế lực từng có lúc chưa hiểu rõ hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam cũng phải thay đổi, thừa nhận."
Nhắc đến thành tựu chống Covid-19 trong đoạn cuối bài viết, bài báo kết luận: "Không có ý nghĩa nào khác, các thành tựu đó là kết quả từ nỗ lực hành động vì nhân quyền, vì con người của Đảng, Nhà nước Việt Nam, không ai có thể xuyên tạc, phủ nhận".
Nguồn: BBC News Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.