Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Vạn cốt khô

 

Vạn cốt khô

Huy Đức

28-4-2021

Bài viết trên BBC khá gây xôn xao nhưng không bất ngờ, khi một cuốn sách nói là “xét lại vai trò của tướng Giáp” được viết bởi “con gái Lê Đức Thọ” và được đưa lên “trang nhà Lê Đức Anh”.

Lê Đức Thọ đã làm những việc này từ năm 1967 và Lê Đức Anh thì mãi tới năm 1991 vẫn còn dựng lên vụ “Năm Châu, Sáu Sứ” để hại tướng Giáp. Nếu lúc ấy, TBT Nguyễn Văn Linh đưa ra Bộ Chính trị bản “Báo cáo của trung tướng Võ Viết Thanh” thì số phận chính trị của Lê Đức Anh đã kết thúc.

Ngay sau ngày 30-4-1975, khi xương cốt của những người lính trận chưa kịp khô, Văn Tiến Dũng đã viết sách coi như không có vai trò tướng Giáp. Năm 1994, trong một cuộc phóng vấn riêng, tôi hỏi tướng Giáp: “Thưa Đại tướng, ở thời điểm Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Đại tướng đang là Bí thư Quân ủy TƯ, Tổng tư lệnh các LLVT, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, sao trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân lại nhắc rất ít đến vai trò của Đại tướng?”

Tướng Giáp nghiêm mặt lại, chỉ sang tướng Lê Phi Long, Cục phó Cục Tác chiến, nói: “Long, cậu biết, Nhật ký Tổng hành dinh ghi rõ, tôi lệnh gì, anh Ba lệnh gì. Các nhà báo, các nhà sử học muốn tìm hiểu sự thật phải đọc Nhật ký Tổng hành dinh chứ không nên căn cứ vào tuyên bố của một ai đó”.

Năm 2005, suốt tuần lễ trước 30-4, báo Quân Đội Nhân Dân đăng loạt bài của Tướng Lê Hữu Đức. Tướng Lê Hữu Đức, còn gọi là Đức Cụt, là một trong những chỉ huy đầu tiên đánh Mỹ trên mặt trận Tây Nguyên. Ông là một trong 4 người thuộc “Tổ Trung Tâm” được lập ra bởi Tướng Giáp, bí mật suốt hai năm liền nghiên cứu kế hoạch “giải phóng miền Nam”. Việc chọn Buôn Mê Thuột để đánh trận mở đầu là việc được tính rất kỹ của Tổ Trung tâm, trước khi trình ra Bộ Chính trị chứ chẳng phải ý kiến của ông Thọ hay ông Duẩn.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng Lê Hữu Đức là Cục trưởng cục Tác chiến. Loạt bài của ông, công bố rất nhiều tư liệu lấy từ Nhật Ký Tổng Hành dinh, cho biết, tướng Giáp phải mất bốn cuộc họp để thuyết phục Bộ Chính trị lựa chọn cách đánh như đã diễn ra thay vì cách đánh mà Lê Duẩn muốn (tương tự hồi Mậu Thân).

Cho đến giờ này ít ai biết là ngay chiều 30-4-1975, đã có những loạt súng giận dỗi trong khuôn viên Dinh của những người lính thuộc đơn vị được Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ chọn “cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập”. Cũng trong chiều hôm đấy, Lữ 203 của trung tá Bùi Văn Tùng phải rút về Long Thành, nhường Dinh Độc lập cho Sư 7.

Lữ 203 thuộc Quân đoàn II, nằm trong đội hình của “Cánh quân phía Đông” dưới quyền tướng Lê Trong Tấn, vị chỉ huy trung thành với tướng Giáp.

Tấm huân chương nào cũng có hai mặt. Việc rồi đây sẽ có thêm sách vở nói về mặt còn lại của những người như tướng Giáp và cả Hồ Chí Minh là điều chắc chắn xảy ra. Tuy nhiên, lịch sử chỉ có chỗ cho những những nghiên cứu khách quan, khoa học.

PS: Trong khu tưởng niệm Lê Đức Thọ ở Nam Định quê ông, gần như chỉ trưng bày cuốn Đường Thời Đại của Đặng Đình Loan, cuốn sách đã bị ném vào sọt rác từ lâu. Loan là một trong những “dư luận viên” đầu tiên được sử dụng để đánh vào tướng Giáp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.