Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Vai trò của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam

 

Vai trò của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam

Dương Quốc Chính

28-4-2021

Trung Quốc là một đồng minh lâu đời của chế độ Hồ Chí Minh, đã từng giúp Việt Minh trong Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chống Pháp. Trung Quốc đã từng gửi vũ khí, thực phẩm và cố vấn cho Đảng Cộng sản Việt Nam và có toàn quyền để chia sẻ với họ thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954.

Sau Cuộc kháng chiến chống người Pháp kết thúc, Trung Quốc cung cấp cho nhà nước Cộng sản non trẻ ở Bắc Việt Nam sự giúp đỡ cần thiết để củng cố chính quyền của mình và tích lũy các phương tiện cần thiết để chống lại chế độ Sài Gòn (và người ủng hộ là Mỹ).

Đầu năm 1960, chính Trung Quốc đã cung cấp khối lượng viện trợ lớn, kể cả vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chứ không phải Liên Xô. Vào cuối năm 1964, Trung Quốc đã cung cấp cho đồng minh Bắc Việt Nam 457 triệu đôla trị giá hàng viện trợ (48%), trong khi Liên Xô là 370 triệu đôla hay 40%.

Khi Cuộc chiến tranh bắt đầu leo thang năm 1965, Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu về viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo đánh giá của Liên Xô, từ năm 1955 đến 1965 Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã cung cấp cho Việt Nam 511,8 triệu rúp viện trợ kinh tế (khoảng 569 triệu đôla). Trong tổng số này, 302,5 triệu rúp (336 triệu đôla) được cung cấp dưới dạng các khoản viện trợ.

Mặc dù năm 1968 Trung Quốc để mất vị trí đứng đầu trong việc viện trợ, nhưng họ tiếp tục cung cấp một khối lượng lớn viện trợ cho Bắc Việt Nam. Chẳng hạn, Bắc Kinh là nguồn cung cấp chủ yếu ngoại tệ mạnh cho Mặt trận Giải phóng Dân tộc. Năm 1966, Trung Quốc gửi cho Việt cộng 20 triệu đôla, năm 1967 khoản viện trợ này lên đến 30 triệu đôla. Và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục cung cấp thực phẩm và vũ khí cho Bắc Việt Nam.

Không kém phần quan trọng, là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì sự có mặt quân sự trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các đơn vị quân đội Trung Quốc được triển khai ở một số tỉnh Bắc Việt Nam theo một hiệp định được bí mật kí giữa hai nước vào năm 1965. Quy mô lực lượng này được đánh giá ở mức từ 60.000 đến 100.000 người vào giữa năm 1967. Phần lớn lực lượng này là các đơn vị “kỹ sư đường sắt”hay các đơn vị “kỹ sư thông thường”cũng như các đơn vị hỗ trợ quân sự. Nhưng cũng có một số quân chính quy chịu trách nhiệm về phòng không của các tỉnh phía Bắc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngoài ra, Trung Quốc còn phân ba trung đoàn máy bay chiến đấu MiG-17 bảo vệ lãnh thổ Bắc Việt Nam chống lại sự xâm nhập có thể xảy ra của máy bay Mỹ. Những trung đoàn đầu tiên của Trung Quốc được đưa tới Bắc Việt Nam năm 1965. Việc triển khai quân đội Trung Quốc này đã cho phép Bắc Việt Nam, sau khi Mỹ đưa quân đến miền Nam Việt Nam, tập trung quân chiến đấu tại miền Nam Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong khi đó các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam hiểu rõ rằng sự có mặt của quân đội Trung Quốc chứa đựng nguy cơ về sự phụ thuộc lớn vào Bắc Kinh, đặc biệt là vì số lượng quân Trung Quốc và quân Việt Nam tại các tỉnh Bắc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gần như tương đương. Hà Nội phản đối những lời đề nghị của Trung Quốc gửi thêm quân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tới lãnh thổ Việt Nam.

Những nhân tố khác xác định vị thế mạnh mẽ của Trung Quốc tại Bắc Việt Nam: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phụ thuộc vào sự cộng tác của Trung Quốc để có sự viện trợ từ các nước khác, kể cả Liên Xô. Bởi vì khối lượng lớn viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa khác phải đi qua lãnh thổ Trung Quốc (theo một nguồn tin Trung Quốc, mỗi tháng từ 8 tới 9 ngàn tấn hàng hóa được chuyển tới Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua ga đường sắt ở Pinhxiang. Hà Nội phải thận trọng để không bị cắt đứt kênh phân phối này bằng cách không làm hỏng mối quan hệ với “người láng giềng khổng lồ phương Bắc”. Và chắc chắn sự gần gũi về mặt địa lý đã đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước, vì Trung Quốc là người hàng xóm bên cạnh của Bắc Việt Nam.

Tuy nhiên sự gần gũi về mặt địa lý và sự viện trợ của Trung Quốc hẳn đã không thể có tầm quan trọng như vậy đối với các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam, trừ phi cũng có sự liên hệ gần gũi về ý thức hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Các nhà cộng sản Việt Nam chia sẻ với những người đương nhiệm Trung Quốc quan điểm về cuộc xung đột ở Đông Nam Á và về tình hình quốc tế, về vai trò của Phong trào cộng sản trên thế giới và về những Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, về việc giảm tình trạng căng thẳng và về những triển vọng của sự chung sống hòa bình giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Thái độ ủng hộ Trung Quốc mạnh mẽ phổ biến trong các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong khi các chính trị gia, những người thông cảm với Liên Xô đã bị cách chức trong giai đoạn bất hòa giữa Mátxcơva và Hà Nội vào đầu những năm 60, thì những nhà lãnh đạo có xu hướng ủng hộ Trung Quốc đã đủ mạnh để vượt qua thiên hướng của một số Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam về cách tiếp cận được chia sẻ đồng đều hơn đối với hai đồng minh. Xu hướng này đã được thể hiện trong sự tuyên truyền tương đối phong phú của Trung Quốc ở Bắc Việt Nam.

Trong khi đó việc tuyên truyền của Liên Xô chỉ giới hạn ở những cuộc triển lãm và những bộ phim được chiếu trong dịp những ngày lễ lớn. Những chiến sĩ chống Liên Xô của Trung Quốc vẫn tiếp tục, mặc dù có những phản đối mạnh mẽ của Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội. Các nhà ngoại giao và các quan chức khác của Trung Quốc được hưởng nhiều tự do hơn so với các đồng nghiệp Xô Viết.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã liên tục đến Bắc Kinh để xin ý kiến Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai về những vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhìn chung, theo một kết luận không lấy gì làm dễ chịu của Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội: ở miền Bắc Việt Nam hiện nay có nhiều sự thông cảm đối với Trung Quốc hơn là đối với Liên Xô.

Những người Xô Viết theo kịp với những diễn biến trong các mối quan hệ Bắc Việt Nam-Trung Quốc. Họ để ý đến mọi dấu hiệu của sự bất hòa đó cho những lợi ích riêng của họ. Mátxcơva đầu tiên nhận được những dấu hiệu như vậy từ năm 1965 qua báo cáo của các nhân viên ngoại giao và các nhà báo về sự phật ý đang tăng lên ở Hà Nội với chính sách của cộng sản Trung Quốc. Theo báo cáo này, các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đã bắt đầu nghi ngờ về những mục đích đầu tiên của Bắc Kinh ở Đông Nam Á.

Sự thay đổi thái độ của các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể giải thích bằng những diễn biến mới trong các mối quan hệ giữa Liên Xô và Bắc Việt Nam. Hợp tác với Mátxcơva sẽ tạo cho Hà Nội một cơ hội để thoát khỏi sự bảo trợ quá đáng của Trung Quốc và có một vị trí độc lập hơn trong quan hệ giữa Bắc Việt Nam và Bắc Kinh. Mặc dù sự chuyển hướng này trong chính sách của Bắc Việt Nam không hứa hẹn một thành công ngay lập tức với các nhà lãnh đạo Xô Viết, nhưng Liên Xô đã sẵn sàng chiếm lấy điều đó. (1)

Riêng giai đoạn 1965-1968 TQ gửi 320 000 người gồm binh lính, công nhân và kỹ thuật viên tới VN để xây dựng đường xá, hỗ trợ hậu cần, và cố vấn quân sự. TQ cũng hỗ trợ 30 000 xe vận tải để chuyên chở 10 000 tấn vũ khí dọc đường mòn HCM. Ngoài ra còn có các chuyên gia, cố vấn của Liên Xô, Bắc Triều Tiên và các nước XHCN khác. (2)

Trong khi đó lượng quân Mỹ với số lượng đỉnh điểm ở miền Nam vào năm 1969 là khoảng 550 000 người. Đến trước khi ký HĐ Paris, tháng 1- 1973, thì quân Mỹ ở VN chỉ còn gần 25 000, tức là khoảng 5% so với lúc đỉnh điểm và không còn tham chiến trực tiếp.

Ghi chú:

(1) trích từ ‘Liên bang Xô Viết và chiến tranh VN’, NXB CAND

(2) trích từ ‘Phán xét’ của Nguyễn Văn Hưởng, NXB CAND

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.