Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Việt Nam - Bầu cử Quốc hội: nhiều cách để loại bỏ ứng cử viên độc lập

  

Việt Nam - Bầu cử Quốc hội: nhiều cách để loại bỏ ứng cử viên độc lập

BBC Tiếng Việt 

Bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào tháng 5 có thực sự 'công bằng cho các ứng cử viên' như giới lãnh đạo Việt Nam tuyên bố?

HOANG DINH NAM/Getty Images

Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2016

Là một trong những phụ nữ hiếm hoi tự ứng cử đại biểu quốc hội năm 2016, bà Đặng Bích Phượng bình luận với BBC News Tiếng Việt, hôm 20/4, về kịch bản mà những người như bà thường gặp:

"Tôi cho rằng người tự ứng cử quá hiểu họ không có cơ hội thành công, dù chỉ 1%, nhưng họ vẫn làm vì muốn khẳng định quyền của mình. Điều tích cực là người đi trước thất bại, nhưng những người sau vẫn muốn thử."

Cũng là ứng cử viên độc lập năm 2016, ông Nguyễn Đình Hà nhận xét với BBC:

"Một mặt, chính quyền nói rằng ngày bầu cử người dân được thực hiện quyền của mình, nhưng ai cũng hiểu rằng việc bầu bán đều được đảng đề cử. Và việc tổ chức bầu cử, tuyên truyền này giúp mang lại tính chính danh cho chế độ hiện tại."

Hôm 20/4, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói: "Vận động bầu cử phải dân chủ, công khai, bình đẳng, không lạm dụng chức quyền".

Suốt thời gian qua, giới lãnh đạo và truyền thông Việt Nam luôn nhấn mạnh tới việc giữ công bằng, bình đẳng cho các ứng cử viên cũng như tạo điều kiện để cử tri phát huy quyền dân chủ. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy một bức tranh khác.

Bị làm khó từ khâu hồ sơ

Bà Đặng Bích Phượng, sinh năm 1960, là nữ ứng cử độc lập năm 2016 tại Hà Nội. Ngay từ vòng "gửi xe" là nộp hồ sơ, bà Phượng đã "bị bắt bẻ".

Bà kể rằng khi lên UBND phường Thành Công xác minh lý lịch, bà được yêu cầu khai lại một số mục khai chưa đúng. Ví dụ, phải ghi trình độ văn hóa 10/10 là hệ phổ thông hay bổ túc.

Bà Phượng chỉ khai 10/10 - thiếu chữ "phổ thông" nên bị bắt về làm lại.

Sau đó, bà đến UBND phường để xin xác nhận lại lần nữa thì Phó Chủ tịch UBND phường Thành Công nói bà khai "chưa trung thực" và vì bà từng bị bắt giam, xử phạt hành chính do đi biểu tình chống Trung Quốc năm 2011 nên chưa thể xác nhận lý lịch cho bà.

Đặng Bích Phượng

Bà Đặng Bích Phượng là một trong số những ứng cử viên nữ độc lập hiếm hoi vào năm 2016

Lần khác, bà Phượng bị UBND phường Dịch Vọng ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại phường vì nhiều lần bị bắt khi tham gia biểu tình chống Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà Phượng đối chất lại rằng, những hình thức xử lý công dân nói trên chỉ là xử lý vi phạm hành chính và chỉ 1 năm là hết hiệu lực, không cần ghi vào lý lịch.

Đồng thời, bà trích dẫn phần hướng dẫn khai hồ sơ rằng:

"Trường hợp bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính trong thời gian 01 năm tính đến ngày làm hồ sơ ứng cử thì ghi rõ tên cơ quan ra quyết định kỷ luật, thời gian bị kỷ luật, lý do bị kỷ luật, hình thức kỷ luật.

Nếu không có hoặc đã bị xử lý nhưng không thuộc các trường hợp kể trên thì ghi 'Không bị kỷ luật, không có án tích'".

Vì vậy, bà Phượng ghi "không bị kỷ luật, không có án tích" trong hồ sơ là đúng như hướng dẫn do sự việc đã xảy ra cách trước đó đến 4-5 năm.

Nắm rõ luật, bà nói sẽ làm đơn khiếu nại và nói rằng chính các cán bộ không hiểu luật. Tuy nhiên, UBND phường vẫn dứt khoát bắt bà phải kê khai vụ bị bắt tạm giữ năm 2011 và bị ép giáo dục cải tạo năm 2013.

"Khi tôi làm đơn, chủ tịch phường gặp tôi và thay đổi hẳn thái độ, bảo rằng anh em không hiểu nên sẽ xác minh lí lịch cho tôi" bà Phượng kể.

Luật gia Nguyễn Đình Hà, người từng ứng cử đại biểu quốc hội năm 2016, nói:

"Từ vòng hồ sơ, tôi đã bị cấp chính quyền địa phương gây khó dễ bằng việc ghi những lời nhận xét không tốt vào trong lý lịch ứng viên, dù điều này là vi phạm pháp luật và tôi đã chứng minh nhưng họ không sửa sai".

Nguyễn Đình Hà

Phần xác nhận lí lịch của ông Nguyễn Đình Hà bị thêm vào mà sau đó ông đề đơn phản đối

"Theo quy định thì trách nhiệm kê khai đảm bảo sự trung thực là của người khai, chính quyền địa phương chỉ có quyền đóng dấu xác nhận chứ không có quyền đánh giá việc nhân thân người đó là tốt hay xấu, gương mẫu hay không. Việc xác minh ai có tiền án hình sự thuộc về cơ quan tư pháp khi cần làm lí lịch tư pháp, còn sơ yếu lý lịch để tự ứng cử không yêu cầu. Họ hoàn toàn sai từ ngay bước cơ bản nhất".

"Họ nói rằng đây là bên công an cung cấp, điều này chứng tỏ có sự nhúng tay của công an vào việc xác minh hồ sơ của tôi" ông Hà nói.

Hiệp thương hay là 'đấu tố'?

Bà Bích Phượng nói rằng bà đã hiểu chỉ những người nói theo chỉ đạo và chỉ những người có giấy mời mới được tham dự buổi hiệp thương.

"Tôi biết những người ủng hộ mình hầu như không một ai được mời. Vì vậy, tôi yêu cầu những người trong khu dân cư phải được mời vì họ mới hiểu được con người tôi ra sao. Tôi cũng yêu cầu có nhà báo nhưng mọi yêu cầu của tôi đều bị từ chối với lý do là phòng nhỏ nên không mời hết được. Tôi viết đơn không tham gia buổi hiệp thương này."

Khi được hỏi bà có chất vấn về quy trình hay không, bà Phượng nói:

"Những gì chúng ta muốn chất vấn, họ thường lãng đi chứ không trả lời."

Từ những trải nghiệm của chính mình, bà Phượng cho rằng chính quyền sử dụng lực lượng quần chúng để loại bỏ những ứng cử viên độc lập thông qua các vòng hiệp thương.

"Trong trường hợp này, quần chúng ở đây là những người có tri thức thấp, hoặc là những người về hưu nhưng không có tính phản biện, luôn nghe theo 'đảng và nhà nước,' từ đó sẵn sàng vu khống những người mà họ không biết."

"Vì cư dân ở tòa chung cư tôi ở đa phần cùng cơ quan và sống cùng tôi từ bé nên họ rất hiểu gia đình nhà tôi, nên để vu khống tôi rất khó. Thế là họ chọn cử tri ở đơn vị khác để họ gần như là đấu tố mình. Đó là vũ khí mà họ dùng để gạt bỏ những ứng cử viên độc lập" bà Phượng phân tích.

Ông Nguyễn Đình Hà kể rằng khi đến hội nghị cử tri, tức vòng hiệp thương 2, ông thấy có rất nhiều công an, thường phục lẫn sắc phục ở hội trường. "Thêm nữa, họ chọn những người không hề quen biết về tôi để nhận xét tôi và những gì họ nói là tôi gây rối trật tự công cộng, không có đóng góp gì cho địa phương" ông nói.

Ông kể thêm rằng việc "gây rối trật tự công cộng" thực chất là một vụ bắt cóc.

Ông Hà cùng tiến sĩ Nguyễn Quang A đột nhiên bị bắt đi vào ngày 23/3/2016 trên phố Triệu Quốc Đạt lúc diễn ra phiên xử sơ thẩm ông Nguyễn Hữu Vinh (tức anh Ba Sàm).

"Tôi bị đưa về trụ sở công an phường nơi cư trú và tại đó họ đã diễn một màn kịch rằng tôi gây rối trật tự công cộng trước tòa án nhân dân TP Hà Nội nên bị phạt và lập biên bản ở mức cảnh cáo."

"Đây là chiêu trò để bôi xấu cá nhân trước thêm hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú" ông Hà kết luận.

Ông phân tích thêm:

Thông qua ba vòng hiệp thương, chính quyền có thể loại bỏ các ứng cử viên độc lập một cách dễ dàng. Đầu tiên và vòng hồ sơ, sau đó là lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc. Đây là điều kiện để họ xem ứng cử viên đó có lọt vào vòng hiệp thương thứ 3 hay không."

"Ở vòng 3, đây là giai đoạn mà Ủy ban Trung ương MTTQ các cấp gạt bỏ các ứng viên mà theo họ cho là không đủ điều kiện" ông nói.

Vì sao ứng cử viên độc lập bị làm khó?

Hôm 16/4, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội thông báo tính đến hết ngày 13/4/2021, đã có 21 ứng cử viên nộp đơn xin rút hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và 1 người bị Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội bắt.

Số lượng đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là 36 người.

Theo cơ quan này, người bị bắt là ông Lê Trọng Hùng - bị cáo buộc làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đây là vụ bắt giữ mới nhất liên quan tới những người đã tuyên bố công khai tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa 15 năm 2021-2026.

Trước đó vào ngày 10/3, ông Trần Quốc Khánh, 61 tuổi, cũng bị công an tại tỉnh Ninh Bình bắt tạm giamvới cáo buộc phát các video trực tiếp trên mạng xã hội nhằm chống phá Nhà nước, thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Ông Khánh cũng bị bắt sau khi ông tuyên bố tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Đấy chỉ là những con số chưa đầy đủ ở một vài địa phương, do việc chốt lại danh sách cuối cùng dự kiến phải đến ngày 3/5 mới hoàn tất.

Những diễn biến trên cho thấy các ứng cử viên độc lập, đặc biệt là những người "không được lòng chính quyền", phải chịu áp lực và thách thức lớn, thậm chí không có cơ hội để vào Quốc hội.

Một thực tế cho thấy rằng, ứng cử viên độc lập thường chiếm một số lượng rất ít trong các cuộc bầu cử Quốc hội, chưa kể Quốc hội cũng do Bộ chính trị kiểm soát nhưng chính quyền lại khá cảnh giác, e dè với những ứng cử viên độc lập.

Về điều này, bà Phượng ví von rằng một con sư tử có mạnh đến đâu mà đứng trước một đàn trâu rừng chạy rầm rầm thì cũng chết.

"Từ việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Đức cho thấy chính quyền này bất chấp tất cả. Khi thấy rằng một bộ phận người dân có suy nghĩ độc lập, chính quyền lo sợ nó trở thành nếp suy nghĩ. Vì vậy, họ phải chặn từ trong trứng nước để không tạo thành một phong trào sau này."

"Một số ứng cử viên độc lập lọt vào là để làm màu cho công chúng chứ không phải họ thực tâm. Và những người đó thường sống và làm việc theo chủ trương của Đảng Cộng sản. Thậm chí có tiếng là đại biểu quốc hội cũng mang lại được cho những người đó lợi ích trong việc làm ăn,"

"Một người tự ứng cử bị loại không có ý nghĩa nhưng 100 người mà cả 100 bị loại thì là vấn đề khác. Việc tự ứng cử sẽ khiến nhà cầm quyền bị buộc vào thế phải đối phó với những người ứng cử tự do," bà Phượng lý giải.

Còn ông Nguyễn Đình Hà nêu ý kiến:

"Từ xưa có câu diệt cỏ phải diệt tận gốc nên bất cứ ai, điều gì có mầm mống thì chính quyền đều muốn dập tắt. Một mặt, chính quyền nói rằng ngày bầu cử người dân được thực hiện quyền của mình, nhưng ai cũng hiểu rằng việc bầu bán đều được đảng đề cử. Và việc tổ chức bầu cử, tuyên truyền này giúp mang lại tính chính danh cho chế độ hiện tại."

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.