Tìm hiểu logic của cưỡng ép kinh tế trong quan hệ quốc tế
Youngseok Park, “Understanding economic coercion”, East Asia Forum, 10/04/2021.
Phan Nguyên dịch
Tháng 12 năm 2020, Trung Quốc đã chặn nhập khẩu than đá của Australia sau cuộc đối đầu chính trị ngày càng căng thẳng giữa hai nước. Hồi tháng 8 năm 2019, Nhật Bản cũng đã tăng cường các hạn chế đối với xuất khẩu sang Hàn Quốc sau phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về các vấn đề lịch sử tranh cãi giữa hai nước. Sự cưỡng ép kinh tế như vậy gây hại cho cả hai bên vì nó làm gián đoạn trao đổi kinh tế.
Các biện pháp của Trung Quốc chống lại Úc tạo ra sự bất định và làm tăng chi phí kinh doanh. Các biện pháp hạn chế của Nhật phần lớn phản tác dụng sau khi các công ty Nhật chuyển hoạt động sản xuất sang Hàn Quốc và Châu Âu để cung cấp cho thị trường Hàn Quốc. Việc triển khai các biện pháp cưỡng ép kinh tế có thể không thực tế khi đối mặt với những chi phí này.
Sự ép buộc kinh tế có thể được hiểu rõ nhất qua lăng kính của lý thuyết trò chơi. Định lý Coase nổi tiếng cho rằng mọi người sẽ không bỏ qua cơ hội hợp tác thông qua trao đổi hai bên cùng có lợi. Trong thế giới này, hợp tác và các dàn xếp (hầu như) luôn luôn khả thi mà không có tranh chấp lớn.
Tuy nhiên, Pareto, nhà lý thuyết tối ưu hóa thị trường nổi tiếng, lại lập luận rằng “nỗ lực của con người được [sử dụng] theo hai cách khác nhau: hoặc hướng đến việc sản xuất hay chuyển đổi hàng hóa kinh tế, hoặc hướng đến việc chiếm đoạt hàng hóa do người khác sản xuất ra”. Nhà kinh tế học Hirshleifer lập luận rằng chiếm đoạt những gì người khác sản xuất là phù hợp với quy tắc vàng của Machiavelli rằng “ai nắm quyền sẽ nhận được vàng”.
Các mối quan hệ quốc tế nằm kẹt trong mâu thuẫn giữa thế giới quan của Coase, nơi có sự bảo vệ pháp lý đối với tài sản và các hợp đồng có hiệu lực thi hành, và thế giới quan của Machiavelli, nơi ‘kẻ mạnh luôn đúng”. Người ta khó thực thi các thỏa thuận trong quan hệ quốc tế bởi vì ít có thẩm quyền siêu quốc gia nào có thể buộc các quốc gia mạnh phải chịu trách nhiệm giải trình. Các quy tắc thương mại đa phương có thể mang lại sự ràng buộc nếu các siêu cường ủng hộ chúng và hệ thống có thể áp đặt chi phí đối với những quốc gia vi phạm quy tắc.
Nếu không có các quy tắc được cưỡng chế thực thi một cách nghiêm ngặt bởi một cơ quan bên ngoài có thẩm quyền, các quốc gia sẽ có động lực lách các quy tắc nhằm tạo ra các kết quả có lợi cho mình. Các nhà lý thuyết trò chơi gọi các biện pháp như vậy là các “động thái chiến lược” – mà một ví dụ trong số đó là sự cưỡng ép kinh tế.
Hãy xem xét trường hợp xung đột thương mại giữa Úc và Trung Quốc. Giả sử Úc chọn không sử dụng cơ sở hạ tầng mạng 5G của Huawei vì lý do an ninh và Trung Quốc vẫn nhập khẩu các sản phẩm của Úc, thì Trung Quốc vẫn sẽ có được lợi ích tốt hơn nếu tiếp tục nhập khẩu từ Úc ngay cả khi họ mất thị trường Huawei ở Úc. Kết quả tồi tệ nhất đối với Úc xảy ra khi Úc sử dụng thiết bị Huawei nhưng Trung Quốc không nhập khẩu các sản phẩm của Úc. Trong trường hợp này, Úc rõ ràng sẽ bị thiệt hại so với Trung Quốc về lâu dài.
Úc luôn muốn trường hợp họ không sử dụng thiết bị Huawei. Trường hợp tốt nhất cho Trung Quốc xảy ra khi Úc sử dụng Huawei và Trung Quốc nhập khẩu các sản phẩm của Úc. Kết cục tồi tệ nhất xảy ra cho Trung Quốc khi Australia không sử dụng thiết bị Huawei và Trung Quốc không nhập khẩu các sản phẩm của Úc.
Cả hai quốc gia đều có chiến lược chủ đạo (mang lại lợi ích lớn nhất cho mình – ND) – bất kể lựa chọn của bên còn lại là gì: Úc sẽ chọn không sử dụng Huawei và Trung Quốc sẽ chọn nhập khẩu sản phẩm của Úc. Khi Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu từ Úc và Australia không sử dụng Huawei, Úc sẽ không có động cơ để thực hiện một động thái chiến lược khác. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có một cách mà họ có thể thử – đó là đe dọa cưỡng ép kinh tế – để đạt được một kết quả tốt hơn cho mình.
Tuy nhiên, Trung Quốc phải làm cho lời đe dọa cưỡng ép kinh tế – và sự sẵn sàng thực hiện lời đe dọa đó – trở nên đáng tin cậy. Nếu Úc tiếp tục cấm Huawei, Trung Quốc có thể không muốn thực hiện lời đe dọa cấm nhập khẩu từ Úc vì Trung Quốc rõ ràng sẽ có kết quả tệ hơn nếu diễn ra kịch bản hai bên cùng áp đặt lệnh cấm nhập khẩu lẫn nhau.
Nếu việc chặn nhập khẩu từ Úc là phản ứng tốt nhất của Trung Quốc đối với lệnh cấm Huawei của Úc, thì Trung Quốc sẽ chặn ngay mà không cần phải đưa ra lời đe dọa ngay từ đầu. Đưa ra lời đe dọa cưỡng ép kinh tế vẫn là một lựa chọn khả thi đối với Trung Quốc trong cuộc mặc cả (để Úc gỡ lệnh cấm Huawei – ND), nhưng nó lại khiến Trung Quốc sẽ phải trừng phạt Úc để có thể làm cho nước này có một kế quả được cho là tương đối tốt hơn về lâu dài. Nhưng việc cưỡng ép kinh tế vẫn gây phí tổn cho Trung Quốc vì nó gây thiệt hại cho cả hai bên.
Việc sử dụng các động thái chiến lược và mức độ khả tín của chúng trong thực tế vấp phải rất nhiều khó khăn. Làm cho chúng có hiệu quả trên thực tế phụ thuộc vào bối cảnh và chiến thuật được sử dụng. Như Dixit đã cảnh báo, “hãy tự chịu rủi ro khi sử dụng các chiến lược như vậy”.
Y. P.
Youngseok Park là Nghiên cứu viên chính tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc.
Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.