Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Vì sao các ông bà dạy đại học chôm chỉa khắp nơi mà không bị phát hiện?

 

Vì sao các ông bà dạy đại học chôm chỉa khắp nơi mà không bị phát hiện?

Nguyễn Đình Bổn

24-4-2021

Sách của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM bị thu hồi vì đạo văn. Ảnh: VTC

Hiện nay vấn đề chôm các bài báo, sách đã in, công trình nghiên cứu từ nước ngoài… của các… tiên sư giáo sĩ dạy đại học tại VN không hiếm. Nhưng tại sao ít bị phát hiện cho đến khi tới tai tác giả thực của nó và họ lên tiếng thì mới… sửa sai?

Đó là do cách đào tạo đại học và sau đại học tại VN.

Tại các nước tiên tiến, kể từ ngưỡng cửa đại học, sinh viên được xem như người đã trưởng thành và đã được trang bị kiến thức nền tảng, họ được dạy, bắt buộc phải thực hành việc nghiên cứu một cách bài bản, có phản biện. Càng lên cao (làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ) càng phải nghiên cứu chuyên sâu, độc lập, phải viết bài đăng báo về chuyên môn của mình như một tín chỉ tối cần thiết. Vì vậy học vị trong các trường đại học tại các nước như Mỹ, Pháp, Úc… đều thực tài. Phần lớn họ đều là tác giả các bài báo khoa học, xuất bản sách và các công trình nghiên cứu.

Trong khi đó bậc đại học tại VN, sinh viên vẫn phải… học thuộc lòng các giáo trình, trả bài y như học sinh, nghe đến độc lập nghiên cứu thì hãi hùng. Còn các giảng viên học vị đầy mình, ông bà nào cũng tiến sĩ, nhưng nếu hỏi họ đã nghiên cứu gì, viết cái gì thì… đố ai biết được.

Chính vì vậy họ cứ ăn cắp thoải mái các tri thức của thiên hạ, xào nấu sơ qua rồi bắt sinh viên học thuộc, và vênh mặt lên nhận là của mình!

Và rồi sinh viên ra trường, muốn học sau đại học lại đi vào con đường cũ.

Nguyên nhân sâu xa khiến việc đào tạo đại học và sau đại học tại VN khó thay đổi là do chính trị. Thể chế này không cho phép phản biện một cách tự do. Tôi ví dụ nếu giảng viên hướng dẫn sinh viên lên google thôi, để nghiên cứu đề tài triết học, kinh tế Mác – LêNin một cách khai phóng, thì khi bị sinh viên phản biện, chất vấn họ… chịu gì nổi!

Về việc ăn cắp các công trình nước ngoài của các thầy bà, nếu nhà nước này sòng phẳng nên đưa họ ra tòa và bỏ tù. Tại điều 138 Bộ luật hình sự VN tội trộm cắp tài sản được quy định chỉ cần ăn cắp từ hai triệu là đã bị xử lý hình sự. Nếu hành vi ăn cắp này có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, dùng thủ đoạn xảo quyệt, chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Theo tôi việc ăn cắp các công trình nghiên cứu từ nước ngoài, ví dụ của hai ông bà Hoàng Xuân Phương và Vũ Mộng Lân đều thỏa mãn các điều kiện cáo buộc trên, thậm chí phải xử nặng hơn vì họ làm nhục mặt người Việt!

***

Trà Đóa: Kiểu khoa học do “đảng lãnh đạo” thì không cần phải nghiên cứu

Việc chôm công trình, tài liệu nghiên cứu khoa học nước ngoài của các “nhà khoa học” quốc nội là việc phổ biến. Không những phổ biến mà… đương nhiên. Đương nhiên là vì, trong hầu hết lĩnh vực, nếu không chôm, sẽ không có cái gì đáng gọi là khoa học trong môi trường học thuật VN.

Lý do đơn giản thôi. Vì thiên hạ họ nghiên cứu hết rồi, cái họ thải ra từ lâu ở ta vẫn còn chưa biết, huống gì cái đương hiện hành.

Khi mọi lối đi đều đông đúc, thì những kẻ xếp hàng cuối chỉ có ngửi… gió thôi, chứ nghiên cứu cái gì nữa.

Có lẽ, cách có tự trọng nhất trong trường hợp chúng ta, là hãy học cách ứng dụng đàng hoàng, nghĩa là bỏ tiền ra mua công trình chính danh và ứng dụng. Một cách nữa tốn tiền nhiều và phải có chiến lược, là mở học viện, trường lớp thật nghiêm túc rồi mời những người xuất sắc đến giảng dạy. Đây là cách Trung Quốc đã làm, và họ làm rất nghiêm cẩn. Nhờ vậy bây giờ họ đã trở nên xuất sắc.

Đó là nối về khoa học đúng nghĩa. Còn kiểu khoa học do “đảng lãnh đạo” thì không cần phải nghiên cứu nghiên cò gì cho mất công. Vấn đề nhỏ thì có đảng ủy các cấp cơ sở lo, vấn đề lớn (như nước trên sao hỏa chẳng hạn) thì Bộ chính trị sẽ họp rồi biểu quyết. Chấm hết, phẻ re.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.