Hoa hậu Myanmar phát biểu chống lại quân đội
- George Wright
- BBC News
Bài phát biểu của các thí sinh trong cuộc thi hoa hậu hiếm khi trở thành tít báo.
Nhưng khi Han Lay, Hoa hậu Hòa bình Myanmar, lên tiếng tuần trước để phản đối những hành vi tàn bạo mà quân đội nước cô bị cáo buộc thực hiện, bài phát biểu đã gây chấn động.
"Hôm nay ở đất nước Myanmar của tôi... có rất nhiều người chết", cô nói tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2020 ở Thái Lan. "Hãy giúp Myanmar. Chúng tôi cần sự giúp đỡ cấp bách của quốc tế ngay bây giờ."
Cách đây hơn một tháng, Han Lay, 22 tuổi, đã có mặt trên đường phố Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, để phản đối quân đội.
Tình trạng bất ổn ở Myanmar bắt đầu từ hai tháng trước khi quân đội chiếm quyền kiểm soát đất nước, hủy bỏ cuộc bầu cử dân chủ mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo.
Khi hàng chục nghìn người xuống đường trên khắp cả nước để phản đối cuộc đảo chính, quân đội đã sử dụng vòi rồng để giải tán họ. Sau một tuần, quân đội đã sử dụng đạn cao su và sau đó là đạn thật.
Ngày đẫm máu nhất của cuộc xung đột diễn ra thứ Bảy tuần trước, với hơn 100 người thiệt mạng. Một nhóm giám sát địa phương đưa ra tổng số người chết là hơn 500. Theo Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children), 43 trong số những người thiệt mạng là trẻ em.
Han Lay, một sinh viên ngành tâm lý học tại Đại học Yangon, đã quyết định sử dụng cuộc thi hoa hậu như một diễn đàn để nói về đất nước mình trên sân khấu quốc tế.
"Ở Myanmar, các nhà báo bị bắt giữ ... vì vậy tôi quyết định lên tiếng", cô nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Bangkok.
Bây giờ Han Lay lo ngại rằng bài phát biểu dài hai phút của mình có thể đặt cô ấy vào tầm ngắm của quân đội. Cô nói cô đã quyết định ở lại Thái Lan trong ít nhất ba tháng tới.
Han Lay nói rằng trước khi lên đường sang Thái Lan, cô biết có khả năng cô đã tự đặt mình vào thế rủi ro và cần phải ở lại nước này một thời gian.
"Tôi rất lo lắng cho gia đình và an toàn của bản thân bởi tôi đã lên tiếng rất nhiều về quân đội và tình hình Myanmar. Ở Myanmar, mọi người đều biết có những hạn chế trong việc cất lên tiếng nói về những gì đang xảy ra", cô nói.
"Bạn bè bảo tôi đừng quay trở về Myanmar."
Những lo sợ của cô không phải là không có cơ sở. Tuần trước, lực lượng an ninh đã phát lệnh bắt đối với 18 người nổi tiếng, "người có ảnh hưởng" trên mạng xã hội và hai nhà báo theo luật chống tài liệu "nhằm mục đích khiến một thành viên lực lượng vũ trang nổi loạn hoặc coi thường bổn phận của họ", truyền thông nhà nước đưa tin. Tất cả họ đều đã lên tiếng chống lại cuộc đảo chính.
Han Lay nói rằng chưa có quan chức nào hay quân đội liên lạc với cô sau phát biểu của cô, nhưng cô cho biết đã nhận được nhiều bình luận đe dọa trên tài khoản mạng xã hội.
"Họ dọa tôi trên mạng xã hội, nói rằng khi tôi về Myanmar thì… nhà tù sẽ đón chào tôi," cô nói. Cô không biết ai đứng đằng sau các lời đe dọa nói trên. Cô cho biết bình luận ủng hộ cô trên mạng xã hội vẫn áp đảo.
Nhiều sinh viên cùng biểu tình với Han Lay trong tuần đầu tiên sau đảo chính đã bị tống giam, cô cho biết. Theo nhóm hoạt động Hội Hỗ trợ Tù Chính trị (AAPP), ít nhất 2.500 người đã bị bắt trong cuộc truy quét của quân đội.
Han Lay cho biết một người bạn của cô đã bị giết.
"Cậu ấy thậm chí không đi biểu tình. Một buổi tối nọ, cậu ấy ra quán uống cà phê, thế rồi ai đó đã bắn cậu ấy," cô kể.
Han Lay cho biết gia đình của cô vẫn an toàn nhưng việc liên lạc với họ lúc được lúc không do internet thường xuyên bị ngắt tại Myanmar. Cô đề nghị BBC không công bố tên thị trấn quê nhà để bảo vệ họ.
Những phát biểu chính trị công khai của Han Lay, bao gồm lời chỉ trích trực tiếp nhằm vào quân đội Myanmar và lời kêu gọi "giành thắng lợi cách mạng" trong một cuộc trả lời người hâm mộ trên kênh chính thức của cuộc thi, không phải là chuyện thường thấy ở một thí sinh sắc đẹp, vốn thường chọn đứng ngoài chính trị.
Phát biểu trước cuộc thi, Lyv Chili, Hoa hậu Hòa bình Campuchia, kêu gọi người hâm mộ tránh đề tài chính trị.
Nhưng Han Lay nói cô coi việc lên tiếng là "bổn phận". Cô gọi bà Suu Kyi là "người truyền cảm hứng lớn nhất" của cô. Hồi tuần qua, nhà lãnh đạo dân chủ bị lật đổ này đã bị truy tố tội danh vi phạm đạo luật bảo vệ bí mật của Myanmar, một tội danh có thể bị phạt tù tới 14 năm.
Han Lay từng có kế hoạch học nghiệp vụ để trở thành tiếp viên hàng không sau khi tốt nghiệp, nhưng giờ đây cô nói rằng mình không chắc sẽ chọn con đường nào. Cô kể một số người đã tìm cách thuyết phục cô tham gia chính trị nhưng cô nghĩ đó không phải là nơi dành cho mình.
Trước mắt, cô có kế hoạch sử dụng tiếng nói của mình để lên tiếng đấu tranh.
"Đây là tội ác chống lại loài người, đó là lý do tại sao chúng tôi muốn Liên Hiệp Quốc khẩn trương hành động," cô nói. "Chúng tôi muốn nhà lãnh đạo của chúng tôi trở lại và nền danh chủ đích thực được vãn hồi."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.