EU cáo buộc TQ 'đẩy phóng viên' đi sau vụ John Sudworth của BBC phải rời Bắc Kinh
Liên Hiệp Châu Âu cáo buộc Trung Quốc sách nhiễu các phóng viên nước ngoài sau khi phóng viên thường trú tại Bắc Kinh của BBC John Sudworth buộc phải rời sang Đài Loan.
Các phóng viên nước ngoài "đang bị đẩy khỏi Trung Quốc do hậu quả của tình trạng tiếp tục sách nhiễu và cản trở họ làm việc", EU nói.
EU thúc giục Trung Quốc hãy tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình trong việc đảm bảo tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Phóng viên Sudworth đã phải rời đi sau áp lực và những đe dọa từ giới chức Trung Quốc.
Phóng viên BBC chuyên về tình hình Trung Quốc, người từng được giải thưởng với các tường thuật về tình trạng đối xử với người Uighur tại vùng Tân Cương, đã rời thủ đô Trung Quốc cùng vợ là Yvonne Murray, phóng viên của RTÉ, và gia đình.
Trung Quốc, vốn đã lên án việc BBC đưa tin về Tân Cương, nói rằng họ không nhận thấy có bất kỳ đe dọa nào tới ông Sudworth, trừ việc có thể sẽ có hành động pháp lý đối với ông liên quan tới việc tường thuật về khu vực.
Nhưng ông và gia đình đã bị các nhân viên cảnh sát mặc thường phục đeo bám tới sân bay, cho tới tận nơi làm thủ tục lên máy bay.
BBC nói hãng tự hào về các bài tường thuật của ông, và Sudworth, người thường trú tại Trung Quốc trong suốt chín năm qua, tiếp tục là phóng viên chuyên theo dõi tình hình Trung Quốc của hãng.
Tại Anh, giới quan sát và báo chí nhắc đến vụ phóng viên BBC bị đuổi khỏi Trung Quốc và cho rằng chế độ Tập Cận Bình "ngày một giống nước Đức trong thập niên 1930".
Ian Williams, tác giả cuốn 'China's New Tyranny' viết trên trang Sunday Times (04/04/2021) rằng Tập Cận Bình kiểm soát cả xã hội bằng hệ thống giám sát khổng lồ, và "bên cạnh các chiến dịch đàn áp Tân Cương, Hong Kong là chính sách ngoại giao hung hăng".
Trung Quốc đã "quân sự hoá" thương mại để trừng phạt Úc vì "tội của Úc" là yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc Covid."
"Trung Quốc nay áp dụng kịch bản với Úc trong vụ đuổi phóng viên BBC John Sudworth... Tháng 9 năm ngoái, họ đã trục xuất hai nhà báo Úc theo cách tương tự. Đe doạ trở thành tiêu chuẩn mới để đối xử với ai dám tìm sự thật ở nước TQ của Tập."
EU nói gì?
Phát ngôn viên của quan chức phụ trách ngoại giao EU, Joseph Borrell nói rằng có ít nhất 18 phóng viên đã bị trục xuất khỏi Trung Quốc hồi năm ngoái.
"EU đã lặp đi lặp lại quan ngại của mình đối với giới chức Trung Quốc về việc các phóng viên nước ngoài bị hạn chế tác nghiệp một cách không thỏa đáng và các vụ sách nhiễu có liên quan," phát ngôn viên này nói thêm.
"Khả năng hoạt động chuyên nghiệp và khách quan của phóng viên nước ngoài đang ngày càng bị đẩy vào thế khó."
Họ nói rằng EU quyết bảo vệ "vai trò của truyền thông độc lập và đáng tin cậy trên toàn thế giới" và kêu gọi Trung Quốc "tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật quốc gia và luật quốc tế, và đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí".
Số các tổ chức báo chí quốc tế tường thuật từ Trung Quốc đang giảm dần.
Hồi năm ngoái, Trung Quốc trục xuất các phóng viên của New York Times, Washington Post và Wall Street Journal, cùng một số hãng khác.
Trong tháng 9/2000, hai phóng viên cuối cùng làm việc tại Trung Quốc cho truyền thông Úc đã trở về nhà sau cuộc đối đầu ngoại giao kéo dài năm ngày.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng giới chức đã không được thông báo trước về việc ra đi của ông Sudworth.
"Chỉ trong những ngày gần đây, khi chúng tôi chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ gia hạn thẻ nhà báo cho ông Sudworth, chúng tôi mới biết rằng ông ấy đã rời đi mà không nói lời chào tạm biệt," bà Hoa Xuân Oánh nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
"Sau khi rời khỏi đất nước, ông ấy đã không hề thông báo dưới bất kỳ hình thức nào cho các các cơ quan có liên quan, cũng không nêu lý do."
Trong tuyên bố của mình, BBC nói: "Việc rời đi của John cho thấy sự thật mà giới chức Trung Quốc không muốn thế giới biết tới."
Các đồng nghiệp trong nhóm của Sudworth vẫn đang ở tại Bắc Kinh, và ông nói ông dự định sẽ tiếp tục tường thuật từ Đài Loan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.