Thư giãn ngày cuối năm
Nguyễn Thái Nguyên
31-12-2020
Xin cảm ơn bác Đức Nguyên, chị Chi Lan và tất cả anh chị em đã đọc mấy trang viết gọi đúng tên là rất “tản mạn” ấy và đã có lời động viên tôi. “Nhà Tiên tri” Phạm Chi Lan thường đưa ra những “dự ngôn” đúng: Tôi viết mấy trang tản mạn ấy chưa phải cuối năm Canh Tý được mà từ nay đến cuối năm Canh Tý, nói đúng hơn là mùa Xuân này còn nhiều chuyện vui vẻ nữa (năm nay Lập Xuân trong năm, ngày 22 tháng Chạp). Nhưng đến Tân Sửu cũng ngại lắm đấy các cụ.
Vui vẻ thì chắc cũng có, chí ít anh chị em thân quen cũng có những giờ phút thiêng liêng chuyển từ năm này sang năm khác chúc nhau một chén rượu mừng Xuân phải không ạ. Người Việt thường quen với chữ Tân là mới, nhưng chữ Tân trong hệ Thiên Can – Địa Chi (辛) lại là cay, là đắng, là khổ sở, buồn rầu. Không biết con Trâu này có đương đầu nổi với các thứ như thế hay không.
Vận năm là Bích Thượng Thổ, đất ở trên tường, trên vách. Ngày nay ngói hóa hầu hết rồi thì Thổ này chắc chỉ là Thổ của mấy tổ Tò Vò, không biết làm sao khắc chế được Thiên Thượng Thủy đây? Nước ở trên trời, có thể. Nhưng nước ở phương Bắc, Khảm Thủy chắc chắn không giảm phần mưa dập sóng dồn.
Nhân đụng đến chữ nghĩa, có bạn nói với tôi có gì vui vui viết thêm được không? Vâng, chỉ chuyện thời xưa thôi, xin hầu các cụ vài chuyện nho nhỏ này.
1/ Không biết người xưa vì quá vui hay vì gặp thời thái bình thịnh trị mà họ cao hứng viết ra đôi câu đối Tết như thế này:
君 則 古 臣 則 古 戴 涵 官 堯 舜 之 民
上 壅 哉 下 壅 哉 猗 頭 吏 唐 虞 志 士
Phiên âm: Quân tắc cổ, thần tắc cổ, đái hàm quan Nghiêu Thuấn chi dân
Thượng ung tai, hạ ung tai, ỷ đầu lại Đường Ngu chí sĩ
Nghiêm chỉnh mà nói thì câu đối này rất hay, ca ngợi hết lời vua quan và chế độ đương thời: “Vua theo phép xưa, quan theo phép xưa, dân đội ơn trên như thời Nghiêu Thuấn/ Trên yên vui thay, dưới yên vui thay, bọn chí sĩ lại nhiều như thuở Đường Ngu”.
Câu đối này mượn tích các triều đại được coi là thịnh trị nhất thời cổ đại: Đường nói ở đây là Đường Nghiêu, do vua Nghiêu cai trị (khoảng 2308 TCN) rồi Nghiêu “nhường ngôi” cho Thuấn, lập triều đại nhà Ngu (khoảng 2033 TCN). Có những từ được dùng ở đây rất nhiều nghĩa, ví như chữ “đầu lại” hàm nghĩa là trùm sò, cầm đầu băng đảng mà bây giờ ta thường gọi là “nhóm lợi ích” hoặc như chữ “chí sĩ” là chỉ những kẻ sĩ mà “tâm có chủ trương riêng, không a dua với đời” (Đào Duy Anh)…
Mặt khác, khi đọc lên theo cách đọc của “những người muôn năm cũ” (Gọi Hán Việt là không đúng, chẳng có âm Hán Việt nào cả, thậm chí không có thứ chữ nào gọi là “chữ Hán” cả) mà không cần hoặc không biết mặt chữ thì nôm na hiểu: Cả Vua lẫn quan chẳng ra gì, tắc cổ hết cả, tức là “câm như hến” luôn; dân thì (muốn) đái vào hàm quan vậy. Thượng thối tai hay bị ung thư tai rồi, bọn quan lại bên dưới cũng thế; những kẻ sĩ có tâm lo cho dân nước cứ muốn ỷ hay ỵ vào đầu bọn quan lại…
Cách viết lách như thế này, các cụ đồ xưa gọi là phép “tá đối”, tức là mượn chữ ấy đấy nhưng gửi vào đó ý khác xa với nghĩa của từ nguyên vốn có.
Thuở ấy chưa từng có ai quản lý tư tưởng của dân, chưa có mạng Internet, chưa có cơ quan an ninh chuyên trách về tư tưởng, nên không thấy sách vở nào nói những người làm ra câu đối này bị xử lý hay bị ghép vào tội thù địch, nói xấu Vua quan, chế độ, tức là phạm tội “khi quân”, phản nghịch.
2/ Theo ông Lê Hoài Việt (Tủ sách Việt Nam Cổ học tinh hoa), vào thời Minh Mệnh, tại Trường Thi (Nghệ An) xảy ra một sự cố bất thường. Đúng hôm xướng danh vào trường thi, sau nhiều lần loa gọi tên mà chỉ lác đác vài thí sinh vào, còn lại số rất đông cứ đứng ngoài cổng trường thi. Thấy vậy, Quan Chánh chủ khảo sai các thuộc lại đi xem có chuyện gì. Một lát sau họ vào bẩm với Quan lớn rằng, các thí sinh đang bàn tán, họ có nhiều người đã 50, 60 tuổi; có người đã đậu 2, 3 khóa Tú tài. Nay Triều đình lại cử về một quan Chánh Chủ khảo quá trẻ, mới độ 30 tuổi thì làm sao biết được cái văn hay ý đẹp của chúng ta mà chấm? Để khóa sau thi vậy.
Quan Chánh chủ khảo liền cho loa truyền hoãn ngày thi sang sáng hôm sau và bảo nha lại đem đến 2 giải lụa trắng, dùng bút viết đại tự, viết một đôi câu đối rồi sai đem treo ở cổng trường thi. Câu đối như sau:
“Bút nhận nhược đao, đả phá sơn đầu minh thổ thạch
Tâm huyền tự kính, chiếu cùng thủy để kiến ngư long”
(Bút mạnh hơn đao, phá tan đỉnh núi sẽ phân rõ được đất hoặc đá. Tâm sáng như gương, soi thấu đáy bể để thấy được đâu là cá, đâu là rồng).
Đôi câu đối không chỉ ý rất cao sâu mà chữ lại rất đẹp.
Chỉ đơn giản như thế thôi, các sĩ tử tụ tập xem và bình rất nhiệt thành. Sáng hôm sau, loa vừa gọi, các thí sinh không ai bảo ai đã nhanh chóng vào trường thi rất nghiêm túc. Một cái tâm thánh thiện, một trí tuệ uyên thâm được thể hiện qua đôi câu đối như thế mà đã lay động trái tim khối óc của hàng ngàn thí sinh cũng là những người có học; đã xóa tan mối nghi ngờ của các Nho sinh, quy phục họ bằng tầm vóc của một ông quan Chánh chủ khảo.
Đương nhiên, trường thi xưa cũng có lính lệ để giữ trật tự nhưng một vị đại Nho như quan Chánh chủ khảo này không cần dùng đến biện pháp hành chính, chắc chắn ông rất thuộc triết lý trong sách Luận Ngữ: “Thánh nhân bất đắc dĩ dụng quyền”. Họ dùng Trí, Đức, lòng khoan dung độ lượng để thu phục nhân tâm. Đa phần các quan khi xưa là thế. Giả sử chuyện này xảy ra ở thế kỷ này thì chắc phải dùng công an tìm cho ra kẻ cầm đầu, kẻ xúi dục nổi loạn… và “xử lý nghiêm”, phải không các cụ?
3/ Vào những năm 1976-1977, lúc tôi công tác ở Tiền Giang, đã được nghe nhiều giai thoại về bà Sương Nguyệt Anh (1864-1922), tên thật là Nguyễn Thị Khuê, con thứ 4 của cụ Đồ Chiểu. Là người được ba dạy dỗ cẩn thận nên bà thuộc những người phụ nữa hiếm hoi ở Nam Bộ thời đó, học rộng, biết nhiều. (Tôi cũng không rõ vì sao có nhiều tài liệu lại ghi sai tên bà là Sương Nguyệt Ánh).
Lúc bà khoảng 18, 19 tuổi, có một ông Cử ở Mỹ Tho nghe tiếng bà liền nhờ người mai mối, sang Bến Tre thưa chuyện với cụ Đồ Chiểu xin được cưới cô Năm làm vợ. Chúng ta biết cụ Nguyễn Đình Chiểu bị mù nên những chuyện này, cụ để cho con gái quyết. Khi nghe chuyện, cụ gọi con gái đưa trầu nước mời khách mà thực ra là để khách “xem mặt” và cũng để con gái bày tỏ ý mình.
Tuy không được tiếp khách cùng ba, nhưng chắc bà Nguyệt Anh đã ngồi trong buồng mà vách ngăn chắc chỉ là lá dừa nước đã nghe hết chuyện, nhìn rõ người rồi nên khi cô Năm Hạnh (tên thường gọi bà Nguyệt Anh) bưng khay nước ra thì trên khay nước đã để sẵn một tờ giấy, trên đó viết một dòng chữ như là một vế đối: “Đình làng em, em không dám phạm. Thưa ông, em phạm đình chi?”.
Thì ra ông cử đang đến dạm hỏi cô Năm tên là Phạm Đình Chi mà chắc chắn cô Năm đã biết ít nhiều. Đặt trong ngữ cảnh này, phạm đình chi mang 2 nghĩa. Rất lễ độ, rất cao thâm đưa ra một lời từ chối khéo như thế thì ông cử đành cáo lui và không bao giờ đến nữa. Tất nhiên, sau này bà Nguyệt Anh cũng lấy chồng, có 1 con gái.
Những người có chữ xưa thường thấy họ ứng xử với nhau nhẹ nhàng nhưng cũng “thâm nho” như thế. Nếu nói “lạc hậu hay hủ Nho” thì tùy, nhưng ước gì, bây giờ giới có học ứng xử với nhau “phi bạo lực” được như thế.
Sau khi chồng mất, bà thêm vào bút danh của mình chữ “Sương” thành Sương Nguyệt Anh (Nguyệt Anh mất chồng). Bà là nhà thơ, nhà báo, là chủ bút nữ đầu tiên với tờ báo “Nữ giới chung” – Tiếng chuông của giới nữ và một cô giáo dạy chữ Nho và chữ Quốc ngữ. Cũng không rõ vì di truyền hay như thế nào đó mà bà cũng bị mù lúc ngoài 40 tuổi và mất năm 1922, lúc mới 58 tuổi.
Và xin phép dừng ở đây, chờ những điều vui vẻ đến sẽ bàn thêm cùng các cụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.