Chắc nó trừ mình ra?
22-1-2021
Mỗi chúng ta đều cần đi làm, đi chơi, sex, ăn mặc,… Đó là những nhu cầu cơ bản cần được tôn trọng. Trong đó, nhu cầu thở tồn tại song song với tất cả các nhu cầu khác và nghỉ thở thì chấm dứt hết mọi nhu cầu. Đại loại, đi chầu ông bà!
Lần đầu tiên tại Việt Nam, ô nhiễm không khí đã lên đến mức 500-mức kịch kim cao nhất của sự nguy hại mà ô nhiễm không khí mang lại. Sự việc xảy ra tại Hải Dương. Không cần đoán tôi cũng biết xung quanh cũng có nhiều điểm báo động nâu và mở app ra thì thấy Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang,… đều có báo động nâu, tím, đỏ. Nghĩa là tất cả đều đang sống trong phơi nhiễm độc tố bụi mịn mức nguy hại. Miền Bắc và Bắc Miền Trung như nhau.
Tp.HCM và cả Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ “khá hơn một chút” với không khí đỏ và cam.
Ngoài các bệnh tật khoa học đã nêu thì các nguy cơ về thai nhi chết lưu trong bụng mẹ, thai nhi biến dị hoặc các hội chứng trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển trí não cũng có liên quan đến bụi mịn. Khoa học đã tìm thấy bụi mịn trong nước ối của sản phụ mang thai. Những điều đó không đáng suy nghĩ sao?
Một cô gái sống tại Phú Yên ít ô nhiễm cưới một chàng trai Hà Nội mịt mù bụi PM2.5 thì không gặp các nguy cơ ư? Về nguyên lý là có nhưng Việt Nam lại không đủ máy móc để chứng minh rằng “hai hòn bi” chàng trai đã biến dị khi sống trong ô nhiễm. Chúng ta có thể sống hạnh phúc với nguy cơ bệnh tật của chính mình và con cái mình không?
Chúng ta chắc chắn không thể trông cậy vào một ông bộ trưởng luôn miệng “tốt lắm!” nhưng thực tế ô nhiễm luôn “tăng trưởng”. Nói thẳng, một công dân như tôi rất coi thường thứ chính trị gia bóng mượt đầu tóc, sang trọng áo quần nhưng tệ hại chính sách, xảo ngữ phát ngôn. Nhưng tôi không bầu người tôi tin tưởng được bởi bầu cán bộ đã có đảng cử. Tôi càng không có quyền bắt bộ trưởng từ chức vì ở nước mình, cái gì cũng cần đúng quy trình. Đúng quy trình của một quy trình chưa đúng lại rất ít ai nghĩ bàn.
Không lẽ đám đông luôn nghĩ “chắc nó trừ mình ra”?
Những kẻ thờ ơ nhất với vận mệnh quốc gia thường sẽ yên ổn kiểu “chắc nó chừa mình ra”. Nhưng chỉ là chừa ra không bị bọn giả người tấn công là “đồ phản động” chẳng hạn. Nhưng trong một quốc gia ô nhiễm thì ô nhiễm không “trừ” ai cả mà nó trừ thẳng vào nền kinh tế, trừ trực tiếp vào sinh mệnh nhân dân.
Ai rồi cũng phải chết. Chỉ là chết như một con người hay na ná con người, đội lốt con người. Đó mới là vấn đề của mỗi cá nhân, mỗi xã hội và thậm chí là cả loài người.
Một trí giả Hà thành khi vào Sài Gòn ngồi hàn huyên bên bờ kè Nhiêu Lộc đã tổng kết rất ngắn khi tôi nói về khả năng bệnh tật vì ô nhiễm sẽ tăng các cái chết ở Việt Nam: “Không phải bệnh tật gây ra cái chết em nhé. Ngu thì chết chứ bệnh tật gì?” Tai nạn giao thông chỉ hơn 8.000 người chết mỗi năm, ô nhiễm không khí hơn 60.000 người chết mỗi năm. Tim mạch và đột quỵ hơn 100.000 người chết mỗi năm và ung thư là khoảng 195.000 người chết mỗi năm. Khoa học đã chứng minh các bệnh về tim mạch, đột quỵ và ung thư có liên quan mật thiết đến ô nhiễm.
Ở đất nước này, không ai có tư cách nói câu “chắc nó trừ mình ra” trước thực trạng ô nhiễm.
Không có bất cứ ai!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.