Bản tin ngày 22-1-2021
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Vụ Nhật Bản gửi công hàm lên LHQ, phản đối yêu sách Biển Đông của TQ, báo Thanh Niên có bài: Nhật Bản chung tay đáp trả Trung Quốc ở Biển Đông. PGS Stephen Robert Nagy, ĐH Cơ Đốc giáo quốc tế tại Nhật Bản, đánh giá, hành động này của Nhật Bản “nằm trong nỗ lực nhằm đảm bảo rằng 2 vùng biển liền kề nhau là Biển Đông và biển Hoa Đông không nằm dưới kiểm soát ngày càng hung hăng của Trung Quốc”.
Ông Carl O.Schuster, cựu GĐ bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ, phân tích: “Tokyo có động thái trên vì lo ngại các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, vì vùng biển này có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản, cũng như tổng thể an ninh của khu vực châu Á”.
Báo Người Lao Động viết về ước vọng của những người VN trăn trở với chủ quyền lãnh hải: Hoàng Sa sẽ về với đất mẹ. Lịch sử cho thấy chủ quyền của người Việt đối với Hoàng Sa, Trường Sa: “Các nguồn tư liệu thành văn và bản đồ về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hết sức phong phú, đa dạng”. Nhưng lãnh đạo CSVN vẫn xem nhà cầm quyền Bắc Kinh là “bạn vàng” thì người dân VN chớ có mơ lấy lại Hoàng Sa.
Mời đọc thêm: Chai bia mang tên biển đảo nhằm nhắc đừng quên lịch sử chủ quyền(RFA). – Biển Đông: Cuộc chiến công hàm tiếp diễn, Tokyo nhập cuộc tố cáo Bắc Kinh(RFI). – Nhật gửi công hàm phản đối Trung Quốc ở Biển Đông (VNE). – Có gì trong thư chúc mừng của ông Duterte gửi ông Biden?(PLTP). – Ấn Độ chuẩn bị tập trận quy mô lớn ở cửa ngõ Đông Nam Á (TG&VN).
Tin chính trường
RFA viết về Đại hội 13: Nói và Làm. Bài viết nhắc lại Chỉ thị số 51-CT/TW do ông Nguyễn Phú Trọng ban hành hồi tháng 1/2016, trong đó quy định rõ: “Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ”. Ông Trọng không nhìn thấy, dường như người đang có đầy đủ các biểu hiện tham vọng quyền lực, bảo thủ, cũng là người có nhiều khả năng sẽ nắm chức Tổng Bí thư tới nhiệm kỳ thứ 3.
Trong buổi họp báo cung cấp thông tin về Đại hội 13 ở Hà Nội chiều nay, Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ Mai Văn Chính thông báo, Trung ương đã xem xét thận trọng, thống nhất cao về nhân sự trình Đại hội XIII, VOV đưa tin. Ông Chính nói, “công tác chuẩn bị nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất cao”.
Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng cũng góp lời, “công tác nhân sự được chuẩn bị bài bản, cẩn trọng, chặt chẽ, khoa học, dân chủ; làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó và đạt sự thống nhất cao trong Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”.
Thông tin về vụ “thống nhất cao” thật ra đã xuất hiện trên báo “lề đảng” như Thanh Niên, Lao Động, VnExpress… trong mấy bài phỏng vấn Phó ban Tổ chức TƯ Nguyễn Thanh Bình ngày hôm qua, nhưng không biết do “ai đó” tác động mà tựa bài trên báo Thanh Niên, Lao Động đã bị đổi, không còn cụm từ “thống nhất cao” nữa.
Cho nên, hôm nay, 2 ông Mai Văn Chính, Võ Văn Thưởng phải lặp lại thông tin này trong buổi họp báo. Họp báo dĩ nhiên có sức nặng hơn so với vụ phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Bình, nên ít bị “tác động” hơn. Dường như “ông già 2 ghế” vẫn còn lo sợ, các Ủy viên Trung ương sẽ “lật”, không bỏ phiếu cho ông?
Cũng trong buổi họp báo, ông Mai Văn Chính thông báo, Đại hội XIII sẽ xem xét, quyết định trường hợp ‘đặc biệt’ tái ứng cử, theo Thông Tấn Xã VN. Ông Chính nói, danh sách đề cử đã giới thiệu một số Uỷ viên TƯ khóa 12 thuộc trường hợp “đặc biệt”, tái cử khóa 13 và một số nhân sự lần đầu thuộc trường hợp “đặc biệt” tham gia Ủy viên TƯ chính thức. Đại hội 13 sẽ xem xét, quyết định các trường hợp “đặc biệt” tái cử.
Dư luận vẫn băn khoăn, nếu ông Trọng làm tiếp Tổng Bí thư thì tính sao với điều lệ: Không ai làm Tổng Bí thư quá 2 nhiệm kỳ, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Mai Văn Chính: Sửa Điều lệ Đảng hay không do Đại hội quyết định. Ông Chính nói, “Đại hội là cơ quan cao nhất của Đảng, do vậy việc có sửa đổi Điều lệ Đảng hay không sẽ do Đại hội Đảng XIII quyết định”.
VTC đưa tin: Đại biểu dự Đại hội XIII không ăn, nghỉ ở bên ngoài hoặc nhà riêng. Trong buổi họp báo, Phó Chánh Văn phòng TƯ Đảng Nguyễn Đắc Vinh cho biết, các đại biểu tham dự Đại hội và khách mời được bố trí ăn, nghỉ tại các khách sạn, nhà khách gần địa điểm tổ chức Đại hội, là Trung tâm Hội nghị Quốc gia, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đại biểu không ăn, nghỉ ở bên ngoài hoặc tại nhà riêng, trừ một số trường hợp có quy định riêng.
Mời đọc thêm: Thấy gì từ cơ cấu độ tuổi các đại biểu dự Đại hội XIII? (PLTP). – Công an Hà Nội huy động 100% quân số bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ XIII (TT). – Trung tâm Hội nghị Quốc gia sẵn sàng cho Đại hội Đảng(TP). – Khai trương Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng (VOV). – Hơn 200 cơ quan báo chí trực tiếp đưa tin Đại hội XIII của Đảng (TTXVN). – Quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, thách thức chính đối với ban lãnh đạo mới của Việt Nam (RFI).
Tin nhân quyền
RFI đưa tin: Nghị Viện Châu Âu kêu gọi Việt Nam thả 3 nhà hoạt động nhân quyền. Ngày 21/1, Nghị Viện Châu Âu thông qua các nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Hồng Kông, Thổ Nhĩ Kỳ và VN. Đối với VN, nghị quyết của Nghị Viện Châu Âu kêu gọi Hà Nội trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho 3 nhà báo độc lập là Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.
RFA cho biết: Đăng tải Nghị quyết đòi thả 3 nhà báo bị giam, trang “EU in Vietnam” bị DLV vào chỉ trích. Nghị quyết nói trên đã được dịch ra tiếng Việt và đăng trên trang Facebook có dấu tích xanh của “European Union in Vietnam” hôm nay. Bài viết này đã bị rất nhiều tài khoản dư luận viên vào bình luận xúc phạm: “Các tài khoản này có điểm chung là bình luận tục tĩu, đưa các ảnh có cờ đỏ sao vàng hay ảnh chibi làm ảnh đại diện, ít bạn, không có bài đăng trên dòng thời gian hoặc thường xuyên chia sẻ các bài từ các trang ủng hộ chính phủ”.
Đây là bài viết dẫn lại nghị quyết của Nghị viện châu Âu, thời điểm 8h30’ tối nay, hơn 9 tiếng sau khi đăng, bài viết đã có 207 lượt bình luận và 51 lượt chia sẻ. Phần lớn bình luận thể hiện thái độ thiếu giáo dục, sẵn sàng thách thức chuẩn mực nhân quyền quốc tế của các dư luận viên.
VOA có bài: Các tổ chức quốc tế lên tiếng về nhân quyền Việt Nam trước Đại hội Đảng XIII. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng: “Cuộc đàn áp của chính quyền đối với những người bất đồng chính kiến không ngừng diễn ra trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc vào ngày 25/1”.
Ông John Sifton, Giám đốc châu Á của HRW cho biết: “Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ đại hội đảng của mình trong khi bắt giam người dân chỉ vì họ đăng tải quan điểm và ý kiến trên Facebook, điều mà hàng triệu người trên toàn thế giới làm mỗi ngày”.
Lại thêm người bị bắt do liên quan đến “chú phỉnh” Đào Minh Quân: Việt Nam bắt Trần Hữu Đức do ‘tham gia’ Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, theo VOA. Ông Trần Hữu Đức, một người dân tỉnh Nghệ An đã bị công an tỉnh bắt, với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, do ông Đức tham gia “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, một tổ chức bị Hà Nội quy là “khủng bố”. Cho đến nay, đã có ít nhất 28 người bị chính quyền VN bắt giam vì liên quan đến “chú phỉnh” họ Đào.
Càng gần đến Đại hội 13, hoạt động đàn áp nhân quyền, bịt miệng dân càng diễn ra nhiều hơn. VnExpress dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 35.000 tin, bài xấu độc bị xử lý. Chiều nay, Bộ trưởng 4T khoe khoang: “So với 5 năm trước – lúc chuẩn bị Đại hội XII (2016), thì việc xử lý những thông tin xấu độc trên không gian mạng đã tốt hơn”. Nhưng vẫn chưa có tác động đáng kể, vì các trang tin “lề trái”, “lề dân” vẫn có tin, bài thường xuyên dự đoán diễn biến Đại hội 13 và cập nhật các vụ vi phạm nhân quyền.
Mời đọc thêm: Xử lý tin giả hay ‘bịt miệng’ đối lập? (RFA). Báo “lề đảng”: Công an bắt giữ 1 người tham gia tổ chức khủng bố, phản động (PLTP). – Nghệ An: Bắt giữ đối tượng có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (NA). – Xử lý khoảng 35.000 tin bài xấu, độc, sai sự thật trên mạng xã hội và internet (LĐ). – Tiết lộ bất ngờ của Navalny về cung điện hoành tráng của Putin đại đế (RFI). – Chủ tịch Hội đồng Châu Âu gọi điện cho Putin đòi trả tự do cho Navalny (VOA). – Cảnh sát Nga sẽ « đàn áp » mọi hoạt động ủng hộ nhà đối lập Navalny(RFI).
Hoãn phiên tòa xử ông Đinh La Thăng
Báo Tiền Phong đưa tin: Sáng nay, ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh tiếp tục ra tòa trong vụ Ethanol Phú Thọ. TAND TP Hà Nội bắt đầu phiên sơ thẩm, vụ án thất thoát tài sản tại PVB và PVC. Trong vụ này, bị cáo Thanh đã xin cho PVC được nhận thầu theo hình thức chỉ định. Bị cáo Thăng đã đáp ứng và tác động để liên danh của PVC được chỉ định thầu trái pháp luật. PVC được thi công dự án, nhưng đến năm 2013 phải dừng lại vì không đủ năng lực, gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng.
Trước phiên tòa này, ông Thăng đã ra tòa 4 lần, với 2 phiên tòa sơ thẩm và một phiên tòa phúc thẩm về các sai phạm ở PVN, PVC vào năm 2018. Phiên tòa thứ 4 xử vụ sai phạm ở dự án cao tốc TP HCM – Trung Lương, xảy ra thời ông Thăng làm Bộ trưởng Bộ GTVT, kết thúc hồi cuối tháng 12/2020. Còn ông Thanh đã bị tuyên phạt tù chung thân trong 2 vụ án, về tội “Tham ô tài sản” trước đó.
VOV có đồ họa: Ông Đinh La Thăng tiếp tục ra tòa sau khi lĩnh 30 năm tù.
Phiên tòa diễn ra chưa được nửa buổi thì HĐXX quyết định hoãn phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh vụ Ethanol Phú Thọ, theo VOV. Trong phần thủ tục, LS của bị cáo Trần Thị Bình, cựu Phó TGĐ PVN cho biết: “Bị cáo Trần Thị Bình hiện đang bị bệnh và có đơn xin vắng mặt. Chiều qua (21/1), tôi mới nhận được thông báo và kết quả siêu âm của bị cáo. Hiện bị cáo đang trong bệnh viện điều trị. Để đảm bảo quyền được trình bày của bị cáo, xin HĐXX cho hoãn phiên tòa”.
Phiên tòa còn có sự vắng mặt LS bào chữa cho các bị cáo Hoàng Đình Tâm, cựu Kế toán trưởng PVB; Lê Thanh Thái, cựu Trưởng Phòng Kinh doanh PVB và một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, gồm ông Trịnh Xuân Giới, cha ruột Trịnh Xuân Thanh. Đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị HĐXX cho hoãn phiên tòa và được chấp thuận, thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.
Còn nhớ, chỉ mới 4 ngày trước, phiên tòa xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã phải hoãn đến lần thứ 2, còn lần hoãn thứ nhất diễn ra cách đây hơn 2 tuần. Đến hôm nay thì cả vụ xử sai phạm dự án Ethanol Phú Thọ cũng phải hoãn. Cả 3 vụ hoãn phiên tòa xử sai phạm có bóng dáng cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều với lý do vắng mặt một số bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Vụ xử ông Hoàng bị hoãn thì còn có thể lấy lý do là chưa rõ bà Hồ Thị Kim Thoa đã về nước thật hay chưa. Còn vụ ông Thăng thì, tất cả các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều ở trong nước, không khó để triệu họ đến phiên tòa. Các vụ hoãn xử đều diễn ra vào thời điểm Đại hội 13 cận kề, liệu có sự trùng hợp hay có “ai đó” tác động ở đằng sau?
Mời đọc thêm: Cảnh sát dẫn giải ông Đinh La Thăng đến tòa (Zing). – Ông Đinh La Thăng đeo khẩu trang, đến tòa bằng xe đặc chủng(NLĐ). – Ông Đinh La Thăng dừng lại chào mọi người khi tới tòa (ĐV). – Hôm nay, ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 10 người khác hầu tòa (PLVN). – Bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm hầu tòa tại Hà Nội (VOV).
– Quang cảnh phiên xét xử vụ án xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ (TTXVN). – Hoãn phiên tòa ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trong vụ án Ethanol Phú Thọ (SGGP). – Lý do gì hoãn xử ông Đinh La Thăng trong đại án Ethanol Phú Thọ? (GDTĐ). – Xét xử vụ Ethanol Phú Thọ: Hoãn phiên tòa do vắng mặt bị cáo và nhiều người tham gia tố tụng (Tin Tức).
Sai phạm ở Tiền Giang
Công an TP Mỹ Tho bắt và khởi tố Chánh văn phòng Sở Y tế Tiền Giang nhận hối lộ, báo Thanh Niên đưa tin. Ông Nguyễn Văn Nguyện bị bắt tạm giam để điều tra về tội “nhận hối lộ”. Theo hồ sơ của công an, tháng 2/2010, ông Nguyện giữ chức Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang. Nhiều bác sĩ được đề án đào tạo bác sĩ theo địa chỉ do UBND tỉnh cấp kinh phí, người tham gia đề án phải về tỉnh Tiền Giang làm việc khi hoàn thành khóa học.
Có một số người không muốn bị ép về tỉnh này làm việc, nên xin bồi thường kinh phí đào tạo. Ông Nguyện tiếp nhận đơn và gợi ý để những người nộp hồ sơ đưa hối lộ để ông Nguyện đáp ứng mong muốn của họ. Hai tháng trước, có một số đơn tố cáo ông Nguyện được gửi đến công an TP Mỹ Tho.
Mời đọc thêm: Chánh văn phòng Sở Y tế Tiền Giang bị bắt khẩn do vòi tiền nhân viên xin nghỉ việc (RFA). – NÓNG: Bắt khẩn cấp Chánh Văn phòng Sở Y tế Tiền Giang (NLĐ). – Bắt tạm giam Chánh Văn phòng Sở Y tế Tiền Giang (LĐ).
***
Thêm một số tin: Viện kiểm sát đề nghị rút hồ sơ vụ án lừa “chạy chức” vụ phó hơn 27 tỷ đồng do “có thiếu sót” (RFA). – Quan hệ Mỹ – Việt thế nào sau khi ông Biden trở thành Tổng thống? (BBC). – Mỹ ghi nhận ngày có số ca tử vong cao nhất từ trước đến nay (TTXVN). – Nga hoan nghênh Mỹ đề xuất triển hạn Hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân (RFI). – Mỹ : TT Biden huy động tối đa nguồn lực để chống dịch Covid-19 (RFI).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.