Sự lạc quan của Hồ Duy Hải và tương lai nền tư pháp
16-11-2020
Bị án Hồ Duy Hải trong kỳ án Bưu cục Cầu Voi đang phải mang một “thân phận pháp lý” khá… kỳ lạ.
Về mặt luật pháp, Hồ Duy Hải vẫn là một tử tội bởi đang chịu phán quyết “tử hình” của đầy đủ 3 cấp tòa: Sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm.
Tuy vậy, hơn 12 năm qua, hữu trách tỉnh Long An chưa thể thi thành án tử với Hồ Duy Hải, vì các lý do: Luật sư và gia đình bị án kêu oan; Chủ tịch nước yêu cầu hoãn thi hành án tử để làm sáng tỏ; VKSND Tối cao ra kháng nghị chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong cả điều tra, truy tố, xét xử; Quốc hội có báo cáo về những sai phạm có nguy cơ gây oan sai cho bị án;…
Và hàng loạt, hàng loạt những bất cập, mâu thuẫn, khoảng tối trong hồ sơ vụ án khiến người học và nghiên cứu luật, cả cộng đồng lo sợ về khả năng làm oan người vô tội mang tính hệ thống. Trong khi đó, xin nhắc lại rằng bị án bị kết tội chết hoàn toàn căn cứ vào lời khai. Bị án hoàn toàn không có bất cứ dấu tay, mẫu máu, tóc, dịch,… nào ở hiện trường án mạng. Các nội dung kêu oan, các bản khai, tài liệu có lợi cho bị án (chứng minh ngoại phạm) lại bị bỏ ra khỏi hồ sơ…
Thế nên, chưa cá nhân/đơn vị nào nỡ ký quyết định thi hành án tử với Hồ Duy Hải, bất kể việc bản án tử đã có hiệu lực thi hành.
Tháng 10 vừa qua, Hồ Duy Hải bất ngờ suy sụp tinh thần, tóc bạc và cơ thể gầy yếu sau gần 13 năm trong tử ngục. Gia đình, các luật sư và cộng đồng lo lắng Hồ Duy Hải sẽ chết trong tù.
Nhưng tới lần thăm nuôi gần nhất, ngày 15/11/2020, theo gia đình Hồ Duy Hải, con/anh họ đã tươi tắn hơn, lạc quan hơn, nắm bắt các diễn tiến vụ án ở bên ngoài và gửi lời cảm ơn tới mọi người.
Có ý kiến cho rằng, chỉ cần Hồ Duy Hải khỏe mạnh, lạc quan, kiên cường yêu sống, thì bị án có hi vọng được minh oan.
Thêm nữa, đó còn là hi vọng cho tất cả chúng ta về một nền tư pháp nhân văn, tiến bộ, bảo vệ được quyền thiêng liêng nhất của con người: Quyền được sống!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.