Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

Tối cao Pháp viện và bầu cử 2020

 

Tối cao Pháp viện và bầu cử 2020

Đinh Từ Thức

16-11-2020

Ngay từ tháng 9 năm 2020, chỉ năm ngày sau khi Thẩm phán Tối Cao Ruth Ginsburg qua đời, Trump đã nói trắng ra việc cần tới bàn tay Tối Cao Pháp Viện (TCPV) để phân xử kết quả bầu cử 2020. Ông viết trên Twitter ngày 23-9-2020: “Tôi nghĩ chuyện này (bầu cử) cuối cùng sẽ lên tới TCPV. Và tôi nghĩ về điều rất quan trọng là chúng ta có chín thẩm phán” (“I think this will end up in the Supreme Court. And I think it’s very important that we have nine justices”). Và như mọi người đã biết, với sự tận tình giúp đỡ của Nghị sĩ McConnell, trưởng khối đa số Cộng Hoà Thượng Viện, chỉ trong một tháng, Trump đã đưa được Thẩm phán Amy Coney Barrett vào TCPV.

Sau khi có được thành phần đa số (6/3) các Thẩm phán Tối Cao (TPTC) do Cộng Hoà đề cử, ý tưởng đầu tiên của Trump khi thấy mình không nắm phần thắng sau ngày bầu cử, là cầu cứu TCPV. Giống người đi biển trước khi khởi hành đã thủ sẵn phao, khi bắt đầu thấy nguy, ý nghĩ đầu tiên là phao cứu nạn.

Vào 2:30 sáng Thứ Tư 4-11, tại Đông Phòng (East Room) ở Bạch Ốc, Trump đòi huỷ bỏ (dismissed) kết quả bầu cử vì gian lận (fraud), và nói ông muốn ngừng kiểm phiếu, để TCPV quyết định kết quả. Ông còn nói tiếp, nếu chỉ đếm phiếu hợp lệ, ông đã thắng rồi, trong khi vẫn đếm phiếu không hợp lệ, là để ăn cướp cuộc bầu cử.

Cho đến trưa Thứ Bảy, 7-11, tuy cuộc kiểm phiếu vẫn còn đang tiếp diễn, các cơ quan truyền thông lớn, kể cả Fox News vốn là cái loa của Trump, đã có đủ dữ kiện, cùng loan tin Biden-Harris đắc cử, Trump vẫn không chịu thua, nói bầu cử chưa hoàn tất, và sẽ nhờ Toà Án phân xử. Liệu TCPV sẽ trao cho Trump nhiệm kỳ 2, như tính toán của ông?

Trước khi bàn về thắc mắc trên, cũng nên nhìn lại vai trò TCPV trong mấy cuộc bầu cử với kết quả tranh cãi trong quá khứ. Chưa kể cuộc bầu cử 2020, cho đến nay, đã từng có bốn cuộc bầu cử rắc rối, xảy ra trong các năm: 1876, 1888, 1960, và 2000. Tất cả các tranh cãi và tai tiếng về kết qủa các cuộc bầu cử này, đều liên hệ tới thắng và thua của các ứng cử viên thuộc hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà.

Hiện nay, theo quan điểm đa số, Cộng Hoà chủ trương bảo vệ các giá trị truyền thống, bảo vệ quyền lợi của người giầu, da trắng, kỳ thị mầu da…, trong khi Dân Chủ sống chết với người da đen, tranh đấu cho quyền lợi của giới nghèo, chạy theo cái mới… Thật ra, đã có một thời, chủ trương của hai chính đảng Mỹ hoàn toàn trái ngược; Cộng Hoà, khởi đầu từ Lincoln, chủ trương giải phóng nô lệ, cho người da mầu được hưởng nhiều quyền lợi như bầu cử, bình đẳng, và hoà nhập với người da trắng. Trong khi ấy, Dân Chủ bào vệ quyền lợi của người da trắng, như giới chủ xí nghiệp tại mấy tiểu bang ở miền Bắc, những người không tích cực ủng hộ cuộc nội chiến, và chủ đồn điền, nguyên chủ nô lệ ở các tiểu bang miền Nam. Đảng Dân Chủ khá mạnh ở miền Nam, thường tìm đủ cách để đe doạ, gây khó dễ cho thành phần da đen mới được giải phóng sau nội chiến.

Cuộc bầu cử 7-11-1876:

– Ứng cử viên Cộng Hoà: Thống Đốc Ohio, Rutherford Hayes.

– Ứng cử viên Dân Chủ: Thống Đốc New York, Samuel Tilden.

– Cần tối thiểu 185 phiếu cử tri đoàn để thắng.

– Kết quả: Hayes thắng, tuy được ít phiếu hơn Tilden.

Sau lần kiểm phiếu đầu tiên, Tilden được 184 phiếu cử tri đoàn, chỉ còn thiếu một phiếu để đắc cử. Hayes được 165 phiếu, thiếu tới 20 phiếu. 19 trong số phiếu còn lại này thuộc về 3 tiểu bang miền Nam: Florida 4 phiếu, Louisiana 8, South Carolina 7. Một phiếu thuộc về tiểu bang Oregon phía Tây Bắc. Phiếu này lúc đầu trong tay một đại cử tri Dân Chủ, nhưng vì không hợp lệ, sau về tay  Cộng Hoà, được trao cho Hayes.

Ngoài tin đồn cử tri Cộng Hoà bị các băng đảng phía Dân Chủ đe doạ, cản trở thành phần cử tri mới được giải phóng đi bầu, còn có những bằng chứng hiển nhiên, như số phiếu được kiểm ở South Carolina cao hơn tổng số cử tri 1%. Hoặc vào thời ấy, vì tỉ lệ người biết chữ còn thấp, trên phiếu bầu, ngoài tên ứng cử viên, còn kèm theo dấu hiệu, hình ảnh, để cử tri dễ nhận. Có nơi, phiếu của Dân Chủ đã in hình Abraham Lincoln, là biểu hiệu của Cộng Hoà, khiến nhiều cử tri bầu lầm. Các uỷ ban bầu cử tại ba tiểu bang Florida, Louisiana, và South Carolina, gồm thành phần đa số Cộng Hoà, đã loại nhiều phiếu bầu cho Dân Chủ, với lý do không hợp lệ, rồi trao tất cả phiếu còn lại cho Hayes, để Hayes đủ phiếu đắc cử.

Dân Chủ phản đối bầu cử gian lận. Người ủng hộ hai đảng xuống đường, một bên ăn mừng, một bên chống đối. Bạo động, đe doạ, đạn bắn vào nhà Hayes. Tổng Thống Grant sắp mãn nhiệm ra lệnh tăng cường quân đội bố trí quanh Washington D.C.

Nội vụ được đem ra giải quyết tại Quốc Hội, cũng vẫn bế tắc, vì Dân Chủ có đa số tại Hạ Viện, trong khi đa số Thượng Viện là Cộng Hoà. Không thể có đồng thuận cho một quyết định chung. Cuối cùng, để tránh một khủng hoảng Hiến Pháp chưa có tiền lệ, Quốc Hội đã thông qua một đạo luật vào ngày 27 tháng 1 năm 1877, thành lập Uỷ Ban Bầu Cử (Electoral Commission), gồm 15 người: Hạ Viện chọn 5 người, 3 Dân Chủ, 2 Cộng Hoà; Thượng Viện chọn 5 người: 3 Cộng Hoà, 2 Dân Chủ; Tối Cao Pháp Viện cử 5 Thẩm phán: 2 người do Cộng Hoà đề cử, 2 người do Dân chủ đề cử; bốn người này chọn người thứ năm, độc lập.

Khởi đầu, bốn thẩm phán chọn một người nổi tiếng về tinh thần độc lập, không thiên Dân Chủ hay Cộng Hoà, là Thẩm phán David Davis. Ông này từng là người điều khiển ban vận động tranh cử (campaign manager) của Tổng Thống Lincoln trong cuộc bầu cử 1860. Hai năm sau khi đắc cử, Lincoln đề cử ông vào TCPV.

Thẩm phán Davis được coi là người có tư cách độc lập, vì tuy là bạn và được Tổng Thống Cộng Hoà Lincoln đề cử vào TCPV, nhưng ông đã chống lại chính quyền Cộng Hoà qua vụ án nổi tiếng Ex parte Milligan. Trong vụ này, Milligan là một luật sư Dân Chủ, cùng với hai đồng bạn, đã bị toà án quân sự tại Indianapolis tuyên án tử bằng cách treo cổ, vì tội âm mưu và tham gia hoạt động phản loạn, chống chính phủ.

Vụ án cuối cùng lên TCPV. Ngày 3 tháng 4 năm 1866, Thẩm phán Davis viết quan điểm đại diện đa số. Ông cho rằng, toà quân sự chỉ có thể xét xử thường dân tại những khu vực chiến tranh, nơi toà án dân sự không hoạt động. Tuy vụ xử xảy ra vào thời nội chiến chưa kết thúc, nhưng Indiana là nơi không có chiến tranh, bắt và xử người dân ở đây tại toà quân sự, trong khi toà dân sự vẫn hoạt động, là vi phạm nhân quyền, trái hiến pháp.

Vai trò của David Davis trong Uỷ Ban Bầu Cử rất quan trọng. Trong số 14 thành viên của Uỷ Ban, 7 người Cộng Hoà, 7 người Dân Chủ. Người thứ 15 là Davis, ông này nghiêng bên nào, bên ấy thắng. Tiểu bang gốc của Davis là Illinois, cả thống đốc và đa số trong nghị viện là Dân Chủ. Được biết Davis vốn thích làm nghị sĩ hơn thẩm phán tối cao, Chính quyền Illinois bèn đề cử ông làm nghị sĩ (thời bấy giờ, nghị sĩ do chinh quyền tiểu bang đề cử, mãi đến 1913 mới do dân bầu), với hy vọng Davis sẽ biết ơn bằng cách bỏ phiếu ở Uỷ Ban Bầu Cử theo chiều hướng có lợi cho Tilden; ông này chỉ cần thêm 1 phiếu cử tri đoàn để thắng.

Nhưng chính quyền Dân Chủ của Illinois đã tính lầm. Ngay sau khi được đề cử làm nghị sĩ, Davis đã từ chức TPTC, ra khỏi Uỷ Ban Bầu Cử. Các Thẩm phán còn lại đều là Cộng Hoà, người được chọn thay thế Davis là TPTC Joseph Bradley. Khi biểu quyết về số phiếu cử tri đoàn bị tranh cãi, Bradley đều bỏ phiếu cùng phe với các thành viên Cộng Hoà, cho Hayes tất cả 20 phiếu. Kết quả, Tilden vẫn thiếu 1 phiếu cử tri đoàn, tuy đạt mức 50.92% và hơn Hayes 252.666 phiếu đại chúng, thất cử. Hayes thiếu 20, được thêm đúng 20, vừa đủ để thắng.

Hayes được tuyên bố đắc cử. Uỷ Ban Bầu Cử ngừng họp ngày 2 tháng 3. Hôm sau, Thứ Bảy 3-3, Hayes tuyên thệ trong vòng riêng tư, và chính thức tuyên thệ nhậm chức ngày Thứ Hai, 5-3-1877, thành tổng thống thứ 19 của Hoa Kỳ (Thời đó, lễ tuyên thệ được định vào 4-3, vì trúng ngày Chủ Nhật, nên chính thức cử hành vào Thứ Hai. Mãi đến thời Franklin Roosevelt, mới đổi lại là ngày 20 tháng 1).

Nhiều phiếu hơn đối thủ mà bị thua, Tilden không tỏ vẻ cay cú, tuyên bố: “Tôi có thể rời công vụ về hưu với ý thức rằng sẽ được hậu thế nhìn nhận là người đã được bầu vào địa vị cao cả nhất như là phần thưởng của dân chúng, mà không phải gánh những lưu tâm hoặc trách nhiệm gì với chức vụ”.

Sau đó, mọi việc đều yên ổn. Sở dĩ được như vậy, vì Cộng Hoà và Dân chủ đã đạt cược một thoả thuận ngầm, được gọi là Compromise of 1877: Dân Chủ chịu cho Hays làm tổng thống, bù lại, Cộng Hoà phải rút hết quân đội còn đóng tại hai tiểu bang Louisiana, và South Carolina, có nghĩa là chấm dứt thời kỳ tái thiết (Reconstruction) được thi hành tại các tiểu bang ly khai trước nội chiến. Kế hoạch này đặc biệt lo cho thành phần da đen mới được giải phóng sau nội chiến, cho họ được hưởng nhiều nhân quyền thể hiện qua Tu Chính HP 14, như quyền bầu cử, quyền bình đẳng, quyền an ninh bản thân…

Qua thoả hiệp ngầm này, Cộng Hoà đã bỏ rơi da đen, thành phần đã được Lincoln giải phóng, và trả giá bằng chính mạng sống mình, để Dân Chủ mặc tình tái lập chế độ kỳ thị ở miền Nam, bạc đãi da mầu; tuy trên chính thức, chế độ nô lệ đã bị huỷ bỏ. Phải đợi gần một thế kỷ nữa, và sau nhiều tranh đấu vất vả, chính Dân Chủ đã cải thiện đời sống của người da đen bằng các đạo luật dân quyền thời Lyndon Johnson, vào thập niên 1960.

Các sự việc nêu trên đã chứng tỏ, cả Cộng Hoà và Dân chủ, đều có lúc này, lúc khác. Chỉ là sự thay đổi theo thời gian, chẳng có gì vĩnh viễn. Ngay cả mầu sắc biểu hiệu cho hai đảng cũng từng đảo ngược. Theo tài liệu về Uỷ Ban Bầu Cử trên Wiki Commons, thì bản đồ chỉ kết quả bầu cử năm 1876, xanh là Cộng Hoà, đỏ là Dân Chủ.

Bầu cử năm 2000, mầu sắc đổi ngược, đỏ Cộng Hoà, xanh Dân Chủ. Như thế, chẳng đảng nào là giặc, chẳng đảng nào là kể thù của nước Mỹ. Họ đều là người Mỹ, yêu nước Mỹ. Chỉ bất đồng quan điểm. Những ai chụp mũ kẻ bất đồng với mình là giặc, chính họ nối giáo cho giặc.

Bầu cử 1888 và “ngũ nhân bang”

– Ứng cử viên Cộng Hoà: Benjamin Harrison, cựu Nghị Sĩ từ Indiana.

– Ứng cử viên Dân chủ: Grover Cleveland, NY, tổng thống tái ứng cử.

– Kết quả: Harrison đắc cử, tuy ít phiếu đại chúng hơn đối thủ.

Cuộc bầu cử diễn ra ngày 6 tháng 11 năm 1888. Đương kim Tổng Thống Cleveland của đảng Dân Chủ, gốc New York, tái tranh cử, đương đầu với cựu Nghị Sĩ Harrison thuộc Cộng Hoà, từ Indiana; là cháu của Tổng Thống thứ 9, William Harrison, vị tổng thống tại nhiệm đúng một tháng; tuyên thệ ngày 4 tháng 3 năm 1841, qua đời ngày 4 tháng 4 năm 1841. Về phiếu đại chúng, Cleveland hơn Harrison gần 100.000. Nhưng Harrison được nhiều phiếu đại cử tri hơn Cleveland, 233 so với 168, Harrison đắc cử, trở thành tổng thống thứ 23 của Hoa Kỳ.

Tai tiếng chính trong cuộc bầu cử này, là nạn mua bán phiếu. Năm 1888, Benjamin Harrison cử luật sư William Dudley ỏ Indianapolis làm Thủ quỹ đảng Cộng Hoà (Treasurer of the Republican National Committee). Ông này đã viết thư cho các chủ tịch đảng mỗi quận ở Indiana, chỉ thị cho họ chuẩn bị kế hoạch mua phiếu.

Hồi ấy, cử tri Mỹ bỏ phiếu công khai. Mỗi đảng in phiếu bầu có tên ứng cử viên của mình, rồi phân phối cho cử tri thuộc đảng mình mang đi bầu. Ngoài những cử tri bầu theo đảng, còn những cử tri không ràng buộc với đảng nào, gọi là cử tri “thả nổi” (floaters). Những người này có thể bán phiếu, bằng cách nhận tiền rồi bầu cho người được yêu cầu.

Theo chỉ thị của Dudley, mỗi địa phương thành lập nhiều nhóm, mỗi nhóm năm người (“Ngũ nhân bang – Blocks of Five), do một người hướng dẫn tin cẩn đưa họ đi bầu, và quan sát để biết chắc họ bầu đúng. Ngân quỹ đảng hứa cung cấp đầy đủ cho việc này. Không may cho Dudley, phía Dân Chủ nắm được văn thư với chỉ thị mật, đã cho phổ biến rộng rãi vào thời gian trước bầu cử.

Điều đáng ghi nhận, là trong khi vận động tranh cử năm 1888, ứng cử viên Cộng Hoà Harrison đã luôn đề cao sự quan trọng của bầu cử tự do và công bằng. Ví dụ, qua diễn văn ngày 22 tháng 2 năm 1888 tại bữa tiệc ở Michigan Club, Detroit, Harrison đã tuyên bố, ”một lá phiếu tự do và bình đẳng là bảo đảm duy nhất cho an ninh và trường tồn của Quốc Gia” (a free and equal ballot the only guarantee of the Nation’s security and perpetuity).

Dudley cũng nổi tiếng về thành tích tố cáo gian lận bầu cử về phía Dân Chủ. Dù có bằng chứng cụ thể là lá thư nêu trên, ông không nhận mình đã tổ chức mua phiếu. Harrison thắng tại tiểu bang nhà Indiana, nhưng dù không thắng ở đây, vẫn đủ phiếu cử tri đoàn để đắc cử. Cleveland nhiều phiếu đại chúng hơn Harrison, nhưng thua ở tiểu bang nhà New York. Cleveland chịu thua, không kiện tụng. Về phần Đệ Nhất Phu Nhân trẻ đẹp, kém chồng tới 27 tuổi, Frances Cleveland, khi dọn nhà, đã căn dặn gia nhân Bạch Ốc bốn năm sau sẽ trở lại.

Bốn năm sau, Cleveland tái tranh cử với Harrison. Lần này, Cleveland thắng, là tổng thống duy nhất có hai nhiệm kỳ không liên tục. Và Harrison là tổng thống duy nhất vừa là kế nhiệm, vừa là tiền nhiệm của Cleveland.

Vì tai tiếng trong cuộc bầu cử 1888, thủ tục bầu cử tại Mỹ đã thay đổi, từ bỏ phiếu công khai, sang bỏ phiếu kín như hiện nay, để tránh việc mua bán phiếu.

Bầu cử 8-11-1960

– Ứng cử viên Dân Chủ: John F. Kennedy, Nghị Sĩ, Massachusetts.

– Ứng cử viên Cộng Hoà: Richard M. Nixon, đương kim Phó Tổng Thống, CA.

– Cần 269 phiếu cử tri đoàn để thắng. Lần đầu tiên Mỹ có 50 tiểu bang bầu cử.

– 15 phiếu cử tri đoàn bầu cho người không ứng cử: Nghị Sĩ kỳ thị Harry Byrd.

– Kennedy thắng; cả hai ứng cử viên chính đều có dưới 50% phiếu đại chúng.

Kết quả kiểm phiếu lúc đầu, vào tối 8 tháng 11 từ các nơi ở Đông Bắc, như Boston, New York City, Philadelphia, Pittsburgh, Cleveland, Detrois, Chicago, cho thấy Kennedy dẫn trước xa Nixon. Nhưng khi kiểm phiếu đến từ các vùng ngoại ô và nông thôn ở miền Trung Tây, và các tiểu bang dọc theo bờ biển miền Tây, phiếu của Nixon bắt đầu tăng, giảm bớt khoảng cách giữa hai người.

Trước nửa đêm ngày 8-11, New York Times, tờ báo lớn có khuynh hướng thân Dân Chủ, chạy tựa lớn, “Kennedy Elected President” (Kennedy Đắc cử Tổng Thống), trong khi cuộc kiểm phiếu vẫn tiếp tục, và tại nhiều tiểu bang, phiếu hai bên còn quá khít khao để có thể dự báo ai thắng, ai bại.

Mười hai năm trước, năm 1948, trong cuộc chạy đua giữa Tổng Thống Truman đảng Dân Chủ, với Thống Đốc New York đảng Cộng Hoà, Thomas Dewey, tờ báo thân Cộng Hoà Chicago Daily Tribune – CDT đã phạm một lỗi lầm ê chề không bao giờ xoá được. Tin tưởng vào các nguồn thăm dò dư luận, trước và trong ngày bầu cử, gới truyền thông tin chắc như đinh đóng cột, thế nào Dewey cũng thắng.

Ngay từ chiều ngày bầu cử 2 tháng 11, 1948, CDT đã chạy tựa khổng lồ “DEWEY DEFEATS  TRUMAN” (Dewey Đánh bại Truman) cho số báo phát hành đề ngày hôm sau. Đây mới thật sự là fake news, vì sáng hôm sau, Truman đã thắng. Truman, thay vì lớn tiếng tố cáo fake news, ông đã giữ tờ báo như một kỷ niệm vui, và mỗi khi nhắc tới chuyện này, giới truyền thông chỉ muốn độn thổ.

Fake news, nguồn vui bất tận của Harry Truman. Nguồn: Wikipedia

Trở lại cuộc bầu cử 1960, khi thấy phiếu của Nixon tăng lên, New York Times đã sợ đi vào nẻo đường ô nhục của CDT, nhưng Nixon đã không may như Truman, và NYT đã hú vía. Sau này, chủ quản (managing editor) của NYT là Turner Catlege, kể lại trong hồi ký rằng, ông ta đã hy vọng “một ông thị trưởng nào đó ở miền Trung Tây ăn cắp đủ phiếu để đẩy Kennedy qua lọt”.

Nixon lên tiếng vào sau nửa đêm mùng 8, giờ CA, sang ngày 9-11, vẫn chưa biết rõ kẻ thắng người bại, nhưng ông gợi ý Kennedy có thể thắng: “Nếu chiều hướng hiện tại tiếp tục, Nghị Sĩ Kennedy sẽ trở thành tổng thống Mỹ kế tiếp”. Tuy nhiên, giới truyền thông trong tình trạng khó xử, không biết loan tin theo hướng nào, khi nội dung phát biểu của Nixon không phải là lời nhận thua.

Sáng hôm sau ngày bầu cử, 9-11, Nixon viết trong hồi ký “RN”, ông thấy cách biệt giữa số phiếu của ông và Kennedy rất khít khao, trong khi nghe được nhiều chuyện gian lận bầu cử ở Chicago và Texas. Nghị Sĩ Dirksen hối thúc ông yêu cầu đếm lại phiếu. Nhưng sau khi suy tính, ông nghĩ:

“Một cuộc đếm lại phiếu bầu tổng thống có thể mất tới nửa năm, trong thời gian ấy, tính hợp pháp của cuộc bầu cử Kennedy sẽ có vấn đề. Ngoại giao Mỹ có thể bị ảnh hưởng tai hại. Tôi không thể đưa đất nước đến tình trạng như thế. Và đều gì sẽ xảy ra, nếu tôi đòi đếm lại phiếu rồi Kennedy vẫn thắng? Thành tích “thua cay cú” sẽ theo tôi trong lịch sử và tôi sẽ không còn cơ hội nào cho tương lai chính trị. Sau khi cân nhắc về nhiều yếu tố khác nữa, tôi đã quyết định gửi Kennedy một điện tín nhận thua” (RN: 224). 

Chiều ngày 9-11, sau khi Nixon chịu thua, Kennedy chính thức nhận thắng lợi.

Kennedy được 303 phiếu cử tri đoàn, Nixon được 219. Nhưng số phiếu đại chúng của hai người quá khít khao: tổng số phiếu bầu trên 68 triệu, Kennedy hơn Nixon chưa tới 120 ngàn phiếu, tỉ lệ 0.17%. Điều này khiến nhiều người, các nhà lập pháp Cộng Hoà, và cả giới báo chí, nghĩ rằng Kennedy đắc cử nhờ phiếu gian lận, nhất là tại những nơi nổi tiếng là “sào huyệt” Dân Chủ như Chicago, với bộ máy chính trị của thị trưởng Richard Daley; có cả sự cộng tác của các băng đảng tội phạm; và cứ địa Texas của Lyndon Johnson. Ngoài ra, dư luận còn nghi ngờ vai trò của Bố già Joseph Kennedy Sr., đã vung tiền mua phiếu cho con.

Nhưng vai chính là Nixon, ông đã quyết định không tố cáo gian lận, không kiện tụng. Qua diễn văn ba ngày sau bầu cử, Nixon tuyên bố không tranh cãi về kết quả bầu cử. Mặc dù viết trong hồi ký RN, ông biết rõ có gian lận bầu cử:

“Không  nghi ngờ gì về việc có phiếu gian lận đáng kể trong cuộc bầu cử năm 1960. Texas và Illinois gây ra phần lớn những thiệt hại, cũng như những thí dụ lộ liễu nhất. Thí dụ, tại một county ở Texas, nơi có 4895 cử tri ghi tên, nhưng số phiếu bầu lên tới 6138. Ở Chicago, một máy bầu ghi 121 phiếu, sau khi chỉ có 43 người bầu. Tôi thua tại khu vực (precinct) này. Nhà báo và chủ bút ở Washington, Benjamin Bradlee, một bạn thân của Kennedy, đã viết trong cuốn sách, Conversations with Kennedy, rằng Kennedy đã gọi Thị Trưởng Daley vào đêm bầu cử để xem tình hình ra sao ở Chicago, được nghe nói Daley đã trả lời: ‘Thưa Tổng Thống, với một chút may mắn và sự giúp đỡ của vài bạn thân, ông sẽ thắng ở Illinois’. (RN-224).

Tuy vậy, Nghị Sĩ Thruston Morton, người đứng đầu ban vận động tranh cử của Nixon, đã yêu cầu đếm lại phiếu từ 11 tiểu bang, điều này vẫn không làm thay đổi kết quả chung cuộc. Nixon còn yêu cầu các báo thân Cộng Hoà ở Chicago ngưng phổ biến loạt bài về gian lận bầu cử, vì theo ông, điều này không đưa đến kết quả nào, chỉ gây thương tổn cho danh tiếng nước Mỹ: “đặt vấn đề về kết quả bầu cử sẽ làm hại đất nước” (to question the results would harm the country).

Ông cho rằng, kiện tụng sẽ tạo khủng hoảng Hiến Pháp, khiến uy tín Mỹ bị thương tổn trước mặt thế giới, và xé nát đất nước thành từng mảnh. Ngoài ra, về phương diện cá nhân, ở tuổi 47, tương lai chính trị của Nixon còn dài. La lối om xòm, kiện tụng lung tung vì thua cuộc, là thành tích cay cú bất lợi khi tranh cử vào địa vị lãnh đạo trong tương lai.

Nixon đã ứng cử, và thất cử, thống đốc tiểu bang California năm 1962. Ông ứng cử tổng thống năm 1968, và đắc cử.

Bầu cử 7-11-2000

– Ứng cử viên Cộng Hoà: George W. Bush, Thống Đốc Texas.

– Ứng cử viên Dân Chủ: Al Gore, đương kim Phó Tổng Thống.

– Bush thắng, dù ít phiếu đại chúng hơn Gore, nhờ quyết định của TCPV.

Cuối ngày bầu cử, kết quả kiểm phiếu lúc đầu cho thấy Gore hơn Bush, nhưng về sau, số phiếu của Bush tăng lên. Khoảng một giờ sau khi phòng bỏ phiếu tại các tiểu bang miền Đông đóng cửa, các chuyên gia theo dõi kết quả tiên đoán Florida sẽ đóng vai trò quyết định, ai thắng ở đấy, sẽ đắc cử. 8 giờ tối ngày 7 tháng 11, các cơ quan truyền thông như CNN, NBC, ABC, NBC, CBS, FOX, cùng loan tin Gore thắng ở Florida.

Hai tiếng sau, 10 giờ tối cùng ngày, các hãng truyền thông đều rút lại kết quả tiên đoán trước về Florida. Đặt Florida trở lại tình trạng “chưa quyết định” (undecided).

2:30 sáng hôm sau, 8-11, với 85% phiếu Florida đã đếm, Bush hơn Gore trên 100.000 phiếu. Giới truyền thông loan báo Bush thắng Florida, và đắc cử. Gore gọi Bush chúc mừng, tuyên bố nhận thua.

Tuy nhiên, trong số 15% phiếu còn lại ở Florida chưa đếm, có phiếu của ba vùng rất đông cử tri Dân Chủ, Broward, Miami-Dade, và Palm-Beach, khiến phiếu của Gore tăng lên. Đến 4:30 sáng, Gore chỉ còn kém Bush 2.000 phiếu. Truyền thông rút lại tin Bush thắng. Gore cũng gọi Bush, rút lại tuyên bố nhận thua.

Sau đó là bắt đầu kiện tụng giữa hai bên, từ toà án Florida, Tối Cao Pháp Viện Florida, và sau cùng là TCPV Liên Bang.

Theo các sự việc (facts) được kể lại qua vụ Bush v. Gore từ TCPV Liên Bang:

Trong cuộc bầu cử năm 2000 giữa ứng viên Cộng Hoà George W. Bush và ứng viên Dân Chủ Al Gore, Floria báo cáo rằng Bush đã thắng ở tiểu bang này bằng 1.784 phiếu (tất cả cử tri đoàn của tiểu bang đã được chỉ định bầu cho ứng viên thắng). Vì số phiếu chênh lệch dưới nửa phầm trăm, luật Florida buộc tự động đếm lại bằng máy. Hai ngày sau, máy đếm cho thấy mức thắng của Bush giảm xuống chỉ còn 327 phiếu. Trong tình trạng này, theo luật Florida, một ứng cử viên có thể yêu cầu đếm lại bằng tay. Gore yêu cầu đếm bằng tay tại bốn county vốn có nhiều người thiên về Dân Chủ, là Volusia, Palm Beach, Broward và Miami-Dade.

Trong khi các nơi này khởi sự làm theo yêu cầu, họ bắt đầu quan tâm rằng họ có thể không làm xong đúng thời hạn tiểu bang đặt ra, là phải xong việc kiểm phiếu để Bộ Trưởng Ngoại Vụ chứng nhận trong vòng bảy ngày từ ngày bầu cử. Toà án Florida giữ đúng hạn chót này, nhưng cho phép các county sửa lại số phiếu của họ sau khi đếm lại. Toà cũng cho phép Bộ Trưởng Ngoại Vụ, “sau khi xem xét tất cả các sự việc có được và hoàn cảnh”, có quyền quyết định về việc nhận số phiếu được sửa sau vụ đếm lại trên toàn tiểu bang. Trước 5 giờ chiều hạn chót ngày 14 tháng 11, county Volusia đã hoàn tất việc đếm lại bằng tay, và chứng nhận kết quả. Đúng hạn chót, 5 giờ chiều 14 tháng 11, Bộ Trưởng Ngoại Vụ Florida, Katherine Harris, loan báo đã nhận được kết quả từ 67 counties, trong khi 3 counties Palm Beach, Broward và Miami-Dade, vẫn còn đang đếm bằng tay.

Bộ Trưởng Ngoại Vụ Florida, Katherine Harris, đưa ra tiêu chuẩn: các county muốn được nhận phiếu trễ hạn phải nộp cho bà trước 2 giờ chiều hôm sau, một văn bản giải thích lý do tại sao điều này là cần thiết. Bốn counties nộp bản giải thích. Bà thấy không có bản giải thích nào phù hợp với tiêu chuẩn do bà đã tự đặt ra để quyết định liệu việc chậm trễ có chấp nhận được không. Bà cũng loan báo rằng, sau khi nhận được chứng thực về kết quả số phiếu vắng mặt từ nước ngoài, bà sẽ chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống vào ngày 18 tháng 11. Tuy nhiên, ngày 17 tháng 11, TCPV Florida ra lệnh cho Harris không được chứng nhận kết quả bầu cử trong khi nhiều vụ kiện còn đang tiếp diễn. Ngày 21 tháng 11, Toà này cho phép tiếp tục đếm phiếu bằng tay, và gia hạn chứng thực cho đến ngày 26 tháng 11.

Ngày 26 tháng 11, hội đồng kiểm phiếu Florida chứng nhận Bush thắng ở Florida, hơn Gore 537 phiếu. Gore kiện, phủ nhận kết quả này, yêu cầu cho đếm lại 61.000 phiếu đã bị máy đếm loại vì nhiều lý do kỹ thuật. Toà dưới không đồng ý, nhưng TCPV Florida phủ nhận bản án của toà dưới, vào ngày 8 tháng 12 cho đếm lại bằng tay các phiếu trên toàn thể tiểu bang Florida. Phía Bush khẩn cấp kiện lên toà trên, hôm sau, 9 tháng 12, TCPV Liên Bang, với đa số 5-4, chấp nhận đơn yêu cầu tái thẩm của Bush, ra lệnh ngừng đếm và đồng ý nghe tranh luận (oral arguments) của luật sư đại diện cho Bush và Gore vào ngày 11 tháng 12.

Trong buổi tranh luận trước TCPV ngày 11 tháng 12, đại diện Bush là luật sư Theodore Olson cho rằng, việc kiểm phiếu lại ở Florida vi phạm khoản “Bảo vệ bình đẳng của luật pháp” (Equal Protection Clause) trong Tu Chính Hiến Pháp, vì Florida thiếu một chuẩn mực chung cho việc kiểm lại phiếu. Hai lá phiếu của hai cử tri có thể cùng chọn một ứng cử viên, nhưng khi được kiểm lại bằng tay, lá phiếu có thể được đếm tại county này do theo đúng điều kiện và được coi là phản ảnh ý định của cử tri, nhưng bị loại tại county khác vì không theo đúng thủ tục.

Đại diện của Gore là luật sư David Boies lý luận rằng, thật sự Florida đã có một chuẩn mục chung cho toàn tiểu bang, phù hợp với khoản “Bảo vệ bình đẳng”, là chuẩn mục “ý định của cử tri”. Tất cả mọi lá phiếu bầy tỏ được ý định của cử tri muốn bầu cho ai, đều có giá trị ngang nhau.

Phán quyết của Toà vào hôm sau, 12 tháng 12 năm 2000:

Với đa số 7-2, Toà đồng ý thủ tục không nhất quán cho việc kiểm phiếu bằng tay  tại mỗi county là vi phạm điều khoản bảo vệ bình đẳng. Bảy TPTC đồng ý là: Kennedy, O’Connor, Rehnquist, Scalia, và Thomas. Hai TPTC bất đồng là: Stevens và Ginsburg.

Với đa số 5-4, Toà quan niệm: Không có biện pháp hợp hiến vững chắc nào có thể hoàn tất việc kiểm phiếu an toàn trước hạn chót là ngày 12 tháng 12, nên cho ngừng đề nghị đếm lại. Quyết định: “Phán quyết của TCPV Florida bị lật ngược và vụ án trả về toà tiểu bang để xét xử lại” (Florida Supreme Court reversed and remand).

Phán quyết của TCPV Liên Bang có hiệu lực chấp nhận chứng nhận kết quả bầu cử tại Florida do Bộ Trưởng Ngoại Vụ Katherine Harris công bố ngày 26 tháng 11, theo đó, Bush thắng Gore 537 phiếu, được trao cho cả 25 phiếu cử tri đoàn của Florida. Với thắng lợi này, Bush có tổng cộng 271 phiếu cử tri đoàn, thừa một phiếu để đắc cử.

Tuy sau phán quyết reverse and remand của TCPV Liên Bang, trên lý thuyết Gore vẫn có thể mở lại vụ kiện ở toà tiểu bang, ông đã quyết định rút lui. Tối hôm sau, 13 tháng 12, từ văn phòng Phó Tổng Thống của mình, Gore nói qua truyền hình: “Bây giờ, TCPV Liên Bang đã lên tiếng. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong khi tôi mạnh mẽ bất đồng với quyết định của Toà, tôi chấp nhận thua cuộc”. Gore tiếp: “Tối nay, vì mục tiêu đoàn kết như một dân tộc và sức mạnh của nền dân chủ chúng ta, tôi xin chịu nhượng bộ” (Tonight for the sake of our unity as a people and the strength of our democracy, I offer my concession”. Gore cho biết ông mới gọi chức mừng Bush, và lần đầu tiên gọi Bush bằng danh xưng mới, “tổng thống đắc cử”.

TCPV và bầu cử 2020

Qua bốn cuộc bầu cử tổng thống có kết quả tranh cãi sôi nổi nhất trong lịch sử Mỹ, trong đó, Cộng Hoà thắng ba, Dân Chủ thắng một. TCPV không có vai trò gì trong hai vụ, 1888 với Benjamin Harrison, Cộng Hoà, và 1960 với John Kennedy, Dân Chủ. TCPV có vai trò quan trọng trong hai vụ, 1876 với Rutherford Hayes, và 2000 với George W. Bush, cả hai cùng Cộng Hoà. Có lẽ, TCPV như một cô đỡ “mát tay” với Cộng Hoà, nên Trump và những người phò Trump hy vọng TCPV sẽ tạo ra phép mầu, để giữ Trump tại Bạch Ốc thêm bốn năm nữa.

Phép màu bầu cử liệu có thành sự thật, hay cũng chỉ như phép màu Covid?

Tình hình hiện tại khá giống năm 1876: Cũng ứng cử viên tổng thống Cộng Hoà ít phiếu cử tri đoàn hơn ứng cử viên Dân Chủ. Cũng Thượng Viện đa số Cộng Hoà, Hạ Viện đa số Dân Chủ, và hai viện cũng kình chống nhau, chuyên bỏ phiếu theo đảng mình. TCPV cũng nhiều Cộng Hoà hơn Dân Chủ. Về phía dân chúng, cũng có hai phe phò Trump và chống Trump xuống đường đụng độ nhau ở nhiều nơi, như tại Washington D.C. vào Thứ Bảy 14 tháng 11. Nếu Trump nhất định không chịu đi, nếu vấn đề cuối cùng phải giải quyết tại Quốc Hội, hay TCPV, khó nói chắc kết quả sẽ ra sao.

Muốn biết vai trò TCPV trong cuộc bầu cử 2020 như thế nào, cần nhìn lại kỹ hơn vai trò TCPV trong hai cuộc bầu cử Cộng Hoà đã thắng trong các năm 1876 và 2000. Trong cuộc bầu cử 1876, TCPV chỉ có vai trò gián tiếp, không trực tiếp ra phán quyết; chỉ có 5 TPTC tham gia Uỷ Ban Bầu Cử, và 3 trong 5 vị này do Cộng Hoà đề cử, đã bầu theo 5 Nghị Sĩ và Dân Biểu Cộng Hoà, đồng ý trao tất cả số phiếu bị tranh cãi cho Hayes. Nhờ đó, ông ta đắc cử.

Trong cuộc bầu cử năm 2000, TCPV đóng vai trò quan trọng hơn. Khi thấy kết quả đếm lại bằng máy cho biết Bush chỉ thắng với 327 phiếu, Gore đã yêu cầu đếm lại bằng tay. Ông không đòi đếm trên cả tiểu bang, chỉ đếm tại 4 counties đông Dân Chủ.  Ngày 26 tháng 11, Bộ Trưởng Ngoại Vụ Florida, Katherine Harris chứng nhận Bush thắng với 537 phiếu. Gore đi kiện với lý do nhiều phiếu bị loại không chính đáng. Rồi TCPV Florida lại ra lệnh đếm lại bằng tay trên toàn tiểu bang. Bush kiện lên TCPV Liên Bang, yêu cầu ngừng đếm. TCPV Liên Bang lật ngược án lệnh cho đếm của TCPV Floria. Ngừng đếm, nghĩa là chứng nhận của Florida trong đó ghi Bush hơn Gore 537 phiếu, còn nguyên giá trị. Nhờ đó Bush thắng. Không phải TCPV đã cho Bush thắng, mà do kết quả kiểm phiếu.

Hai chục năm sau, Trump chỉ còn nhớ sự việc chính: Nhờ TCPV cho ngừng đếm, Bush đã thắng. Vậy, bây giờ muốn thắng như Bush, chỉ cần nhờ TCPV ra lệnh ngừng đếm phiếu. Sáng sớm sau ngày bầu cử, ở thời điểm này vào năm 2016, Trump đã biết mình đắc cử. Năm nay, trong tình trạng có vẻ sắp thua; những cơ quan truyền thông vẫn bị Trump xỉ vả là Fake News, như CNN hay New York Times đã thận trọng, không vội loan tin Trump thua.

Nhưng Fox News, bồ ruột của Trump, loan tin xấu đầu tiên: Biden 264 phiếu cử tri đoàn, trong khi Trump không nhúc nhích với 214. Cố vấn, rể của Trump gọi điện thoại cho chủ gốc của Fox, yêu cầu rút lại tin nản, nhưng không thành công. Trump mất bình tĩnh, vội tuyên bố vào 2:30 sáng 4 tháng 11, muốn ngừng đếm phiếu, để TCPV quyết định về kết quả bầu cử.

Với đa số bảo thủ 6-3 mới có được trong thành phần TCPV Liên Bang, có lẽ Trump nghĩ mình có thể thắng như Bush, và với thói quen tuyên bố bừa bãi, Trump đã viết trên Twitter, và nói “Tôi đã thắng”.  Ngay sau đó, ban vận động của Trump bắt đầu gây quỹ khoảng 60 triệu đô la, hầu đủ khả năng kiện tụng khắp nơi, để cuối cùng sẽ có một vụ Trump v. Biden, tạo cơ hội cho TCPV đưa thắng lợi đến cho Trump.

Ban vận động của Trump còn hô hào những người phò Trump chuẩn bị hàng ngũ, với cờ xí và khẩu hiệu sẵn sàng, đợi có lệnh là đồng loạt hành động gây áp lực. Hàng ngàn người phò Trump đã xuống đường ở Washington D.C. ngày 14 tháng 11, phải chăng lệnh này đã phát động?

Trump chỉ nghĩ tới thành phần đa số bảo thủ ở TCPV do công mình đã tạo được, mà quên một thực tế khác biệt. Năm 2000, TCPV cho ngừng đếm lại phiếu, khi phiếu của Bush tại Florida nhiều hơn Gore; tuy chỉ mong manh có 537 phiếu; nhưng đã đủ để Bush ẵm cả 25 phiếu cử tri đoàn tại đây để thắng cứ. Khi Trump đòi ngừng kiểm phiếu vào sáng 4-11, và nói mình đã thắng rồi, lúc ấy phiếu của Biden nhiều hơn của Trump, và chưa ai có đủ phiếu cử tri đoàn để thắng. Cho đến ngày 14 tháng 11, trong khi Biden hơn Trump năm triệu phiếu đại chúng, và đã thừa vài chục phiếu cử tri đoàn để thắng, Trump vẫn chỉ thấy con số 270 của mình trong mơ.

Năm 2000, Florida còn bầu cử theo kiểu chọc lỗ trên lá phiếu, cử tri dễ hiểu lầm lỗ nọ với lỗ kia. Và nhiều lỗ chọc không thủng hẳn, gây tình trạng phiếu lủng lẳng, phiếu mang bầu hay phiếu lúm đồng tiền (hanging chad, pregnant or dimpled ballot), là phiếu chỗ giấy bị chọc chưa rời hẳn ra, chỉ phình ra như bụng bầu, hay lủng vào một tí như lúm đồng tiền trên má. Những phiếu này, khi đếm bằng máy rất dễ bị loại. Vì thế, Gore đã kiếm được trên sáu chục ngàn phiếu bị loại, không phải vì có âm mưu gian dối, mà vì lý do kỹ thuật. Kiểu bỏ phiếu lỗi thời này không còn được áp dụng ở Florida nữa. Với kỹ thuật bỏ phiếu tân tiến ngày nay, không có bằng chứng cụ thể trong tay, Tổng Thống Mỹ la hoảng có gian lận bầu cử khắp nơi, uy tín Mỹ, ngọn hải đăng của nền dân chủ thế gới bị hại như thế nào, ai cũng thấy.

Trong hoàn cảnh hiện tại, muốn thắng, Trump phải tìm ra những vụ gian lận, hay sai sót, với bằng chứng cụ thể, khởi kiện từ cấp Quận, là toà xử án của liên bang (US District Courts). Tất nhiên, các toà này không chấp nhận xử những tố cáo vu vơ, hay “bằng chứng” chỉ là tin đồn. Nếu được xử, phán quyết của các toà cấp này sẽ được thượng tố lên cấp Phúc Thẩm Liên Bang (Circuit Courts of Appeals). Phán quyết của cấp này lại có thể thượng tố lên toà án cao nhất và duy nhất, TCPV Liên Bang (US Supreme Court).

Trong bốn năm làm tổng thống, với sự cộng tác tích cực của Nghị Sĩ Cộng Hoà Mitch McConnell, Trump đã mang vào hệ thống toà án liên bang, từ cấp Quận đến TCPV, khoảng một phần tư tổng số thẩm phán liên bang có khuynh hướng bảo thủ. Vài trăm thẩm phán này có sẵn sàng vô hiệu hoá hàng triệu phiếu của cử tri đại chúng, để đem lại mấy chục phiếu cử tri đoàn còn thiếu cho Trump đắc cử? Muốn vô hiệu hoá, trước hết phải có phiếu trong tình trạng bị tranh cãi, như 20 phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử 1876, và 61 ngàn phiếu đại chúng bị máy loại trong cuộc bầu cử 2000. Trong khi ấy, các viên chúc phụ trách bầu cử trong chính quyền Trump cho biết cuộc bầu cữ năm nay an toàn nhất. Không đủ phiếu tranh cãi có thể làm thay đổi kết quả bầu cử, lấy gì cho Trump đắc cử?

Những thẩm phán liên bang do Trump đề cử, họ có thể theo khuynh hướng bảo thủ, có thể thân Cộng Hoà, chắc chắn họ không phải là những người máy để Trump sai khiến. Thực sự là luật sư của Trump đã nộp nhiều đơn kiện tại các toà án cấp Quận, và phần nhiều đã bị bác đơn. Chỉ có một vụ về nhận phếu qua thư tại Pennsylvania sau ngày bầu cử đã lên tới TCPV, nhưng không đi tới đâu. Cử tri tại nhiều tiểu bang bầu cho Trump bốn năm trươc, nay đã bầu cho Biden. Cử tri thường còn nhìn thấy nhu cầu thay đổi. Chẳng lẽ các thẩm phán, có chuyên môn, học thức, với địa vị và tương lai bảo đảm, không nhìn thấy những gì cử tri thường đã thấy?

Riêng về thành phần TCPV Liên Bang, tuy Cộng Hoà đề cử đa số 6-3, nhưng không thể có chuyện đa số này cứ ra đại một phán quyết cho Trump đắc cử, là xong. Toà tối cao Mỹ không có thẩm quyền làm việc này. Hơn nữa, trong thành phần 6 người do Cộng Hoà đề cử, không phải lúc nào cũng quyết định theo khuynh hướng bảo thủ.

Người bảo thủ nhất hiện nay là Clarence Thomas, do Bush Cha đề cử, có Tối Cao Phu Nhân là Ginni Thomas, hoạt động rất tích cực trong các nhóm phụ nữ bênh vục Trump. Kế đó là Samuel Alito, do Bush Con đề cử năm 2005, ông này cực lực chống phá thai và hôn nhân đồng tính. Còn các vị khác, như Chủ Tịch John Roberts, cũng do Bush con đề cử năm 2005, nhưng là người đã từng cứu Obamacare, và đã cùng với Neil Gorsuch do Trump đề cử, đứng chung với bốn vị do Dân Chủ đề cử, bênh vực quyền lợi của LGBTQ.

Ba vị do bố con Bush đề cử, nhưng ngay từ 2016, bố con Bush đã không bỏ phiếu cho Trump. Vậy, không nên coi như Trump có thể nắm chắc 6 phiếu tại TCPV. Ngoài ra, những dị nghị không đẹp có liên hệ tới uy tín của TCPV qua các cuộc bầu cử năm 1876, và năm 2000, bây giờ vẫn còn được nhắc tới, và sẽ còn mãi trong lịch sử. Chẳng lẽ các TPTC ngày nay không thấy, và sẵn sàng tăng thêm thành tích đáng dị nghị?

Có lẽ cũng đã nhận ra con đường đắc cử theo Bush (con) quá hẹp, khó đi, sau một tuần vắng bóng, lên tiếng vào chiều Thứ Sáu 13 tháng 11 tại Bạch Ốc, lần đầu tiên Trump đã ngụ ý, thời gian sẽ cho biết ai là người cầm quyền trong tương lai. (Hopefully whatever happens in the future, who knows which administration it will be, I guess time will tell – theo WSJ).

Nhiều dự đoán có thể thành sự thật: Sau khi kết quả kiểm phiếu được chính thức xác nhận vào tháng tới, chính quyền Trump sẽ hợp tác với bộ phận chuyển quyền (transition team) của phía Biden, theo truyền thống và thủ tục luật định. Trump sẽ không chúc mừng Biden và chịu nhận thua, vì theo quan niệm của Trump, thua là thất bại, là hèn, là loser. Giống như John Adams năm 1801, Trump có thể bỏ Bạch Ốc ra đi trước, và không dự lễ tuyên thệ của tân tổng thống. Một người không chịu lớn, hành động như người lớn, là chuyện quá khó.

***

Tổng Thống Trump sẽ đại xá gà tây vào dip Thanksgiving? Ảnh trên mạng

Theo một truyền thống đã khởi sự từ thời Tổng Thống Lincoln vào năm 1863, một con gà tây (turkey) được khoan hồng (clemency) trong một buổi lễ tại Bạch Ốc vào dịp Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving). Nên đặt tên cho con Gà Tây sẽ được hưởng khoan hồng năm nay là Donald J. Trump. 

Tất nhiên, Tổng Thống Trump có đủ chính danh và quyền hạn hợp pháp ban lệnh khoan hồng, kèm theo văn bản hẳn hoi. Rồi chính ông sẽ giữ chứng cớ khoan hồng này, từ Tổng Thống Hoa Kỳ đại xá cho một sinh vật mang tên ông, như một văn kiện pháp lý, để phòng thân trong tương lai. Bảo đảm Free Turkey DJTsẽ không bao giờ đi kiện kẻ xử dụng ID của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.