Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Viết tiếp về dự án: Phá bỏ toà nhà 15 phố Cửa Bắc, xây trụ sở mới của EVN

Viết tiếp về dự án: Phá bỏ toà nhà 15 phố Cửa Bắc, xây trụ sở mới của EVN

MQ – Anh Tuấn
2-2-2020
Dự án đập bỏ toà nhà số 15 phố Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội (ảnh dưới) để xây trụ sở mới cho công ty Truyền tải điện 1 (Đơn vị cấp dưới, trực thuộc EVN, hạch toán phụ thuộc EVN) đã bị dư luận và chính cán bộ công nhân công ty phản đối quyết liệt. Bởi dự án sẽ gây lãng phí hàng trăm tỷ trong bối cảnh EVN đang nợ đầm đìa.
Nên nhớ, năm 2018, EVN đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 750 tỷ đồng, nợ chính phủ và các tổ chức tín dụng trong, ngoài nước tròm trèm 200.000 tỷ đồng. Khoản chênh lệch tỷ giá 3.090 tỷ vẫn treo lơ lửng trên đầu Nhân dân – những người dùng điện. EVN đang tìm đủ mánh khoé để nhồi vào giá điện 2020 và các năm tiếp theo. Mới đây thôi, trước mặt Thủ tướng, EVN vẫn kiến nghị chính phủ bảo lãnh để vay tiếp, để tháo gỡ khó khăn tài chính…Vậy mà các dự án lãng phí hàng trăm tỷ vẫn được EVN đầu tư không chút xót xa.
Toà nhà 15 phố Cửa Bắc (Diện tích đất gần 700 m2, xây 5 tầng kiên cố, sàn xây dựng gần 3000 m2) này vừa mới được EVN cấp kinh phí hàng chục tỷ đồng năm 2012 để nâng tầng, chỉnh trang trong, ngoài thành toà nhà làm việc hiện đại, có thang máy và hệ thống hạ tầng đồng bộ, tiện nghi. Cao điểm, toà nhà này có thể bố trí 250 cán bộ nhân viên cơ quan công ty truyền tải điện 1. Đến nay theo quy định của chính EVN, định mức chi phí số người được làm việc tại toà nhà này chỉ trên dưới 150 người. Có nghĩa hiện tại, đã đạt bình quân khoảng 20 m2/người. Thế đã quá sức rộng rãi, hoành tráng so với các cơ quan bộ ngành khác. Vậy đập bỏ toà nhà này, xây mới toà nhà 8, 9 tầng để làm gì? Mỗi người rồi sẽ được bố trí diện tích phòng làm việc theo tiêu chuẩn định mức nào? Ai đã duyệt chủ trương đầu tư?
Toà nhà này (số 15, phố Cửa Bắc, Ba Đình, Hà nội), dù mới được sửa sang, nâng cấp rất sang trọng, tiện nghi nhưng sẽ bị EVN đập bỏ trong nay mai để xây trụ sở mới. Ảnh: Anh Tuấn
Trao đổi với một lãnh đạo cấp cao Bộ Công Thương (xin được giấu tên), ông cho biết: Trước EVN trực thuộc Bộ Công Thương, việc đầu tư nhà xưởng, phương tiện, đặc biệt là đầu tư trụ sở được Bộ quản lý rất chặt. Theo đúng tinh thần quy định tại nghị định 152/2017/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc. Theo đó mức bình quân chỉ khoảng 7-15m2/người. EVN liên quan đến giá điện, rất nhạy cảm, nên bộ càng quản chặt hơn chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở. Nhưng từ khi EVN chuyển qua Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, thì vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Bộ nữa.
Lại hỏi người có trách nhiệm của Uỷ ban, được trả lời rằng do mới thành lập, nhiều việc chưa đi vào nền nếp nên xin phép được trả lời cụ thể sau. Nhưng nguyên tắc là thực hiện đúng quy định của nhà nước. Ai cho chủ trương sai, người ấy chịu. Uỷ ban sẽ rất nghiêm khắc trong phân định đúng sai của chủ trương đầu tư. Vậy là bâng khuâng, không biết rồi đây ai sẽ chịu trách nhiệm với hàng trăm tỷ này của người dùng điện.
Cơ quan công ty Truyền tải điện 1 làm việc tại 15 phố Cửa Bắc là thuận tiện cho người lao động. Khi chuẩn bị đầu tư toà nhà, công ty đã làm một việc khuất tất gây phẫn nộ trong đội ngũ cán bộ, nhân viên. Đó là trí trá trong đấu thầu, lựa chọn địa điểm thuê để làm việc tạm thời tại nơi rất xa so với trụ sở hiện nay. Được biết, trụ sở tạm đã được công ty truyền tải điện 1 đầu tư, trang bị gần chục tỷ nữa tại khu chợ Việt Hưng. Tìm hiểu thực tế tại khu chợ này, người dân và chính quyền sở tại phản ánh, đến nay giấy phép xây dựng và phương án phòng chống cháy nổ của cơ sở này vẫn chưa hoàn tất.
Năm 2019, khi rục rịch triển khai, dư luận trong, ngoài ngành phản ứng, dự án đã được tạm dừng. Cán bộ nhân viên phấn khởi vì tin rằng EVN đã biết lắng nghe dư luận. Chấm dứt việc đầu tư xây dựng trụ sở tốn kém hàng trăm tỷ đồng này. Nhưng nay, dự án lại đang được gấp rút thực hiện. Vậy xin hỏi EVN, chủ trương đập bỏ, xây mới toà nhà 15 phố Cửa Bắc (ảnh trên) dựa trên những căn cứ nào, theo định mức tiêu chuẩn về trụ sở làm việc nào của nhà nước hay của riêng EVN? EVN đã kiểm tra những dấu hiệu sai phạm trong toàn bộ quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, đầu tư nơi làm việc được thuê tạm tại chợ Việt Hưng của cấp dưới là công ty Truyền tải điện 1 mà người lao động đã phản ánh hay chưa? Có phải EVN và công ty Truyền tải điện 1 quyết tâm phủ định cái sai trước bằng cái sai sau, nghiêm trọng hơn khi bất chấp dư luận không.
EVN có gần nghìn công ty con, cháu như công ty Truyền tải điện 1. Chỉ cần một phần nhỏ trong số đó có khả năng chạy chọt dự án, bất chấp lãng phí, bất chấp mọi quy định của nhà nước thì gánh nặng nợ nần của EVN và thực chất là gánh nặng nợ nần của Nhân dân – người dùng điện sẽ ngày càng nặng nề hơn.
Mong giá điện tới đây có lời giải thích vì hiện tượng đầu tư trụ sở trăm tỷ kiểu này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.