Ngày nào không có tự do thông tin, ngày đó chính quyền vẫn còn “mắc dịch”
Y Chan
2-2-2020
Chủng virus corona mới xuất hiện ở Vũ Hán rốt cục từ đâu mà ra?
Đối với nhiều người, câu hỏi này không có vẻ gì quan trọng. Làm sao để không bị nó chui vào người đáng quan tâm hơn nhiều là biết nó từ đâu tới.
Nhưng đối với các nhà khoa học, các y bác sĩ đang chạy đua để khống chế cơn dịch, điều này lại cực kỳ hệ trọng, nếu không muốn nói là chuyện quan trọng nhất.
Không biết nguồn gốc đích xác, cùng với đó là cơ chế lây lan của dịch bệnh, người ta giỏi lắm sẽ chỉ có thể chữa các triệu chứng mà không cắt được căn nguyên. Các ca bệnh mới vẫn sẽ đua nhau xuất hiện. Chống dịch mà không biết căn nguyên cũng giống như chạy theo giặc lửa cứu những nơi cháy lan theo gió mà không biết được nguồn điểm hỏa của nó ở đâu để dập hoàn toàn.
Câu hỏi về nguồn gốc dịch bệnh vốn dĩ tưởng chừng đơn giản và đã được giải đáp từ những ngày đầu công bố dịch tại Trung Quốc, gần đây lại ồn ào lên với những thông tin mới.
Theo nghiên cứu đăng tải vào ngày 24/1/2020 trên tạp chí y học uy tín The Lancet, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện ra bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh không có mối liên hệ trực tiếp nào tới chợ hải sản Hoa Nam tại Vũ Hán – nơi được cho là nguồn khởi phát bệnh dịch. Trong 41 ca nhiễm bệnh đầu tiên được xác định, có 13 trường hợp không dính dáng đến khu chợ hải sản tai tiếng.
Phát hiện này khiến người ta không khỏi nghi ngờ những khẳng định trước đó của giới chức Trung Quốc về việc “hầu hết” các ca bệnh đều xuất phát từ chợ hải sản.
Nghi ngờ này lại khiến dư luận bắt đầu lật lại “thuyết âm mưu”, rằng dịch bệnh trên có thể là sản phẩm từ Viện Virus học tại Vũ Hán.
Liên tiếp những ngày sau đó, thuyết âm mưu này được đẩy lên cao trào qua các “bằng chứng” trên mạng xã hội rồi các trang web chuyên câu tin giật gân, được vô số nguồn trích dẫn lại.
Dù đã được chứng minh đó là những tin vịt, trộn lẫn giữa các tin có thật và suy đoán không căn cứ, cùng với việc các chuyên gia virus đầu ngành trên thế giới cũng lên tiếng bác bỏ khả năng này, thuyết âm mưu trên vẫn lan với tốc độ nhanh không kém hành trình lây lan của chính con virus.
Phải khẳng định lại một lần nữa, rằng cho tới thời điểm hiện tại, với những thông tin đã có được, việc buộc tội một phòng thí nghiệm khoa học là tác giả gây ra một đại dịch chết người, cho dù vô tình hay cố ý, chỉ là một thuyết âm mưu không hơn không kém.
(Còn nếu khẳng định với chỉ nhiêu đó thông tin là đủ để buộc tội người khác, thì thật ra bạn cũng là gà cùng một mẹ với những kẻ độc tài cộng sản, đều là những “phun gia” – chuyên gia “ngậm máu phun người”).
Nhưng nhiều người, cho dù biết đó là thuyết âm mưu, vẫn không khỏi lăn tăn về nó. Vì sao vậy?
Có hai lý do chính: thiếu thông tin và thiếu niềm tin.
Thuyết âm mưu, cho dù cái tên nghe “nguy hiểm”, thật ra cũng chỉ là một loại tin đồn, không hơn không kém. Cũng như các loại tin đồn khác, nó chỉ tồn tại được ở những khe tối, nơi ánh sáng sự thật không soi tới.
Ở những chính thể độc tài, mọi thứ tài nguyên quan trọng đều bị xem là thuộc “sở hữu nhà nước”, tức là do một nhóm người tự ý quyết định. Thông tin cũng là một loại tài nguyên quan trọng, cũng bị bóp nghẹt, ăn mòn và phá hoại như vậy. Ở những nơi đó, sự thật thường le lói ngắc ngỏm như ngọn đèn dầu.
Nếu là cách đây vài trăm năm, đèn dầu là đủ để người ta thấy sáng, thì ngày nay, không mấy ai còn hài lòng với thứ ánh sáng chân lý lập lòe đó.
Tất nhiên tin đồn tồn tại khắp nơi và từ xưa đến nay. Nhưng chính ở những chỗ nhập nhoạng, thiếu ánh sáng minh bạch của thông tin và tri thức, tin đồn mới được nhiều người tiếp sức và sống dai hơn hẳn những chỗ khác.
Thiếu thông tin, người ta phải bám víu lấy tin đồn.
Thiếu niềm tin, người dân thà tin vào những thứ vô căn cứ còn hơn liều mình để bị chính quyền độc tài tiếp tục dắt mũi.
Mọi nhà nước đều là đối tượng của đủ loại thuyết âm mưu.
Bộ Quốc phòng Mỹ từng bị tố cáo là tác giả sản xuất ra virus Ebola, gây ra đại dịch gần đây nhất ở Tây Phi vào năm 2014-2016, làm chết hàng chục ngàn người.
Nhưng rõ ràng không mấy ai tin vào điều đó.
Không phải vì chính quyền Mỹ đáng tin (dù bạn sẽ gặp vô số người Việt sẵn sàng tin mọi thứ từ Mỹ). Đơn giản vì người dân Mỹ có đầy đủ quyền lực, hoặc tự bản thân, hoặc thông qua những đại diện mình bầu ra, đòi hỏi minh bạch các thông tin cần thiết để làm rõ mọi nghi vấn.
Nếu người Mỹ nào vẫn còn chọn tin vào thuyết âm mưu, vào các tin đồn không căn cứ, thì đó phần nhiều là lựa chọn (sở thích) của chính họ.
Còn với người Trung Quốc hay người Việt Nam, khi phải bám lấy thuyết âm mưu, đó lại thường là lựa chọn bất đắc dĩ: họ không có nguồn thông tin nào khác đáng để tin vào.
Chính quyền độc tài cộng sản của Trung Quốc và Việt Nam vì vậy không có tư cách để trách người dân hăng say với tin đồn.
Chính họ, ngay từ khởi thủy khai sinh thể chế của mình, đã chọn đóng vai cậu bé chăn cừu nói dối, lừa dân hết lần này đến lần khác.
Hy vọng duy nhất của những nhà nước độc tài là người dân đừng bao giờ học khôn, tiếp tục để họ xỏ mũi mị óc càng lâu càng tốt.
Ngay trong đại dịch này, chính quyền Trung Quốc làm sao có tư cách trách người khác “nghĩ xấu” về mình khi họ che giấu dịch từ đầu (bất kể bài học thê thảm từ đại dịch SARS gần 20 năm trước)?
Việc Bắc Kinh liên tục từ chối đề nghị từ phía Mỹ, không cho các chuyên gia nước này đến hỗ trợ nghiên cứu dịch bệnh lại càng khiến người ta phải đặt dấu hỏi về tính minh bạch của họ.
Cho dù không có gì để giấu diếm, với thứ chủ nghĩa độc tài muốn kiểm soát mọi thứ, đặc biệt là bóp nghẹt tự do thông tin, trong mắt người dân họ mãi mãi là những kẻ “mắc dịch”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Khi thế giới đang ngày càng phải đối diện với những loại bệnh mới có cũ có, nguy cơ lây lan chết người theo cấp số nhân, thậm chí cấp lũy thừa, thì những ca “mắc dịch” như vậy mới chính là thứ đe dọa nhân loại nhiều nhất, còn hơn cả những con vi khuẩn hay virus.
Virus và vi khuẩn luôn luôn đi trước con người. Ngay cả khi chúng đã xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh, con người vẫn phải mất một khoảng thời gian mới phát hiện ra, và mất thêm nhiều thời gian tiếp theo để chạy đua chữa trị, càng nhiều thời gian hơn để tìm ra vaccine ngăn ngừa nó trở lại trong tương lai.
Trong cuộc chiến đó, thông tin không còn là vàng hay kim cương. Nó là sự sống.
Thông tin được công bố sớm hay trễ, được lan truyền đi nhanh hay giấu nhẹm thật kỹ, dù chỉ là một ngày, thậm chí một giờ, cũng sẽ thay đổi hoàn toàn số phận của hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu sinh mạng.
Trong cuộc chiến sinh tử đó, những cái đầu luôn muốn độc chiếm thông tin, bắt nhốt sự thật, đi ngược lại với dòng chảy tiến hóa của văn minh, nếu không chịu tự chữa, sớm hay muộn cũng bị toàn bộ cộng đồng hợp sức cô lập và đào thải.
Ngày nào không có tự do thông tin, ngày đó chính quyền, cùng những ai ủng hộ thứ não trạng độc tài đó, mãi mãi là những kẻ “mắc dịch”.
Mà đã mắc dịch thì chắc chắn sẽ bị thải loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.