Thứ Năm, 27 tháng 2, 2020

Da trắng – Da màu: Bài học lịch sử ở Mỹ…

Da trắng – Da màu: Bài học lịch sử ở Mỹ…

Phạm Thanh Giao
26-2-2020
Các cuộc truy lùng và vây bắt, bắt đầu trong lặng lẽ chỉ chưa đầy 48 giờ đồng hồ sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Lệnh được phát ra từ chính quyền của cố TT Roosevelt cho quân đội và cảnh sát truy lùng người nhập cư Mỹ gốc Nhật, với lý do được họ công bố là để bảo vệ an ninh cho Bờ Tây Hoa Kỳ. Chương trình truy lùng, bắt bớ và tống giam đã được sắp xếp thực hiện ngay từ những ngày đầu của tháng 1 năm 1942. 
Trong bản báo cáo từ phía chính phủ, thì họ cho rằng người Mỹ gốc Nhật phải được coi là một mối đe dọa đến nền an ninh nội bộ của Hoa Kỳ, cho dù phần đông người Nhật ở Mỹ lúc đó, hoặc là công dân Mỹ qua dạng nhập tịch hoặc là công dân Mỹ sanh ra trên đất Mỹ. Không có bất kỳ con số người Nhật nào nằm trong danh sách những kẻ phá hoại hoặc gây rối hoặc là gián điệp cho Nhật Bản.
Tuy nhiên, cái câu tuyên bố của tướng phụ trách bảo vệ bờ biển phía Tây của Hoa Kỳ, ông John DeWitt đã nói lên cái nhìn của chính phủ thời đó: “Một người Nhật thì vẫn là một người Nhật. Họ vẫn là một yếu tố nguy hiểm, chẳng cần biết có trung thành hay không – A Jap’s a Jap. They are a dangerous element, whether loyal or not”.
Tháng Hai năm đó, tổng thống đương thời, Franklin D. Roosevelt đã ký Sắc Lệnh Hành Pháp mang số 9066, trao quyền cho tướng DeWitt, ban hành các lệnh càn quét truy lùng người Mỹ gốc Nhật ở các tiểu bang California, Oregon, Washington và Arizona, bắt toàn bộ những người nhập cư gốc Nhật, bao gồm luôn cả con cái của họ, là những công dân Hoa Kỳ khi được sanh ra ở Mỹ. Hình ảnh những người Mỹ gốc Nhật này bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, rời bỏ các cửa hàng thương mại, các trang trại, và những chiếc thuyền đánh cá của họ mà họ làm chủ còn được lưu trữ ở khắp nơi trên đất Mỹ.
Trong nhiều tháng sau đó, họ bị buộc phải cư ngụ, phải sinh sống trong “các trung tâm dã chiến, lắp ráp cấp bách và tạm bợ” của chính quyền, hoặc bị đưa vào các trại nuôi ngựa hoặc ở các khu tổ chức hội chợ (fairgrounds) của các tiểu bang này. Sau đó, họ “được chuyển đến mười trung tâm tái định cư”. Đây là các trại tập trung hoang sơ của người Hồi Giáo, được xây dựng trong các khu vực xa xôi, cô lập thuộc miền Tây hoang vu của Hoa Kỳ và một phần của tiểu bang Arkansas.
Chính quyền Roosevelt đã ban hành luật lệ cai quản rất đơn giản và rõ ràng: Những trại tập trung này sẽ được bảo vệ bằng vũ trang súng ống, có quân đội canh gác, bao bọc bằng dây kẽm gai, và được điểm danh hàng ngày.
Nói tóm lại, những sinh hoạt ở các trung tâm tái định cư này, không khác gì ở bất cứ trại tù, ở bất kỳ trại tập trung nào là mấy. Nhiều thập niên sau, những người Mỹ gốc Nhật được trả về sau chiến tranh, vẫn còn bị khủng hoảng khi hồi tưởng lại những ngày tháng ở những trại tập trung đó về cái lạnh [mùa Đông], về sức nóng [mùa Hè], gió, bụi và nhất là sự cô lập với thế giới bên ngoài mà họ không hề có một tí tin tức nào.
Trong Thế Chiến Thứ Hai, người Mỹ nước Mỹ đã phải đối mặt với 3 kẻ thù phe trục trên các mặt trận: Đức, Ý và Nhật. Tuy vậy ở Mỹ, dân số nhập cư mang gốc Đức và gốc Ý đông hơn dân số nhập cư mang gốc Nhật gấp cả hàng chục lần.
Thế nhưng, Chính quyền Mỹ lại không hề coi người dân nhập cư Mỹ gốc Đức hoặc gốc Ý là kẻ thù nguy hiểm và phải truy lùng để nhốt vào trại tập trung như người Mỹ gốc Nhật.
(There was no wholesale incarceration of U.S. residents who traced their ancestry to Germany or Italy, America’s other enemies.)
Không ngừng ở đó, sau khi được trả về cố quán, người Mỹ gốc Nhật vẫn còn phải đối mặt với làn sóng thù địch của dân địa phương, khi họ cố gắng trở lại với cuộc sống cũ như trước đó. Phần đông những người dân Mỹ gốc Nhật khi trở về, mới phát hiện ra rằng, tài sản của họ đã bị tịch thu vì đã không trả thuế cho chính phủ “Trong thời gian thọ án” ở các trại tập trung, nhiều tài sản khác của họ bị chiếm đoạt trong thời gian họ bị nhốt.
Bên cạnh đó, khi những người Mỹ gốc Nhật này bắt đầu lại cuộc sống của họ, họ đã phải cố gắng giấu kỹ cái cảm giác mất mát và bị phản bội bằng cụm từ tiếng Nhật: Shikata-ga-nai – Không thể khác hơn được. Phải mất nhiều chục năm sau đó, những người làm cha mẹ này mới có thể kể lại cho con cái họ nghe những gì đã xảy ra cho họ và những gì đã xảy ra ở các trại tập trung này.
Bởi thế, chẳng lấy gì làm lạ, khi người Trung Quốc nói riêng và người Á Châu Da Vàng nói chung, trong đó có người Mỹ gốc Việt, đã, đang và sẽ phải đối mặt với sự kỳ thị do dịch COVID-19 gây rachẳng trốn đi đâu được.
Rủi vì bất cứ lý do gì, mà dịch Covid-19 trở thành đại dịch trên đất nước này, khiến cho con số nhiễm bịnh lên đến vài chục hay vài trăm ngàn, hoặc tồi tệ hơn nữa, dẫn đến con số tử vong ở Mỹ lên vài ngàn, hay vài chục ngàn, thì sẽ ra sao nhỉ?
Lúc đó, việc chính quyền Donald Trump cho xây dựng cấp kỳ vài ngàn cái “Trại Tập Trung Để Cách Ly” người Á châu chắc chắn là điều có thể và bảo đảm là sẽ nhận được sự cổ võ của đa số dân Da Trắng.
Dân Mỹ gốc Á châu lúc đó sẽ phải đối mặt với làn sóng thù địch của dân địa phương là điều không thể tránh khỏi – Bây giờ thì chưa đâu!
Covid-19 thì ăn thua gì. Con vi khuẩn Kỳ Thị Màu Da và Sắc Tộc của người Da Trắng ở Mỹ mới vô cùng nguy hiểm, nó chẳng bao giờ bị tận diệt hoặc biến mất. Khi bị đè nén, thì nó chỉ nằm ẩn ở đó, chờ cái mầm bệnh MAGA của Donald Trump tác động và tiếp máu cho nó sống lại, để rồi nó sẽ bùng phát mạnh mẽ hơn bao giờ. 
***
Câu chuyện lịch sử của dân Mỹ gốc Nhật thuở đó, đã khiến tôi phải suy nghĩ nhiều về những liên quan mật thiết giữa hai giai đoạn lịch sử, của người Nhật vào năm 1941 và cái Travel Ban, cũng như Bức Tường của Donald Trump vào thời điểm năm 2017.
Để khơi dậy lòng căm thù của đám đông với Chủ Trương Yêu Nước nhằm trục lợi, Hitler đã dùng người Do Thái như những “con dê tế thần”. Cũng vậy, Roosevelt đã dùng người Nhật làm lễ tế và đến hôm nay, Donald Trump bắt buộc cũng cần phải có những con dê để làm lễ vật, những con dê da màu.
Phải chi năm 1941 ông Roosevelt nhìn người nhập cư Mỹ gốc Đức nguy hiểm cho nền an ninh quốc gia như đã nhìn người nhập cư gốc Nhật: “Một người Đức thì vẫn là một người Đức. Họ vẫn là một yếu tố nguy hiểm, chẳng cần biết có trung thành hay không” …
Thì không biết gia đình ông 🍊 kia tự hào là có gốc Đức đã ra sao nhỉ?
À mà câu hỏi quả là thừa thãi vì dân Da Màu làm sao có cửa để so sánh được với người Da Trắng và nhất là làm sao có thể thay đổi được cái bản chất kỳ thị luôn ẩn nấp sẵn trong đầu họ?
Chẳng lẽ người ta lại ngây thơ đến độ không biết được điều đó hay sao? Cái bảng to tổ bố của một người Nhật “I am an American” ở Oakland năm 1942 đã không cứu được ông ta, thì chẳng lẽ người Mỹ gốc Việt Cứ Đội Lên Đầu Cái Mũ MAGA là thoát được?
Phóng viên ảnh Dorothea Lange chụp năm 1942.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.