Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

Ký sự pháp đình: Bản án lương tâm vẫn hơn ghẻ lạnh nhà tù

Ký sự pháp đình: Bản án lương tâm vẫn hơn ghẻ lạnh nhà tù

Thanh Nhã
26-2-2020
Tôi nhớ như in phiên tòa mùa hè năm 2005, tức là gần tròn 15 năm trước ở TP.HCM. Đó là phiên tòa xét xử vụ kỳ án đốt nhà, giết người ở quận Gò Vấp.
Gọi kỳ án bởi vụ án diễn ra vào năm 1993, kéo dài đến hết một con giáp. Bị cáo là bà U. Khi các chứng cứ không đủ buộc tội, vị thẩm phán đã thốt lên những lời chuẩn mực của tố tụng:
– Hội đồng xét xử không thể buộc tội bị cáo. Theo các quy định của pháp luật, bị cáo được vô tội. Tuy nhiên, bị cáo hãy nhớ, còn có một phiên tòa khác trong lương tâm bị cáo. Lương tâm, cái chết thảm của nạn nhân sẽ là vị quan tòa nghiêm khắc nhất của đời người…
Tôi rời phiên tòa đầy những trắc ẩn ấy! Khi ấy, tôi là phóng viên trẻ mới vào nghề! Tôi tự hỏi, có thật là lương tâm tồn tại ở đời và ở chốn pháp đình? Có thật là mọi tội ác đều phải có hình phạt như những trang tiểu thuyết đầy ám ảnh của Dostoievski…
Càng bám vào nghề báo, lại gắn chặt với pháp đình, tôi thẫn thờ cho cái gọi là lương tâm! Hàng loạt vụ đại án, các bị cáo là quan chức chối tội, đổ vấy cho nhau hòng tìm lối thoát. Hàng trăm đại ca hả hê nhận án sau khi đã xuống dao đoạt mạng kẻ thù. Cũng có không ít cô gái trẻ phũ phàng ca axit vì gã nhân tình tàn ác với hàng mi ráo hoảnh nơi vành móng ngựa…
Cho đến hôm nay, tôi đọc được bản tin về Trương Huy Định, kẻ cắp tài sản của người đàn ông Nhật Bản rồi hối hận trả lại cho công an. Sau đó đi đầu thú!
Tôi đã tin, ở đời có tòa án lương tâm, dù hiếm hoi!
Theo cáo trạng, Định có kế hoạch khá chi tiết cho việc trộm, như: Leo cửa sổ, lấy tài sản, mặc quần áo của nạn nhân, ra sân bay đi nước ngoài…
Những mốc thời gian liên tiếp của vụ án khiến tôi chú ý: Định lấy tài sản ngày 7/1, ngày 8/1 trả lại, ngày 9/1 ra đầu thú. Tôi tự hỏi, một tên trộm chuyên nghiệp có thể nào ăn năn nhanh vậy không?
Thế rồi tìm hiểu thêm, Định có vốn tiếng Nhật khá, từng đi xuất khẩu lao động, làm thêm ở cửa hàng thức ăn Nhật… Vậy việc trộm cắp tài sản chỉ là lòng tham nhất thời. Định nói đó cái giá phải trả cho lòng tham…
Trộm cắp tài sản có tội danh và khung hình phạt quy định tại điều 173 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, giáo trình dạy luật định nghĩa là: “Tội trộm cắp tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó một cách lén lút, nhằm không cho chủ quản lý tài sản biết có việc chiếm đoạt xảy ra”.
Tòa án đã nhận định không sai khi căn cứ vào các tình tiết, chứng cứ để tuyên phạt Định 3 năm tù giam.
Có lẽ các vị thẩm phán cũng từng được học giống nhau, rằng pháp luật ngoài việc răn đe, phòng ngừa chung còn có tính năng giáo dục. Vận dụng pháp luật sẽ như làm một khu vườn. Với loài cây dại, cỏ độc thì cần thiết loại bỏ, nhưng một mầm xanh vì đôi chỗ sâu rầy, người làm vườn có thể vun dưỡng trở lại, thay vì loại bỏ.
Luật cho phép với bản án 3 năm tù giam, hành vi phạm tội ít nghiêm trọng thì bị cáo có thể hưởng án treo. Thậm chí với các tình tiết giảm nhẹ, quan tòa còn toàn quyền xử bằng mức phạt ở khung 1, miễn không thấp hơn khung liền kề đó.
Khoản 1, điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 có hình phạt cái tạo không giam giữ (án treo) đến 3 năm.
Phiên tòa của mùa hè 2005 đã vĩnh viễn khép lại. Tôi vẫn mong có một phép màu đến từ cấp tòa cao hơn đó là xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Để từ đó cho Định hưởng bản án khoan hồng hơn, có cơ hội chữa chứng bệnh teo cơ và chăm sóc mẹ già!
Nhân vật Raskonikov trong “Tội ác và Trừng phạt” của đại văn hào Dostoievski bị toà án lương tâm giày vò bên sóng Vonga với người yêu bé bỏng. Bà U. năm xưa cũng đã yên phận…
Và tôi mong một kẻ biết trả lại tài sản, biết đầu thú để trả giá cho hành vi của mình sẽ được nhận lại yêu thương nhiều hơn sự ghẻ lạnh của nhà tù!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.