Đồng Bằng Sông Cửu Long, chuyên gia và… Bộ Chính Trị
Tuần rồi, chính quyền tỉnh Cà Mau kêu gọi các chuyên gia giúp tìm đường thoát: Thiếu nước tưới, nông dân phải bỏ hoang 18.000 héc ta đất trồng lúa. 42.000 héc ta rừng đang khô héo. Số điểm sụt, lún đã vượt quá mức 1.000 trong đó có nhiều tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã,… tổng chiều dài các đoạn đường có bề mặt đột nhiên sụt, lún là 21,6 cây số.
Không chỉ có đường, nhiều đoạn kênh, rạch, đê ngăn nước mặn cũng bị sụt, lún, biến dạng. Ngoài ra, hiện có 20.500 gia đình thiếu nước ăn uống, tắm giặt… Đặc biệt đáng ngại khi thiệt hại chưa ngừng ở đó mà sẽ tăng nhanh và cao hơn khi hạn hán càng ngày càng nghiêm trọng (1)!
Tình trạng vừa kể không chỉ xảy ra ở Cà Mau mà là thực trạng chung của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Gần đây, cứ tới mùa khô, mực nước của hệ thống sông, rạch ở ĐBSCL tụt xuống, nước mặn từ biển lại tràn vào thế chỗ nhưng năm nay, phạm vi xâm nhập của nước mặn vào khu vực ĐBCSL đã vượt qua mức 100 cây số!
Tổng cục Thủy lợi của Bộ NN PTNT loan báo, mùa khô năm nay, nước mặn xâm nhập ĐBSCL xảy ra sớm hơn, sâu hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016 (vốn đã được cho là chưa từng có). Thậm chí mọi thứ có thể sẽ tồi tệ hơn nữa do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu và thượng lưu sông Mekong bị chặn để khai thác thủy điện!
***
Nhìn một cách tổng quát, tương lai của ĐBSCL – nơi cư trú của khoảng 17 triệu người – càng ngày càng ảm đạm. Khu vực có diện tích khoảng 40.500 cây số vuông từng nổi tiếng vì sự phong phú của đủ loại sản vật tự nhiên, từng là vựa lúa cung cấp tới 90% lượng gạo xuất cảng, 60% lượng thủy sản xuất cảng, giữa thập niên 2010 còn đạt tốc độ tăng trưởng 7,8%, vượt xa tốc độ tăng trưởng chung của Việt Nam (6,8%) đang tuột từ từ xuống đáy vì cơ hội sinh tồn, phát triển giảm dần. Bởi càng ngày càng khó sống, càng ngày càng nhiều cư dân ĐBSCL bỏ xứ tha hương. Từ giữa thập niên 2010, tỉ lệ tăng dân số cơ học (mức chênh lệch giữa xuất cư và nhập cư) của ĐBSCL luôn luôn là âm.
Một số chuyên gia ước đoán, trong mười năm từ 2008 đến 2018, có khoảng 1,7 triệu cư dân ĐBSCL ly hương. Nói cách khác, môi trường sống biến đổi theo hướng khắc nghiệt hơn, cơ hội thoát khỏi nghèo đói càng ngày càng nhỏ hơn là lý do chính khiến mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 24.000 dân và con số này càng ngày càng tăng (2).
Đáng ngạc nhiên là tác động của biến đổi khí hậu, của việc khai thác thượng nguồn sông Mekong làm thủy điện đến tương lai của ĐBSCL đã được cảnh báo từ đầu thập niên 2010 (3) và được minh họa rõ ràng hơn qua đợt hạn hán chưa từng thấy vào mùa khô 2015 – 2016 ở ĐBSCL nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ ban hành… nghị quyết!
Nghị quyết 120/NQ-CP được công bố hồi cuối năm 2017 nhằm giúp ĐBSCL “phát triển bền vững”, giúp khu vực này “thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu” giống như một họa phẩm trên giấy, ĐBSCL tiếp tục được sử dụng như một thứ công cụ giúp hệ thống công quyền có thể đạt các chỉ tiêu tăng trưởng do hệ thống chính trị đề ra. Vì chỉ khai thác và đầu tư theo kiểu nhỏ giọt, ĐBSCL trở thành khu vực thiếu thốn đủ thứ, từ hạ tầng giao thông đến cơ hội giáo dục, chăm sóc y tế… Mức thu nhập trung bình tính theo đầu người/năm ở ĐBSCL chỉ dao động trong khoảng từ 80% đến 85% so với mức thu nhập trung bình tính theo đầu người/năm của Việt Nam.
Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm 2017, trong năm năm từ 2010 đến 2015, Việt Nam đã chi 850 tỉ để thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”. Đến cuối năm 2015, Quốc hội Việt Nam “nhất trí”, từ 2016 đến 2020 sẽ chi thêm 193 ngàn tỉ đồng nữa để… tiếp tục thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”! Chương trình “xây dựng nông thôn mới” đã dựng lên vô số cổng chào, bưu điện trung tâm, chợ,… ở vài ngàn xã. Dù chính quyền của 53/63 tỉnh, thành phố thi nhau kêu gọi đầu tư, xây dựng đủ thứ “trời ơi, đất hỡi” theo “tiêu chuẩn nông thôn mới”, cuối 2017 vẫn còn 15.277 tỉ đồng chưa thể thanh toán nhưng tiền giúp ĐBSCL “phát triển bền vững” thì không!
ĐBSCL có thể “thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu” khi bề mặt sụt, lún, nước biển dâng, hạn hán, không thể chủ động khi thượng nguồn Mekong bị các công trình thủy điện chặn nguồn nước chảy xuống hạ lưu? Từ những trường hợp như Hà Lan, Israel,… các chuyên gia khẳng định là có nghiên cứu kỹ lưỡng, suy tính cẩn thận để xác định giải pháp phù hợp. Chẳng hạn muốn hóa giải tác hại của sụt, lún bề mặt thì phải cấp đủ nước, ngưng khai thác nước ngầm, thay đổi cả tư duy lẫn cách thức qui hoạch trong nhiều lĩnh vực (4),…
Vấn đề nan giải nhất không nằm ở những biến đổi trong tự nhiên mà nằm trong đầu từng thành viên… Bộ Chính trị, thành viên chính phủ, chính quyền các địa phương. Làm sao có thể “phát triển bền vững” khi viễn kiến của những cá nhân có thẩm quyền quyết định chỉ chạm đến thời điểm… cuối nhiệm kỳ và vì vậy chỉ chọn những giải pháp có lợi nhất cho chính cá nhân mình? Làm sao có thể giúp ĐBSCL “thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu” khi tất cả mọi thứ vẫn chỉ phụ thuộc vào những cá nhân có thẩm quyền lựa chọn – phê duyệt giải pháp nhưng chỉ biết “kinh tế chính trị Mác – Lenin”, thạo “Xây dựng đảng” và thuộc “Lịch sử đảng”?…
Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Bùi Trinh – một chuyên gia kinh tế – vừa mới cảnh báo: “Đồng bằng sông Cửu Long ốm thì cả nước cũng yếu” (5) kèm theo khá nhiều dẫn chứng. Giữa lúc ĐBSCL đang trải qua giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” nhưng dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ bận tâm đến chuyện làm sao để COVID-19 không ảnh hưởng đến khả năng đạt “chỉ tiêu tăng trưởng” đã được đề ra cho năm nay, nên ông Trinh mới lưu ý, môi trường ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nếu chỉ lao vào tăng trưởng GDP sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về môi trường từ đó ảnh hưởng ngược lại đến niềm say mê GDP.
Tương lai của ĐBSCL nói riêng, tương lai của Việt Nam nói chung khiến người ta mong các viên chức hữu trách sẽ tỉnh ra, ngộ được đâu là chính, đâu là phụ, ở vị trí lãnh đạo quốc gia, dân tộc nên xem cái gì là ưu tiên hàng đầu nhưng trước giờ, những phân tích, cảnh báo như phân tích, cảnh báo của ông Bùi Trinh không phải là ít và dù hết sức rõ ràng, những phân tích, cảnh báo ấy vẫn chỉ như những cơn gió thổi qua một căn nhà trống!
Thành ra mong thì cứ mong, còn… thở nên còn … hy vọng dẫu không chắc các thành viên Bộ Chính trị, lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Quốc hội, thành viên chính phủ,… có khả năng hiểu được những điều vốn hết sức đơn giản đó!
Chú thích
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.